TTCT - Cuộc gặp tham vấn các nguyên thủ Trung Á - tức Hội nghị thượng đỉnh các nước Trung Á - lần thứ tư diễn ra các ngày 20 và 21-7 tại thành phố Cholpon-Ata (Kyrgyzstan). Cuộc gặp tham vấn các nguyên thủ Trung Á - tức Hội nghị thượng đỉnh các nước Trung Á - lần thứ tư diễn ra các ngày 20 và 21-7 tại thành phố Cholpon-Ata (Kyrgyzstan) kết thúc với một hiệp định chỉ được 3/5 nguyên thủ ký vào.Các lãnh đạo Trung Á tại thượng đỉnh 2022 ở Cholpon-Ata của Kyrgyzstan. Từ trái sang: các Tổng thống Berdimuhamedov (Turkmenistan), Mirziyoyev (Uzbekistan), Zhaparov (Kyrgyzstan), Rahmon (Tajikistan), và Tokayev (Kazakhstan). Ảnh: SputnikCuộc họp tham vấn đầu tiên của nguyên thủ các nước Trung Á được tổ chức tại Nur-Sultan (Kazakhstan) năm 2018. Một năm sau, cuộc họp thứ hai diễn ra ở Uzbekistan và năm 2021 ở Turkmenistan.Trước cuộc gặp ở Cholpon-Ata năm nay, Bộ Ngoại giao Kazakhstan đăng bài viết về thỏa thuận đang được chuẩn bị với nhan đề: "Về việc ký kết hiệp định giữa Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan về tình hữu nghị, láng giềng tốt và hợp tác vì sự phát triển của Trung Á trong thế kỷ 21". Bài viết có đoạn: "Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, căng thẳng trên trường quốc tế…, hợp tác ngày càng sâu rộng ngày càng trở nên quan trọng… Các biện pháp đang được thực hiện nhằm xây dựng mối quan hệ tin cậy, đảm bảo sự phát triển bền vững của khu vực, tăng cường ổn định và an ninh cũng như thúc đẩy các vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia trong khu vực trên các nền tảng quốc tế khác nhau".Trung Á không bình yênNhững diễn biến gần đây ở Trung Á cho thấy một nền hòa bình lâu dài ở khu vực này vẫn chưa được đảm bảo, sự chia rẽ quốc gia và chủ nghĩa bài ngoại cực đoan là những yếu tố tiềm ẩn gây bất ổn, cùng chủ nghĩa Hồi giáo.Ngay đầu tháng 7, bạo động vũ trang và biểu tình đã nổ ra ở Karakalpakstan - cộng hòa tự trị dân cư thưa thớt nhưng rộng lớn, chiếm gần một nửa lãnh thổ Uzbekistan, khiến 18 người chết, gồm 14 thường dân và 4 cảnh sát, và hàng trăm người bị thương. Tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm đã được ban bố trong khu vực. Bạo động nổ ra do những nỗ lực của Tashkent nhằm xóa bỏ quyền tự trị của người Karakalpak, và chỉ được giải quyết khi đích thân Tổng thống Shevkat Mirziyoyev đến Nukus (thủ phủ Karakalpakstan) một ngày sau với đề nghị bảo đảm chủ quyền Karakalpak trong hiến pháp. Phát biểu tại cuộc tham vấn, ông Mirziyoyev thừa nhận: "Thật không may, những sự kiện bi thảm gần đây ở Uzbekistan đã khẳng định sự hiện diện của các thế lực phá hoại đang cố gắng phá vỡ kế hoạch của chúng tôi, gieo rắc hỗn loạn và bất ổn trong khu vực". Ông đồng ý với đề xuất tổ chức các cuộc tham vấn thường xuyên giữa các hội đồng an ninh và cơ quan tình báo các nước trong khu vực.Ở nước láng giềng Tajikistan cũng có một khu tự trị dân tộc - Gorno-Badakhshan, khá giống Karakalpakstan. Cả hai đều là những lãnh thổ rộng lớn nhưng lại ít người - 2 triệu người ở Karakalpakstan (trong 36 triệu dân của Uzbekistan), và 220.000 người ở Badakhshan (trong 9 triệu dân Tajikistan). Bạo loạn và những cuộc đọ súng lớn cũng đã nhấn chìm Badakhshan vào mùa thu năm ngoái.Còn tại Kazakhstan đầu năm nay, hơn 200 người đã thiệt mạng trong các cuộc bạo động do tăng giá khí đốt, khiến Nur-Sultan phải mời lực lượng an ninh do Nga dẫn đầu đến giúp khôi phục trật tự.Hai năm qua ở 4 nước Trung Á Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, chi phí sinh hoạt gia tăng, điều kiện sống khó khăn hơn do đại dịch COVID-19, hạn hán nghiêm trọng, khiến những bất ổn chính trị càng thêm gay gắt.Giữa các quốc gia Trung Á cũng tồn tại nhiều vấn đề. Tajikistan và Kyrgyzstan bất đồng do tranh chấp đồng cỏ, nguồn nước, buôn lậu và buôn bán ma túy - từng nổ ra các cuộc giao tranh ở biên giới có sử dụng thiết bị hạng nặng. Tại thượng đỉnh Cholpon-Ata, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev kêu gọi các đồng sự tìm mọi cách để loại bỏ các nhân tố gây bất ổn trong khu vực. Ông nhấn mạnh: "Mỗi phát súng ở biên giới các nước vang lên không chỉ ở các quốc gia liên quan mà còn trong toàn khu vực. Trong điều kiện khủng hoảng hiện nay, các quốc gia chúng ta phải vượt qua mâu thuẫn một cách văn minh và có trách nhiệm". Ông đề nghị Kazakhstan sẽ đứng ra hỗ trợ phân định biên giới và tạo ra một nền tảng chuyên gia để phát triển các phương pháp phân xử được các bên chấp nhận.Một trọng tâm khác của cuộc họp là tình hình Afghanistan, nơi các tay súng Taliban đang chuẩn bị kỷ niệm một năm ngày tiếp quản đất nước sau khi lực lượng do Mỹ dẫn đầu rút lui vào tháng 8-2021. Có lập trường chống Taliban cứng rắn nhất là Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon. Ông cho rằng giới lãnh đạo Taliban đã không thể thuyết phục cộng đồng thế giới và người dân Afghanistan về tính hợp pháp của họ, cũng như khả năng kiểm soát tình hình, đảm bảo an toàn cho công dân và giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội. Theo đó, Taliban bằng mọi cách cản trở việc thành lập một chính phủ có sự tham gia rộng rãi của tất cả các lực lượng chính trị, không đảm bảo hoạt động của các thể chế nhà nước và không tôn trọng quyền của công dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tổng thống mới của Turkmenistan, Serdar Berdimuhamedov, cho rằng phần quan trọng nhất của hợp tác an ninh khu vực vẫn là đối phó với Afghanistan.Giữa Matxcơva và phương TâyĐây cũng là lần đầu các nguyên thủ Trung Á gặp mặt đầy đủ sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, điều đã cản trở việc hợp tác của các nước này với cả Nga lẫn phương Tây. Matxcơva vẫn là đối tác chính của Trung Á, nên các biện pháp trừng phạt của phương Tây không khỏi ảnh hưởng đến tình hình kinh tế toàn khu vực. Mới đây, Hoa Kỳ đã biến đe dọa thành hành động: Công ty Promcomplertlogistic của Uzbekistan, chuyên cung cấp vi mạch cho ngành công nghiệp quân sự của Nga, đã bị hạn chế. Nhiều người ở Trung Á coi các lệnh trừng phạt thứ cấp của Washington như lời cảnh báo với tất cả các đối tác tiềm năng khác của Nga.Mars Sariev, nhà khoa học chính trị và chuyên gia về Trung Á, cho biết các nước cộng hòa Trung Á đang nỗ lực thoát khỏi ảnh hưởng từ bên ngoài, vì không hài lòng với việc là con cờ trong tay các thế lực toàn cầu. Theo ông, lãnh đạo các nước trong khu vực đã đi đến kết luận rằng họ cần một vị thế như Phong trào không liên kết - phong trào "con đường thứ ba" của thời chiến tranh lạnh.Ông Sariev bình luận các nước Trung Á hiểu rõ sự cần thiết của việc hợp tác nội khối, và sẵn sàng tách mình khỏi Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ lẫn phương Tây. "Đây là phản ứng mang tính bản năng của các nước cộng hòa, không muốn bị các thế lực bên ngoài làm mất ổn định cho cuộc đối đầu của các nước lớn".Hội nhập 3/5Cuộc họp kết thúc ngày 21-7 với việc các nhà lãnh đạo Kyrgyzstan, Uzbekistan và Kazakhstan ký "Hiệp định hữu nghị, láng giềng và hợp tác vì sự phát triển của Trung Á trong thế kỷ 21". Các nhà lãnh đạo Tajikistan và Turkmenistan sẽ ký tên "sau khi hoàn thành các thủ tục trong nước".Các chuyên gia coi quyết định này của hai ông Rahmon (Tajikistan) và Berdimuhamedov (Turkmenistan) là lời từ chối lịch sự. Nhà khoa học chính trị Bishkek Anvar Akmatov chỉ ra trong trả lời phỏng vấn với News.ru: Thái độ của Ashkhabat (Turkmenistan) luôn thận trọng, vì quốc gia này có tư cách phi khối, hoàn toàn trung lập, không nằm trong EAEU, SCO, CSTO hoặc các cộng đồng khác. Dushanbe (Tajikistan) thì bất đồng với các nước láng giềng - họ có quan điểm riêng về cuộc đối đầu trong nội bộ Afghanistan, và coi thượng đỉnh này là cuộc họp của các quốc gia ngữ hệ Turk, trong khi Tajikistan là nước duy nhất trong khối Liên Xô cũ nói tiếng Ba Tư.Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo dự kiến tổ chức ở Tajikistan vào năm tới. Tổng thống Kazakhstan Tokayev đã đề nghị mời "đại diện cấp cao của các quốc gia láng giềng khác, như Nga và Trung Quốc" tham dự. Có lẽ gợi ý này nhằm đáp trả một số đồn đoán rằng Trung Á đang "tìm kiếm giải pháp thay thế cho Nga" vốn xuất hiện nhiều trên truyền thông những ngày qua.Jennifer Brick Murtazashvili, giám đốc Trung tâm quản trị và thị trường Đại học Pittsburgh (Mỹ), trả lời trên Đài phát thanh châu Âu tự do sau thượng đỉnh lần này đã bình luận rằng vẫn còn quá sớm để nói về bất cứ sự hội nhập nào giữa các nước Trung Á. Nhưng những nước này hẳn nhận ra tiếng nói của họ sẽ có trọng lượng hơn khi có thể thống nhất cùng nhau, đặc biệt là đối diện với Nga, Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ.■Yelena Kuzmina, thuộc Trung tâm nghiên cứu hậu Xô viết, Viện Hàn lâm khoa học Nga, phân tích ngoài các bất đồng về mã văn hóa và vấn đề biên giới, còn rất khó để thống nhất khu vực vì các lý do kinh tế. Các nước Trung Á hầu như có chung mô hình kinh tế và nhiều mặt hàng giống nhau. Họ không có đủ nội lực để đầu tư lớn nhằm tạo ra sức bật.Kazakhstan có nền kinh tế tương đối mạnh, Uzbekistan đang tích tụ cơ hội, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Turkmenistan là một quốc gia đóng cửa, 96% giá trị xuất khẩu là sang Trung Quốc, và chỉ có mặt hàng duy nhất: khí đốt. Kyrgyzstan và Tajikistan là những nước nghèo. Đầu tư bên ngoài là bắt buộc. Trung Quốc và Nga hiện là những nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Trung Á. Họ sẽ không thể bỏ qua những láng giềng hùng mạnh này, nhất là khi, như lời nhà lãnh đạo Uzbekistan, "dù có những động lực tích cực, thương mại nội khối hiện chỉ chiếm 5-10% tổng kim ngạch thương mại của từng nước". Tags: Hội nghị thượng đỉnh các nước Trung ÁKazakhstanUzbekistanKyrgyzstanTrung Á
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.