TTCT - Trung Quốc là công xưởng và nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới nhiều năm qua nhưng chưa có được vị thế như vậy với mặt hàng vũ khí. Song mục tiêu trỗi dậy của họ trong thị trường này là không hề giấu giếm. Theo số liệu thống kê mới do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố năm 2023, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đã giảm trong hai giai đoạn năm năm gần đây nhất: giai đoạn 2018-2022 giảm 23% so với 2013-2017; thị phần cũng giảm từ 6,3% xuống 5,2% trong cùng thời kỳ.Thứ tư thế giớiHiện Trung Quốc đứng thứ tư trong những nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới nhưng còn cách rất xa về thị phần so với Mỹ, nơi xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới - chiếm tới 40% tổng lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Các quốc gia xếp ngay sau Mỹ là Nga và Pháp.Máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc ở triển lãm hàng không - không quân Chu Hải 2021. Ảnh: China DailyCó nhiều giải thích cho thị phần sụt giảm của Trung Quốc. Thứ nhất, xuất khẩu giảm có thể là dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước đang tăng, nhất là với bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Ukraine, giữa Trung Quốc với Ấn Độ, hay trong vấn đề Đài Loan. Ngoài ra, chính sách phong tỏa nghiêm ngặt do COVID-19 cũng có thể làm gián đoạn nguồn cung vũ khí từ Trung Quốc.Việc duy trì kho vũ khí lớn còn thể hiện qua thực tế Trung Quốc là một trong năm nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất giai đoạn 2018-2022 cùng Ấn Độ, Saudi Arabia, Qatar và Úc. Tuy nhiên, cũng theo SIPRI, lượng nhập khẩu của Trung Quốc giai đoạn 2020-2022 đã giảm mạnh so với 2018-2020 và dự kiến còn giảm nữa. Báo cáo của SIPRI cho biết Trung Quốc đã ít phụ thuộc hơn vào hàng nhập khẩu từ Nga khi họ tăng cường năng lực sản xuất các loại vũ khí lớn tiên tiến trong nước.Nguyên do thứ hai khiến xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc giảm là cạnh tranh gay gắt giữa các nhà cung cấp và quan ngại về chất lượng, nhất là với vũ khí công nghệ cao chính xác. Vũ khí Trung Quốc cũng được cho là thiếu thử nghiệm thực địa tại các khu vực xung đột - một tiêu chí quan trọng với bên mua. Nicholas Heras - giám đốc cao cấp về chiến lược và đổi mới tại Viện New Lines, Washington D.C. - cho rằng các hệ thống vũ khí của Mỹ, châu Âu, Nga và thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ đều có kinh nghiệm thực chiến tốt hơn Trung Quốc. Ngoài ra, khả năng tương thích về công nghệ của vũ khí Trung Quốc với hệ thống có sẵn của quốc gia mua sắm cũng là vấn đề.Đã có cơ sở khách hàng quen thuộcDẫu vậy, Trung Quốc đã dần xây dựng được một cơ sở khách hàng quen thuộc. Có nhiều yếu tố chính trị và kinh tế đằng sau việc các quốc gia ưa chuộng vũ khí Trung Quốc. Một số nước có quan hệ chính trị không suôn sẻ với các nước xuất khẩu vũ khí chính phương Tây nên khó tiếp cận các nguồn cung này. Vũ khí Trung Quốc cũng có xu hướng ít bị giám sát nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra, giá cả luôn là một yếu tố, như với mọi hàng hóa khác.Cũng theo SIPRI, phần lớn (80%) thị phần xuất khẩu vũ khí Trung Quốc là một số quốc gia quen thuộc ở châu Á và châu Đại Dương. 17% vũ khí được xuất sang châu Phi và 3% còn lại bán cho các nơi khác trên thế giới. Trung Quốc đã bán vũ khí cho 46 quốc gia trong giai đoạn 2018-2022, hơn một nửa trong đó (54%) là tới Pakistan. Bangladesh và Serbia là những quốc gia mua vũ khí lớn tiếp theo với tỉ lệ lần lượt là 12% và 4,5%.Pakistan được coi là kiểu bạn bè chí cốt (all-weather friend), cũng là đối tác mua sắm và hợp tác phát triển vũ khí thân thiết nhất của Trung Quốc. Hai bên có nhiều hợp tác phát triển vũ khí hạng nặng như máy bay JF-17 và tàu khu trục Type 054AP mà Trung Quốc đang chế tạo cho không quân và hải quân Pakistan. Công ty đóng tàu Trung Quốc Hudong-Zhonghua đã hạ thủy hai tàu Type 054AP vào tháng 8-2020 và tháng 1-2021.Với Bangladesh, theo Trung tâm nghiên cứu CSIS của Mỹ, Trung Quốc hỗ trợ hoạt động mua sắm vũ khí của nước này thông qua các khoản vay hào phóng và giá cả cạnh tranh. Các thương vụ được giảm giá gồm chuyển giao hai tàu ngầm lớp Ming Type-035G đã qua sử dụng vào năm 2013 với giá chỉ hơn 100 triệu USD mỗi chiếc.Với Myanmar, thị trường xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba của Trung Quốc ở châu Á, phần lớn là vũ khí cá nhân thông thường. Các hạng mục mua sắm có giá cao hơn gồm 17 máy bay JF-17, 12 máy bay không người lái Rainbow, hai máy bay vận tải Y-8, hai tàu khu trục Type-43 và 76 xe bọc thép Type-92. Ngoài ra theo báo chí phương Tây, quân đội Myanmar từng triển khai UAV chiến thuật CH-3A do Trung Quốc sản xuất để theo dõi các cuộc biểu tình.Mở rộng sang các thị trường ngách"[Trung Quốc] đang nổi lên như một nhà cung cấp vũ khí được nhiều nước Trung Đông lựa chọn. Mức giá và năng lực công nghiệp là điểm mạnh bán hàng của Trung Quốc với khách hàng quốc tế - chuyên gia Heras bình luận trên trang Middle East Eye - Trung Quốc đã rất nỗ lực phát triển thị trường toàn cầu cho vũ khí của họ, cung cấp cho khách hàng trên toàn thế giới mức giá cạnh tranh về cả phần cứng và chi phí bảo trì, tiềm năng nâng cấp dồi dào cho hệ thống và hiệu quả tương đối tốt".Ngoài ra, với các khách hàng Trung Đông, mua vũ khí Trung Quốc có thể giúp họ giảm sự phụ thuộc chính trị vào Mỹ và châu Âu. Hiểu được điều này, Trung Quốc tăng cường tiếp thị vũ khí với các quốc gia trong khu vực. Trong một triển lãm quốc phòng quốc tế gần đây ở Abu Dhabi, Trung Quốc là một trong những gian hàng lớn nhất với hơn 500 thiết bị, bao gồm cả máy bay không người lái quân sự siêu nhỏ mới toanh Fengniao.Ở khu vực châu Phi, các nhà cung cấp vũ khí Trung Quốc đang củng cố chỗ đứng tại một số thị trường, như Algeria. Các chính phủ phương Tây nhiều năm qua đã cảnh báo vũ khí Trung Quốc được sử dụng trong nhiều cuộc xung đột chính trị, sắc tộc khắp châu lục này, bao gồm CHDC Congo, Bờ Biển Ngà, Sudan và Somalia. Một báo cáo tháng 2-2020 của tình báo Mỹ lưu ý rằng Trung Quốc ngoài bán hàng còn hỗ trợ hoạt động huấn luyện quân sự và kỹ thuật cho các nước châu Phi.Các hoạt động đó cho thấy Trung Quốc đã tiến xa đến đâu trong xuất khẩu vũ khí. Báo cáo của trung tâm nghiên cứu nổi tiếng về an ninh quốc phòng RAND Corporation (Mỹ) năm 2022 cho thấy ngoài vũ khí, Trung Quốc còn xuất khẩu cả nhà thầu an ninh tư nhân để đảm bảo an ninh và lợi ích của họ ở nước ngoài, chẳng hạn các cơ sở khai thác mỏ, cảng và dự án hạ tầng, nhất là trong sáng kiến Vành đai và con đường. Đây là bước đi không khác so với những gì Mỹ đã và đang làm với các lợi ích của họ khắp thế giới. Nghiên cứu của RAND cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc hiện mở rộng khắp châu Á, châu Phi và thậm chí sang châu Mỹ Latin (Argentina, Bolivia và Venezuela).Tờ Wall Street Journal của Mỹ gần đây đưa tin xuất khẩu vi mạch, linh kiện điện tử và nguyên liệu thô khác của Trung Quốc sang Nga đã tăng đáng kể từ khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra. Điều này cũng dễ hiểu khi Nga bị phương Tây cấm vận các mặt hàng công nghệ nên phải xoay sang Trung Quốc. Nếu thành công với thị trường ngách và chứng tỏ được chất lượng ở các cuộc xung đột đang diễn ra, vũ khí Trung Quốc sẽ còn nhiều dư địa để gia tăng ảnh hưởng ở các khu vực địa chính trị khác nhau trên thế giới.■ Dù vẫn còn lo ngại về chất lượng và độ chính xác của vũ khí Trung Quốc, ngành công nghiệp quốc phòng nước này được đánh giá còn nhiều tiềm năng để tăng doanh số trong tương lai, đặc biệt ở các thị trường vũ khí ngách. Trung Quốc đã tăng xuất khẩu trong một số lĩnh vực chọn lọc, chẳng hạn như phương tiện điều khiển từ xa (RPV), bao gồm máy bay không người lái có vũ trang (UAV). Khách hàng lớn về mặt hàng này là Myanmar, Iraq, Pakistan, Saudi Arabia và UAE. Tags: Thị trường xuất khẩuXuất khẩu vũ khíMáy bay chiến đấuVũ khí Trung QuốcTrung Quốc sản xuấtHệ thống vũ khíTriển lãm hàng khôngĐịa chính trịKho vũ khíNăng lực sản xuấtVũ khí công nghệ caoBán vũ khíMua vũ khíVũ khí hạng nặngCông nghiệp quốc phòng
Tin tức sáng 9-9: TP.HCM lắp camera khảo sát, nghiên cứu nâng cấp quốc lộ 22 TUỔI TRẺ ONLINE 09/09/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Lộ diện cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn UpCOM; TP.HCM lắp camera khảo sát, nghiên cứu nâng cấp quốc lộ 22; Đào tạo 100.000 doanh nghiệp Việt ứng dụng thương mại điện tử...
Gojek và Baemin rút lui khỏi thị trường Việt: Bài học đắt giá với app giao đồ ăn CÔNG TRUNG 09/09/2024 Dù chi hàng triệu USD cho giảm giá và khuyến mãi để thu hút người dùng, mới đây Gojek và Baemin đã quyết định rút lui khỏi thị trường Việt Nam - một trong những thị trường sôi động nhất Đông Nam Á.
Lũ sông Hồng dâng cao, dân Yên Bái chạy lụt trong đêm CHÍ TUỆ 09/09/2024 Mưa lớn do hoàn lưu bão số 3 khiến lũ trên sông Hồng dâng cao gây ngập lụt nhiều khu vực ở phường Hồng Hà, Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
Tin tức thế giới 9-9: Hải Nam thiệt hại gần 450 triệu USD do siêu bão Yagi; Israel tấn công Syria BÌNH AN 09/09/2024 Thủ tướng Đức mong muốn chấm dứt xung đột Nga - Ukraine "nhanh hơn"; Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đang cạnh tranh sít sao.