TTCT - Việc Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 16-9 nộp đơn gia nhập Hiệp định Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã phức tạp càng thêm phức tạp khi sáu ngày sau, Đại diện thương mại của Đài Loan loan báo cũng sẽ nộp đơn tham gia. Đâu là những lực thuận và trở lực trong quá trình đàm phán sắp tới? Phản ứng của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên quyết liệt có thừa: “Chỉ có một Trung Quốc trên thế giới, và địa phương Đài Loan là một phần lãnh thổ bất khả xâm phạm của Trung Quốc..." "Trung Quốc kiên quyết phản đối mọi tương tác chính thức giữa Đài Loan và bất kỳ quốc gia nào, kiên quyết bác bỏ việc Đài Loan gia nhập bất kỳ hiệp định hoặc tổ chức nào mang tính chất chính thức. Lập trường của Trung Quốc về vấn đề này là rõ ràng”. Thương mại là một trong những động năng tăng trưởng quan trọng nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: porttechnology.org Đằng sau những từ ngữTừ ngữ “địa phương” trong đoạn trên tỏ rõ ý chí của Trung Quốc dứt khoát muốn dẹp ngay việc Đài Loan đòi gia nhập CPTPP bằng cách thậm chí không dùng từ “vùng lãnh thổ” khi nói tới Đài Loan. Sở dĩ ông Triệu phải cân nhắc ngôn từ kỹ lưỡng vậy là vì chính quy chế của CPTPP hoan nghênh “các quốc gia hay vùng lãnh thổ” tham gia, thể hiện qua Lời nói đầu của hiệp định: “Các bên tham gia hiệp định này, nỗ lực để mở rộng quan hệ đối tác bằng cách khuyến khích sự gia nhập của các nhà nước hoặc vùng lãnh thổ hải quan riêng biệt khác [... other States or separate customs territories]” (bản dịch của Bộ Công thương Việt Nam).Hãng tin Reuters ngày 22-9 dẫn lời ông La Bỉnh Thành, người phát ngôn Hành chính viện Đài Loan (Trung Quốc), cho biết hòn đảo này đã gửi đơn xin gia nhập CPTPP với tên gọi “Vùng lãnh thổ có thuế quan riêng biệt tại Đài Loan - Bành Hồ - Kim Môn - Mã Tổ”. Đây là tên mà Đài Bắc sử dụng khi đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).Có thể thấy chính Đài Loan cũng rất cẩn thận về vấn đề từ ngữ: Họ tự gọi mình là “vùng lãnh thổ có thuế quan riêng biệt”, miễn là có thể tham gia các khối thương mại. Về phần Trung Quốc, họ chẳng e ngại gì hiệp định vốn là “kiếp sau” của “hồn ma” TPP đã bị cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bức tử ba ngày sau khi nhậm chức này, ngay cả khi nó đã “hồi sinh” bên lề thượng đỉnh APEC 2017 với tên mới. Vấn đề với Bắc Kinh đơn giản là nguyên tắc không chấp nhận mọi động thái dù là nhỏ nhất có thể “chính thức hóa” Đài Loan.Câu chuyện CPTPP còn phức tạp ở câu hỏi từ giờ Trung Quốc sẽ làm gì với hiệp định này khi, do không còn “ông lớn” Hoa Kỳ, coi như cũng mất đi ý đồ ban đầu là một khối kinh tế không-Trung-Quốc ở Thái Bình Dương. Có thể dừng lại ở một ý của tờ Politico 23-1-2017: “[Cựu tổng thống Mỹ Barack] Obama từng lập luận: “Nếu chúng ta không thông qua thỏa thuận này - nếu Hoa Kỳ không viết ra các quy tắc đó - thì các nước như Trung Quốc sẽ làm””.Nói tới đây không thể không lần lại tuyên bố của ông Obama ngày 2-5-2016, khi ông vẫn còn là tổng thống Mỹ: “Tuần trước, Trung Quốc và 15 quốc gia khác đã gặp nhau tại Úc với mục tiêu đạt được thỏa thuận Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực [RCEP]”. Lúc đó ông Obama lo sốt vó, vì theo ông, RCEP “sẽ không ngăn cản cạnh tranh không lành mạnh” từ các doanh nghiệp nhà nước, được chính phủ trợ cấp, điều vốn là “thiết thân” với những nước vẫn còn các doanh nghiệp nhà nước mũi nhọn như Trung Quốc. Ông cũng cầm chắc RCEP “sẽ không bảo vệ một Internet mở và miễn phí, không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ”, những điều hiện giờ vẫn là hiện thực khó sửa.Ông Obama còn cho rằng RCEP sẽ không thực thi các tiêu chuẩn cao cho người lao động và môi trường như của Hoa Kỳ, điều mà nay cũng chưa thay đổi mấy. Vì vậy mà ông đã gắng hoàn tất chương trình đàm phán TPP trước khi mãn nhiệm: “Với tư cách là một cường quốc ở Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã thúc đẩy phát triển Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương tiêu chuẩn cao, một thỏa thuận thương mại đặt người lao động Mỹ lên hàng đầu và đảm bảo rằng chúng ta viết ra các quy tắc về con đường thương mại trong thế kỷ 21”. Nhưng chỉ vài tháng sau, ngày 23-1-2017, người kế nhiệm của ông đã xé toạc TPP.Giờ đây khi Hoa Kỳ “trắng tay”, không còn công cụ để “viết luật chơi” của mình với thương mại khu vực, thì Trung Quốc không chỉ đã xong RCEP mà còn đang muốn gia nhập CPTPP. Thành ra, chuyện Đài Loan chỉ là phụ, CPTPP còn có ý nghĩa là thương mại quốc tế và khu vực sẽ viết theo luật chơi của ai.Cơ hội của Bắc KinhThiệt ra, không phải đợi đến ngày 16-9 vừa qua Bắc Kinh mới công bố chuyện gia nhập CPTPP, mà đã báo trước bằng hình thức hay ngôn từ này khác. Trung Quốc trong suốt nhiệm kỳ Trump đã không hề tỏ ra gấp gáp, có thể do tình hình chưa chín muồi. Chỉ sau khi đại dịch COVID bùng phát và rồi được chế ngự ở nước này, họ mới đẩy mạnh hơn các kế hoạch kinh tế tầm cỡ khu vực và toàn cầu.Nay thì Trung Quốc muốn nhảy vô CPTPP, điều gây ra nhiều dư luận khác nhau, một số nước trong cuộc thì thận trọng dù cũng có không ít nước thuận tình. Người đứng đầu cơ quan phụ trách kinh tế của Đài Loan Wang Mei Hua (Vương Mỹ Hoa) cho rằng việc Trung Quốc nay nộp đơn là “đột ngột”, do lẽ các chính sách của Trung Quốc không đáp ứng nguyên tắc kinh tế tự do và thiếu minh bạch, cũng như chưa đạt tiêu chuẩn của CPTPP (Reuters 17-9). Tức là không chỉ có Trung Quốc phản đối Đài Loan, Đài Loan cũng có ý kiến về việc Trung Quốc gia nhập CPTPP.Bà Vương nói: “Gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần can thiệp vào nền kinh tế theo những cách thức phi tự do một cách cao độ, giám sát tăng cao, minh bạch thì giảm...” (Taipei Times 18-9). Gạt bỏ tính đối kháng “tự nhiên” về mặt chính trị, có thể cảm thấy một số điều bà Vương nói cũng đáng xem xét. Nhưng tất nhiên, CPTPP là quyền quyết định của các nước thành viên.Ở cấp độ cao hơn, người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn chỉ nhận xét nhẹ nhàng là việc Đài Loan tham gia CPTPP “là để tăng năng lực chiến lược và kinh tế toàn cầu của Đài Loan, đồng thời giúp Đài Loan hội nhập hơn với thế giới” (Taipei Times 25-9).Từ Úc, một thành viên chủ chốt của CPTPP, tờ The Interpreter - cơ quan ngôn luận của Viện Lowy, tổ chức nghiên cứu tự nhận là “trung lập” đặt ở Sydney - cho rằng “một hệ thống thương mại dựa trên luật lệ là mức tối thiểu mà Bắc Kinh phải đồng ý nếu muốn đàm phán gia nhập CPTPP”. Tờ báo có xu hướng nghiên cứu này cũng phân tích một thói quen của Bắc Kinh: “Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, các trường hợp o ép kinh tế ngày càng thường xuyên của Trung Quốc như sự trừng phạt với các quốc gia mà Bắc Kinh không ưa thích về mặt chính trị, làm suy giảm niềm tin vào sự sẵn sàng tuân thủ luật chơi của họ". "Các thành viên CPTPP như Úc, Canada và Nhật Bản đều đã phải chịu những sự ép buộc như vậy trong những năm gần đây, trong đó Úc bị thiệt hại ước tính khoảng 23 tỉ đôla Úc trong xuất khẩu sang Trung Quốc tính đến năm 2021”. Tờ báo còn cho biết Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan đã công khai “gắn việc chấm dứt các chiến thuật o ép nhắm vào Úc đổi lấy việc Úc ủng hộ sự gia nhập của Trung Quốc”.Một nút thắt quan trọng khác của lá đơn gia nhập CPTPP từ Bắc Kinh là Nhật Bản, nước mà theo một số học giả, như giáo sư Choong Yong Ahn của Đại học Chung-Ang (Hàn Quốc), thì hiện đang thay thế vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ: “Bất chấp việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP, thỏa thuận này đã được cứu vãn một cách vất vả dưới sự lãnh đạo của Nhật Bản khi các thành viên chủ chốt còn lại nhượng bộ hoặc thỏa hiệp một số điều khoản nhạy cảm trong thỏa thuận cuối cùng”.Trong một bài báo đề ngày 26-3 năm nay, giáo sư Choong đã nhìn thấy “Tính phức tạp của việc Trung Quốc gia nhập CPTPP”. Ông báo trước rằng để Trung Quốc tham gia mà vẫn bảo đảm một sân chơi bình đẳng cho tất cả, thì phải “cấm nhà nước trợ cấp cho các doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ với các sản phẩm sinh học, điều kiện lao động trong mua sắm của các chính phủ, dòng chảy dữ liệu tự do và các quy định về nội địa hóa cũng như thương mại kỹ thuật số”.Có thể thấy, việc Trung Quốc hay Đài Loan muốn gia nhập CPTPP không thể chỉ quan chiêm từ góc độ đấu tranh chính trị. Đây trước hết là vấn đề kinh tế và thương mại, mà nền tảng phải dựa trên yêu cầu mở cửa, tự do thương mại, thượng tôn luật pháp, minh bạch luật lệ, song song với nhanh chóng tháo bỏ những vết tích “bao cấp chủ nghĩa” vốn thuộc một hệ thống khác với hệ thống hiện hành của CPTPP. ■CPTPP hiện có 11 nước đã ký kết chính thức: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định có hiệu lực từ 30-12-2018. Khối thương mại này đại diện cho 13,4% GDP toàn cầu, và hiện là một trong những khối thương mại khu vực lớn nhất thế giới, bên cạnh hiệp định tự do Bắc Mỹ của ba nước Mỹ, Mexico, Canada; khối thị trường chung châu Âu; và RCEP. Tags: Trung QuốcĐài LoanHiệp định tự do thương mạiCPTPPThương mại tự do
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Giá vé bay Tết cao vẫn khó mua CÔNG TRUNG 18/12/2024 Dù hơn 7 triệu ghế được cung ứng dịp Tết 2025 nhưng tình trạng giá vé cao, khan hiếm khiến nhiều người gặp khó trong việc tìm đường về quê.
Chuyên gia: Vụ ám sát Trung tướng Nga Igor Kirillov có 2 mục đích chính THANH BÌNH 18/12/2024 Ukraine dường như muốn gửi đi 'thông điệp rõ ràng' tới những ai chịu trách nhiệm lập kế hoạch, chỉ đạo và hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Nhìn thành phố từ buồng lái: Cảm nhận đặc biệt của nữ lái tàu metro CHÂU TUẤN 18/12/2024 Chị Phạm Thị Thu Thảo - nữ lái tàu đầu tiên của tàu điện tuyến metro số 1 - đã chia sẻ những cảm nhận của mình.
Mờ mắt đột ngột, cảnh giác có thể dấu hiệu cảnh báo đột quỵ TƯỜNG VY 18/12/2024 Rất nhiều người khi xuất hiện dấu hiệu nhìn mờ lại chủ quan cho rằng đó là vấn đề về mắt như cận thị, viêm mắt... mà không nhận ra rằng đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.