TTCT - Trung Quốc đang siết chặt kỷ luật và xử lý mạnh tay với vấn đề tham nhũng trong quân đội, khi bất ổn địa chính trị xoay quanh siêu cường đang nổi lên này ngày một phức tạp. Đô đốc Miêu Hoa. Ảnh: AFPTuần trước, trong buổi tối hàn huyên bên lề một hội thảo về địa chính trị tại Bangkok, Thái Lan, tôi có dịp trao đổi với một học giả người Trung Quốc nổi tiếng vốn xuất thân là đại tá quân đội. Câu chuyện phiếm sau khi lướt qua nhiều vấn đề thì cũng đề cập đến tham nhũng trong quân đội Trung Quốc. Chúng tôi đồng ý với nhau rằng quân đội Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với tình trạng tham nhũng nghiêm trọng. Và đây không phải là vấn đề mới, thậm chí không phải là vấn đề của thời hiện đại.Ôn cố tri tânMột ví dụ: Trận hải chiến Hoàng Hải, hay trận Áp Lục, vào tháng 9-1894 giữa hải quân Trung Quốc (nhà Thanh) với hải quân Nhật Bản đã kết cục với thất bại tai họa cho triều đình Mãn Thanh. Trận chiến đánh dấu bước khởi đầu cho quá trình quân phiệt hóa và thống trị châu Á của đế quốc Nhật Bản, đồng thời chấm dứt ảnh hưởng và nền cai trị Mãn Thanh ở bán đảo Triều Tiên và Đài Loan lúc bấy giờ.Xét về thực lực, hải quân Trung Quốc năm 1894 gồm 65 tàu lớn và 43 tàu phóng ngư lôi, chia thành 4 hạm đội: Bắc Dương, Nam Dương, Phúc Kiến và Quảng Đông. Theo một phân tích lịch sử, "chỉ riêng hạm đội Bắc Dương của nhà Thanh... được coi tương đương với toàn bộ hạm đội Nhật Bản". Nhà Thanh sở hữu hạm đội mạnh bậc nhất châu Á lúc đó do các chiến hạm được đóng theo công nghệ phương Tây, và trang bị vũ khí vượt trội so với quân Nhật... trên lý thuyết.Còn trên thực tế, sức chiến đấu của hải quân Mãn Thanh vô cùng yếu kém do nạn tham nhũng hoành hoành từ thấp tới cao đã "rút ruột" hạm đội. Nhiều quả đạn pháo thậm chí bị nhồi mạt cưa. Khi hải chiến nổ ra, nhiều chiến hạm của Nhật trúng đạn pháo, thậm chí bị bắn trúng nhiều hơn tàu Trung Quốc, nhưng đạn pháo nhồi xi măng hay mạt cưa thay cho thuốc súng hầu như chẳng gây thiệt hại gì cho quân Nhật.Bài học cay đắng của trận chiến đó đã để lại dấu ấn sâu sắc với giới lãnh đạo quân sự hiện đại Trung Quốc. Tham nhũng không chỉ làm tê liệt khả năng chiến đấu của hạm đội Mãn Thanh, mà còn làm cùn nhụt tinh thần chiến đấu, là lý do gián tiếp khiến một số tàu chiến của họ chưa đánh đã chạy, đồng thời gây trục trặc nghiêm trọng trong giao tiếp cá nhân giữa chỉ huy và thuộc cấp, từ đó ảnh hưởng tới phối hợp tác chiến.Quá khứ luôn để lại nhiều bài học cho hiện tại. Hôm thứ năm 28-11, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết trong một cuộc họp báo: Đô đốc Miêu Hoa, thành viên Quân ủy Trung ương (CMC) đầy quyền lực, cơ quan quân sự hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc do ông Tập Cận Bình đứng đầu, đang bị điều tra vì "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Hải quân Nhật giành đại thắng ở gần Phong đảo, Triều Tiên. Tranh của Kobayashi Kiyochika vẽ năm 1894. Ảnh: PinterestĐây là cách nói "mã hóa" quen thuộc ở Trung Quốc chỉ hành vi tham nhũng. (Ông Ngô cũng phủ nhận thông tin cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Đổng Quân, vừa được bổ nhiệm tháng 12-2023, đang bị điều tra về cùng cáo buộc. Ông khẳng định thông tin đó là "hoàn toàn bịa đặt").Ông Miêu, 69 tuổi, là chủ nhiệm Ban Công tác chính trị của CMC. Trước đó, ông thăng tiến trong lục quân, rồi được đề bạt chính ủy hải quân vào năm 2014, và thăng cấp đô đốc hải quân năm 2015. Đô đốc Miêu Hoa được thăng chức chủ nhiệm Ban Công tác chính trị CMC vào năm 2017 và được nhiều người coi là người thân cận của ông Tập, vì từng phục vụ trong quân đội ở tỉnh Phúc Kiến khi ông Tập là quan chức cấp cao ở đó vào những năm 1990 và đầu những năm 2000.Điều đáng nói là ông Miêu đứng đầu Ban Công tác chính trị, tức phụ trách công tác xây dựng đảng, tổ chức, giáo dục chính trị và quản lý nhân lực cho toàn thể quân đội Trung Quốc. Ông là thành viên thứ hai bị cách chức kể từ khi CMC bắt đầu nhiệm kỳ mới vào năm 2022. Điều này khiến CMC gồm bảy thành viên hiện có hai vị trí trống và chỉ có ủy viên thường, ngoài ông Tập và hai phó chủ tịch - một tình huống chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua ở Trung Quốc.Người đầu tiên bị loại khỏi CMC là cựu bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc, vốn bị cách chức vào tháng 10-2023. Ông Lý và người tiền nhiệm Ngụy Phượng Hòa, cả hai xuất thân từ lực lượng tên lửa, đều bị khai trừ khỏi đảng vào tháng 6 vì "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" và đang bị điều tra. Bloomberg dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết tình trạng tham nhũng tràn lan trong Lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc đã dẫn đến thiết bị bị trục trặc, thậm chí nhiên liệu tên lửa phải được thay thế bằng nước, hình ảnh không khỏi gợi lại hải chiến Hoàng Hải thảm bại năm nào.Các ông Lý Thượng Phúc (trái) và Ngụy Phượng Hòa. Ảnh: CNNCuộc chiến chống tham nhũng trong quân độiHôm 17-6, tại Hội nghị công tác chính trị của CMC được tiến hành lần đầu tiên sau 10 năm ở cái nôi của cách mạng Trung Quốc Diên An, Chủ tịch CMC Tập Cận Bình nhấn mạnh "kiên trì sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với quân đội", đồng thời nói thêm là trong quân đội không có chỗ cho "những phần tử tham nhũng hủ bại ẩn náu" và "phải xóa bỏ môi trường, điều kiện để tham nhũng nảy sinh". Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận quân đội Trung Quốc đang đối mặt với những vấn đề chính trị đã "ăn sâu vào cội rễ".Nhìn lại cả quá trình làm sạch từ bên trong, quân đội Trung Quốc đã trải qua cuộc chiến chống tham nhũng sâu rộng kể từ khi ông Tập nắm quyền vào năm 2012. Vào tháng 3-2014, cựu trung tướng Cốc Tuấn Sơn bị buộc tội tham ô, hối lộ, lạm dụng công quỹ và lạm quyền. Đây là viên tướng máu mặt đầu tiên bị phát hiện nhúng chàm. Ông Cốc, từng là phó tổng cục trưởng tổng cục hậu cần, đã đưa hối lộ 20 triệu nhân dân tệ (3,25 triệu USD) dưới hình thức quà cưới cho con gái của thượng tướng Từ Tài Hậu để được thăng chức. Ba tháng sau, ông Từ, phó chủ tịch CMC, bị khai trừ khỏi đảng.Cuốn phim quay chậm về cuộc đời các vị tướng không gục ngã nơi sa trường mà quỵ ngã dưới các xấp tiền không dừng lại. Tính từ Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2012 đến nay, đã có ít nhất 11 thượng tướng quân đội (hàm cao nhất trong hệ thống quân đội Trung Quốc hiện nay) ngã ngựa, trong đó có hai cựu phó chủ tịch CMC (Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu), hai cựu tư lệnh Tên lửa chiến lược (Chu Á Ninh và Lý Ngọc Siêu) và hai cựu bộ trưởng quốc phòng (Ngụy Phượng Hòa và Lý Thượng Phúc). Còn nếu tính cả các tướng lĩnh cấp thấp hơn và giám đốc điều hành các công ty quân đội bị cách chức và điều tra thì con số lên tới hàng mấy chục.Các vụ điều tra liên tiếp cho thấy chiến dịch này sẽ còn tiếp tục trong quân đội Trung Quốc. Tiến sĩ Dylan Loh tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore (NTU) cho hãng tin Channel News Asia (CNA) của Singapre biết việc loại bỏ đô đốc Miêu Hoa cho thấy "các vấn đề tham nhũng và kỷ luật dai dẳng trong toàn hệ thống, bất chấp những nỗ lực mạnh mẽ của ông Tập". Chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào nhiều cấp và cơ quan công quyền của ông Tập từ lâu đã là nền tảng cho nỗ lực làm trong sạch bộ máy ở Trung Quốc, với hàng triệu quan chức bị kỷ luật, khai trừ đảng và truy tố. Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng hiện tập trung vào quân đội bởi lo ngại tình trạng tham nhũng tràn lan có thể ảnh hưởng đến khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh trong tương lai của Trung Quốc.Năm nay, ông Tập đã coi việc loại bỏ tận gốc tham nhũng trong quân đội, đặc biệt là ở giới lãnh đạo cấp cao, là ưu tiên quan trọng. Trang Gia Dĩnh, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, nói với CNA rằng cuộc điều tra ông Miêu "phù hợp với việc ông Tập Cận Bình tăng cường giám sát lực lượng vũ trang". Vụ việc diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách đạt được mục tiêu trở thành siêu cường quân sự giữa những cơn gió ngược ngày càng gia tăng từ bên ngoài khi bất ổn về địa chính trị diễn ra cả ở châu Âu lẫn châu Á. ■ Vấn đề còn lại là liệu Bộ trưởng Quốc phòng Đổng Quân có liên quan không. Ông Miêu Hoa từng được coi là người bảo trợ chính trị của ông Đổng Quân. Ông Miêu làm chính ủy hải quân vào năm 2014, thời điểm ông Đổng đang là phó tham mưu trưởng binh chủng này. Sau đó, ông Đổng lên làm tư lệnh hải quân, rồi trở thành người đầu tiên xuất thân từ hải quân nắm ghế bộ trưởng quốc phòng.Tuy nhiên, dù ông Đổng đã làm bộ trưởng quốc phòng từ tháng 12 năm ngoái, nhưng đến nay, khác với những người tiền nhiệm, ông vẫn chưa được bổ sung vào CMC. Câu hỏi của giới quan sát lúc này vẫn là điều gì đãng xảy ra với ông Đổng khi ông không mất hút cũng đã được một thời gian, với lần gần nhất xuất hiện trước công luận là ngày 21-11 trong Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN và các đối tác ở Vientiane, Lào. Tags: Quân đội Trung QuốcÔng Tập Cận BìnhBộ trưởng quốc phòngTham nhũng trong quân độiChống tham nhũng
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Tin tức thế giới 13-12: Ông Trump 'không bỏ rơi Ukraine'; Lõi trong của Trái đất đang biến dạng BÌNH AN 13/12/2024 Ông Trump phản đối Ukraine phóng tên lửa Mỹ vào lãnh thổ Nga; Ông Biden duyệt gói viện trợ vũ khí thứ 72 cho Ukraine trước khi mãn nhiệm.
Dịch bệnh bí ẩn giống cúm ở Congo có đáng lo? DƯƠNG LIỄU 13/12/2024 Từ ngày 6-12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bắt đầu điều tra về dịch bệnh bí ẩn giống cúm, khiến hàng chục người chết ở Congo. Nhiều quốc gia trên thế giới thắt chặt biện pháp kiểm tra chuyến bay từ châu Phi.
Tin tức sáng 13-12: ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam; Đông Nam Bộ đón triều cường TUỔI TRẺ ONLINE 13/12/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Từ 1-1-2025 xe đưa đón học sinh phải sơn màu vàng đậm; ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam; Xuất hiện đợt triều cường mới ở Đông Nam Bộ...
Vụ án mạng 25 năm vẫn chưa ngã ngũ: Đình chỉ từ năm 2001 nhưng bị can không hề biết? HOÀNG ĐIỆP 13/12/2024 Năm 1999, ông Nguyễn Hồng Phước (69 tuổi, quê Kiên Giang) bị khởi tố, đến năm 2001 được đình chỉ bị can. Đáng nói bản thân ông không hề hay biết gì về sự tồn tại của quyết định đình chỉ này.