TTCT - Lãnh Binh Cẩn là một nhân vật lịch sử thời kháng chiến chống Pháp rất nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ cùng thời với Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều. Tên của ông đã được dùng để đặt tên đường ở nhiều địa phương. Thế nhưng việc chăm sóc mộ phần cũng như việc tưởng nhớ người có công với đất nước này lại là câu chuyện buồn... Phóng to Ông Nguyễn Văn Tâm, cháu sơ ông Cẩn, bên phần mộ nhân vật lịch sử - Ảnh: Trường Giang Chúng tôi đến ấp Lợi Tường, xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) để tìm mộ và miếu thờ Lãnh Binh Cẩn. Rất nhiều người dân không hề biết đến cái tên của nhân vật lịch sử này, có người còn hỏi lại: “Ở đây đâu có ai họ Lãnh, tên Cẩn đâu”. Chúng tôi đến UBND xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè để tìm hiểu, nhưng phó chủ tịch xã là ông Đinh Văn Sơn bảo không biết gì về ông Cẩn, còn cán bộ phụ trách văn hóa xã thì cho rằng nghe tên lạ quá... Ông Ngô Văn Nhàn, 74 tuổi, người biết khá tường tận khu vực này, thở dài: “Ngày xưa ông Cẩn lập chùa Phước Quang rất to, sau này nhà chùa đặt bàn thờ của ông ở đấy. Giờ ngôi chùa cũng xập xệ do không ai chăm sóc, trùng tu. Ở đây chỉ còn cái miếu nhỏ làm nơi nhang khói cho ông Lãnh Binh Cẩn mà thôi”. Người thân chạnh lòng Từ sự chỉ dẫn của ông Ngô Văn Nhàn, chúng tôi tìm gặp ngôi mộ ông Lãnh Binh Cẩn nằm lẻ loi giữa vườn cây ăn trái của ông Nguyễn Văn Tâm (cháu sơ ông Cẩn). Ngôi mộ đơn sơ được quét vôi trắng. Bia mộ chỉ khắc tên, năm sinh và năm mất của ông. Ông Nguyễn Văn Mười Một (em ông Tâm, cũng là cháu sơ ông Cẩn) cho biết ngôi mộ nguyên thủy làm bằng đá ong, khoảng năm 1963 thì bị bom làm hư hỏng nên người thân góp tiền xây lại ngôi mộ này. Ngôi miếu thờ cũng lặng lẽ dưới những tán cây âm u. Theo ông Mười Một, ngôi miếu này được gia đình xây lại trên nền ngôi chùa cũ và giao cho người cô thờ cúng. “Sau này cô tôi qua đời nên chị dâu tôi mang di ảnh ông Lãnh Binh Cẩn về nhà thờ cúng, ngôi miếu bị bỏ hoang”. Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Thiêm - nơi đặt bàn thờ và di ảnh ông Lãnh Binh Cẩn. Theo bà Thiêm, ngôi mộ ông Cẩn nằm trên đất của bà, còn ngôi miếu thờ thì nằm ở phần đất nhà ông Mười Một. Bà Thiêm lập bàn thờ, cúng giỗ ông vào ngày 24- 25 tháng chạp hằng năm. Bà Thiêm rơm rớm nước mắt: “Năm nào cũng vậy, cứ đến mùng 8 tháng chạp lễ cúng ông Thiên Hộ Dương và ông Đốc Binh Kiều được tổ chức lớn ở Đồng Tháp. Còn ông sơ của chúng tôi, cũng là nhân vật lịch sử cùng thời, nhưng không ai nhắc tới”. Cơ quan chức năng hứa vào cuộc Tiến sĩ sử học Nguyễn Phúc Nghiệp (Trường ĐH Tiền Giang) khẳng định Lãnh Binh Cẩn là người có công lao rất lớn đối với đất nước. Nếu so sánh thì công lao của ông không thua kém gì Thủ Khoa Huân, Đốc Binh Kiều, Trương Định. Đáng tiếc là trong khi các nhân vật lịch sử khác được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng đền thờ, tượng đài rất lớn để ghi ơn và giáo dục truyền thống cho thế hệ sau thì ông Lãnh Binh Cẩn lại bị bỏ quên như vậy. Tìm đến Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Tiền Giang ngày 28-6, ông Nguyễn Ngọc Minh, giám đốc sở, cho biết đã thành lập đoàn công tác xác minh ngôi mộ và miếu thờ được cho là của Lãnh Binh Cẩn. Kết quả, có đầy đủ cơ sở xác định đó là mộ thật của Lãnh Binh Cẩn. “Việc mộ một nhân vật lịch sử nổi tiếng của tỉnh nhà bị bỏ quên như vậy có lỗi của chúng tôi. Sở đã hướng dẫn UBND huyện lập thủ tục đề nghị tỉnh trùng tu, sửa chữa và công nhận di tích cấp tỉnh. Trước mắt sẽ làm lại ngôi mộ bằng đá cho trang trọng. Ngôi mộ gốc bằng đá ong, nay làm lại bằng bêtông thì không đúng”. Theo sách Địa chí Tiền Giang (tập II, trang 1.141-1.142) phát hành năm 2007, Lãnh Binh Cẩn tên thật là Nguyễn Văn Cẩn, sinh năm 1802 tại thôn Mỹ Lợi, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang). Năm 1861, khi thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Định Tường, ông gia nhập lực lượng kháng chiến do Võ Duy Dương lãnh đạo, được thăng chức lãnh binh. Năm 1864, Võ Duy Dương thành lập căn cứ kháng chiến Đồng Tháp Mười. Lúc bấy giờ, Lãnh Binh Cẩn và phó tướng Nguyễn Tấn Kiều được bộ tham mưu nghĩa quân giao nhiệm vụ chỉ huy đại bản doanh, còn được gọi là đồn Trung. Lãnh Binh Cẩn mất năm 1902 tại xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Tên ông hiện được đặt cho một con đường ở thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang). Tags: Trùng tuLãnh Binh CẩnTrùng tu mộNhân vật lịch sửTRƯỜNG GIANG
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Hoa hậu Kỳ Duyên chưa tốt nghiệp Trường đại học Ngoại thương TRẦN HUỲNH 19/09/2024 Đại diện phòng truyền thông Trường đại học Ngoại thương xác nhận với Tuổi Trẻ Online rằng hoa hậu Kỳ Duyên chưa tốt nghiệp Trường đại học Ngoại thương.
Bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng gió vẫn giật cấp 10 CHÍ TUỆ 19/09/2024 Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia chiều nay, bão số 4 đi vào đất liền Quảng Bình - Quảng Trị và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hôm nay bà Nguyễn Phương Hằng ra tù do được giảm án BÁ SƠN 19/09/2024 Bà Nguyễn Phương Hằng ra tù hôm nay, do được hội đồng xét duyệt giảm án đồng ý cho giảm án.
Chủ hệ thống cửa hàng xe máy Tân Tiến và chiêu trò ‘phù phép’ xe gian thành xe mới ĐAN THUẦN 19/09/2024 Cơ quan điều tra xác định chủ hệ thống cửa hàng xe máy Tân Tiến đã chiếm đoạt 9,3 tỉ đồng của 258 khách hàng thông qua việc bán 259 xe máy đã qua "phù phép" từ xe gian.