Truyền cảm hứng không phải là nghĩa vụ

HUY ĐĂNG 11/10/2020 23:10 GMT+7

TTCT - Khả năng truyền cảm hứng là điều có lẽ được nhắc đến nhiều nhất trong thế giới thể thao của người khuyết tật. Từ báo chí, các chiến dịch truyền thông cho đến quảng cáo, các ngôi sao Paralympic luôn được mang ra làm hình mẫu cho tinh thần vượt khó.

Jessica Long-trong trang phục bơi. Ảnh: usana.com
Jessica Long-trong trang phục bơi. Ảnh: usana.com

Nhưng một khảo sát của tờ New York Times cho thấy cụm từ này ngày càng trở nên tiêu cực hơn với cộng đồng vận động viên thể thao khuyết tật.

Dị ứng với lòng thương hại

“Truyền cảm hứng không phải là từ mà chúng tôi muốn nghe” - Jessica Long, VĐV từng giành 23 HCV bơi lội ở Paralympic, nói. Mới 18 tháng tuổi, Long đã bị cụt cả hai chi dưới đầu gối. Nhưng cô không thích nghe những câu chuyện ca ngợi mình bởi chi tiết đó. “Tôi chỉ đang làm những gì tôi muốn làm. Tôi bị cụt hai chân từ khi sinh ra và không biết gì khác. Tôi sẽ không ở nhà và trốn tránh” - Long nói.

Rất nhiều đồng nghiệp của cô chia sẻ quan điểm này. Các VĐV khuyết tật ngày càng dị ứng với những lời ca ngợi từ giới truyền thông, mà theo họ, chẳng khác gì lòng thương hại. “Tôi biết mọi người nhìn tôi và nghĩ thế nào.

Họ sẽ thầm nhủ: “Chà, cô ấy không hề tự ti chút nào, cô ấy vẫn dũng cảm đương đầu với những khó khăn” - Martina Caironi, VĐV chạy nước rút bị mất một chân vì tai nạn xe máy vào năm 2007, nói - Điều đó thật tốt.

Nhưng hãy nghĩ về một hoàn cảnh khác - tôi đi ra đường và chặn một cô gái lại rồi nói: mái tóc của cô thật đẹp. Tôi sẽ không bao giờ làm như vậy, và với tôi, những hành động đó, những lời khen đó chẳng khác gì nhau”.

Ở Paralympic 2016, 20 VĐV đã được hỏi về cụm từ “truyền cảm hứng”. Không phải ai cũng biểu lộ sự không ưa hay chỉ trích, nhưng tất cả đều thừa nhận rằng họ cảm thấy bị phân biệt với cụm từ đó. Đội tuyển bơi lội khuyết tật Mỹ thậm chí còn tranh cãi dữ dội khi nhắc đến cụm từ này trong các cuộc họp nội bộ.

Vicenzo Boni, một kình ngư nổi tiếng khác trong giới Paralympic, cho rằng bản chất những lời ca ngợi người khuyết tật là sự phán xét và phân biệt.

“Sự ngu ngốc của con người là phán xét một ai đó. Chúng tôi là những VĐV như bất kỳ ai khác” - Boni nói. Kình ngư người Ý có thể hơi quá lời, nhưng anh đã nói đến cốt lõi của vấn đề: những VĐV khuyết tật, dù được ca ngợi bằng bất kỳ mỹ từ nào đi nữa, không thực sự được xem như người bình thường.

Paralympic - hay tất cả những sự kiện thể thao của người khuyết tật khác - có thực sự được xem là những giải đấu thể thao thực thụ? Nhiều VĐV cho rằng người hâm mộ chỉ nhìn nhận họ đang theo dõi một đấu trường “dành riêng cho những hoàn cảnh đặc biệt”.

Ở đó, thành tích thi đấu của các VĐV không được ghi nhận thực sự. Thay vào đó, giới truyền thông chú trọng vào những khiếm khuyết hình thể, những câu chuyện vượt qua nỗi đau, hay thi đấu mà không thấy đường… Điều đó khiến những VĐV Paralympic tổn thương.

“Khi họ đã cố gắng hết sức và giành được những thành tích ấn tượng, họ muốn được ghi nhận như một VĐV, chứ không phải như một người đang được thương hại” - HLV Nathan Manley của đội bơi khuyết tật Mỹ nói.

Jessica Long lộng lẫy trong ngày cưới. Ảnh: usana.com
Jessica Long lộng lẫy trong ngày cưới. Ảnh: usana.com

Cần sự thấu hiểu

Không phải mọi VĐV Paralympic đều dị ứng với trách nhiệm “truyền cảm hứng”. Vẫn có không ít người cảm thấy tự hào khi những câu chuyện vượt khó của mình lan tỏa đến cộng đồng. Arnu Fourie - VĐV chạy nước rút người Nam Phi từng giành HCV Paralympic 2012 với chân trái bị cụt từ đầu gối - cho biết việc lan truyền cảm hứng là mục tiêu số 1 khi anh đến với con đường thể thao.

Hay Jarryd Wallace - một VĐV điền kinh - chia sẻ góc độ khác của sự “lan truyền cảm hứng”: “Khi ai đó nói rằng họ đã được truyền cảm hứng từ tôi, điều tôi nghe được không phải là một lời khen: “Anh thật tuyệt vời”, thay vào đó tôi nghe thấy họ nói rằng họ thấu hiểu tôi. Hãy nghĩ về điều này.

Bất kỳ ai trong chúng ta đều từng gặp phải những nghịch cảnh trong cuộc sống, mỗi người đều gặp những nghịch cảnh khác nhau, và không dễ để nhìn ra những nghịch cảnh của người khác. Còn chúng tôi - những VĐV khuyết tật, ai cũng thấy được nghịch cảnh của chúng tôi là gì. Vì vậy, hãy thông cảm cho nhau”.

Dù nhìn từ góc độ nào, những VĐV khuyết tật đạt đến đẳng cấp Paralympic đều là những con người phi thường.

Họ có thể sống khép kín, có thể cáu gắt với mọi người hay cởi mở hòa đồng và sẵn sàng tham gia những chương trình cộng đồng, nhưng khi đã đạt đến đẳng cấp đó, hầu hết đều có một khao khát - được trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống như một người bình thường.

Họ không muốn nổi tiếng chỉ vì cái chân cụt hay đôi mắt không còn ánh sáng. Thay vào đó là sự ghi nhận cho công việc mà họ đang làm, những giọt mồ hôi thực sự không cần đến lòng thương hại.

Rất nhiều VĐV Paralympic hào hứng tham gia các hoạt động cộng đồng. Như Kory Puderbaugh - VĐV bóng bầu dục xe lăn của Mỹ, người luôn nhận lời tham gia các buổi giao lưu với sinh viên học sinh.

Puderbaugh có ngoại hình khá tương tự với anh chàng kình ngư Lợi “cụt” (Nguyễn Hồng Lợi) của Việt Nam: cả đôi chân bị cụt từ đầu gối, cánh tay trái cũng cụt gần phân nửa và cánh tay phải hầu như không có bàn tay. Puderbaugh đã đối mặt với tất cả những khiếm khuyết từ khi lọt lòng mẹ, và anh luôn thoải mái cười đùa về chuyện đó.

“Tôi nghĩ mọi người không thực sự hiểu hết về hoàn cảnh của tôi. Nếu họ cũng sinh ra trong hoàn cảnh này, có thể họ sẽ cảm thấy thật tuyệt vời. Tôi không cảm thấy nhất thiết phải truyền cảm hứng cho ai đó, vì thực sự tôi cảm thấy vui thú với điều kiện sống của mình.

Nhưng nếu có người thực sự cảm thấy họ được truyền cảm hứng từ tôi, tôi sẽ nói chuyện nhiều hơn với họ. Tôi muốn biết cách họ tiếp nhận nó và cách họ sẽ lan truyền nó” - Puderbaugh nói.■

Một số VĐV khuyết tật có thành tích thi đấu chạm đến ngưỡng kỷ lục của những VĐV đỉnh cao có cơ thể khỏe mạnh. Nổi bật nhất là Siamand Rahman - lực sĩ cử tạ người Iran mới qua đời hồi đầu năm ở tuổi 31 vì nhồi máu cơ tim. Trước khi đột ngột lâm bệnh, Rahman được mệnh danh “người mạnh nhất thế giới” khi liên tục phá những kỷ lục trong làng cử tạ khuyết tật.

Bị bại liệt từ nhỏ nhưng Rahman rất siêng tập thể dục, những bài tập tạ giúp anh có đôi vai cường tráng như lực sĩ. Đến năm 19 tuổi, Rahman chính thức bước vào con đường Paralympic.

Chỉ trong vài năm thi đấu, anh sớm phá vỡ kỷ lục thế giới - 287,5kg trong tư thế đẩy ngực nằm (bench press - tư thế thi đấu của VĐV cử tạ khuyết tật, khác với hình thức cử giật và cử đẩy của VĐV bình thường).

Đến Paralympic 2016, Rahman khiến cả nhà thi đấu như nổ tung khi vượt qua cột mốc 300kg, chính thức đạt đến mức tạ 310kg. Cần biết kỷ lục thế giới của môn đẩy ngực nằm là 335kg - với người bình thường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận