TTCT - Dahlmann nắm chặt con dao, mà có lẽ anh không biết dùng, và đi ra bình nguyên. Người hạ cánh xuống Buenos Aires năm 1871 mang tên Johannes Dahlmann và là mục sư của giáo hội truyền giáo; năm 1939, một trong các cháu ông, Juan Dahlmann, là thư ký một thư viện thành phố trên phố Córdoba và cảm thấy mình sâu đậm là người Argentina. Ông ngoại anh là ông Francisco Flores, thuộc sư đoàn bộ binh hình tuyến số 2, đã chết ngoài chiến trường Buenos Aires, bị xuyên thủng bởi một cây lao của người da đỏ trong đội quân Catriel; trong cuộc tranh chấp giữa hai dòng dõi, Juan Dahlmann (có lẽ từ một xung động của máu Giéc-manh) chọn dòng dõi của ông tổ lãng mạn, hoặc của cái chết lãng mạn. Một hộp khung ảnh chứa tấm ảnh daguerreotype chụp một người râu ria mặt mày vô cảm, một thanh kiếm cổ, niềm vui và đức can trường trong một vài loại nhạc, một vài vần thơ đã thuộc lòng trong Martín Fierro, những năm dài, sự ù lì và cảnh cô độc, đã nuôi dưỡng nên cái tinh thần criollismo có phần tự nguyện, nhưng không bao giờ phô phang này. Nhịn đi món này món nọ, Dahlmann đã cứu được cái vỏ rỗng của một trang trại ở phương Nam, ngày xưa thuộc về nhà Flores; một trong những hình ảnh quen thuộc trong ký ức anh là những cây bạch đàn thơm mát và ngôi nhà lớn màu hồng mà một thời từng đỏ sẫm. Các nhiệm vụ và có lẽ sự biếng lười đã giữ chân anh ở thành phố. Hết hè này qua hè khác anh bằng lòng với ý tưởng trừu tượng về quyền sở hữu và với niềm tin đinh ninh rằng ngôi nhà vẫn ở đó đợi anh, tại một điểm chính xác trên bình nguyên. Vào những ngày cuối tháng Hai năm 1939, có một việc xảy đến với anh.Minh họa: Trần Trung LĩnhMù lòa về khái niệm tội lỗi, số phận có khi trừng trị tàn nhẫn những sao nhãng dù chỉ tối thiểu. Dahlmann vừa nhận được chiều hôm ấy một bản không hoàn chỉnh bộ Ngàn lẻ một đêm của Weil; hăng hái muốn xem xét món vừa tìm được, anh không đợi thang máy xuống mà lao vội lên cầu thang bộ; trong bóng tối có gì đó quệt vào trán anh, con dơi, con chim? Trên mặt người phụ nữ ra mở cửa anh thấy khắc sâu nỗi kinh hoàng, và bàn tay anh vừa lau trán giơ ra đỏ máu. Mép một cánh cửa sổ mới sơn mà ai đó quên đóng lại đã tặng anh một vết thương. Dahlmann cũng ngủ được, nhưng tới bình minh thì tỉnh giấc và từ giờ đó mọi thứ đều có vị ghê rợn. Cơn sốt khiến anh hốc hác và những hình minh họa trong Ngàn lẻ một đêm nhảy múa trong ác mộng của anh. Bạn bè người thân đến thăm anh và với những nụ cười khiên cưỡng nhắc đi nhắc lại rằng họ thấy anh rất khỏe. Dahlmann nghe họ trong cơn đờ đẫn yếu ớt và sửng sốt vì họ không biết anh đang trong hỏa ngục. Tám ngày trôi qua, dài như tám thế kỷ. Một chiều, người bác sĩ thường ngày ghé qua cùng một bác sĩ mới và đưa anh đến một nhà thương trên phố Ecuador, bởi anh nhất thiết cần chụp X-quang. Dahlmann, trong cỗ xe thuê đang chở họ đi, nghĩ rằng trong một căn phòng không thuộc về mình có thể anh, cuối cùng, sẽ ngủ được.Anh cảm thấy vui vẻ và hay chuyện; khi đến nơi, họ lột đồ anh, cạo đầu anh, dùng đai sắt buộc anh vào cáng, rọi đèn cho tới khi anh mù dở và chóng mặt, dí ống nghe vào lưng anh, và một người che kín mặt cắm kim vào tay anh.Anh tỉnh dậy, buồn nôn và băng bó, trong một xà lim có cảm giác như đáy giếng, và trong những ngày đêm tiếp theo vụ phẫu thuật anh hiểu ra rằng, cho đến khi đó, anh mới chỉ ở ngoại ô của hỏa ngục. Đá bỏ vào miệng anh hầu như không để lại cảm giác mát. Trong những ngày đó, Dahlmann căm ghét từng li từng tí bản thân mình; anh ghét căn cước của mình, những nhu cầu thể xác của mình, cảnh sỉ nhục của mình, bộ râu tua tủa trên mặt mình. Anh chịu đựng một cách khắc kỷ các màn chữa chạy, cái nào cũng rất đau đớn, nhưng khi viên phẫu thuật gia bảo rằng anh đã suýt chết vì nhiễm trùng máu, Dahlmann òa lên khóc, bỗng thương cho số phận mình. Những khốn khổ thể chất và nỗi chờ đợi không ngừng những đêm tồi tệ đang kéo tới trong mấy ngày rồi không cho phép anh nghĩ đến thứ gì trừu tượng như cái chết. Rồi một hôm, viên bác sĩ phẫu thuật bảo anh rằng anh đang lành lại và chẳng mấy nữa có thể đi về trang trại dưỡng bệnh. Thật khó tin, cái ngày hứa hẹn cuối cùng cũng tới.Thực tế ưa những đối xứng và một chút lạc thời; Dahlmann tới bệnh viện trong một cỗ xe thuê và giờ đây lại một cỗ xe thuê đưa anh ra ga Constitución. Hơi mát mẻ đầu tiên của mùa thu, sau những oi bức mùa hè, dường như là biểu tượng của tự nhiên về số phận anh được cứu thoát từ cái chết và trận sốt. Thành phố lúc bảy giờ sáng chưa mất đi không khí ngôi nhà cũ mà buổi đêm đã trao cho nó; những đường phố chạy như những tiền sảnh dài, những quảng trường là những sân trong. Dahlmann nhận ra nó trong mừng vui và một cơn chóng mặt chớm đến; vài giây trước khi mắt anh ghi nhận được, anh đã nhớ lại các góc phố, các bảng hiệu rạp phim, các đa dạng khiêm nhường của Buenos Aires. Trong ánh sáng vàng của ngày mới, tất cả trở lại với anh.Không ai không biết rằng phương Nam bắt đầu từ bên kia đại lộ Rivadavia. Dahlmann thường nhắc lại rằng đấy không phải chỉ là quy ước và bất cứ ai đi qua phố đó đã đi vào một thế giới cổ xưa hơn và cứng rắn hơn. Anh nhìn qua cửa sổ xe, tìm giữa những kiến trúc mới một cửa sổ sắt uốn, miếng sắt gõ cửa, vòm cửa cong, tiền sảnh, cái sân thầm kín.Vào đến hall của nhà ga anh nhận thấy vẫn còn ba mươi phút. Anh chợt nhớ rằng trong một quán cà phê trên phố Brasil (cách nhà Yrigoyen vài mét) có một con mèo to tướng cho phép người ta vuốt ve, như một vị thần khinh mạn. Anh đi vào. Con mèo kia, đang ngủ. Anh gọi một cốc cà phê, pha đường chầm chậm, nếm thử (một khoái thú anh đã bị từ chối trong phòng bệnh) và nghĩ, trong lúc vuốt phẳng bộ lông đen, rằng sự tiếp xúc này là ảo ảnh và hai bên bị chia cắt khác nào qua lớp kính, bởi con người sống trong thời gian, trong sự tiếp nối, còn con vật ma thuật kia, trong hiện tại, trong cõi vĩnh cửu của khoảnh khắc.Đậu dọc theo sân ga gần cuối, con tàu đang chờ. Dahlmann đi qua các toa và tìm thấy một toa gần như trống. Anh nhét va li vào ngăn lưới; khi đoàn tàu chuyển bánh, anh mở túi, sau một chút do dự, lấy ra tập đầu bộ Ngàn lẻ một đêm. Đi xa với cuốn sách này, cuốn sách gắn liền với câu chuyện không may của anh, là một lời khẳng định rằng sự không may ấy đã bị trừ bỏ và là một lời thách thức vui tươi bí mật với những lực lượng của cái ác đã bị đánh bại.Hai bên tàu, thành phố bị cắt nhỏ thành các ngoại ô; hình ảnh này và rồi hình ảnh những khu vườn và biệt thự thôn quê đã ngăn anh chưa bắt đầu đọc. Sự thật là Dahlmann đọc ít; ngọn núi đá nam châm và vị thần đèn đã thề giết chết người giải thoát mình thì ai dám chối là rất thần kỳ, nhưng không mấy thần kỳ hơn buổi sáng và cái sự thực rằng mình đang tồn tại. Niềm vui đã khiến anh sao nhãng khỏi Scheherazade và những phép màu nông cạn của nàng; Dahlmann gấp sách lại và cho phép mình đơn thuần sống.Bữa trưa (món xúp được múc vào bát kim loại sáng lóa, như trong những mùa hè xa xôi thời ấu thơ) là một niềm vui bình lặng được chào đón nữa.Ngày mai mình sẽ thức dậy ở trang trại, anh nghĩ, và dường như cùng lúc anh là hai người: một người đang đi qua ngày mùa thu và qua những vùng địa lý của tổ quốc, và người kia, đang bị nhốt trong nhà thương và chịu cảnh nô lệ có phương pháp. Anh thấy những nhà gạch không trát vữa, góc cạnh và dài, nhìn ngắm đến vô tận những đoàn tàu chạy qua; anh thấy người cưỡi ngựa trên đường đất; anh thấy những kênh mương đầm phá và nông trại; anh thấy những đám mây dài óng ánh hoa cương, và tất cả đều đi qua tình cờ, như những giấc mơ của bình nguyên. Anh cũng nghĩ mình nhận ra những cây cối mùa màng mà anh không biết gọi tên, vì những điều anh biết trực tiếp về đồng quê kém xa những điều anh biết qua hoài cổ hay sách vở.Có lúc anh ngủ và giấc mơ cũng mang chuyển động băng băng lao tới của tàu. Mặt trời trắng lóa không chịu nổi lúc chính ngọ đã thành mặt trời vàng ngay trước lúc hoàng hôn, chẳng mấy sẽ thành màu đỏ. Và toa xe cũng khác; nó không phải đoàn tàu đã rời sân ga Constitución nữa: bình nguyên và những giờ dài đã đi qua nó làm nó biến hình. Ngoài kia cái bóng dập dềnh của toa xe trải đến chân trời. Không có gì xáo động đất nguyên tố, dù là khu dân cư hay những dấu hiệu khác của con người. Tất cả đều rộng rãi, nhưng cùng lúc cũng thật thầm kín và, theo lối nào đó, còn bí mật. Trên đồng không tận, đôi khi chẳng có gì ngoài một con bò. Vẻ cô độc thật hoàn hảo và có lẽ còn thù nghịch, và Dahlmann có thể ngờ rằng mình đang du hành về quá khứ chứ không chỉ tới phương Nam.Từ phỏng đoán huyền hoặc này anh bị sao nhãng bởi người soát vé, ông này khi nhìn vé, thông báo cho anh rằng tàu sẽ không cho anh xuống ở ga mọi khi mà là ga khác, trước đó một quãng và hầu như không hề quen thuộc với Dahlmann. (Người đó thêm một câu giải thích mà Dahlmann không cố hiểu hay thậm chí cố nghe, bởi cơ chế của sự việc không khiến anh bận tâm mấy).Con tàu nhọc nhằn dừng lại, gần như giữa đồng trống. Ở bên kia đường ray là ga tàu, chẳng có gì ngoài một sân ga với một túp nhà. Không thấy xe cộ nào xung quanh, nhưng trưởng ga cho rằng có lẽ sẽ kiếm được xe trong một cửa hàng mà ông ta nói cách đây khoảng mươi mười hai khối nhà.Dahlmann chấp nhận chuyến cuốc bộ như một cuộc phiêu lưu nho nhỏ. Lúc này mặt trời đã lặn, nhưng một ánh ráng cuối cùng vẫn rọi bừng bình nguyên sống lặng thinh, trước khi nó bị đêm xóa mất. Để khỏi mệt thì ít mà đúng hơn để kéo dài thêm cảm giác này, Dahlmann bước đi thật chậm, hít sâu mùi cỏ ba lá với niềm vui say đắm.Cửa hàng bách hóa một thời từng đỏ gắt, nhưng năm tháng, may cho nó, đã làm phai bớt sắc màu bạo lực kia. Có gì đó trong kiến trúc nghèo nàn khiến anh nhớ lại một bức tranh khắc kim loại, có lẽ từ một bản in cũ cuốn Paul và Virginie. Buộc vào thanh ngang trước nhà có mấy con ngựa. Dahlmann, khi vào trong, nghĩ mình nhận ra ông chủ; rồi anh hiểu rằng mình đã bị lầm vì ông ta trông giống một trong mấy nhân viên nhà thương. Người kia, nghe anh trình bày, nói rằng mình sẽ cho chuẩn bị cỗ xe kéo nhỏ; để thêm một sự việc nữa vào ngày hôm ấy và để tiêu bớt thời gian, Dahlmann quyết định ăn trong cửa hàng.Ở một bàn mấy cậu trẻ tuổi đang ăn uống ồn ào, mà Dahlmann ban đầu không để ý. Trên sàn, tựa vào quầy, ngồi xổm, bất động như một món đồ vật, có một người rất già. Rất nhiều năm tháng đã giũa mòn và đánh bóng ông ta như nước bào nhẵn hòn sỏi hoặc nhiều thế hệ loài người gọt giũa một câu. Đen đúa, nhỏ thó và khô héo, ông ta dường như ở ngoài thời gian, trong một thứ vĩnh cửu. Dahlmann nhận ra với chút thỏa mãn cái băng đô trên đầu, cái poncho bằng vải mềm, cái khăn quấn eo dài cùng đôi ủng đi ngựa và tự nhủ, nhớ lại những cuộc tranh cãi vô ích với những người đến từ các hạt miền Bắc hoặc từ Entre Ríos, rằng những gaucho thế này chẳng còn lại mấy ở đâu ngoài phương Nam.Dahlmann ngồi xuống bên cửa sổ. Bóng tối dần lan trên đồng, nhưng mùi và những tiếng rì rầm của cánh đồng vẫn lọt vào qua những chấn song. Ông chủ mang cho anh cá xác đin rồi tới thịt nướng; Dahlmann chiêu nó xuống bụng bằng vài cốc vang đỏ. Ngồi rỗi, anh nhấm nháp cái vị đắng và đưa mắt vẩn vơ quanh cửa hàng, đã hơi buồn ngủ. Trên một xà ngang treo đèn dầu; khách ở bàn bên có ba người: hai trông như tá điền ở trại; người còn lại, nét mặt lai thô lậu, uống rượu mà đội nguyên cái mũ mềm. Đột ngột, Dahlmann cảm thấy thứ gì lướt khẽ qua mặt. Nằm cạnh cái cốc thô bằng thủy tinh đục, trên một sọc ngang khăn trải bàn, có một viên ruột bánh mì. Chỉ có thế, nhưng nó vừa bị ai đó ném qua.Minh họa: Trần Trung LĩnhMấy người bàn bên có vẻ không để ý đến anh. Bối rối, Dahlmann quyết định coi như không có gì xảy ra và mở tập sách Ngàn lẻ một đêm, như để che đi thực tế. Mấy phút sau một viên khác đáp trúng anh, và lần này đám tá điền cười rộ. Dahlmann tự nhủ rằng anh không sợ, nhưng sẽ thật ngốc nghếch nếu anh, một người bệnh đang chờ khỏe, để những người lạ mặt lôi vào một trận đánh lộn. Anh quyết định đi ra; anh đã đứng dậy thì ông chủ đến gần anh và khẩn nài anh bằng giọng hoảng hốt:- Ông Dahlmann, xin đừng để tâm đến mấy cậu ấy, họ đã hơi ngà ngà rồi.Dalhmann không thấy ngạc nhiên là người kia giờ lại biết anh, nhưng anh cảm thấy những lời hòa hoãn đó thực tế lại làm trầm trọng thêm tình hình. Trước đó, sự khiêu khích của đám tá điền là nhằm vào một khuôn mặt qua đường, gần như là một kẻ vô danh; bây giờ nó nhằm vào anh và nhằm vào cái tên anh và đám dân làng biết vậy. Dahlmann đẩy ông chủ ra, đối mặt với mấy tên tá điền và hỏi chúng muốn gì.Đứa compadrito có khuôn mặt lai đứng dậy, loạng choạng. Đứng cách Juan Dahlmann có một bước, nó thét những câu lăng mạ anh, như thể anh đang ở rất xa. Nó đang chơi trò phóng đại mức độ say của mình và sự phóng đại này là một cách gây hấn và chế nhạo. Giữa những lời chửi bới và văng tục, nó ném lên trời một con dao dài, đưa mắt dõi theo nó, bắt lấy nó, và thách Dahlmann đấu dao. Ông chủ hiệu phản kháng bằng giọng run run rằng Dahlmann không có vũ khí. Đến lúc đó diễn ra một việc không thể đoán trước nổi.Từ một góc, ông gaucho già bất động, mà Dahlmann thấy là một ẩn số của phương Nam (cái phương Nam thuộc về anh), ném cho anh một con dao găm tuốt trần rơi xuống bên chân anh. Dường như chính phương Nam đã quyết định rằng Dahlmann sẽ chấp nhận quyết đấu. Dahlmann cúi xuống nhặt dao và cảm thấy hai điều. Thứ nhất, rằng hành động gần như bản năng này đã trói buộc anh phải đấu. Thứ hai, rằng món vũ khí trong bàn tay vụng về của anh sẽ không giúp anh tự vệ, mà chỉ giúp biện minh cho việc giết anh. Anh đã từng chơi dao, giống như mọi người khác, nhưng tài dao kiếm của anh không ngoài một ý niệm rằng nhát đâm phải thọc lên trên và lưỡi dao xoay vào trong. Ở nhà thương người ta sẽ không cho phép những việc này xảy ra với mình, anh nghĩ.- Ra thôi, - kẻ kia nói.Họ ra ngoài, và nếu như trong lòng Dahlmann không có hy vọng, thì cũng không có sợ hãi. Anh cảm thấy, khi bước qua ngưỡng cửa, rằng được chết trong một trận đấu dao, ngoài trời rộng, trong đà lao tới, sẽ giống như một sự giải phóng, một niềm vui và một dịp ăn mừng đối với anh trong đêm đầu tiên ở bệnh viện, khi người ta đâm kim vào anh. Anh cảm thấy rằng nếu anh, lúc đó, có thể chọn hoặc mơ thấy cái chết của mình, thì đây là cái chết mà anh đã chọn hay mơ thấy.Dahlmann nắm chặt con dao, mà có lẽ anh không biết dùng, và đi ra bình nguyên.■( NGUYỄN AN LÝ dịch từ cuốn Truyện hư cấu - tên gốc là Ficciones) Tags: BorgesTruyện ngắn của BorgesTruyện hư cấu
Vì sao hàng ngàn người tập trung trước Nhà hát lớn Hà Nội khiến đường tắc từ sáng tới chiều? PHẠM TUẤN 24/11/2024 Từ sáng tới chiều 24-11, tại trước khu vực Nhà hát lớn Hà Nội hàng ngàn bạn trẻ tập trung gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, vì sao?
Sang nhượng suất đạp xích lô, chèo ghe ở Hội An giá 500-700 triệu đồng THÁI BÁ DŨNG 24/11/2024 Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An Phan Phước Tùng cho biết mỗi suất đạp xích lô ở Hội An có giá từ 500-700 triệu đồng nhưng đa phần bà con anh em họ hàng nhượng lại cho nhau để kiếm sống.
Cách đi xe buýt đến ga metro ở TP.HCM CHÂU TUẤN 24/11/2024 Bạn đọc Tuổi Trẻ tiếp tục đặt câu hỏi về các tuyến xe buýt đến metro, có loại xe nào khác để kết nối và đi metro có thể đi đâu tiếp.
Vợ chồng ca sĩ Bích Tuyền sẽ khởi kiện Đàm Vĩnh Hưng? HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Trong nội dung livestream mới nhất của bầu sô Dũng Taylor vào trưa 24-11 (theo giờ Việt Nam) hé lộ thông tin vợ chồng ca sĩ Bích Tuyền sẽ khởi kiện ngược lại ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.