Tự cứu mình trước khi trời cứu

BS TĂNG HÀ NAM ANH 11/01/2010 06:01 GMT+7

TTCT - Ông T.V.M., 80 tuổi, bị trượt chân trong nhà tắm gãy liên mấu chuyển xương đùi. Bệnh nhân lớn tuổi, loãng xương nên được điều trị bằng cách mang nẹp chống xoay tư thế dạng chân hơn 45 độ, tập vật lý trị liệu chống loét.

Ba tháng sau bệnh nhân có thể đi lại bằng khung tập đi. Nhưng ở thời điểm sáu tháng, lúc mọi người nghĩ mọi thứ đã ổn thỏa khi ông có thể tự đi trong nhà thì ông bị té lần nữa. Lần này ông chống tay xuống đất và bị gãy cổ xương cánh tay.

Phóng to
Ảnh: womanaroundtown.com

Chuyện xảy ra, người nhà liên tục hỏi bác sĩ: "Ba tôi đi khung nạng đã rất ổn, sao chỉ chống nhẹ tay mà xương lại gãy nữa?".

Những người có cha mẹ lớn tuổi cần biết những điều sau đây: người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ, xương bị loãng rất nhiều. Tuổi càng cao càng bị loãng xương. Do vậy chỉ cần một chấn thương rất nhẹ cũng gây ra gãy xương như vùng liên mấu chuyển, cổ xương đùi, cổ phẫu thuật xương cánh tay, đầu dưới xương quay, xương sống...

Chúng ta rất dễ thấy nhiều cụ bà, cụ ông bị gãy xương do bệnh lý loãng xương. Việc quan trọng hơn sau khi điều trị gãy xương do loãng xương là ngăn ngừa gãy xương tiếp theo. Các bác sĩ dường như làm rất tốt việc điều trị các ca gãy xương do bệnh lý loãng xương bằng kỹ thuật cao như thay khớp, bơm ximăng vào thân đốt sống, nhưng lại bỏ qua phần quan trọng nhất là làm sao ngăn ngừa các trường hợp gãy xương tiếp theo.

Có thể ngăn ngừa xương bị gãy bằng các biện pháp dự phòng tránh té ngã như tay vịn trong nhà vệ sinh, gậy hỗ trợ đi, điều trị loãng xương trước hay sau khi đã bị gãy xương bằng các thuốc chống loãng xương, cung cấp thêm canxi và vitamin D.

Bản thân người lớn tuổi không có khái niệm về nguy cơ gãy xương của mình, chỉ chính bác sĩ mới biết. Nhưng hiện tại hầu như các bác sĩ đang quá mê mải với kỹ thuật mổ mà quên việc hướng dẫn và cung cấp thông tin cho người bệnh.

Tự cứu mình trước khi trời cứu. Những người con hãy quan tâm hơn đến cha mẹ già bằng cách phòng ngừa mọi yếu tố có thể gây nên té ngã như sắp xếp thoáng, gọn đồ vật trong nhà, không để các cụ bị vướng chân khi di chuyển, sàn gạch (trong nhà và buồng tắm) nên là loại gạch không trơn...

Tốt nhất nên thường xuyên có người ở nhà để theo dõi từng bước đi của các cụ. Đừng để chuyện xấu xảy ra vì người già chịu đau rất kém.

Lá thư bác sĩ

Bạn đọc có nhu cầu viết thư cho bác sĩ, xin gửi đến chúng tôi: Mục “Lá thư bác sĩ”, tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn. Với sự cộng tác thường xuyên của: PGS-TS Nguyễn Thị Bay, BS Tăng Hà Nam Anh, BS Trần Hoài Nhân, GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận