Tự lực tự cường và chip bán dẫn

NGUYỄN TRUNG DÂN 10/11/2022 07:49 GMT+7

TTCT - Sau gần 10 năm, cuộc đua trong lĩnh vực phát triển và sản xuất chip bán dẫn của Trung Quốc đã thành bại ra sao

Tự lực tự cường và chip bán dẫn - Ảnh 1.

Triển lãm chip của Tsinghua Unigroup. Ảnh: AFP

Sau gần 10 năm, cuộc đua trong lĩnh vực phát triển và sản xuất chip bán dẫn của Trung Quốc đã thành bại ra sao, và con đường sắp tới sẽ thế nào, khi Tổng bí thư Tập Cận Bình lại vừa kêu gọi đất nước của ông "phải giành chiến thắng trong cuộc chiến công nghệ cốt lõi"?

Năm 2020, Trung Quốc chi 350 tỉ USD cho nhập khẩu chip bán dẫn, trong khi tiền nhập dầu mỏ chỉ có 176 tỉ USD (con số này là 257 tỉ USD năm 2021), theo số liệu hải quan. 

Việc Trung Quốc, vốn cung cấp cho thế giới hầu như tất cả các mặt hàng từ lao động thủ công rẻ tiền cho đến cả các mặt hàng công nghệ cao, là nước nhập khẩu dầu mỏ và nhiên liệu lớn nhất thế giới không có gì lạ. 

Song phải chi nhập chip nhiều hơn mua dầu thì đáng chú ý, nhất là khi tính đến 2021 các chính sách chạy đua trong lĩnh vực phát triển và sản xuất chip của nước này đã đi được hơn 7 năm.

Những chính sách đầu tiên

Năm 2015, cả thế giới công nghệ và tài chính cũng như các nhà hoạch định chính sách của nhiều quốc gia giật mình khi hay tin Tập đoàn Thanh Hoa (Tsinghua Unigroup) của ông trùm địa ốc Zhao Weiguo, người mà tên tuổi chưa hề được biết đến trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, ngỏ ý chi tới 23 tỉ USD để mua lại công ty sản xuất chip Micron của Mỹ.

Mặc dù vụ mua lại này thất bại do Quốc hội Mỹ ngăn cản, Tsinghua Unigroup sau đó vẫn trở thành công ty lớn nhất của Trung Quốc về thiết kế chip nhờ bỏ ra hàng tỉ USD để mua lại các công ty trong nước có khả năng nhất về lĩnh vực này, còn Zhao Weiguo được mệnh danh là "Semiconductor Madman" mà hiểu nôm na là "Gã cuồng bán dẫn".

Năm 2018, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đích thân đến thăm cơ sở nghiên cứu và sản xuất chip của Công ty Yangtze Memory Technologies thuộc Tsinghua Unigroup. Ông chủ Zhao đích thân đưa ông Tập đi tham quan công ty. Tại đây, ông Tập thúc giục lãnh đạo công ty khẩn trương đẩy mạnh các nghiên cứu để tạo ra sự đột phá cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của quốc gia.

Tuy nhiên, dù được hưởng nhiều chính sách hết sức ưu đãi cũng như các khoản đầu tư khổng lồ của Chính phủ Trung Quốc, tháng 7-2021 Tsinghua Unigroup thông báo tiến hành các thủ tục tuyên bố phá sản. 

Một loạt lãnh đạo của tập đoàn và cả các quan chức cao cấp của chính phủ đang bị điều tra tham nhũng. Trong số những người đang bị điều tra có Zhao Weiguo, Ding Wenwu - chủ tịch Big Fund (quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất của Trung Quốc), và Xiao Yaqing - bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin.

Tự lực tự cường và chip bán dẫn - Ảnh 2.

"Gã cuồng bán dẫn" Zhao Weiguo. Ảnh tư liệu Reuters

Từ một tập đoàn kinh tế với số vốn hàng chục tỉ USD, Tsinghua Unigroup phải phá sản và cuối cùng được một liên minh dẫn đầu là Beijing Jianguang Asset Management "giải cứu" với giá 9,4 tỉ USD.

Các tiến bộ trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển cũng như sản xuất chip bán dẫn của Trung Quốc cũng hết sức chậm. Theo số liệu nghiên cứu của IC Insight, sản phẩm chip sản suất tại Trung Quốc năm 2021 chỉ chiếm 15,9% trong tổng số chip tiêu thụ ở Trung Quốc, tăng chưa đầy 1 điểm phần trăm so với 2014 (15,1%).

Ngoài ra, theo đánh giá của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ, chip sản xuất nội địa của Trung Quốc vẫn chủ yếu là các loại chip thuộc nhóm công nghệ thấp. Khoảng cách công nghệ chip tiên tiến giữa Trung Quốc và các nước khác còn rất lớn, phải hàng thập niên nữa mới có thể thu hẹp được.

Trung Quốc vẫn sẽ phải tiếp tục chi cho nhập khẩu chip nhiều hơn tất cả các mặt hàng nhập khẩu trong một thời gian dài trước mắt.

Toàn dân làm chip

Các kết quả thực tế của nỗ lực từ năm 2015 đến năm ngoái là một thất vọng lớn đối với ông Tập. Năm 2018, Trung Quốc tiếp tục một đợt cải cách ngành chip mới.

Theo báo New York Times ngày 29-8, từ năm 2019, cụm từ "hệ thống huy động toàn quốc mới" đã bắt đầu xuất hiện trong các diễn văn của ông Tập và tài liệu của đảng khi nhắc đến các thách thức công nghệ then chốt. Đây là các quyết sách từng được Chủ tịch Mao Trạch Đông sử dụng.

Vào những năm 1950 - 1970, Trung Quốc còn hết sức nghèo khó nhưng vẫn tự lực chế được bom nguyên tử, bom khinh khí và cả vệ tinh. 

Ông Tập không giấu niềm tự hào về phương pháp nhất quán "toàn dân" và mệnh lệnh "từ trên xuống dưới" (top-down) của ông Mao trong việc huy động tài nguyên và vật lực của toàn dân mà ông coi đó là sức mạnh của hệ thống chính trị để đối phó với các thách thức của quốc gia. 

Ông Tập cũng luôn kêu gọi noi theo mô hình "hai quả bom và một vệ tinh" nói trên để phát triển chip bán dẫn.

Tự lực tự cường và chip bán dẫn - Ảnh 3.

Công nhân kiểm tra chất lượng của một con chip tại một nhà sản xuất vi mạch ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, ngày 16 tháng 9 năm 2022. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, với lĩnh vực sản xuất chip, chính sách huy động toàn dân và phương pháp top-down đã bộc lộ rất nhiều nhược điểm.

Thứ nhất là với chính sách đầu tư ưu đãi của Nhà nước được quản lý bởi một bộ máy quan liêu và tham nhũng gây ra thất thoát số tiền khổng lồ do đầu tư tràn lan, thiếu hiệu quả. Thứ nữa, chính sách tự lực tự cường cũng không thích hợp đối với một lĩnh vực được coi là dựa vào sự kết nối toàn cầu hết sức cao.

Công nghiệp bán dẫn là một lĩnh vực cực kỳ phức tạp, đòi hỏi một chuỗi cung ứng và kết nối toàn cầu hết sức chặt chẽ, vì thế để có thể "tự lực cánh sinh" là một thách thức vô cùng to lớn.

Chẳng hạn như các chip tiên tiến nhất thường được thiết kế ở Mỹ, các hệ thống máy móc cực kỳ tinh xảo dùng cho sản xuất chủ yếu được chế tạo tại Hà Lan với nhiều chi tiết và bộ phận được chế tạo tại Đức và Nhật, sử dụng các phần mềm của Mỹ, các dây chuyền sản xuất chip chủ yếu là ở Đài Loan và Hàn Quốc, việc kiểm tra và lắp ráp thường được thực hiện ở Trung Quốc.

Sự phân công quốc tế như vậy là một quá trình tối ưu hóa dựa trên ưu thế truyền thống của các quốc gia nói trên cũng như sự cạnh tranh khốc liệt xảy ra hàng chục năm giữa các quốc gia và các công ty công nghệ.

Theo tờ China Economic Weekly, một ấn bản hằng tuần trực thuộc tờ Nhân Dân Nhật Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chỉ trong năm 2020 đã có đến 58.000 công ty trong nước đăng ký kinh doanh lĩnh vực bán dẫn. 

Nhiều công ty vốn đang hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, địa ốc, thậm chí cả thời trang cũng cố thay đổi đăng ký kinh doanh bán dẫn chủ yếu để có thể tiếp cận được các nguồn vốn dễ dãi cũng như đất đai rẻ của chính phủ. Cũng theo tuần báo nói trên, đã có ít nhất sáu dự án bán dẫn với tổng vốn đầu tư trên một tỉ USD phải phá sản.

Theo Liu Yadong, cựu tổng biên tập tờ nhật báo Khoa học và Công nghệ của Trung Quốc, phương pháp nói trên của Trung Quốc có lẽ không thích hợp với lĩnh vực chip. Theo ông, chính sách huy động toàn dân và phương pháp top-down "có thể giúp Trung Quốc giành được huy chương vàng Olympic và chế tạo bom nguyên tử, nhưng nó không thích hợp cho việc phát triển chế tạo chip bán dẫn".

Tuy vậy, ông Tập vẫn không hề nao núng. Tháng 6 vừa qua, ông đến thăm một công ty bán dẫn khác ở Vũ Hán. Ông nhấn mạnh tự lực tự cường về công nghệ là nền tảng cho sự phát triển phồn thịnh và là chìa khóa cho sự an ninh của quốc gia.

Tại đây, theo tường thuật của Tân Hoa xã, ông Tập phát biểu chỉ đạo: "Chúng ta phải thực hiện đầy đủ, chính xác và toàn diện quan điểm phát triển mới, thực hiện triệt để chiến lược phát triển theo hướng đổi mới, tự mình nắm chắc huyết mạch của khoa học và công nghệ, tiến bộ hơn nữa trong nền khoa học tự lực tự cường về công nghệ, và không ngừng nâng cao tính độc lập, tự chủ, an toàn trong phát triển của đất nước, khai sinh nhiều công nghệ mới, công nghiệp mới, mở ra lĩnh vực mới, đường đua mới để phát triển kinh tế, tạo lợi thế mới trong cạnh tranh quốc tế".

Ông Tập còn nhấn mạnh thêm rằng: nếu tất cả mọi thành phố và khu công nghệ, tất cả các công ty công nghệ cũng như tất cả các nhà nghiên cứu theo sát đường lối và chính sách của chính phủ đề ra về sáng tạo và phát triển công nghệ thì "chúng ta nhất định sẽ đạt được mục tiêu đề ra".

Và mới nhất, trong bài diễn văn đọc tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 16-10, ông Tập lại kêu gọi đất nước của ông "phải giành chiến thắng trong cuộc chiến công nghệ cốt lõi".■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận