Ukraine: Mặt trận phía Tây không yên tĩnh

DUY VĂN 15/05/2022 21:00 GMT+7

TTCT - Trong khi chiến sự Ukraine chủ yếu tập trung ở miền đông và miền nam đất nước, một rẻo đất rộng 60km ở vùng giáp ranh giữa Moldavia và tây Ukraine đang nhận được nhiều sự chú ý bởi đây là vùng được đánh giá có nguy cơ cao nhất chứng kiến chiến tranh lần đầu lan ra khỏi Ukraine.

 
 Lãnh thổ Transnistria nằm ở biên giới Ukraine và Moldova. Ảnh: CNN

Tối 6-5, chính quyền Pridnestroviye (cộng hòa tự xưng đòi ly khai nằm trên lãnh thổ Moldavia - Pridnestrovie, tức PMR, mà phương Tây gọi là Transnistria, ở giữa Ukraine và Moldova) thông báo những vụ nổ đã xảy ra trong một ngôi làng dọc theo biên giới Ukraine. Cơ quan nội vụ của vùng lãnh thổ này nói: “Ít nhất hai máy bay không người lái đã bay trên các đơn vị quân sự ở Voronkovo, bốn vụ nổ đã xảy ra”.

Trước đó, trong tuần cuối tháng 4-2022, ba cuộc tấn công khủng bố đã xảy ra ở Pridnestroviye, khiến thủ phủ Tiraspol phải báo động đỏ. Theo lời lãnh đạo PMR Vadim Krasnoselsky, “dấu vết của những cuộc tấn công này dẫn đến Ukraine”, trong khi Tổng thống Moldova Maya Sandu đổ lỗi chung cho “các lực lượng bên trong khu vực, quan tâm đến việc làm mất ổn định tình hình”.

Rối rắm Pridnestrovie

PMR không chỉ nóng lên vì các vụ tấn công nói trên. Cơ quan Nội vụ Pridnestrovie cho biết mục tiêu của quân đặc nhiệm Ukraine còn là kho đạn Cobasna: đã có một vụ nổ súng từ Ukraine về hướng này. Đây là kho chứa khoảng 20.000 tấn đạn dược, được đưa về đây sau khi quân Liên Xô rút khỏi các nước châu Âu và đang được một nhóm tác chiến đặc biệt của quân đội Nga canh giữ.

Trong khi kẻ tổ chức những vụ tấn công vào PMR vẫn chưa được chính thức gọi tên, thì Ukraine không che giấu sự quan tâm của mình với cộng hòa tự xưng này. Hôm 26-4, cố vấn của tổng thống Ukraine, ông Aleksey Arestovich đã “tham mưu” cho Chisinau: “Quân đội Ukraine có khả năng chiếm đóng Pridnestrovie. Moldova nên tìm sự giúp đỡ ở Ukraine và Romania. Nếu Moldova tìm tới Ukraine, chúng tôi có thể nắm quyền kiểm soát Pridnestrovie. Các lực lượng vũ trang của Ukraine có đủ sức mạnh cho việc này”.

Xung đột Pridnestrovie là một trong những vấn đề tồn tại nữa của không gian hậu Xô viết. Lịch sử của cuộc tranh chấp lãnh thổ bùng lên trên tàn tích của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Moldavia thường được tính từ cuối những năm 1980, nhưng nguồn gốc của nó xuất hiện sớm hơn nhiều. Vào thế kỷ 19, cả hai bờ sông Dniester đều thuộc Đế chế Nga. Sau đó, vào đầu thế kỷ 20, tả ngạn, tức là phần lớn PMR hiện đại, rơi vào tay Liên Xô. Tại đó, Cộng hòa tự trị Moldavia được thành lập như một thành phần trong Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraine. Bessarabia, nằm ở hữu ngạn, bắt đầu tách khỏi Romania.

Năm 1940, quân đội Liên Xô thời Joseph Stalin chiếm đóng vùng này trong khuôn khổ Hiệp ước Molotov - Ribbentrop giữa Liên Xô và nước Đức Quốc xã. Để đồng hóa dân chúng nói tiếng Romania, Matxcơva lập một Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Moldova bằng cách hợp nhất vùng họ chiếm được với một dải miền tây Ukraine. Quyết định này lập tức làm thay đổi nhân khẩu học nước Moldova mới, khiến các nhóm nói tiếng Nga chiếm ưu thế trong các định chế chính ở đất nước nhiều thập niên sau đó.

Cuộc cải tổ ở Liên Xô vào cuối những năm 1980 đi kèm sự gia tăng hoạt động chính trị, dẫn đến sự phát triển dân tộc chủ nghĩa ở nhiều nước cộng hòa. Moldova không phải là ngoại lệ. Ở đó xuất hiện các phong trào ủng hộ quyền tự chủ, độc lập, chuyển hệ chữ Moldova sang bảng chữ cái Latin và thống nhất với Romania như một sự trở lại cội nguồn lịch sử. Năm 1989, Mặt trận nhân dân Moldova được thành lập, tổ chức các hoạt động đường phố của quần chúng chống lại chế độ Xô viết. Đối lập với những tư tưởng này, phong trào Unitate (Thống nhất) xuất hiện, ủng hộ việc bảo tồn Moldova như một phần của Liên Xô.

Năm 1989, việc thông qua dự luật mà theo đó tiếng Moldova trong hệ chữ Latin trở thành ngôn ngữ nhà nước duy nhất của Moldova đã gây ra sự phẫn nộ lớn trong các công dân nói tiếng Nga. Ngày 2-9-1990, đại hội đại biểu các cấp, đại diện cho các khu vực tả ngạn của Moldova và thành phố Bendery tuyên bố thành lập Cộng hòa Moldavia - tức Pridnestrovie. Giao tranh lập tức nổ ra giữa hai bờ Dniester, kéo dài suốt 5 tháng với thương vong hai bên lên hơn 100.000 người, theo các số liệu chính thức. Chiến đấu bên phía Pridnestrovie có quân tình nguyện từ Nga và Ukraine, trong khi ủng hộ Moldova có quân tình nguyện Romania. Nga đã đưa quân đội vào PMR và tháng 7-1991, Moldova và Nga ký các thỏa thuận giải quyết hòa bình dẫn tới tạm “đóng băng” vấn đề Pridnestrovie.

Ngày nay, PMR là vùng lãnh thổ đòi ly khai với dân số khoảng 470.000 người. Năm 2006, một cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức, trong đó đa số cư dân bỏ phiếu cho độc lập PMR và gia nhập Liên bang Nga. Xung đột Pridnestrovie thường được gọi là “đóng băng”, có nghĩa là nó không bước vào giai đoạn nóng sau năm 1992. Đồng thời, Chisinau vẫn kiên quyết yêu cầu lực lượng Nga rút khỏi khu vực.

Moldova tiến thoái lưỡng nan

Lên nắm quyền Moldova từ tháng 12-2020, Tổng thống Maya Sandu tuyên bố chủ trương yêu cầu Nga rút quân khỏi Pridnestrovie, hình thành chính sách cân bằng giữa EU và Nga, ủng hộ Moldova gia nhập EU và thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ. Trong cuộc gặp Tổng thống Romania Klaus Iohannis tháng 12-2020, bà Sandu tuyên bố Moldova “sẽ hòa nhập vào không gian châu Âu với sự giúp đỡ của Romania”. Tổng thống Iohannis thì cho biết Bucharest sẵn sàng cấp cho Chisinau 100 triệu euro để chống khủng hoảng kinh tế và tiến hành cải cách. Cần nhắc, chuyến thăm đầu tiên trên cương vị tổng thống của bà Sandu là đến Ukraine.

Với chính sách đối ngoại này, không có gì khó hiểu khi Moldova đứng về phía Brussels trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Một loạt lệnh cấm vừa được ban hành ở Moldova: cấm người dân đeo dải ruy băng St. George biểu tượng cho ngày chiến thắng 9-5 ở Nga, phạt tiền những ai vi phạm lệnh cấm sử dụng các ký hiệu “Z” và “V”. Tuyên bố của nữ tổng thống Moldova rằng “dải ruy băng St. George có vị trí trong thùng rác của lịch sử” khiến một số tờ báo Nga bình luận bà đã “vượt qua lằn ranh đỏ”.

Đồng thời, Ukraine đang yêu cầu Moldova bán cho họ các máy bay chiến đấu MiG-29 để chống lại Nga. Bà Sandu, lãnh đạo một nước chỉ có 2,6 triệu dân, hiện chưa đồng ý với việc này: “Ukraine yêu cầu sự hỗ trợ quân sự từ tất cả các nước… Nhưng đất nước chúng tôi không có thiết bị quân sự hiện đại, và hiến pháp quy định chúng tôi không thể làm điều này”. Thay vì vậy, bà đề nghị cử đặc công đến giúp Ukraine.

Mặt khác, vấn đề năng lượng cũng khiến Moldova phải giữ quân bình ít nhiều trong quan hệ với Nga. Bộ Ngoại giao Moldova đưa tin nước này sẽ không tham gia các trừng phạt của Mỹ với Nga, do nền kinh tế Moldova quá phụ thuộc vào hợp tác với Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Cuộc “xung đột đóng băng” Pridnestrovie và bài học Donbass nhãn tiền càng khiến Moldova không thể khinh suất. Thừa nhận Moldova có “tham gia chuyển các đoàn tàu chở nhiên liệu cho quân đội Ukraine từ lãnh thổ Romania qua lãnh thổ của mình”, nhưng bà Sandu bác bỏ thông tin từ báo chí rằng quân đội Romania đang có mặt trên lãnh thổ cộng hòa này.

Trước những đồn đại trên các kênh Telegram về việc “các cố vấn Romania, mặc quân phục Moldova, đang chuẩn bị cho quân đội Moldova đẩy lùi các mối đe dọa có thể liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine”, bà Sandu nói trên kênh truyền hình Rlive hôm 28-4: “Không có binh sĩ và quân đội Romania trên lãnh thổ chúng tôi”. Bà giải thích những tin đồn này được lan truyền nhằm “khiến mọi người sợ hãi và kích động hoảng loạn”.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Pridnestrovie, đại sứ quán của 7 quốc gia đặt tại thủ đô Chisinau (Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Bulgaria và Israel) đã kêu gọi đồng bào mình rời khỏi Moldova và Transnistria. Vấn đề là các lực lượng vũ trang Moldova “chưa sẵn sàng để chiến đấu, vì tiềm lực của họ không được phát triển trong nhiều năm”, như chính Tổng thống Sandu thừa nhận. Trong hoàn cảnh đó, “nhiệt tình” của Ukraine, qua gợi ý của cố vấn Arestovich, và sự giúp đỡ của Romania có lẽ chỉ khiến Moldova thêm cảnh giác. Ít ra là trước mắt, rõ ràng bà Sandu không muốn rơi vào tình cảnh của ông Volodymyr Zelensky và đất nước mình trở thành bãi chiến trường như Ukraine.

Theo ghi nhận của báo giới, trong tháng qua, máy bay không người lái liên tục quần đảo trên đường tiếp giáp, một vùng đệm trung lập giữa Moldova và PMR với các chốt kiểm soát do quân Nga túc trực suốt ngày đêm. Cư dân địa phương được tự do đi lại. Những chiếc ôtô mang biển số nước ngoài từ Moldova vào ra PMR đông hơn nhiều lần so với trước - dù đều được kiểm tra cẩn thận. Nhưng các cuộc khiêu khích ở biên giới là một trò chơi nguy hiểm có thể mở ra một vòng xung đột mới.■

Moldova vẫn là một quốc gia nông nghiệp nghèo khó với khoảng 2,5 triệu dân, bao gồm 500.000 dân ở Transnistria. Nước này có một quân đội không đáng kể, không có vũ khí hạng nặng và không hề kiểm soát được rẻo đất ly khai dài 400km, rộng 60-70km ở miền đông của họ. Sự kiểm soát của Nga với Transnistria là thông qua một lực lượng 1.500 binh sĩ trang bị nhẹ và dân quân. Nga cũng đang đảm bảo an ninh cho kho đạn Cobasna, một trong những bãi rác quân sự lớn nhất châu Âu, với khoảng 22.000 tấn vũ khí và đạn dược thời Xô viết. Cobasna chỉ cách biên giới với Ukraine 2km. Một vụ nổ ở đó được ước tính sẽ tương đương với quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận