TTCT - Trong định hướng phát triển không gian đô thị, cả Quảng Nam và Đà Nẵng đã có một “đáp số” chung là dòng sông Cổ Cò. Sông Cổ Cò, phía xa xa là núi Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. -Ảnh: TRƯỜNG TRUNG Nhiều lần bắt tay, lãnh đạo cả hai địa phương cùng thống nhất dòng sông này sẽ là trục cảnh quan được ưu tiên đầu tư để phục vụ du lịch sinh thái, phát triển đô thị, cải thiện môi trường trong khu vực. Tương lai không xa, du khách thập phương dễ dàng xuôi dòng Cổ Cò xanh mát từ đô thị Đà Nẵng hiện đại qua làng quê sông nước Ngũ Hành Sơn đến với phố cổ Hội An. Người dân xứ Quảng bao năm chờ đợi, ước ao dòng Cổ Cò sẽ được sống lại, trở thành một thủy lộ quan trọng như nó đã từng... Thủy lộ quan trọng Ngồi trước mặt chúng tôi là một người đàn ông ngoài cái tuổi thất tuần, râu tóc bạc phơ. Ông là Ngô Bảy, một ngư dân thất thời ở P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Ông Bảy từng được ví như rái cá khúc sông ngã ba sông Hàn và sông Cổ Cò với hơn 50 năm ăn nằm trên con nước. Công việc quen thuộc đến mức chỉ bấm đầu đốt tay là tính được ngày cá ngược lên khúc sông này. Từ ngày có tuổi, ông Bảy “nhường sân” cho người con trai tên Lai nuôi cá trên sông. Thi thoảng ông Bảy ra mép sông này để nhớ lại những ngày tháng trai trẻ. Tuy là ngư dân nhưng ông Bảy là người yêu văn chương, lịch sử. Nhấp chén trà trên bè nuôi cá, chuyện dòng sông nối liền hai thành phố được ông bắt đầu bằng cái tên “Faifo” và “Tourane”. Faifo là tên do phương Tây gọi Hội An từ thế kỷ 17, Tourane là tên gọi Đà Nẵng do người Pháp đặt vào thế kỷ 19. Ông kể lúc nhỏ, một lần được theo ông nội lên chùa trên núi Ngũ Hành Sơn. Ông không nhớ tên vị trụ trì ngôi chùa trên núi là gì nhưng có một câu chuyện khắc sâu trong tâm trí cậu bé Bảy ngày ấy. “Đó là câu chuyện về dòng sông rộng hàng trăm thước nằm vắt vẻo uốn lượn qua năm hòn núi linh thiêng. Ông sư này kể ngày xưa chưa có đường nên giao thương vùng duyên hải xứ Quảng chủ yếu đi qua con sông này. Nó là một con sông lên xuống theo nước thủy triều với nhiều ngóc ngách đi ra biển. Đoạn cuối sông gần tới ngã ba sông Cửa Đại đổ ra biển là khu vực sâu, rộng đáp ứng cho thuyền buôn hạng nặng tứ phương đậu tránh gió và chờ vào thương cảng Faifo để giao thương” - ông Bảy kể. Giọng chầm chậm, ông Bảy nói trong những ngày thả lưới thậm chí còn được nghe kể nhiều khu vực đầm lầy đầy cá sấu trên con sông này. Tuy nhiên đó là những lời truyền miệng chứ khi ông lớn lên thì con sông lớn đã bị bồi lấp nhiều đoạn, nhiều khu vực bãi bồi thu hẹp đi rất nhiều nên không thể đi thuyền một mạch từ Đà Nẵng vào Hội An (Quảng Nam). Theo ông Bảy, sau thời kỳ hoàng kim, đến thế kỷ 19 nhiều binh biến, cũng như giao thương đường bộ phát triển thì Faifo không còn giữ được vị thế cửa ngõ xứ Đàng Trong nữa. Lòng sông Cổ Cò ngày càng bị thu hẹp, phù sa bồi lấp nên các thuyền lớn không còn ghé được cảng. Kể từ đó, Hội An bị “cô lập”, Cổ Cò trở thành “dòng sông chết”, người dân xứ Quảng gần như quên lãng miền sông nước “trên bến, dưới thuyền” này. Lần giở những trang sử cũ, chúng tôi ghi nhận có ít nhất hai tài liệu đã chép: vào thế kỷ 17, con sông này từng là thủy lộ quan trọng mà thuyền bè qua lại thường xuyên. Tác phẩm Hải ngoại kỷ sự của thiền sư Thích Đại Sán (thường gọi là Thạch Đầu Đà:1633-1705). Ông là một danh tăng đương thời của Trung Hoa tiếng tăm lan tận xứ Đàng Trong của Đại Việt. Năm 1695, Thích Đại Sán nhận lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu bấy giờ đang trị vì Đàng Trong vượt biển từ Quảng Đông sang Thuận Hóa giảng giải phật pháp. Hải ngoại kỷ sự được ông biên soạn trong thời gian lưu tại xứ Đàng Trong đã có những ghi chép về dòng sông này. Hải ngoại kỷ sự quyển số 4 có chép rằng trong một lần đáp thuyền dọc dài theo sông từ Hội An, Thích Đại Sán chợp ngủ trên thuyền chừng nửa giờ, ông đã thấy phương Đông sáng bạch, khoác áo choàng đứng dậy, thấy sóng yên nước lặng. Định thần, vị thiền sư mới nhìn ra, thuyền đã đến vũng (Đà Nẵng). Một vùng nước mênh mông có núi bao bọc quanh bờ biển, đá lởm chởm, trên cây vượn trắng nhảy nhót từng bầy, cây trái sum sê, cột buồm lô nhô như rừng rậm. Khi hỏi những người gần đấy, ông mới biết đây là nơi trú ẩn, tránh gió của nhiều đoàn thuyền chở lương vào Hội An. Quá trình đi trên dòng sông này, ông cũng dừng chân ghé chơi núi Tam Thai (Ngũ Hành Sơn) và có nhiều bài thơ về ngọn núi này. Trong Đại Nam nhất thống chí cũng ghi rằng Lộ Cảnh giang (sông Cổ Cò) nằm ở cuối hai huyện Diên Phước và Hòa Vang. Sông này từ xã Thanh Châu chảy ra phía Bắc, đến phía tây núi Tam Thai và nhập với sông Cẩm Lệ. Như thế có thể biết rằng Cổ Cò từng là một con sông đẹp, có vị thế chiến lược về thương mại, du lịch, thủy lộ chính để nối liền “Faifo” và “Tourane” một thời. Cuối sông Cổ Cò, đoạn chảy qua TP Hội An, Quảng Nam đã được người dân đưa vào khai thác du lịch sông nước. -Ảnh: TRƯỜNG TRUNG “Nương náu” dòng sông Chúng tôi xuôi thuyền đoạn từ ngã ba tiếp giáp với sông Hàn, nhưng con sông nay đã bồi lấp, nhiều đoạn dù ghe chở ba người vẫn không thể qua được. Khi tới phía nam hòn Hỏa Sơn (núi Ngũ Hành Sơn) thì phải lên xe đi đường bộ. Dấu tích cổ duy nhất chúng tôi nhận ra được là miếu Ông Chài ở đoạn này. Người dân cho biết đoạn sông này một thời là bến nước đông người lên xuống. Miếu Ông Chài được lập ra như là nơi những ngư dân và con buôn thời xưa thắp hương cầu khấn mua may, bán đắt, cá đầy lưới. Ở địa phận Đà Nẵng, có lẽ đây là đoạn mà con nước còn chút không gian, khí khái để gọi là sông. Hai bên bờ sông nay đã không còn làng chài nào, từ lòng sông nhìn lên một bên là khu dân cư thành thị đã “yên bề” từ lâu, một bên là khu đô thị sinh thái Hòa Xuân đang trong quá trình đổ đất. “Những người muôn năm cũ” kiểu ông Ngô Bảy cũng không còn hành nghề đánh cá nữa mà chuyển sang nuôi cá bằng hàng chục lồng bè. Đoạn sông này, nếu phải lưu ý một địa điểm thì đó là khu di tích K20, căn cứ cách mạng được công nhận di tích cấp quốc gia thời chống Mỹ với một số địa đạo ngắn còn sót lại. Ngoài ra ngôi chùa lớn đang được cất lại trên hòn Hỏa Sơn cũng là một nơi mà những người làm du lịch hẳn khó bỏ qua một khi Cổ Cò được sống lại. Lần suốt gần 8km đoạn sông chảy qua Đà Nẵng, dễ nhận thấy nhất trong cảnh quan là hơn 10 khu đô thị sinh thái bề thế đang dần hình thành nương tựa vào dòng sông, hay những sân golf đẳng cấp 5 sao đã đi vào hoạt động có lẽ cũng trông chờ một ngày dòng sông này bừng tỉnh. Đoạn tiếp giáp Quảng Nam và Đà Nẵng ngay sân golf Montgomerie Links dấu tích con sông mờ dần theo những bãi bồi. Một vài khúc sông cạn và ngắn, nhiều đoạn như cái hồ, mương nước ở vùng hạ lưu được nhân dân đặt cho tên mới như: Bảy Chài, Giang Tắt, Hà Dừa (ở P.Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam); Hà Bản, Hà Sấu (P.Điện Dương, thị xã Điện Bàn). Mãi đến Bến Trễ, Đế Võng thuộc P.Cẩm Hà, TP Hội An con sông mới được liền một dải hơn 10km về cửa biển. Đoạn này con sông len lỏi qua những rừng dừa nước rồi đi qua những đầm tôm nước lợ với cảnh thuyền chài vẫn còn hoang sơ. Dẫn chúng tôi ra đám rau muống rộng hàng trăm mét vuông mà người trong làng đang canh tác, cụ bà Lê Hà (người làng Hà Gia, P.Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) cho biết đoạn này cách đây hơn 50 năm vẫn còn là con sông lớn. “Ngày đó tôi hay ra đây tắm, nhưng rồi cứ bồi lấp dần, đất cát, sông bãi ngang một khi đã bồi thì liên tục lắng. Dưới đoạn Hội An, người dân làm đê ngăn mặn, trên này người dân đổ đất làm đường nhỏ qua sông cứ thế giờ không thể nhận ra con nước nữa” - cụ Hà nói. Cụ Hà nói mình mơ trước ngày nhắm mắt xuôi tay có thể nhìn thấy lại một khúc sông quê như thời còn mười tám đôi mươi. Thấm đẫm sự biến thiên của lịch sử, dòng sông này nhiều năm qua đã dày vò không ít tâm sức của những người nghiên cứu lịch sử đi tìm phương án khả thi nhằm “vực lại” một địa danh đã bị lãng quên. Mãi đến năm 2012, chính quyền Quảng Nam và Đà Nẵng đã ngồi lại tìm ý tưởng khơi thông Cổ Cò. Một số phương án đã được đưa vào triển khai, trong đó có cả việc chấp nhận đổi đất cho nhà đầu tư để khơi thông dòng chảy. Trong thâm tâm, người dân xứ Quảng vẫn mong một câu chuyện cổ tích về dòng sông được quay trở lại.■ 850 tỉ đồng nạo vét đoạn sông Cổ Cò ở Quảng Nam Ông Trần Đình Quang - phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam (chủ đầu tư dự án nạo vét sông Cổ Cò) - cho biết trung ương vừa thông qua dự án này. Theo đó, trung ương sẽ hỗ trợ 425 tỉ đồng từ nguồn vốn phòng chống biến đổi khí hậu, 425 tỉ đồng còn lại từ ngân sách tỉnh. Dự án sẽ thực hiện trên chiều dài 14km, trong đó đoạn qua TP Hội An 9,5km, còn lại thuộc thị xã Điện Bàn. Dự kiến dự án sẽ thực hiện trong năm nay và hoàn thành cuối năm 2019. Sẽ có bảy cây cầu bắc qua sông Cổ Cò. Tại Đà Nẵng, việc nạo vét sông Cổ Cò đã thực hiện đến gần giáp với tỉnh Quảng Nam. Tags: Sông Cổ CòCổ cò sống lại
Nửa đêm, Công Vinh đăng Facebook từ chối CLB Sông Lam Nghệ An NGUYÊN KHÔI 12/11/2024 23h40 khuya 11-11, cựu tiền đạo Lê Công Vinh đã lên Facebook cá nhân cho biết anh từ chối lời mời của CLB Sông Lam Nghệ An về giúp đội bóng quê hương.
Phản cảm leo lên xe tăng, súng, pháo ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam chụp ảnh, cha mẹ còn cổ vũ NAM TRẦN 11/11/2024 Nhiều khách tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cuối tuần qua đã leo trèo lên xe tăng, máy bay, các khẩu súng, pháo, xâm phạm hiện vật gây bức xúc.
Tổng thống Chile chủ trì lễ đón Chủ tịch nước Lương Cường DUY LINH 11/11/2024 Tổng thống Gabriel Boric Font chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch nước Lương Cường tại Quảng trường Hiến Pháp trưa 11-11.
Ông Trump giao người 'cứng tay' trục xuất dân nhập cư bất hợp pháp NGHI VŨ 11/11/2024 Ông Homan từng là quan chức cấp cao giám sát nhập cư trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, thời điểm chính sách gắt gao đã khiến hàng ngàn gia đình bị chia cắt ngay tại biên giới Mỹ.