2021: Cuộc tranh cử nhạt nhòa nhất lịch sử Đức

LÊ QUANG 09/09/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Không chỉ đối với những cử tri Đức năm nay đi bỏ phiếu lần đầu tiên, mà nói chung cả những người ở độ tuổi 30 sẽ vẩn vơ một câu hỏi trong đầu: Bỏ phiếu ư? Bỏ phiếu cho đảng nào hoặc cho ai? Chẳng phải bà Angela Merkel nghiễm nhiên lại làm thủ tướng như xưa nay hay sao? 16 năm liên tục đứng đầu, chính phủ cầm quyền của bà Merkel để lại một khoảng chân không mà chưa thấy gương mặt nào thực sự sáng giá khả dĩ khỏa lấp.

 
 3 ứng viên nặng ký nhất Laschet, Baerbock, Scholz

Ngày 26-9 này, 60 triệu cử tri Đức sẽ đi bầu hoặc năm nay sẽ chủ yếu gửi qua bưu điện phiếu bầu Nghị viện liên bang, tức quốc hội. 

Năm nay người dân tuy được chọn giữa 47 chính đảng đã được phép đăng đàn, song thực tế chỉ có 4 đến 8 đảng lớn nhất chia nhau số ghế nghị trường và trong đó cũng không phải tất cả đều nuôi hy vọng vào “ngựa đua” của mình. 

Cục diện chính trị Đức trong lần bầu cử này không chỉ nháo nhào vì đại dịch Corona, mà lần đầu tiên sẽ thoát khỏi cái “dớp” là tập trung vào cá nhân chứ không hẳn nhằm vào chính sách lãnh đạo của mỗi đảng!

16 NĂM KOHL, 16 NĂM MERKEL

Tổng số 32 năm dài như một thế hệ, chừng ấy năm Liên đảng CDU/CSU (Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo) gần như liên tục nắm quyền với hai tên tuổi đi vào lịch sử: Helmut Kohl hay thủ tướng của thời kỳ tái thống nhất Đức, và Angela Merkel, nữ thủ tướng đầu tiên và lại còn xuất thân từ CHDC Đức xã hội chủ nghĩa.

Chẳng có gì lạ, khi người ta tưởng nước Đức mặc định nằm trong tay phe Cơ đốc giáo bảo thủ. Khi mọi cột đèn và tường nhà dán chi chít ảnh vận động tranh cử, người đi đường sẽ ngơ ngác: sao không thấy ảnh của bà Merkel nhỉ? Đây sẽ là cuộc vận động tranh cử đầu tiên từ ngày lập quốc mà không có thủ tướng đương nhiệm đứng ra bảo vệ ghế của mình và đảng mình, như một cuộc chiến vắng mặt chỉ huy, như một ván cờ thiếu quân cờ tướng.

Theo dõi truyền thông Đức trong những tuần lễ ngắn ngủi trước bầu cử, khó tránh nhận ra các đảng đều vật vã đi tìm hoặc củng cố hình ảnh của thủ tướng tiềm năng. Giữa tháng 8 rồi mà các cuộc thăm dò dư luận của tờ Spiegel khả tín đều cho thấy quá nửa số cử tri (trong nội bộ đảng thậm chí 70%) mong muốn hạ bệ ứng viên hiện tại của CDU/CSU, Armin Laschet, để người khác thế chỗ. Thay ngựa giữa dòng, cách vạch đích 50 mét? Nhưng quả thực người dân không khoái ông, vì ông không đưa ra khẩu hiệu nào có tính thuyết phục.

Laschet tuy nhiên không phải lo lắng quá, vì các đối thủ của ông cũng chẳng sáng láng hơn bao nhiêu: Annalena Baerbock, ứng viên đầu tiên từ khi có Đảng Xanh, vừa xuất đầu lộ diện với cảm tình tạm ứng dạt dào dành cho một phụ nữ năng động trẻ trung đã liên tục vấp phải những ổ gà ổ voi chi chít: nào là đạo văn trong cuốn hồi ký muối xổi vừa tung ra cho kịp tranh cử, nào là sửa đi viết lại hàng chục chi tiết trong lý lịch, nào là bằng cấp học vị mờ ám. Đảng Dân chủ xã hội (SPD) được đại diện bởi Olaf Scholz, có lẽ ít bị công kích nhất trong top 3, song đừng quên rằng ở cương vị bộ trưởng tài chính liên bang, ông hứng chịu mọi gạch đá trong thời hậu khủng hoảng kinh tế, và đã làm phó cho bà Merkel mấy năm nay thì ông buộc phải lu mờ sau ánh hào quang của người đàn bà thép.

 
 Illustration của Politico  về bầu cử Đức 2021

 TẤM GƯƠNG HOA KỲ 1

Nhà bình luận chính trị danh tiếng Gabor Steingart nói lên một nghi ngờ có sẵn trong đầu nhiều người trong chính giới: phải chăng Đức nên đi theo con đường của Hoa Kỳ là đề cử ứng viên tổng thống, thay vì đợi bầu quốc hội rồi đảng nào nhiều phiếu nhất mới chỉ định thủ tướng. Hoa Kỳ công khai các cuộc tranh luận tìm ứng viên của hai đảng lớn nhất, qua đó cử tri nhận ra các điểm mạnh và mặt yếu của họ, đặng sau này gạch vào ô phiếu thích hợp. 

Còn ở Đức thì, theo cách nói của Steingart, “cử tri bị đẩy vào một tình thế không hay: họ chỉ biết đến mặt tốt (hay xấu) của ứng viên khi mọi sự đã an bài”.

Dĩ nhiên, không phải người Đức hoàn toàn bỏ qua khâu đó, nhưng câu hỏi nhân sự ở nước này bị phụ thuộc vào các tiêu chí khác: lấy ví dụ Đảng CSU có một ứng viên chiếm cảm tình của đa số đảng viên, nhưng Markus Söder lại là chủ tịch CSU, đảng “em” của CDU, do đó không thể qua mặt “bà chị” trong Liên đảng CDU/CSU.

Ở Đảng Xanh thì Baerbock là đồng chủ tịch đảng với Robert Habeck, chiếu theo điều lệ đảng luôn có cặp đôi từ hai giới đứng đầu. Khác với Baerbock, triết gia kiêm nhà văn Habeck có đủ học vị và danh tiếng thuyết phục cũng như kinh nghiệm chính trường, song ông phải lui lại hậu trường vì Đảng Xanh muốn xuất quân bài “nữ quyền” hơn! Cái mà người Đức gọi là “hậu cung chính trị” có sức mạnh áp đảo trong việc lựa chọn ứng viên, ở tất cả các đảng.

TẤM GƯƠNG HOA KỲ 2

Có lẽ phải phân tích rõ hơn một chi tiết của tranh cử ở Mỹ: đây bao giờ cũng là cuộc đối đầu giữa hai đảng lớn, Dân chủ và Cộng hòa. Tình cảnh sẽ rõ rệt hơn và cũng khắc nghiệt hơn ở Đức với 52 chính đảng (sau này 5 đảng rút đơn). Chỉ ở Mỹ mới có cuộc đấu khẩu công khai trước ống kính tivi với đủ khía cạnh bi hài. Cử tri Mỹ dễ bị lái theo những màn trình diễn đầy cảm tính mà quên đi tình hình hậu trường. Cuộc cãi cọ cao cấp, còn gọi là “presidential debate” ở Hoa Kỳ năm 1960 sau này được đem ra thăm dò ý kiến và bị coi là John Kennedy thắng đậm chỉ vì... các nữ cử tri thấy ông đẹp trai hơn gã Richard Nixon có cái mũi hình mỏ vịt!

Dù không tập trung vào “đấu súng” tay đôi, cuộc vận động tranh cử của Đức đã bắt đầu có những màu sắc thiếu văn minh. Giới quan sát cho rằng hiện tượng “negative campaigning” từ bên kia Đại Tây Dương đã tràn sang Đức. Negative campaigning là tuyên truyền tiêu cực theo kiểu bỏ bóng đá người, không đi vào nội dung và chỉ bôi nhọ cá nhân, đã thành truyền thống của Hoa Kỳ từ cuộc tranh cử năm 1800 giữa tổng thống đương nhiệm John Adams và đối thủ là Thomas Jefferson. Họ công khai chửi nhau là phân biệt chủng tộc, thiểu năng trí tuệ, dòng giống da đỏ lai da đen, lưỡng tính ái...

Đảng SPD chẳng hạn, họ tung ra một clip video để công kích CDU, nhưng thay vì vạch rõ điểm yếu (giảm thuế cho người giàu, qua đó thâm hụt ngân sách chừng 33 tỉ euro) của ứng viên CDU thì họ nghĩ ra một câu dễ thuộc là “làm cho người giàu giàu thêm, người nghèo nghèo đi”. Hoặc lặp đi lặp lại lời của Nathanael Liminski, một cố vấn vận động tranh cử của CDU, đả phá tình dục tiền hôn nhân, cho dù câu đó được phát ngôn ở một thời điểm rất xa xưa.

CDU cũng không vừa, họ lợi dụng dư luận Đức đang bất mãn với chính phủ trong vụ nội chiến Syria để buộc tội “Đảng Xanh mời người tị nạn toàn thế giới vào Đức” - không khác một thuyết âm mưu của cánh hữu cực đoan. Với những dự định khá cấp tiến nhưng khó lấy lòng người như đóng cửa toàn bộ nhà máy điện chạy than vào năm 2030 hoặc tăng giá xăng lên trên 2 euro/lít, Đảng Xanh hứng chịu nhiều danh hiệu kém mỹ miều như “Hệ thống sinh thái xã hội chủ nghĩa”, “Chủ nghĩa khủng bố đội danh môi trường”...

MỘT NÚI VẤN ĐỀ

Bất kể ai chiến thắng, chính phủ mới ở Đức sẽ không bị ghen tị khi đứng trước vô số vấn đề. Dù thế nào thì nước Đức sẽ không có một chính phủ nào được bầu theo tỉ lệ quá bán. Nước Đức có một phong vũ biểu chính trị thú vị tên là “Nếu chủ nhật này bầu cử quốc hội” - nêu kết quả thăm dò của một chục viện nghiên cứu danh tiếng. 

Kết quả tuần đầu tháng 8 cho thấy CDU/CSU về lý thuyết sẽ nhận được dưới 30% số phiếu, SPD dưới 21% và Đảng Xanh dưới 19,5%. Đồng nghĩa với việc người ta không được chửi nhau quá thậm tệ, để cuối tháng 9 còn có cơ bắt tay nhau cho đủ quá bán mà lập chính phủ liên minh chứ!

Bất kể ai chiến thắng, chính phủ mới ở Đức sẽ phải đương đầu với một vấn nạn còn âm ỉ từ năm 2015: sau khi Mỹ sa lầy ở Afghanistan và phải rút quân một cách khá vô tổ chức, các đồng minh Tây Âu của họ cũng vạ lây, và Chính phủ Đức sẽ phải chường mặt ra giải thích cho người đóng thuế, vì sao đâm đầu theo Mỹ một cách mù quáng, vì sao để con cái họ chết một cách vô nghĩa trong một cuộc xung đột bất khả chiến thắng, vì sao bỏ rơi các cộng tác viên người bản xứ sau khi sử dụng họ hàng chục năm trời.

Nhưng câu hỏi lớn nhất còn để ngỏ là: 1 triệu người tị nạn từ Trung Đông hồi năm 2015 tràn qua biên giới mở toang của Đức chưa đủ tàn phá ngân quỹ và làm xáo trộn xã hội hay sao, nay làm gì với viễn cảnh do các nhà nghiên cứu dự đoán là 5 triệu người tị nạn từ Afghanistan đang nằm trong tay Taliban sẽ tìm đường qua châu Âu và chủ yếu là đến Đức?

Bà Merkel về hưu trong khi đại dịch Corona còn chưa được giải quyết, nay toàn bộ các lỗi lầm và hậu quả sẽ được chuyển giao cho lực lượng kế nhiệm. Nước Đức, dù dưới chính phủ nào, sẽ còn vật vã nhiều để lấy lại được con số của thời tiền đại dịch. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận