APEC 2017 mang lại những gì?

DANH ĐỨC 17/11/2017 18:11 GMT+7

TTCT - Nhất định không phải là chuyện “soái ca...” này hay “quái thú” kia... mà là người dân sẽ được chia sẻ tương lai như thế nào, khách mời sẽ hiểu biết thêm những gì.

APEC 2017: Phiên toàn thể đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC. -www.apec2017.vn
APEC 2017: Phiên toàn thể đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC. -www.apec2017.vn

 Làm thế nào biến chủ đề của Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 “tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” thành hiện thực?

Đầu tiên là những định hướng chung. Hô khẩu hiệu thì dễ, song thực hiện khẩu hiệu thì khó vô vàn, bắt đầu là chuyện nhất trí những gì có thể xem là “chung” khi khoảng cách giữa 21 nền kinh tế là rất lớn, không chỉ GDP cách nhau vài chục lần mà còn là khoảng cách phát triển xã hội, học thuật, dị biệt văn hóa, tập quán, cách thức kinh doanh. Và không chỉ là chuyện giữa “gió đông, gió tây”(*) mà có khi còn là giữa “gió đông” với nhau.

Bớt đi những định kiến 

L.Y., một nhà báo trẻ từ một nền kinh tế châu Á, thành thật nói: “Trước kia tôi cứ đinh ninh Việt Nam là đất nước của xe máy.

Nay thấy không phải vậy mà là của xe hơi... ”. Câu chuyện cô kể không khác gì những bức ảnh mô tả Bắc Kinh trên báo chí Âu - Mỹ cách đây vài chục năm, hay các bức ảnh chụp người dân tộc thiểu số mà vài tờ báo châu Âu dùng để minh họa người Việt cách đây ba, bốn chục năm...

Chẳng qua do chưa tới tận nơi nên cứ “nhìn” thiên hạ với các định kiến lệch phương, từ đó sinh ra thái độ “mục hạ vô nhân” xuất phát từ khác biệt phát triển cho tới văn hóa, chính trị. Một tuần ở Đà Nẵng đã cho cô cái nhìn khác không chỉ về phương tiện mà còn về con người và lối sống.

Sự thực tế trực tiếp không chỉ giúp người ta tháo gỡ các cặp kính định kiến mà còn ít nhiều mở mang tầm nhìn. Và những tiếp xúc tự mình khám phá đó dễ lấp đầy các khoảng cách hơn là những “giao lưu văn hóa” tập thể và có hướng dẫn.

Thiên hạ có rỗi hơi khuyên nhủ ?

Mệnh đề 2 của Tuyên bố Đà Nẵng nhắc lại định nghĩa cập nhật của APEC sau “một phần tư thế kỷ kể từ Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần đầu tiên, APEC đã chứng tỏ là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương, động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế, là vườn ươm ý tưởng cho hợp tác kinh tế tương lai, cơ chế phối hợp giữa các hiệp định thương mại và là nhân tố lãnh đạo hàng đầu thế giới trong xử lý những vấn đề cấp bách.

Gần ba thập kỷ qua, APEC đã góp phần duy trì tăng trưởng và thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, qua đó tạo hàng triệu việc làm và giúp hàng trăm triệu người thoát nghèo”.

Cơ bản APEC vẫn là một cơ hội “tạo hàng triệu việc làm và giúp hàng trăm triệu người thoát nghèo” như từ gần 30 năm qua.

Song, nay trong hay trước thềm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này, cần những ý tưởng mới cho việc thoát nghèo đó:

“Chúng tôi quyết tâm cùng tiếp tục hành động mạnh mẽ hơn để tạo động lực mới cho hợp tác APEC nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, tăng cường liên kết kinh tế khu vực, phát huy mọi tiềm năng các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững”.

Ý tưởng đã được ươm. Vấn đề là làm gì để các ý tưởng mới này nảy mầm và sinh hoa kết trái, những kế sách được các lãnh đạo long trọng tuyên xưng đó không là những câu chữ vô dụng.

Bởi nếu được phổ biến cho tới tận cơ sở để mọi người cùng “chịu thương, chịu khó” mà tìm hiểu và thực thi thì tương lai sẽ khác, như chính chủ đề của hội nghị mà Việt Nam đã chọn: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Tại sao lại phải “tạo động lực mới” nếu không phải do đang thiếu động lực, như một cái xe rồ ga miết mà vẫn ì ạch do đang có vấn đề? Tại sao là “cùng vun đắp tương lai chung” nếu như không phải người khác cũng muốn “mách nước” ta đi theo một kiểu thịnh vượng như họ?

Trong 21 nền kinh tế lớn nhỏ này, còn mấy nền kinh tế cần phải tháo gỡ các “cục nợ” - điều được nêu rõ ở mệnh đề 7: “Chúng tôi nhấn mạnh rằng cải cách cơ cấu đóng vai trò then chốt đối với tăng trưởng cân bằng, bền vững, sáng tạo và bao trùm, tạo việc làm, năng suất và khả năng cạnh tranh”?

Và có mấy nền kinh tế cần được nhắc nhở phải ráng sớm giải quyết bài toán “bao gồm chính sách cạnh tranh, thuận lợi hóa kinh doanh, cải cách thể chế, tăng cường cơ sở hạ tầng pháp luật và kinh tế, quản trị khu vực công và DN, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực”?

Cũng trong số 21 nền kinh tế đó, có mấy nền kinh tế còn cần phải “tăng cường liêm chính trong các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân, chống tham nhũng và hối lộ, không chứa chấp các quan chức tham nhũng và các tài sản liên quan”? Đó là những lời nhắc thiết thân từ APEC này.

Các lãnh đạo APEC không quên nêu rõ những thời hạn hoàn thành: “Chúng tôi chỉ đạo các quan chức phụ trách kinh tế và tài chính phối hợp soạn thảo báo cáo Chính sách kinh tế APEC 2018 về cải cách cơ cấu và cơ sở hạ tầng”.

Tức có đúng một năm để xúc tiến cải cách. Cho nên không thể lần lữa việc “tái cấu trúc” khi mà ta, kể từ nay, còn phải sống với người khác.

Giáo dục chất lượng sẽ đi đầu 

Ngay trước “tuần lễ cấp cao APEC”, còn nghe Bộ GD-ĐT đề nghị “khoan áp dụng chương trình cải cách một năm”, nên khi nghe các lãnh đạo APEC trong mệnh đề 8 của Tuyên bố Đà Nẵng khuyến cáo về giáo dục, không khỏi tự hỏi: thế chương trình giáo dục cải cách kia có “thông suốt” gì với những khuyến cáo của các lãnh đạo APEC không, nếu có thì đã chuẩn bị ứng dụng được đến đâu?

Hãy đọc kỹ mệnh đề 8 này: “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ như là những động lực then chốt của tăng trưởng kinh tế và thương mại, đầu tư quốc tế bền vững trong khu vực APEC.

Chúng tôi ghi nhận tầm quan trọng sống còn của giáo dục chất lượng và công bằng để tạo điều kiện cho người dân ở mọi lứa tuổi thích ứng được với các thách thức từ những thay đổi nhanh chóng của thế giới ngày nay.

Chúng tôi cam kết thúc đẩy giáo dục trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) và việc theo đuổi tinh thần kinh doanh dựa trên STEM”.

Có lẽ nên thấy rằng lời “cam kết thúc đẩy giáo dục...” trên chính là hối thúc và cam kết của những nền kinh tế đang có nền giáo dục trì trệ nhất, chứ không phải là những lời khuyên cho các nền giáo dục như của Nhật Bản, Úc, Singapore, New Zealand, Hong Kong, Hàn Quốc, Trung Quốc... vốn đang có không ít trường đại học có tên trên các bảng xếp hạng đại học châu Á và thế giới.

Sang thế kỷ 21 này, với những tụ hội quốc tế như APEC và ASEAN, tuyên bố của các lãnh đạo chính là trí tuệ tập thể vì mong muốn “cùng vun đắp tương lai chung”.

Bởi trên cùng một đại dương, dưới cùng một bầu trời, chênh lệch phát triển quá chính là một hiểm nghèo thường trực. Còn trong cùng một xã hội mà nền giáo dục quốc dân tối thiểu chênh lệch quá xa để không còn là công bằng nữa, cũng chính là một nguy cơ tiềm tàng.

Cuối cùng, khi khuyến cáo “tạo điều kiện cho người dân ở mọi lứa tuổi thích ứng được các thách thức từ những thay đổi nhanh chóng của thế giới ngày nay”, các lãnh đạo APEC muốn các nền kinh tế kém phát triển nhìn ra yêu cầu đào tạo và tái đào tạo sao cho công dân ở mọi lứa tuổi không bị đào thải bởi những thay đổi từ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật 4.0.

Vấn đề đặt ra là làm sao để mọi lứa tuổi có thể bắt kịp con tàu kỹ thuật số đó, muốn thế phải bắt đầu bằng một nền tảng giáo dục hướng đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

Để có những "siêu nhỏ" khỏe mạnh 

Ý tưởng “phát huy mọi tiềm năng của các DN, đặc biệt là DN siêu nhỏ...” là một ý tưởng mới lạ với Việt Nam.

Người Philippines đã đi trước trên định hướng này hai năm về trước trong khuôn khổ kế hoạch hành động Boracay (The Boracay action plan) mà họ chủ động đưa ra từ thực tại xã hội và kinh tế của họ, bước đầu đúc kết được các hoạt động của các “DN siêu nhỏ” như thế nào và cần làm gì để hỗ trợ.

Trước kia họ không dễ gì gõ cửa các ngân hàng để vay vốn; chính sách thuế khóa thường ưu ái các DN lớn hơn; các DN nhỏ coi như vô phương trong cạnh tranh đấu thầu...

Nay, cần có những chính sách mới để tạo thuận lợi cho người dân khởi nghiệp, bắt đầu là những công việc “siêu nhỏ”. Hai năm qua, họ đã gặt hái được thành công ban đầu.

Có thể với nền kinh tế Việt Nam do mặt bằng kinh tế còn thấp, lại khác nền kinh tế Philippines ở gánh nặng DN nhà nước quá lớn mà lại chưa nhúc nhích “tái cấu trúc” được mấy, nên sẽ cần những biện pháp “sát mặt đất” hơn để nguồn lực ít ỏi có trong tay trở thành cơ may cho tất cả những ai thực sự muốn khởi nghiệp.

Đã qua rồi giai đoạn “xóa đói giảm nghèo” bằng chút vốn nuôi heo, nuôi gà như trong giai đoạn thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) phải đạt được vào năm 2015.

Thành ra, không thể chỉ nghĩ APEC như là cơ hội cho các DN siêu nhỏ mà là cho mọi người, để nhờ các chính sách mới mà có cơ hội tự phát triển thành những “siêu nhỏ” thành đạt.

Một xã hội mới hướng đến tương lai 

Để giúp có được một tầm nhìn đúng, sát với thực tế năng động ở châu Á - Thái Bình Dương, các lãnh đạo APEC đã thông qua chương trình nghị sự APEC về “Phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội” trong mệnh đề 11:

“Nhận thức về những cơ hội mới và thách thức đang nổi lên trong quá trình toàn cầu hóa và những biến đổi của kỹ thuật số, chúng tôi quyết tâm thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, hướng tới xây dựng một cộng đồng APEC bao trùm, mạnh khỏe, bảo đảm khả năng tiếp cận cho người dân, phát triển bền vững và tự cường vào năm 2030, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững...”.

Tính từ “bao trùm” (inclusive) trong các cụm từ “phát triển bao trùm”, “cộng đồng APEC bao trùm” sẽ dễ hiểu hơn nếu so với từ phản nghĩa là “loại trừ, gạt sang một bên” (exclusive).

Và sẽ dễ hiểu hơn khi đọc nôm na là: chúng tôi quyết tâm thúc đẩy phát triển kinh tế, tài chính và xã hội mà không gạt sang một bên, để lại phía sau bất cứ ai.

Nhìn vào một xã hội đông đến 100 triệu dân, không để cho ai bị bỏ lại phía sau nghĩa là thực thi các: “cam kết thúc đẩy tiến bộ hướng tới việc bảo đảm việc làm đầy đủ, năng suất và chất lượng và trả lương công bằng cho cùng công việc... tiến tới đạt được và duy trì tăng trưởng thu nhập bền vững cho mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên, người khuyết tật và các nhóm dễ bị tổn thương khác, cho phép họ có thể nắm bắt những cơ hội toàn cầu”.■

(*) Mượn tựa một tác phẩm kinh điển của nhà văn Mỹ Pearl Buck.

Xã hội của thế kỷ 21, nhất là sau cột mốc 2020 (dành cho các nền kinh tế kém phát triển hoàn thành mục tiêu tự do thương mại và đầu tư theo tinh thần kế hoạch Bogor 1994) càng không thể thiếu vai trò của phụ nữ.

Mệnh đề 12 của Tuyên bố Đà Nẵng rất rõ rệt về điểm này: “Ghi nhận rằng việc phụ nữ tham gia rộng rãi hơn vào nền kinh tế sẽ kích thích tăng trưởng, chúng tôi khuyến khích các nền kinh tế và khu vực tư nhân thực hiện các sáng kiến thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong kinh tế, cải thiện khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với vốn, tài sản, thị trường, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các ngành có tăng trưởng cao và lương cao, nâng cao vai trò lãnh đạo, tinh thần kinh doanh, kỹ năng và năng lực làm việc của phụ nữ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận