Chính quyền đô thị: Tự chủ để phục vụ dân tốt hơn

GIÁNG HƯƠNG 26/08/2013 20:08 GMT+7

TTCT - Sau 5 năm kể từ khi bắt tay vào nghiên cứu Đề án thí điểm chính quyền đô thị (từ năm 2007), TP.HCM vừa đưa ra những phác thảo đầu tiên về mô hình này để lấy ý kiến rộng rãi. Trao đổi với TTCT, tiến sĩ VÕ KIM CƯƠNG - chuyên gia xây dựng và quản lý đô thị - bình luận về nội hàm của mô hình này.

Nguồn: Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP.HCM (UBND TP.HCM)

Ông nói: Để xây dựng chính quyền đô thị, một nhà nước phải xem xét cả hai nhu cầu: từ dưới lên và từ trên xuống. Từ dưới lên nghĩa là phải xuất phát từ chính nhu cầu của người dân để xây dựng mô hình chính quyền, bởi vì mục tiêu là xây dựng nhà nước “của dân, do dân, vì dân”. Từ trên xuống, tức chức năng cai trị của nhà nước, cũng phải được xem xét dưới mục tiêu tổ chức một xã hội ổn định, ngăn nắp, phục vụ dân.

* Dưới góc nhìn này, ông nhận định thế nào về mô hình đang được lấy ý kiến?

- Tôi cho rằng cần phải làm rõ mô hình chính quyền dự định hình thành là cơ quan hành chính hay hành chính - kinh tế. Với cách tổ chức hiện nay, tôi nhận thấy đó là một bộ máy chính quyền hành chính - kinh tế, thậm chí đó là một bộ máy chính quyền toàn diện, cái gì cũng làm hết, vẫn là “xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện...” giống thời bao cấp. 

Theo tôi, trong kinh tế thị trường, nhiệm vụ của chính quyền phải là xây dựng chiến lược, kiểm tra, tạo điều kiện cho các thị trường phát triển, thay vì thảo luận về các chỉ tiêu. Trách nhiệm về quản lý kinh tế còn nặng, phần thu của ngân sách ngoài thuế còn cao (từ kinh tế nhà nước và đất đai). Với tính chất của một bộ máy chính quyền như vậy, việc phân chia cấp quản lý như thế nào chẳng còn quan trọng! 

Mô hình chính quyền hành chính là mô hình của bộ máy hành pháp, có bốn chức năng cơ bản trong nền kinh tế thị trường. Đó là đảm bảo hạ tầng và dịch vụ công cộng, bảo vệ môi trường sống, chăm lo cho người nghèo và tạo điều kiện cho các thị trường phát triển lành mạnh. 

Xét về nhu cầu của người dân, một trong những nhu cầu đầu tiên là an ninh, an toàn. Nếu tổ chức theo mô hình chính quyền hành chính thì đây là những công việc hoàn toàn do ngành cảnh sát đảm trách, chính quyền không phải chịu trách nhiệm và can thiệp nhiều như hiện nay. Còn các nhu cầu về công ăn việc làm, học hành, y tế, nhà ở... đều do thị trường đảm bảo, hơn nữa trong đô thị những nhu cầu đó không có biên giới. Với những nhu cầu này, chính quyền chỉ đóng vai trò tạo điều kiện, nhất là chính quyền cấp thành phố.

 TP.HCM là đô thị tập trung cao nhất, lại là nơi kinh tế thị trường sôi nổi, sầm uất và năng động nhất, cho nên cảm nhận được khuôn khổ chật hẹp nặng nề của hình thức tổ chức chính quyền hiện hữu cũng như cơ chế quản lý điều hành bất cập của hệ thống ấy trên mọi phương diện. TP không thể quản lý kiểu “hạch toán báo sổ” với trung ương mà phải được tự chủ tự chịu trách nhiệm cao trước trung ương và trước nhân dân TP.

(Ông PHẠM CHÁNH TRỰC, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM)

* Vì sao ông cho rằng với những gì ông tiếp cận được về các phác thảo, đề xuất mô hình chính quyền đô thị là chưa thoát khỏi tư duy bao cấp?

- Cách tiếp cận vẫn từ trên xuống, từ nhu cầu quản lý của Nhà nước áp xuống mà chưa có thông tin thật sự người dân đang cần gì để tổ chức bộ máy chính quyền đáp ứng nhu cầu người dân. Cũng cần có dự báo lâu dài và lường trước tất cả hệ lụy, vì hệ thống các cơ quan công quyền gắn chặt với hệ thống pháp luật và lợi ích của nhân dân. 

Hơn nữa, theo mô hình đề xuất, chưa khẳng định chính quyền chỉ quản lý hành chính mà còn cả quản lý kinh tế, không chỉ thực hiện chức năng cai trị mà còn đi vận động... là không ổn, bộ máy sẽ tiếp tục nặng nề, cồng kềnh. Tư duy chỉ một chiều Nhà nước quản lý toàn diện, giống như thời bao cấp, lo cho dân tất cả mọi thứ. Cách tư duy đấy tôi cho là chưa thoát được kiểu cũ. 

* Trong quá trình lắng nghe các góp ý, theo ông, cách tiếp cận nào cần được chú ý, cân nhắc thấu đáo?

- Dĩ nhiên cần tiếp cận theo nhu cầu của người dân và nên phân chia nhu cầu của dân ra một cách rạch ròi, lúc đấy sẽ thấy rõ cái gì người dân cần tới Nhà nước. Ví dụ ở cấp phường, cần khảo sát nhu cầu người dân đến đây để làm gì, giải quyết những loại công việc nào... 

Những việc gì cấp phường không giải quyết, cần cấp quận thì có bao nhiêu loại việc như vậy. Tức là cần xem xét đến cả hai chiều để đáp ứng nhu cầu của dân. Cách tiếp cận đó sẽ khắc phục bất cập đã được tổng kết đối với mô hình chính quyền hiện tại, như về đầu việc Thủ tướng có việc gì thì chủ tịch phường cũng gần như có việc ấy, chỉ khác ở phạm vi hẹp hơn thôi. Bất cập đó là do cách tiếp cận từ trung ương bổ xuống cấp cơ sở. 

Càng gần dân thì hiệu quả của chính quyền phải càng cao. Bàn về mô hình chính quyền đô thị cần lấy mục tiêu đồng bộ của đô thị và hiệu quả của chính quyền làm cơ sở. Một chính quyền có hiệu quả cao khi đạt được mục tiêu quản lý với chi phí thấp nhất (gồm kinh phí hành chính và chi phí cho nhân lực). 

* Ý ông là cần thanh lọc những việc không cần thiết, xây dựng một bộ máy phù hợp, có thể tinh gọn và nâng được chất lượng, hiệu quả, hiệu lực...?

- Đúng vậy. Nhìn vào sơ đồ phác thảo mô hình chính quyền đô thị tôi vẫn thấy còn rậm rạp, cồng kềnh, chưa có nhiều thay đổi. Chưa kể đi kèm mô hình này là các cơ quan khác trong hệ thống chính trị như các cơ quan đoàn thể... Chúng ta đã chuyển từ một giai đoạn cách mạng - phong trào, vận động nhân dân hưởng ứng và bây giờ đã có mấy chục năm cầm quyền rồi mà vẫn với tác phong y hệt như vậy là không ổn. 

Cần mạnh mẽ, đột phá, đặt vấn đề thật sự xây dựng một bộ máy pháp quyền, tạo hành lang pháp lý để người dân làm theo luật. Khi mọi hoạt động của đời sống dân sinh đều theo hành lang pháp lý chung thì không cần đến bộ máy quản lý cồng kềnh. Nhiều nước có bộ máy chính quyền nhẹ nhàng chính là như vậy. Còn pháp luật của chúng ta vẫn theo kiểu chỉ đạo, làm cho chính quyền lúc nào cũng rất nhiều việc. 

* Với thể chế chính trị và khung pháp lý hiện tại, đặt ra đòi hỏi như vậy liệu có quá cao không, hay phải chấp nhận một giai đoạn quá độ - được gọi bằng một hình thức khác là thí điểm?

- Tôi nghĩ giai đoạn đổi mới của đất nước đã quá lâu rồi, từ năm 1986 đến nay đã 27 năm, đủ để nhìn nhận thực tiễn, đổi mới tư duy. Thể chế chính trị tổng quát đang chuyển qua cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nghị quyết của Đảng cũng nói rõ là phải xây dựng nhà nước pháp quyền, chúng ta đã thật sự đổi mới theo định hướng đó chưa? 

Và tại sao Nhà nước không tập trung đầu tư thích đáng để nghiên cứu hoàn chỉnh bộ máy, để khỏi phải mò mẫm thí điểm ảnh hưởng tới lợi ích hàng chục triệu người?

Lược sử Đề án chính quyền đô thị TP.HCM 

Tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần 8 (tháng 12-2005), Tổng bí thư Nông Đức Mạnh chấp thuận kiến nghị của TP về nghiên cứu “thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị”. 

Tháng 4-2013, Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến của Bộ Chính trị “đồng ý tiến hành thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM và TP Đà Nẵng”.

Tháng 6-2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP về sự cần thiết phải xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên cơ sở tờ trình của TP.HCM. Chính phủ được giao chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ và hằng năm. Hiện đề án đang được TP.HCM lấy ý kiến và hoàn thiện để báo cáo Chính phủ cho ý kiến, trình Bộ Chính trị và Quốc hội. 

Theo Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm, đề án thí điểm chính quyền đô thị do TP.HCM nghiên cứu, đề xuất khác với phương án của Bộ Nội vụ trình về thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Theo đó, bộ này trình ba phương án, trong đó phương án 1 là không tổ chức HĐND quận, huyện, phường (đã được Bộ Chính trị đồng ý chọn).

Trong khi đó, mô hình chính quyền đô thị mà TP.HCM đề xuất là tổ chức bốn thành phố vệ tinh, xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với định hướng phát triển không gian của TP; có sự phân cấp mạnh hơn, tự chủ và tự chịu trách nhiệm (tổ chức bốn TP thành một cấp chính quyền có HĐND và UBND). 

Đại diện ban biên tập đề án của TP.HCM, ông Trần Du Lịch - phó Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - nhấn mạnh: TP.HCM đóng góp 1/3 ngân sách quốc gia, 1/5 tổng sản phẩm quốc gia nhưng thực chất không bao giờ (được xem) là một cấp chính quyền đầy đủ về (thẩm quyền đối với) ngân sách, cái gì cũng phải đi xin. Do vậy, cần có cơ chế phân cấp mạnh mẽ hơn cho TP, tăng tự chủ tài chính, đại biểu HĐND có thực quyền... 

Ông Lịch khẳng định mô hình chính quyền đô thị đề xuất sẽ giải quyết được căn cơ tình trạng chồng chéo công vụ, hướng đến một nền hành chính lấy phục vụ dân làm chính chứ không phải quản lý như hiện nay; tập trung lo phúc lợi đô thị bằng cơ chế tự chủ ngân sách, giữa các khu vực đô thị có sự cạnh tranh... 

Cho rằng xây dựng mô hình chính quyền đô thị là một quá trình đổi mới về thể chế, cơ chế quản lý, song ông Lịch cũng nhìn nhận “chính quyền được tổ chức như thế nào phù hợp với thể chế chính trị của nước ta là điều cực kỳ khó” 


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận