COVID-19: Vaccine không phải viên đạn bạc

DANH ĐỨC 02/03/2021 21:00 GMT+7

TTCT - Một năm chống dịch COVID-19 đã qua, nước nào cũng có những bài học cho riêng mình. Nhưng tựu trung bài học lớn nhất vẫn là công tác phòng dịch phải được ưu tiên hàng đầu, ngay cả khi đã có vaccine.

Tiếng Anh có một sáo ngữ quen thuộc là “viên đạn bạc”, dùng để chỉ một giải pháp dễ dàng, toàn năng cho một tình huống phức tạp, nan giản, phát xuất từ câu chuyện cho rằng có thể tiêu diệt ma sói bằng một viên đạn làm bằng bạc.

Vaccine COVID-19 sắp về VN - dự kiến vào tháng 3 - đương nhiên là một tin mừng, nhưng nếu chúng ta có học được gì một năm qua từ cuộc chiến chống đại dịch thì đó là vaccine cũng chỉ nên được coi như một yếu tố góp phần phòng dịch chứ không phải là giải pháp cho mọi vấn đề.

Ảnh: BBC News

Tạm mượn trường hợp một số nước để tự soi và phấn đấu, cũng là để cảnh báo về nguy cơ “trượt vỏ chuối”, nhất là khi Việt Nam ta chưa phải nước giàu…

Hớ hênh thì nhà giàu cũng khóc

Cách đây đúng một năm, nước Pháp bất ngờ vỡ trận đầu ở Mulhouse, một thị trấn nhỏ vùng đông bắc, với hơn 1.000 người nhiễm sau khi dự một chuỗi lễ nhóm tại Hội thánh Cơ đốc Cửa Rộng Mở vào tháng 2-2020, quy tụ đến 5.000 người. 

Vụ tụ tập tôn giáo này tương tự vụ giáo phái Tân Thiên Địa ở Hàn Quốc cùng khoảng thời gian, sau đó trở thành ổ dịch lớn nhất Hàn Quốc.

Không ai ngờ tai họa sẽ lớn như thế. Ngày 1-2-2020, cả nước Pháp mới có 6 ca nhiễm, tới cuối tháng cũng mới là 100 ca nhiễm và 2 ca tử vong, cho tới sự cố Mulhouse. Hôm 1-3-2020, một phụ nữ và mấy người con của bà này dự chuỗi lễ nói trên có kết quả dương tính. Họ báo tin cho hội thánh. 

Hội thánh đã liên lạc với nhà chức trách y tế, song khi được hỏi có biết những ai đã dự các lễ lạt ở đó thì các chức sắc tôn giáo chịu thua. Mặt khác, phản ứng của y tế địa phương còn rất lơ là. 

Bác sĩ đa khoa Patrick Vogt của Bệnh viện Mulhouse còn tuyên bố trên Đài RTL rằng “đây không phải là chứng bệnh nguy hiểm gây tử vong mà chúng tôi đã được mô tả” và “hiện hầu hết các trường hợp là cảm lạnh hoặc cúm đơn giản, thậm chí không nghiêm trọng bằng cúm”.

Thái độ này dẫu sao cũng hiểu được vào thời điểm đó, khi mãi tới ngày 11-3 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới công bố đây là một đại dịch. Song một năm sau mà vẫn còn thái độ như vậy thì nhất định là không chấp nhận được. 

Phải nói thêm là nước Pháp dư tiền và nhân lực, vật lực để xét nghiệm trên diện rộng: từ 1-3 tới 27-12-2020, ước tính nước này đã thực hiện 33,7 triệu xét nghiệm RT-PCR và 2,8 triệu xét nghiệm kháng nguyên, theo Bộ Y tế và tương trợ Pháp.

Điều đó càng cho thấy với các nước nghèo, nếu tự biết không đủ tiền của, nhân lực, vật lực để có thể xét nghiệm diện rộng thì đừng mạo hiểm “tô hô” trước con virus qua đủ thứ tụ tập đông người, vì bất cứ lý do hay ý nghĩa gì! 

Nói thêm, ngay cả Pháp, nếu so với Đức về năng lực xét nghiệm thì vẫn chỉ là người tí hon: nước Đức từ cuối tháng 3-2020 đã có thể xét nghiệm nửa triệu mẫu mỗi tuần (theo nhật báo Sud-Ouest 26-3-2020). 

Những nước còn thiếu thốn như VN, do đó, đành phải xét nghiệm “ngẫu nhiên” ở các sân bay, bến xe, quán nhậu… đương nhiên là không thể bằng xét nghiệm đại trà.

Sự dư dả của Âu châu còn thể hiện qua số tiền lên đến gần 6 tỉ euro của Pháp để nhập khẩu 30 tỉ khẩu trang, chủ yếu từ Trung Quốc (Les Echos 5-2-2021). 

Có thể thấy, nước Pháp đã làm mọi chuyện theo đúng khuyến cáo của WHO, thậm chí ngay từ 9-3-2020 trên toàn quốc đã cấm mọi sự kiện tụ tập đông người, hạn chế di chuyển…, dù riêng khoản đeo khẩu trang thì mãi tới 20-7-2020 mới chính thức bắt buộc ở những không gian khép kín (đến 7-3-2020, Tổng thống Emmanuel Macron vẫn tuyên bố: “Không có lý do gì để thay đổi thói quen ra khỏi nhà của chúng ta, ngoại trừ nơi các nhóm dân số dễ tổn thương”). 

Chưa hết, cuộc bầu cử địa phương nhất định tổ chức “cho bằng được” ngày 15-3-2020 trở thành “phát súng ân huệ”. Bài học là gì? Là trong đại dịch, ưu tiên số một phải là phòng chống dịch, đừng vì bất cứ lý do nào khác mà xem phòng chống dịch là không ưu tiên bằng. Pháp đã xem thường nên giờ trả giá, ngóc đầu dậy không được!

Coi chừng phao cứu sinh xì hơi

Phao cứu sinh của nước Pháp và nhiều nước khác giờ là vaccine. Số liệu của Bộ Y tế Pháp ngày 20-2-2021 cho thấy có hơn 2,5 triệu người đã được chích mũi thứ nhất và hơn 1,1 triệu người đã chích đủ hai mũi. Bộ Y tế nêu rõ: “3,82% người dân Pháp đã nhận được ít nhất một liều vaccine, 1,72% đã nhận được hai liều. 

Ảnh: France 24

Còn phải chích ngừa thêm tối thiểu 56,18% dân Pháp trước khi đạt tỉ lệ chủng ngừa 60%. Cần ghi nhớ: tỉ lệ chủng ngừa 60% không nhất thiết đã cho phép đạt mức miễn nhiễm tập thể”.

Cũng theo Bộ Y tế Pháp: “Với tốc độ hiện tại (tính trung bình 7 ngày qua), mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ dân số trưởng thành sẽ đạt được vào ngày 12-8-2023”. 

Đó là một cột mốc khá xa và với tốc độ như vậy, tình hình dịch bệnh chắc chắn còn “diễn biến phức tạp”. Hô lên một tiếng “đã có vaccine” hay “vaccine đã về” là một chuyện, ngồi tính toán lại dựa trên các con số và mốc thời gian cụ thể mới thấy ngày yên bình còn xa lắm và chuyện phòng dịch, xin nhắc lại, vẫn phải là ưu tiên số một.

Do thấy tháng 8-2023 là quá lâu, Bộ Y tế Pháp đã hoạch định mục tiêu tăng tốc: “Để tiêm chủng cho toàn bộ dân số trưởng thành (52 triệu người) vào tháng 8-2021, sẽ phải tiêm 514.990 liều mỗi ngày”. Hiện con số đó là 28.218, tức năng lực triển khai vaccine của Pháp sẽ phải tăng gấp 18 lần!

Nghèo phải biết thân, biết phận

Trong những tin tức xám xịt đó, Israel nổi lên như một “phép lạ” khi mà vừa hôm 27-12-2020 nước này còn phải phong tỏa toàn quốc lần thứ ba sau khi số ca nhiễm tăng lên khoảng 8.000 ca mỗi ngày, cao nhất trước giờ. 

Israel sẽ triển khai vaccine cho toàn dân. Ảnh: Sky News

Israel cũng đã ghi nhận hơn 450.000 trường hợp mắc và 3.512 ca tử vong kể từ khi bắt đầu đại dịch. Chính phủ và ngân hàng trung ương tính ra rằng thắt chặt phong tỏa sẽ khiến nền kinh tế thiệt hại khoảng 4 tỉ shekel (1,3 tỉ USD) mỗi tuần, thành ra đưa đất nước về lại tình trạng ổn định cũ là chuyện sinh tử với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người sẽ phải vượt qua cuộc bầu cử tháng 3 tới. 

Ông loan báo các thỏa thuận với Hãng dược Pfizer rằng tất cả người Israel trên 16 tuổi có thể được tiêm chủng vào cuối tháng 3 hoặc thậm chí sớm hơn. Tất nhiên, không phải ai cũng có tài lực và thế lực như Israel.

Chiến dịch tiêm chủng ở đây bắt đầu vào ngày 19-12-2020. Tiêm chủng là miễn phí và được triển khai tại 300 trung tâm trên cơ sở hẹn giờ bằng tin nhắn. 

Chỉ trong hơn hai tuần, mũi vaccine Pfizer-BioNtech thứ nhất đã được tiêm cho hơn 1,5 triệu người - gần 20% dân số và hơn 70% công dân từ 60 tuổi trở lên. Đó là tỉ lệ tính theo đầu người cao nhất trên thế giới, theo Our World in Data. 

Các nhà khoa học cũng tin rằng Israel sẽ cung cấp một bản sơ kết vô giá về hiệu quả của vaccine. Tính tới 20-2-2021, họ đã bỏ xa thế giới với tỉ lệ “không tưởng” là hơn 80% dân số (dân số khoảng 9 triệu, 2020) đã chích ngừa một mũi.

Israel trở thành bài học kinh nghiệm cho chính quyền tỉnh Ontario của Canada, tỉnh đông dân nhất nước với 14,5 triệu người. Báo cáo của chính quyền Ontario ghi nhận rằng ở đâu cũng vậy, người lớn tuổi chịu gánh nặng tử vong liên quan đến COVID cao nhất. 

Israel đã đề ra một quy trình ưu tiên chích ngừa cực đơn giản với tuổi tác là yếu tố quyết định duy nhất, ngoài giới chăm sóc y tế ở tiền tuyến. 

Báo cáo ghi nhận: “Đã tiêm vaccine cho một tỉ lệ lớn dân số từ 60 tuổi trở lên, Israel nay đang nhận thấy những dấu hiệu ban đầu về việc giảm số người bị bệnh nặng ở nhóm tuổi này”. Còn nay, “Israel đã mở rộng tiêm chủng cho các cá nhân trên 50 tuổi”. 

Không phải chính quyền ưu ái người lớn tuổi, họ đơn giản chấp hành các khuyến cáo của WHO. Trong kịch bản IA của WHO, nguồn cung vaccine rất hạn chế chỉ lo cho được từ 1-10% dân số, thì ngoài nhóm nhân viên y tế, cần ưu tiên cho người cao tuổi, theo Khung giá trị phân bổ và ưu tiên vaccine COVID-19 của SAGE (Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược), WHO.

Chính quyền Ontario cũng đặc biệt ghi nhận việc Israel sử dụng hệ thống công nghệ thông tin được tích hợp toàn diện vào hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân để triển khai tiêm chủng, bao gồm lên lịch qua tổng đài điện thoại, các trang web sức khỏe và ứng dụng di động. 

Ngay sau khi đặt lịch, người muốn chích vaccine nhận được thông báo nhắc nhở về cuộc hẹn cho liều thứ nhất và thứ hai qua tin nhắn. Những người được tiêm chủng cũng nhận tin nhắn khuyến khích họ báo cáo các tác dụng phụ bất lợi sau khi chích ngừa. 

Phương pháp theo dõi đơn giản và dễ tiếp cận này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập dữ liệu nhanh chóng về vaccine (COVID-19 Advisory for Ontario, 1-2-2021). Ý này thật ra không ngoài tầm tay của hệ thống y tế Việt Nam.■

Không phải nước nào cũng sẵn tiền hay ý chí mua vaccine. Nhiều nước nghèo tới nay vẫn chưa có ý định mua hoặc có mua cũng là do tư nhân thực hiện theo kiểu ăn bánh trả tiền, còn để sử dụng đại trà phần nhiều là hàng viện trợ qua hệ thống COVAX của Liên Hiệp Quốc. 

COVAX, do Liên minh Vaccine (GAVI), WHO, và Liên minh Đổi mới trong sẵn sàng đối phó dịch bệnh (CEPI) đồng lãnh đạo, được thiết kế để bảo đảm tiếp cận công bằng trên toàn cầu với vaccine. 

COVAX hiện gồm 9 loại vaccine ngừa COVID-19 ứng cử viên với mục tiêu bảo đảm cung ứng 2 tỉ liều cho các quốc gia cam kết vào cuối năm 2021, trong đó có 1,8 tỉ liều miễn phí cho các nước có thu nhập thấp. 

Hơn 70 nước giàu đã cam kết tham gia kế hoạch phân bổ vaccine COVID-19 toàn cầu này. Các công ty sản xuất vaccine tham gia vào cơ chế COVAX gồm Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZenca. Việt Nam nằm trong danh sách các nước có thu nhập trung bình thấp nên được hưởng ưu đãi này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận