Sinh khí mới từ cơ chế vaccine công bằng

HỒNG VÂN 28/02/2021 19:00 GMT+7

TTCT - Ngày 19-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo: lãnh đạo các nước G7 đã cam kết ủng hộ thêm 4,3 tỉ USD cho các nỗ lực tiếp cận công bằng trong các phương pháp xét nghiệm, điều trị và vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong năm 2021. Điều này tạo ra sinh khí mới trong việc tiếp cận vaccine, đặc biệt với các nước thu nhập thấp và trung bình.

5.Nhân viên vận chuyển lô vaccine Pfizer-BioNTech phòng COVID-19 đầu tiên tại Malaysia ngày 21-2. Ảnh: REUTERS

Chương trình hợp tác Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT Accelerator), do WHO hậu thuẫn, đang khát tiền bỗng đổi vận. 

Cụ thể, chỉ trong ngày 19-2, 4,3 tỉ USD từ các nước Mỹ, Đức, Nhật Bản, Canada và Ủy ban châu Âu (đại diện cho 27 nước thuộc Liên minh châu Âu) được bổ sung cho quỹ của ACT Accelerator, đánh dấu sự thức tỉnh của thế giới trước tầm quan trọng của việc phân phối vaccine công bằng để cùng nhau thoát khỏi đại dịch.

Hiện tổng số tiền đã vận động đạt 10,3 tỉ USD, chủ yếu đến từ các nước “nhà giàu”, các quỹ nhân đạo lớn và một số ít nước châu Á như Thái Lan, Indonesia, Bangladesh, Bhutan, Philippines.

Còn thiếu gần 23 tỉ USD

Tuy vậy, theo WHO, sau khi cân đối, vẫn còn thiếu 22,9 tỉ USD thì mới đủ tiền để tài trợ cho các hoạt động của chương trình ACT Accelerator trong năm 2021. 

Sau hơn một năm bị đại dịch hoành hành, vaccine đang được hi vọng là công cụ quan trọng giúp thế giới thoát khỏi đại dịch. Anh, Canada, Mỹ và các nước EU đã đảm bảo được số lượng lớn vaccine cho người dân và triển khai tiêm phòng cho những nhóm ưu tiên hàng đầu như người lớn tuổi, nhân viên y tế từ tuần thứ hai của tháng 12-2020 đến nay. 

Mặc dù có những trục trặc trong quá trình phân phối và triển khai ban đầu, các hãng vaccine có lúc không giao hàng đúng hạn, nhưng chương trình tiêm chủng mở rộng của các nước đến nay đã ổn định. 

Theo WHO, đến ngày 18-2, đã có ít nhất 7 loại vaccine khác nhau được triển khai ở các nước.

Một số nước giàu một mặt tham gia cơ chế COVAX nhằm phân phối vaccine công bằng do WHO hậu thuẫn, một mặt tiến hành đàm phán trước song phương với các công ty phát triển các loại vaccine tiềm năng để tìm kiếm sự đảm bảo riêng.

 Hiện nay, dù chỉ chiếm 10% dân số thế giới nhưng nhóm 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chiếm tới 45% tổng số mũi tiêm vừa nêu do các thỏa thuận song phương. 

Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi, các nước có thu nhập thấp và trung bình, đa số được đảm bảo vaccine qua cơ chế được WHO hậu thuẫn là COVAX.

Thủ tướng Úc Scott Morrison tiêm vaccine phòng COVID-19 của Hãng Pfizer/BioNTech và sau đó ngồi lại trò chuyện với cụ Jane Malysiak trong lúc bà này được tiêm vaccine này ngày 21-2. Ảnh: AAP/Joel Carrett

Bình đẳng về vaccine kiểu COVAX

COVAX là trụ cột về vaccine thuộc chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19, một cơ chế hợp tác toàn cầu đột phát nhằm hậu thuẫn việc phát triển và cung ứng vaccine một cách công bằng trên toàn cầu. Chương trình ra đời vào tháng 4-2020, thuộc ACT Accelerator và đến nay có 190 quốc gia ủng hộ.

Trong cơ chế COVAX, các nước giàu sẽ đặt cọc trước để mua vaccine dù chưa biết loại nào sẽ thành công. Đây xem như một dạng đặt “cược” vì lợi ích của chính họ, bởi tiền đặt cọc sẽ giúp cung cấp tài chính cho các nghiên cứu về vaccine, giúp các nghiên cứu sớm về đích và đảm bảo việc sản xuất hàng loạt nếu thành công.

Ngược lại, trong trường hợp một loại vaccine không thành công, họ chỉ mất một khoản tiền chia sẻ rủi ro nhỏ.

Sáng kiến này dựa trên thực tế là các nhà sản xuất sẽ không mạo hiểm đầu tư số tiền lớn để xây dựng hoặc mở rộng quy mô cơ sở sản xuất vaccine cho đến khi vaccine có được sự phê duyệt của cơ quan chức năng. 

Trong bối cảnh đại dịch đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 375 tỉ USD mỗi tháng, sự thận trọng này chắc chắn sẽ dẫn đến sự chậm trễ đáng kể mà đầu tiên sẽ là thiếu vaccine trầm trọng trong giai đoạn đầu khi có bất kỳ loại vaccine nào được cấp phép. 

Khoản tiền cọc qua COVAX sẽ cho phép cơ chế này làm việc với các nhà sản xuất, cung cấp tài chính để giúp họ xây dựng năng lực sẵn sàng sản xuất vaccine ngay khi được phê duyệt với giá thỏa thuận tốt nhờ mua chung cho nhiều quốc gia.

Các nước giàu hoặc thu nhập trung bình tự trả tiền có thể đặt lượng vaccine đủ cho 10 - 50% quy mô dân số và phải trả một khoản tiền cọc là 1,6 USD/liều hoặc 15% giá tiền của một liều. 

Cộng thêm các chi phí rủi ro, số tiền thực tế phải trả trước cho một liều là 3,1 USD và tiền chia sẻ rủi ro là 0,4 USD trong trường hợp các nước muốn được lựa chọn vaccine theo ý muốn.

Với các nước tự trả tiền, COVAX sẽ đảm bảo cơ hội mua vaccine của họ trong trường hợp các thỏa thuận song phương thất bại. Với 92 nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình, COVAX đảm bảo các nước có quyền tiếp cận bình đẳng với vaccine và nhận được khoảng 20% vaccine cần cho dân số. 

Để đảm bảo không phải cứ có tiền là có tất, COVAX quy định những nước trả tiền mua vaccine cho trên 20% dân số sẽ phải chờ khi tất cả các nước thành viên được cấp lượng vaccine đủ cho 20% dân số thì mới được cấp thêm. 

COVAX đặt mục tiêu phân phối 2 tỉ liều vaccine vào cuối năm 2021, trong đó 50% dành cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Trong quá trình đàm phán, một số nước đã chờ rất lâu mới tham gia COVAX như Trung Quốc (ngày 23-10-2020) hay Mỹ (ngày 21-1-2021). Do chính quyền của cựu tổng thống Trump từ chối tham gia COVAX nên sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảo ngược quyết định và gia nhập COVAX.

Với việc nhiều loại vaccine về đích trong những tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021, nhiều nước giàu trên giấy tờ đã có lượng vaccine nhiều hơn nhu cầu của dân số.

Một lọ vaccine của Pfizer-BioNTech được nhân viên y tế ở Úc lấy ra để chuẩn bị tiêm cho người dân ở Melbourne, Úc vào ngày 22-2-2021. Ảnh: REUTERS

Anh chia sẻ vaccine

Ngày 19-2, Anh đã cam kết sẽ chia sẻ lượng vaccine dư dùng của nước mình cho các nước đang phát triển và Pháp, Canada, Na Uy, EU cũng ủng hộ lời kêu gọi này. 

Đây là một bước tiến mới giúp tăng nguồn cung vaccine sẵn có trên thế giới cho các nước nghèo được WHO hoan nghênh. Vấn đề tế nhị là hiện tại các nhà sản xuất đang chạy “hộc xì dầu” để đáp ứng các đơn hàng theo tuần, theo tháng.

Có vẻ như các nhà lãnh đạo về y tế toàn cầu vẫn là những người thực tế nhất khi khẳng định: nếu không có các cam kết tài chính quan trọng hơn nữa, việc tiếp cận các công cụ phòng chống COVID-19 sẽ bị trì hoãn, có nguy cơ xuất hiện thêm đột biến mới và kéo dài đại dịch ở khắp mọi nơi. 

Quan trọng hơn, cần có sự công bằng trên toàn cầu trong tiếp cận các bộ xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine.

Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã cảnh báo không nước nào được an toàn cho tới khi mọi quốc gia đều an toàn với COVID-19. 

Độc quyền vaccine cũng không giúp nhiều cho các nước giàu trong mục tiêu thoát khỏi đại dịch. Nền kinh tế toàn cầu đã kết nối chặt chẽ với nhau, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh hưởng đến mọi quốc gia có liên hệ với nền kinh tế thế giới nên cùng nhau thoát khỏi đại dịch là giải pháp tốt nhất cho thế giới và cho chính các nước giàu. 

Giờ đây, theo WHO, các nhà lãnh đạo đã công nhận những cảnh báo trên và điều đó lý giải cho số tiền hào phóng đã được công bố mới đây.

Phát biểu của Thủ tướng Anh Boris Johnson khi khai mạc hội nghị G7 rằng “Chúng ta phải đảm bảo để toàn thế giới được tiêm vaccine, vì COVID-19 là một đại dịch toàn cầu và không ích gì khi một nước nào đó tụt hậu so với nước khác” đã được lãnh đạo nhiều nước đồng tình. 

Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho biết: “Chúng tôi cam kết đảm bảo khả năng tiếp cận phổ biến với vaccine ở mọi nơi trên trái đất, cho tất cả những ai cần chúng. COVAX là nơi tốt nhất để giúp đạt được mục tiêu này”.

Theo WHO, những tuần sắp tới là rất quan trọng trong nỗ lực phản ứng với COVID-19 trên toàn cầu. Cần có những cam kết nữa để tài trợ đầy đủ cho công việc của ACT Accelerator và cho phép cung cấp hơn 2 tỉ liều vaccine, oxy y tế và hàng triệu liều thuốc điều trị và các bộ xét nghiệm. ■

VN cần 150 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong năm nay

Phát biểu với đại diện 63 tỉnh thành về phòng chống dịch COVID-19 ngày 19-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết VN đã có 60 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho năm 2021. Trong số này có 30 triệu liều VN đã đặt mua từ Công ty AstraZeneca (Anh). Lô đầu tiên (hơn 117.000 liều) đã về VN. 

Ngoài ra có 30 triệu liều do COVAX viện trợ và sẽ về VN trong 6 tháng cuối năm nay. Tuy nhiên để đủ vaccine tiêm ngừa cho người có chỉ định, VN cần đến 150 triệu liều. Vì vậy, Bộ Y tế tiếp tục đàm phán với một nhà cung cấp để mua thêm vaccine. Bộ Y tế cũng cho phép đầu tư hệ thống kho lạnh bảo quản vaccine ở nhiệt độ âm sâu (-40 đến -80 độ C).

VN đang nghiên cứu 3 vaccine, trong đó có 2 vaccine ở giai đoạn thử nghiệm trên người (riêng vaccine Nanocovax bắt đầu giai đoạn 2 của đợt thử nghiệm trên người, tiêm 560 người tình nguyện). Vaccine còn lại dự kiến thử nghiệm trên người từ tháng 3-2021. L.ANH

Ngày 21-2, Israel đã quyết định cho mở cửa lại nền kinh tế, đưa nhiều hoạt động trở lại bình thường sau khi đã tiêm chủng phòng bệnh COVID-19 cho gần một nửa dân số. 

Theo Bộ Y tế Israel, hơn 46% dân số (tổng cộng 9 triệu người) của Israel đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Nhờ đó, nguy cơ lây lan của dịch bệnh này đã giảm đến 95,85% trong số những người đã được tiêm 2 mũi vaccine.

Theo Hãng tin AFP, đến chiều 20-2 đã có hơn 201 triệu liều vaccine được tiêm tại ít nhất 107 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Con số trên không bao gồm số liệu mới nhất từ Trung Quốc và Nga, vì hai nước này ngừng công bố kết quả của các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 từ 10 ngày qua.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận