Đánh giá lại tổng thể các dự án BOT 

TS PHẠM SANH 26/12/2017 04:12 GMT+7

TTCT - Phải nhìn nhận sự thật, đánh giá và xử lý đúng để tìm lại ý nghĩa đích thực của hình thức đầu tư BOT.

Trạm thu phí Hoàng Mai, Nghệ An giảm giá cho chủ xe trong bán kính 5km quanh trạm từ ngày 1-1-2018 - Ảnh: N.PHÊ
Trạm thu phí Hoàng Mai, Nghệ An giảm giá cho chủ xe trong bán kính 5km quanh trạm từ ngày 1-1-2018 - Ảnh: N.PHÊ

 

Năng lực quản lý chưa theo kịp

Bên cạnh những kết quả tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm áp lực nợ công, kích cầu sản xuất trong nước..., các trạm thu phí BOT giao thông cũng cho thấy nhiều bất cập: đường làm một nơi trạm đặt một nẻo, chỉ giặm vá rồi đặt trạm trên đường quốc lộ độc đạo, giá vé cao, mật độ trạm dày đặc, thiếu giám sát nghiệm thu khối lượng chất lượng và kiểm soát hợp đồng.

Các ngành thanh tra, kiểm toán kiểm tra đâu sai đó, rà soát vài dự án đã rút bớt được hàng trăm tỉ đồng, hàng trăm năm thu phí...

Nguyên nhân là do trách nhiệm và thái độ giải quyết vấn đề của Bộ GTVT. Bùng nổ BOT đặt trạm thu phí, nhưng năng lực và trách nhiệm quản lý của cán bộ không theo kịp, không tuân thủ quy định pháp luật như cứ chỉ định thầu, không giám sát nghiệm thu quyết toán theo thủ tục quy định. Khi các trạm BOT có vấn đề, không giải quyết cụ thể, né tránh.

Lại có hiện tượng bán dự án, bắt tay với nhau giữa các bộ ngành có liên quan để hợp pháp hóa trình tự thủ tục.

Nói về lợi ích BOT, người ta đưa ra hình ảnh hài hòa lợi ích 3 bên: Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Nhưng khi thực hiện hợp đồng thì chỉ có 2 bên: nhà đầu tư và Nhà nước, vì Nhà nước thay mặt cho dân, và theo luật định thì ủy quyền cho doanh nghiệp (DN) BOT và cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết thực hiện hợp đồng.

Như vậy chỉ cần cơ quan nhà nước có thẩm quyền thiếu trách nhiệm, dính dáng lợi ích nhóm, móc nối tiêu cực với nhà đầu tư, thì các lợi ích hài hòa của dự án BOT chỉ là khẩu hiệu, trong khi người dân không am hiểu về kỹ thuật cầu đường, về dòng tiền tài chính, định mức đơn giá, suất đầu tư...

Biến dạng BOT

Sau một thời gian dài, nhiều ý kiến phản biện, tranh luận trên truyền thông, lên đến cả Quốc hội, mà ta vẫn chưa thấy nguyên nhân của mọi nguyên nhân hoặc vì lý do nào đó không dám nói thật, làm BOT tại VN bị biến dạng nghiêm trọng.

Những câu nói “tay không bắt giặc”, BOT ăn dày, BOT làm nghèo đất nước, những đợt phản ứng của giới tài xế... đến nay vẫn chưa có giải đáp cụ thể cho từng trường hợp sai đúng ra sao, trách nhiệm cá nhân đơn vị thế nào.

Người dân cả nước đang cần rõ ràng, doanh nghiệp đang cần minh bạch, để còn tập trung kiến tạo đất nước, để những người cơ hội, tham nhũng không có thời gian tìm kẽ hở khác trong BOT.

Theo phát biểu của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp giải quyết tồn tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) ngày 4-12-2017, việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo hình thức BOT là đúng đắn và cần tiếp tục hình thức này để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại.

Như vậy trước hết, Chính phủ cần đánh giá lại tổng thể các dự án BOT nói chung và BOT đặt trạm thu phí nói riêng trên cả nước theo từng thời kỳ để phân tích hiệu quả, ưu khuyết từng dự án cụ thể, tìm nguyên nhân, đặc biệt là quy trách nhiệm, nếu cần phải xử lý nghiêm vài vụ việc để làm gương.

Phải xem tiêu cực trong BOT là một dạng tham nhũng bè phái đặc biệt tinh vi, hết sức nghiêm trọng. Từ đó chỉ đạo Bộ GTVT nhanh chóng xây dựng quy hoạch (tổng sơ đồ) phát triển mạng lưới BOT, BOT thu phí đến năm 2030.

Về khung pháp luật, rất cần nghị định riêng về BOT, thay thế nghị định 15-2015 (không làm trên đường có sẵn, nâng tỉ lệ vốn thực có của nhà đầu tư, yêu cầu giám sát cộng đồng...) và các thông tư hướng dẫn, sửa đổi bổ sung Luật đấu thầu 2014 về các nội dung về BOT.

Kiên quyết không chỉ định thầu trong lựa chọn nhà đầu tư BOT, tăng tính cạnh tranh minh bạch trong đấu thầu để thu hút nhà đầu tư...

Rất cần nghiên cứu hình thức BOT nhưng không có trạm thu phí, Nhà nước sẽ trả dần theo hợp đồng. Thu phí tự động không dừng, nhiều hình thức thu phí hiện đại linh hoạt, dễ dàng cho người dân.

Nghiên cứu chuyển dần sang BLT (xây dựng - cho thuê lại - chuyển giao), PPP (hợp tác công - tư) và các giải pháp công khai san sẻ rủi ro cho nhà đầu tư như quy định lãi suất lợi nhuận tối thiểu, các trường hợp mua lại dự án, các cơ chế chính sách hỗ trợ về ngân hàng, về công tác giải tỏa bồi thường tái định cư...

Cần tăng cường tính công khai minh bạch giữa Nhà nước với nhà đầu tư, giữa các nhà đầu tư, giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người dân. Mọi hoạt động BOT đều có ý kiến và giám sát của người dân. Nhà nước huy động sức dân thông qua phát hành trái phiếu để làm các dự án PPP, tránh bớt rủi ro cho nhà đầu tư.

Chủ trương chính sách của Nhà nước dẫu hay mà thiếu sự đồng thuận của người dân thì vẫn gặp trục trặc trong triển khai thực hiện.

Chủ trương đúng, người dân đồng thuận, nhưng cơ quan quản lý nhà nước thẩm quyền và cán bộ thực thi kém năng lực, thậm chí lợi dụng chính sách và khoảng mờ của hệ thống pháp luật để bắt tay tiêu cực với nhà đầu tư, thì các dự án BOT giao thông sẽ mất tác dụng, thậm chí tác động ngược chiều lên phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị.■

Trước năm 2011, đã có vài dự án đầu tư theo hình thức BOT như hầm Hải Vân, cầu Phú Mỹ, cao tốc Sài Gòn - Trung Lương... Nhưng từ năm 2011, là thời kỳ nở rộ các dự án BOT giao thông có đặt trạm thu phí khi ngân sách nhà nước chỉ đảm bảo cho đầu tư nâng cấp mở rộng, làm mới hạ tầng giao thông vận tải từ 15-30% so với kế hoạch của ngành trình lên Chính phủ và Quốc hội. Đến nay, đã huy động gần 200.000 tỉ đồng vốn từ tư nhân để đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận