Danh sách thao túng tỉ giá: Một lời của Mỹ...

CHIÊU VĂN 10/06/2019 16:06 GMT+7

Với vị thế siêu cường, nhất cử nhất động của Hoa Kỳ sẽ gây ra phản lực từ các đối tượng liên quan, và danh sách các nước có nguy cơ bị xếp loại thao túng tỉ giá vừa công bố không phải là ngoại lệ.

Ảnh: exness.com
Ảnh: exness.com

Ba nước châu Á mới (Việt Nam, Malaysia và Singapore) được bổ sung vào danh sách, vốn đã có mặt Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản; trong khi một nước châu Á khác, Ấn Độ, được xóa tên. Những ngụ ý của các quyết định đó là gì?

Chẳng lợi lộc gì

Gần như ngay sau khi “danh sách đen” được công bố, các nước đều đã có phản ứng. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat nói với Channel News Asia ngày 31-5 rằng nước này “chẳng lợi lộc gì cả trong ngắn lẫn dài hạn nếu thao túng tiền tệ”.

Ông cũng giải thích Cơ quan Tiền tệ Singapore là kiểu tổ chức độc nhất vô nhị trong việc sử dụng tỉ giá như một công cụ chính sách, khác hẳn hầu hết các ngân hàng trung ương, vốn sử dụng tỉ lệ lãi suất.

“Nhiều năm trước, chúng tôi đã nhận ra việc là một nền kinh tế mở, nơi mà thương mại chiếm tỉ phần lớn hơn rất nhiều trong GDP - hiện đã gấp 3 lần GDP, tỉ giá hối đoái thực ra tác động lớn hơn nhiều lên lạm phát và các điều kiện kinh tế khác (của Singapore) so với lãi suất - ông Heng nói - Chính sách tiền tệ của chúng tôi nhắm tới việc đạt được sự ổn định về giá tương thích với tăng trưởng”.

Singapore rơi vào danh sách bởi thặng dư tài khoản vãng lai lớn và việc mua ròng ngoại tệ ít nhất 17 tỉ USD vào năm 2018, tức 4,6% GDP nước này (hơn gấp đôi ngưỡng quy định của Bộ Tài chính Mỹ).

Ông Heng cũng nói thao túng tỉ giá sẽ khiến nền kinh tế Singapore không ổn định: nếu cố tình giữ tỉ giá thấp sẽ gây lạm phát, trong khi giữ cho nó cao một cách nhân tạo sẽ gây giảm phát.

Ông giải thích Singapore không sử dụng tỉ giá để tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu của nước này, vì “có thể nhận được lợi ích trong ngắn hạn nhưng sẽ gặp rắc rối lớn trong dài hạn”.

“Nền kinh tế hoạt động theo các chu kỳ, và những thay đổi tỉ giá cùng chính sách tài khóa giúp chúng tôi giảm bớt độ khuếch đại của các chu kỳ đó” - ông Heng, có hai bằng thạc sĩ: kinh tế học ở Đại học Cambridge (Anh) và quản lý công ở Đại học Harvard (Mỹ), dẫn giải.

Ông Song Seng Wun, kinh tế gia ở ngân hàng CIMB, nói Singapore là một trung tâm tài chính và xuất khẩu lớn, nên không có gì ngạc nhiên khi lượng hàng hóa và dịch vụ xuất đi từ đây cao hơn so với nhập khẩu.

Ông kết luận việc Mỹ đưa Singapore vào danh sách là bởi sự tuân thủ các chỉ số cứng nhắc “một cách mù quáng”.

Dẫu vậy, từ Malaysia, bà Selena Ling, giám đốc bộ phận nghiên cứu và chính sách của Ngân hàng OCBC, nói việc rơi vào danh sách đồng nghĩa Singapore có thể bị nhà chức trách Mỹ để ý hơn trong tương lai.

“Báo cáo nói rõ rằng mọi nền kinh tế rơi vào danh sách sẽ phải ở lại đó ít nhất trong 2 báo cáo tiếp sau để đảm bảo sự cải thiện là bền vững, chứ không phải nhất thời” - nhận định này của bà Ling cho thấy một khía cạnh khác của danh sách: các chỉ số do Bộ Tài chính Mỹ thiết lập có thể chỉ có tính nhất thời. 

Có nghĩa là trong khi các nước không có động thái rõ ràng để làm đồng tiền của họ đắt hơn tương đối so với đồng đôla, theo yêu cầu của Mỹ, họ có thể cũng không chủ động khiến đồng nội tệ rẻ hơn tương đối để dễ xuất khẩu hơn, theo cáo buộc từ Washington.

Hầu hết kinh tế gia sẽ nhất trí đó đơn giản là một vấn đề quá phức tạp để một chính phủ đơn lẻ có thể chủ động “thao túng”.

Một công cụ chính trị?

Mỹ có vẻ cũng chỉ sử dụng danh sách để dọa nạt và gây sức ép là chính, tức như một công cụ chính trị nhiều hơn là kinh tế - thương mại. 

Kể từ khi Bộ Tài chính phải nộp báo cáo này cho Quốc hội Mỹ xuân thu nhị kỳ vào năm 1988, tới nay mới có 3 nền kinh tế bị chính thức kết luận là cố ý thao túng tỉ giá, gần nhất là Trung Quốc 25 năm về trước. Nhật Bản từng bị một lần vào năm 1988, trong khi Đài Loan là các năm 1988 và 1992, theo CNBC.

Từ Malaysia, ngân hàng trung ương nước này Bank Negara Malaysia (BNM) đã nhanh chóng bác bỏ các cáo buộc của Mỹ. 

“Malaysia ủng hộ thương mại tự do, công bằng và không thực hiện các hoạt động thao túng tiền tệ bất công” - tuyên bố của BNM viết, theo báo Malaysia The Star. BNM nói tỉ giá đồng ringgit “do thị trường định hướng, chứ không dựa vào lợi thế xuất khẩu”.

BNM chỉ ra rằng chính trong báo cáo, Bộ Tài chính Mỹ cũng nói BNM đã can thiệp theo cả hai hướng, làm tăng và giảm giá đồng ringgit, trên thị trường tiền tệ những năm qua.

“Là một nền kinh tế nhỏ và mở cửa cao độ, tài khoản vãng lai của Malaysia chịu tác động bởi cả những diễn tiến trong nước và bên ngoài, bao gồm các yếu tố mang tính chu kỳ và cấu trúc - tuyên bố của BNM viết, về cơ bản nhắc lại những gì Singapore đã nói - Khoảng một nửa thặng dư thương mại của Malaysia là bởi xuất khẩu hàng hóa thương phẩm, vốn chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi cung và cầu trên thị trường toàn cầu, chứ không phải tỉ giá hối đoái. Trong khi thặng dư hàng hóa chế tạo một phần là vì sự hiện diện của các tập đoàn đa quốc gia lớn từ rất lâu ở Malaysia, bao gồm cả các tập đoàn Mỹ. Thặng dư bởi thế đơn giản là sự phản ánh tính chất đa dạng của nền kinh tế Malaysia”.

Nhưng ngay cả việc gần như mọi quốc gia đều phải phản ứng tức thì cũng đã cho thấy sức nặng nghìn cân của một lời ban phát từ Bộ Tài chính Mỹ. 

Trong khi Singapore và Malaysia ra sức biện bạch, Ấn Độ hân hoan với việc được xóa tên. Báo Ấn Độ India Today loan tin này ngày 31-5 và bình luận rằng đây là “động thái tích cực” với nền kinh tế. Trong khi đó, Hàn Quốc, dù vẫn còn tên trong danh sách, rất hi vọng sẽ được xóa tên ở báo cáo tiếp theo.

Báo Korea Herald đưa tin kèm theo nhận định nhấn mạnh: “Bộ Tài chính Mỹ nói Seoul sẽ được xóa tên ở lần tiếp theo nếu xu hướng hiện giờ tiếp tục”, bất chấp giọng điệu phải nói là trịch thượng khi nói về Hàn Quốc trong báo cáo: “Bởi Hàn Quốc giờ chỉ còn vi phạm một trong ba tiêu chí của đạo luật 2015, Bộ Tư pháp có thể loại Hàn Quốc khỏi danh sách theo dõi nếu mọi chuyện tiếp tục thế này trong báo cáo tiếp theo. Hàn Quốc phải cho thấy những cải thiện với các tiêu chí này là bền vững trước khi được dỡ bỏ khỏi danh sách”.

Cuối cùng, Thái Lan, một nước thậm chí còn chưa có tên trong danh sách, vào đầu tháng 5 cũng đã chủ động ra một thông báo nói họ “không phải là một nền kinh tế thao túng tiền tệ”.

Quả thật, miệng nhà quan có gang có thép!■

Quyết định của Bộ Tài chính Mỹ không quy Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ sẽ tránh được việc làm căng thẳng thêm quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh chiến tranh thương mại, nhưng không thể loại trừ khả năng điều đó sẽ diễn ra trong tương lai, với một tổng thống khó đoán như ông Trump. 

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm giá khoảng 8% so với đồng USD trong năm vừa qua và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói bộ của ông “rất quan ngại với mọi hành vi tiền tệ bất công và đang mở rộng số đối tác thương mại mà Mỹ thấy cần thực thi chính sách tiền tệ công bằng và minh bạch hơn”.

Tuy nhiên, trong khi giới chính trị gia dùng ngôn ngữ chính trị để nói về vấn đề thao túng tiền tệ thì với các kinh tế gia, việc xác định một nước có phải thao túng tiền tệ thật sự hay không thường rất khó bởi quá nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới tỉ giá, chứ không chỉ có hành vi của các chính phủ. 

Vấn đề là “ai sẽ quyết định giá nào là đúng?” - Gary Hufbauer, kinh tế gia và nghiên cứu viên cấp cao ở Viện Kinh tế học quốc tế Peterson, nói. 

“Hiện chưa có phương pháp luận nào được giới chuyên môn nhất trí” - ông bổ sung, đồng nghĩa ngay cả nếu các quốc gia đang bị Mỹ nhắm tới muốn “điều chỉnh hành vi” để đáp ứng đòi hỏi của Mỹ, họ chưa chắc đã làm được và không ai biết tỉ giá có thể được coi là “không thao túng” thực ra là bao nhiêu!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận