Đâu chỉ là quota người tị nạn!

QUẾ VIÊN (COPENHAGEN) 15/11/2015 18:11 GMT+7

TTCT - Từ ba năm qua, tôi có tham gia Hội đồng hội nhập của Odsherred Kommune (đơn vị hành chính tương đương với tỉnh) tại Đan Mạch. Đây là một sáng kiến được áp dụng từ năm 2000, với mục đích tạo cầu nối giữa những người nhập cư hay có gốc nhập cư với người bản xứ và chính quyền địa phương. Những câu chuyện ghi nhận được từ hội đồng này cho thấy sự bối rối của EU trong việc giải quyết vấn nạn nhập cư không phải là không có nguyên do.

Một buổi họp của Hội đồng nhân dân tỉnh Odsherred (Đan Mạch) với đại diện Hội đồng hội nhập và đại diện người nhập cư -Q.V.
Một buổi họp của Hội đồng nhân dân tỉnh Odsherred (Đan Mạch) với đại diện Hội đồng hội nhập và đại diện người nhập cư -Q.V.

Trong những ngày này, khi khối EU vẫn đang lúng túng tìm giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng nhập cư thì dòng người tị nạn và di cư vẫn tiếp tục đổ đến đây, bất chấp những nguy cơ trên biển và lệnh đóng cửa biên giới của Hungary, kể cả mùa đông giá lạnh đang tới. Trong những người lìa bỏ quê hương này, dù động cơ là chạy trốn chiến tranh hay vì kinh tế thì mục tiêu cuối cùng vẫn là tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình và cho những người thân yêu.

Tạo mức sống không cách biệt

Đối với các nước Tây và Bắc Âu, tiếp nhận người tị nạn không đơn giản là cho họ một mái lều, vài bữa ăn, mà còn là ổn định đời sống, tạo điều kiện cho họ hội nhập vào xã hội và môi trường mới.

Tại các nước trong khối Scandinavia như Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, theo mô hình xã hội phúc lợi cho mọi người, một khi được hưởng chế độ tị nạn, người di trú sẽ được cấp nhà hay căn hộ có đủ những tiện nghi cần thiết - từ tivi, tủ lạnh tới chén đĩa, vé đi xe buýt, xe lửa hay metro, chi phí sinh hoạt, dịch vụ y tế miễn phí...

Trẻ em được nhận trợ cấp như trẻ em bản xứ... Đổi lại, họ phải học ngôn ngữ nước chủ nhà trong ba năm và không được dùng tiền trợ cấp để đi du lịch nước ngoài.

Các khoản trợ cấp dành cho một người tị nạn tùy thuộc vào ngân sách của địa phương nhưng tổng số tiền nhận được thường ngang với thu nhập sau thuế của một người lao động bình thường, có khi còn cao hơn. Những gia đình càng đông con thì trợ cấp càng nhiều.

Tôi quen biết một phụ nữ người Congo, mới 34 tuổi mà đã có 10 người con. Nên chuyện những gia đình tị nạn chỉ sau một vài năm là có đủ tiền mua xe hơi khiến không ít người dân bản xứ, có đi làm và đóng thuế (tiền lương hưu cũng phải chịu thuế), thắc mắc.

Tuy nhiên, mục đích của chính phủ các nước Bắc Âu là tạo điều kiện để những người tị nạn có mức sống không khác những người bản xứ bình thường, hầu tránh những xung đột đáng tiếc. Chuyện những thanh niên gốc nhập cư da màu tại Pháp thường bạo động đốt xe hơi trong các dịp Tết dương lịch cũng xuất phát từ sự bất mãn trước sự khác biệt trong mức sống của họ so với người Pháp chính gốc và người nhập cư gốc Á, cho dù sự khác biệt này do những nguyên nhân chủ quan.

Họ đến và mang theo cuộc chiến...

Thử thách lớn nhất đối với những nước chủ nhà là sự hội nhập của những người tị nạn, nhập cư đến từ các nước ngoài châu Âu, đặc biệt là những tín đồ Hồi giáo đến từ Trung Đông và châu Phi.

Nhiều người trong số này còn mang theo những phong tục, tập quán không phù hợp với luật pháp nước sở tại như tục cắt âm vật các bé gái - vẫn được áp dụng tại một số nước như Eiritrea, Sudan, Somalia...; giết người vì lý do bảo vệ danh dự của người Afghanistan, Pakistan...; hôn nhân cận huyết tại các nước Trung Đông; và cả những xung đột tại quê nhà.

Hội đồng hội nhập của Odsherred Kommune mà tôi tham gia có 12 thành viên, hoạt động trên tinh thần thiện nguyện, trong đó một nửa là những người gốc nhập cư, đại diện cho cộng đồng của mình (trừ Thụy Điển, Na Uy, quần đảo Faroe), số còn lại là đại diện của ủy ban nhân dân, liên đoàn lao động và các tổ chức thiện nguyện như hội chữ thập đỏ...

Tuy nhiên trong vài năm gần đây, nhiều hội đồng, như tại thủ đô Copenhagen, đã phải giải thể vì hoạt động không hiệu quả, và công việc này thật sự không đơn giản như nhiều người tưởng.

Nơi tôi ở, tỉnh Odsherred, không có nhiều người tị nạn. Năm 2007 nhận 70 người, đến năm 2014 tỉnh nhận 46 người, sang năm 2105 thì chỉ tiêu là 115 người, trong đó có 100 người từ Syria.

Odsherred được đánh giá là một trong vài địa phương tại Đan Mạch làm tốt công tác hội nhập người tị nạn, tạo công ăn việc làm cho họ. (Trên lý thuyết thì những người tị nạn sẽ trở về quê hương sau khi hòa bình được vãn hồi, nhưng khó có thể nói trước là khi nào và trên thực tế cũng chẳng có ai muốn trở về).

Do dự kiến là trong thời gian tới số người tị nạn sẽ tăng vọt, tháng 8 vừa qua chúng tôi đã hợp tác với hội đồng nhân dân tỉnh để lập một trung tâm sinh hoạt cho các cộng đồng nhập cư tại thành phố Nykøbing Sjælland, ngoài một nhà văn hóa thanh niên đã có sẵn.

Tuy nhiên, đại diện cộng đồng người Kurds - Syria, anh Mustafa, lại đòi có một ngôi nhà riêng cho người Syria, viện lẽ không muốn chung đụng với những người Ả Rập (rất ít ỏi tại đây). Yêu sách của anh Mustafa khiến ông Arne Mikkelsen, thành viên hội đồng nhân dân, than thở: “Thật đáng buồn khi họ đem cuộc chiến tại quê hương vào Đan Mạch”.

Tất nhiên yêu cầu này không được đáp ứng vì các nhóm có thể đăng ký sinh hoạt vào những ngày khác nhau tại trung tâm. Chưa kể trong tỉnh còn có những cộng đồng nhập cư khác như Trung Quốc, Thái Lan, Sri Lanka... nên không thể tạo ra tiền lệ mỗi cộng đồng một trung tâm sinh hoạt!

Với tinh thần đoàn kết và hội nhập với người nhập cư, mùa hè năm nay, ông Palle Henrikesen, phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh tôi, đã đề xuất tổ chức những buổi “Lektier cafe” (Cà phê khuyến học) tại quán cà phê của gia đình ông ở Nykøbing vào các ngày chủ nhật, từ 9g30 tới 11g30.

Trong khoảng thời gian này, các tình nguyện viên người Đan Mạch sẽ giúp những người mới đến trong việc học tiếng Đan Mạch, giải đáp những thắc mắc liên quan đến cuộc sống, hỗ trợ họ tìm việc làm hay nơi thực tập, lập cơ sở sản xuất kinh doanh, thăm viếng những người nhập cư già neo đơn không biết tiếng Đan Mạch...

Sáng kiến này được nhiều người ủng hộ, trung bình trong mỗi buổi sinh hoạt, số tình nguyện viên ngang bằng với số người nhập cư cần hỗ trợ. Phần lớn họ đến từ Syria, Eritrea, Somalia, Afghanistan, Iraq... Sau khi tham gia một số buổi sinh hoạt, tôi đánh giá rất cao tính thiết thực và sự cần thiết của những buổi “Lektier cafe”, cho dù những người tị nạn hiếm khi tôn trọng giờ giấc.

Tuy nhiên, càng về sau số người tị nạn cần hỗ trợ càng vắng. Bà Kirsten Jensen, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nykøbing, đành thông báo tạm dừng hoạt động này vì số người tị nạn tham dự quá ít. Có buổi tới 20 tình nguyện viên tham dự nhưng chỉ có hai người Afghanistan và một người Iraq có mặt! Trong khi đó, không biết vô tình hay cố ý, những người Syria lại tổ chức những buổi sinh hoạt riêng vào cùng ngày, cùng giờ!

Khi theo học tiếng Đan Mạch dành cho người nước ngoài mới đến tại Trung tâm ngôn ngữ thành phố Holbæk, không riêng tôi mà nhiều người khác cũng nhận thấy sự khác biệt rất lớn trong tinh thần học tập giữa những học viên châu Âu, châu Á với những người gốc Trung Đông, châu Phi.

Theo quy định, các học viên phải hoàn tất việc học trong ba năm, vượt thời gian này thì phải tự trả chi phí. Lớp tôi học quy tụ những người đã có sẵn trình độ từ cao đẳng trở lên tại quê nhà, nhưng nếu những người châu Âu và châu Á rất chăm chỉ, nghiêm túc trong học tập, muốn sớm hoàn tất để còn học lên cao hơn hay kiếm việc làm, thì đa số người gốc Trung Đông, châu Phi tỏ ra không mấy thiết tha với bằng cấp hay tìm việc làm vì tiền lương cho những công việc như bán hàng, công nhân vệ sinh tính ra còn thấp hơn tiền trợ cấp xã hội, nhất là với những phụ nữ có con.

Những công việc như nhân viên văn phòng, y tá hay điều dưỡng, giáo viên mầm non, công nhân kỹ thuật... đòi hỏi thời gian học tập tối thiểu là ba năm nhưng lương sau thuế cũng chỉ bằng tiền trợ cấp xã hội.

Hiện tỉ lệ thất nghiệp tại Đan Mạch khá thấp, tỉ lệ tháng 1-2015 là 6,2%, xếp sau Đức, Áo, Anh, Hà Lan, Luxembourg, nhưng con số này không phản ánh đúng thực tế vì không tính đến những người trong tuổi lao động nhưng không tham gia thị trường lao động vì những lý do như không đạt yêu cầu về tiếng, không đủ sức khỏe, nghiện rượu hay ma túy. Theo Statistics Denmark, quý 4-2014, cứ 1.000 người thì có 179 nam nữ trong tuổi lao động nhưng không làm việc.

Những hàng rào mới đang mọc lên trên EU -DW
Những hàng rào mới đang mọc lên trên EU -DW

“Chúng tôi còn sợ, nói chi ai!”

Theo bà Birthe Moeller - giáo viên tiếng Đan Mạch tại Trung tâm giáo dục thường xuyên (VUC) Holbæk, ở trung tâm có không ít học viên gốc nhập cư đăng ký học rất nhiều môn, từ toán học cho tới tiếng Đức, hầu đạt số tiết cần thiết để được nhận tiền trợ cấp học tập của chính phủ.

Có nhiều người học đi học lại một lớp, gây lãng phí cả thời gian lẫn tiền của nên nhiều khi bà phải “nhắm mắt cho lên lớp” để dành chỗ cho các học viên mới. Đến năm 2011, khi Bộ Giáo dục Đan Mạch ban hành quy chế mới là các học viên chưa có quốc tịch phải đóng học phí thì số học viên gốc nhập cư giảm đi đáng kể.

Anh Patrick Makwala, người Congo, mới cùng gia đình đến Odsherred được hai năm, tâm sự với tôi: Cũng khó trách vì sao Chính phủ Đan Mạch ngày càng thắt chặt những quy chế nhập cư hay tị nạn. Không ít người không những không tích cực hội nhập mà còn gây thêm khó khăn như sang Syria, Iraq để gia nhập IS hay các tổ chức khủng bố khác. Bản thân anh chỉ biết động viên những người đồng hương tỏ thiện chí đóng góp cho xã hội hầu tạo những ấn tượng tốt với người bản xứ.

Tuy đồng cảnh ngộ với những người di tản, nhưng anh cũng nhìn thấy những vấn đề phức tạp mà phong trào di cư ào ạt hiện nay có thể đem lại cho các nước EU vì nguy cơ những phần tử xấu trà trộn vào là khó tránh khỏi. “Chúng tôi còn sợ họ, nói chi ai” - anh thành thật. Thử thách cho khối EU không chỉ là phân chia quota người tị nạn!■

Từ ngày 4-11, Liên minh châu Âu bắt đầu chương trình phân bổ người tị nạn khỏi Hi Lạp. 30 người di cư đầu tiên, trong đó có 6 gia đình Syria và Iraq, đã được đưa từ phi trường Athens tới Luxembourg. Tổng cộng 160.000 người tị nạn đến hai lãnh thổ Hi Lạp và Ý sẽ được phân bổ về các nước châu Âu khác nhau theo chương trình của EU chống khủng hoảng nhập cư, trong đó phân bổ hạn ngạch nhận người nhập cư ở từng nước. Chương trình đưa người nhập cư khỏi Ý được tiến hành từ ngày 9-11.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận