Hiệu quả đến đâu?

TTCT - Từ mong muốn giám sát tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông, thực hiện lối sống văn minh đô thị trong khu dân cư, phong trào gắn camera trong khu dân cư đã nở rộ ở TP.HCM thời gian gần đây. Một số nơi tuy đã có hiệu quả bước đầu nhưng cũng không ít người băn khoăn: làm sao đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tránh tình trạng làm theo phong trào?

Trung tá Lê Thành Hưng - trưởng Công an P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM - kiểm tra các điểm thường xảy ra cướp giật được lắp đặt camera trên địa bàn phường-Hữu Khoa
Trung tá Lê Thành Hưng - trưởng Công an P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM - kiểm tra các điểm thường xảy ra cướp giật được lắp đặt camera trên địa bàn phường-Hữu Khoa


Chung cư Trần Quang Diệu (Q.3) từ đầu năm 2016 đến nay có sự thay đổi: 16 camera được gắn ở cầu thang tầng trệt và đường nội bộ hai lô A - B, quan sát rõ mặt mũi người ra vào và cả biển số xe. Đó là kết quả sau hơn một tháng vận động các hộ dân, bốn lần tổ chức họp hộ dân và UBND P.13.

Giám sát cả chuyện vứt rác bừa bãi

Ngồi trong phòng trực đặt màn hình quan sát 16 camera, ông Chu Ngọc Phan, trưởng ban quản trị chung cư Trần Quang Diệu, nói từ khi có camera, ông theo dõi và phát hiện những đối tượng có ý định trộm cắp, tụ tập ở các góc cầu thang hút chích nên báo Công an P.13 (nơi kết nối đường truyền với camera ở chung cư) xử lý.

“Khi người dân phát hiện căn hộ có trộm cắp cũng chạy xuống báo để tôi xem lại camera coi có trường hợp khả nghi không” - ông kể.

Vì camera ở các khu dân cư có đường truyền về công an phường, nên đây là đầu mối xử lý các vụ việc phát sinh.

Ông Nguyễn Minh Ngọc, trưởng Công an P.13 (Q.3), cho biết một số vụ cướp giật tài sản trên địa bàn phường được phá án nhanh nhờ camera: “Đầu năm 2015, qua camera giám sát, trực ban của Công an P.13 phát hiện một thanh niên chạy xe máy cướp giật tài sản ở một hẻm.

Nhờ hình ảnh qua camera, công an phường phối hợp với cảnh sát giao thông (CSGT) tìm ra số xe, địa chỉ và đến tận nơi ở của đối tượng đưa về trước sự ngạc nhiên của người này”. Còn ông Lê Thành Hưng - trưởng Công an P.12, Q.Gò Vấp - cho biết camera gắn ở một số tuyến đường còn giúp lực lượng CSGT xác định đối tượng, phương tiện gây tai nạn bỏ trốn.

Như vụ tai nạn giao thông khiến tài xế chạy xe ba gác bị chết cháy trên xe ở đường Tân Sơn, P.12, Q.Gò Vấp khoảng hai tháng trước. Do tai nạn xảy ra đêm khuya, tài xế xe tải sau khi va chạm đã chạy khỏi hiện trường.

“Camera ghi lại hình ảnh nên một ngày sau công an xác định được đối tượng, phương tiện gây tai nạn” - ông Hưng nói. Trung úy Phạm Ngọc Ninh - cảnh sát khu vực KP4, P.10, Q.5 - cho biết: “Người dân sống trong khu vực có camera cũng ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh vì nếu vứt rác bừa bãi, camera ghi hình thì không thể chối cãi được.

Việc theo dõi, giám sát an ninh tại các điểm có camera cũng dễ dàng hơn so với các khu vực khác. Dù hành khách đi taxi bỏ quên đồ trên xe, không nhớ hãng xe, biển số nhưng qua kiểm tra hình ảnh trên camera đã tìm được chính xác tài xế, buộc họ trả lại tài sản.

Những việc đơn giản như bóng đèn đường hư, người dân dắt chó đi vệ sinh bừa bãi, hàng xóm cãi vã do bỏ rác qua nhà nhau... đều nhờ camera giám sát mà giải quyết được”.

Người dân chọn mua camera chống trộm tại một cửa hàng ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM -Hữu Khoa
Người dân chọn mua camera chống trộm tại một cửa hàng ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM -Hữu Khoa

 

Tiền mua camera: mỗi nơi mỗi kiểu

Năm 2013, địa bàn P.13 (Q.3) là một trong những nơi đầu tiên ở TP.HCM gắn camera an ninh ở ba hẻm 339, 351, 359 đường Lê Văn Sỹ. Hiện phường có 40 camera gắn ở các tuyến đường và hẻm “nóng” về tình hình an ninh trật tự, các chợ...

Ông Nguyễn Minh Ngọc cho biết: “Chi phí lắp đặt do người dân đóng góp, có khu dân cư vận động nhà tài trợ giúp như ở chung cư Trần Quang Diệu, mỗi hộ chỉ đóng 100.000 đồng”.

Theo trung tá Lê Minh Lê - đội trưởng Đội tổng hợp Công an Q.3, với chủ trương trên, Q.3 đã lắp đặt 286 camera tại 14 phường với tổng kinh phí vận động từ người dân hơn 1,6 tỉ đồng. Còn theo ông Lê Thành Hưng, đến nay P.12 (Q.Gò Vấp) đã “phủ” hơn 500 camera ở khắp các khu phố, hẻm, khu nhà trọ..., giá trung bình 4 triệu đồng/camera.

Từ mô hình camera an ninh ở P.12, Q.Gò Vấp đã triển khai trên hầu hết các phường còn lại của quận với tổng số camera trên toàn quận hiện lên tới 2.310 chiếc.

Ông Huỳnh Văn Phúc, trưởng Công an P.10 (Q.3), cho biết tháng 7-2016 phường đã lắp 21 camera tại một số tuyến đường, hẻm. Một cán bộ có trách nhiệm của Công an Q.5 chia sẻ: lãnh đạo Quận ủy, UBND Q.5 đã chỉ đạo công an 15 phường của quận vận động người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn hoặc tự mình lắp đặt camera phía ngoài.

Nếu không lắp đặt, người dân có thể đóng góp tiền để phường gắn và kết nối hệ thống để theo dõi trước hết ở các địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, sau đó tiến tới lắp trên toàn địa bàn quận.

Tại cuộc họp về an toàn giao thông tháng 7-2016, trung tá Huỳnh Trung Phong, phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP, đã đề xuất UBND TP lắp đặt camera giám sát trật tự an toàn giao thông tại các cửa ngõ TP.

Đề xuất này đã được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đồng ý. Trước đó, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, Sở GTVT cũng đề xuất gắn camera tại một số điểm nóng kẹt xe, ngập nước để giám sát và đề ra các giải pháp giải quyết.

Theo tìm hiểu, tiền mua camera an ninh gắn tại các khu dân cư hiện nay chủ yếu từ việc vận động người dân đóng góp, một số địa phương có hỗ trợ hoặc vận động các nhà tài trợ ủng hộ. Vì vậy mỗi địa phương làm theo mỗi kiểu tùy tình hình thực tế ở địa phương, không có chuẩn chung.

Bà Phạm Thị Thủy - trưởng ban điều hành KP2, sống tại chung cư Trần Quang Diệu - chia sẻ: “Vì cư dân chung cư đa số là người lao động, đời sống còn khó khăn nên việc đưa ra số tiền đóng góp cũng phải cân nhắc. Để các hộ dân tin tưởng, tôi cùng với trưởng ban quản trị chung cư cất công tìm hiểu công ty cung cấp camera uy tín, hỏi rõ về xuất xứ của camera rồi mới lắp đặt”.

Trong khi đó tại Q.Gò Vấp, suất đầu tư khoảng 4 triệu đồng/camera chủ yếu được vận động từ người dân trên địa bàn. Đảng ủy, UBND các phường trích kinh phí trang bị CPU kết nối dữ liệu và các màn hình quan sát tại trụ sở công an phường, bộ đàm cho các tổ dân phố.

Chất lượng camera: nhiều băn khoăn

Tuy nhiên, quá trình triển khai gắn camera tại các khu dân cư, tuyến đường cũng có nhiều trở ngại: thiết bị, đường truyền sử dụng chưa đồng bộ, cán bộ chưa am hiểu hết kỹ thuật, công nghệ, việc vận động người dân đóng góp gặp khó khăn...

Đã có trường hợp không vận động được hộ dân đóng góp lắp đặt, cũng có trường hợp gắn xong nhưng camera không đảm bảo chất lượng: hình ảnh bị mờ, gián đoạn...

Tại Công an P.10 (Q.5), 12 camera được gắn tại chung cư 21-41 Tản Đà có kết nối Internet, người dân trong chung cư và cảnh sát khu vực có thể tự coi qua mạng và liên lạc, xử lý tình huống ngay khi phát hiện vấn đề về an ninh.

Ngoài ra, hình ảnh của 32 điểm đặt camera trên địa bàn phường đã được tích hợp về trụ sở công an phường. Ngồi tại trụ sở có thể theo dõi được hết các điểm quan trọng trên địa bàn. Nhưng trong số 32 điểm đặt camera, chỉ một số camera có thể nhìn được biển số xe máy, nhận diện được khuôn mặt và có cảnh báo chuyển động, phần lớn camera còn lại chất lượng hình ảnh không đảm bảo.

Theo trung úy Phạm Ngọc Ninh, do điều kiện kinh tế của các hộ dân có hạn nên camera lắp đặt không đồng bộ, có loại camera chất lượng tốt, đường truyền cáp quang thì có thể thấy rõ khuôn mặt, biển số xe khi cần theo dõi, trích xuất hình ảnh.

Số khác thì chất lượng thấp hơn, hình ảnh bị mờ, giật, khó trích xuất hình ảnh, biển số xe khi cần. Chưa kể vị trí lắp đặt camera, hướng lắp đặt hiện cũng có vấn đề: nhiều người dân lắp camera chỉ với mục đích theo dõi nhà mình, hướng camera vào phía trong thì hiệu quả rất thấp.

Camera an ninh mục đích là theo dõi, giám sát đảm bảo an ninh trật tự, do vậy phải lắp đặt hướng ra ngoài, theo dõi mọi di chuyển, biến động của các đối tượng từ bên ngoài để xác định mối nguy hiểm trước khi sự việc diễn ra.

Tuy thế, ông Lê Thành Hưng vẫn còn nhiều băn khoăn với mô hình này. Theo ông, để camera không chỉ là phong trào, ngoài sự tâm huyết của những người tham gia, mô hình cần có quy chuẩn kỹ thuật chung về chủng loại camera, xuất xứ...

Việc này nhằm tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, đặc biệt phải có một đơn vị làm “nhạc trưởng” điều hành, nhắc nhở việc duy trì hoạt động của hệ thống camera. “Nếu được, các cơ quan chuyên môn có thể hỗ trợ địa phương trong việc giới thiệu những đơn vị cung cấp thiết bị chất lượng, ổn định, giá vừa phải” - ông Hưng đề xuất.

Trung tá Lê Minh Lê nhìn nhận tác dụng hỗ trợ của camera an ninh rất tích cực, nhưng vì đây là chủ trương xã hội hóa nên chưa thật sự thống nhất về chủng loại camera lắp đặt giữa các nơi. Để giám sát hiệu quả, đòi hỏi camera phải có chất lượng tốt, có kinh phí bảo trì...

Còn theo ông Hưng, hiện nay không chỉ các địa phương mà ngành giao thông, thoát nước... cũng lắp camera quan sát (các trục đường chính, điểm nóng kẹt xe...). “Suy cho cùng, việc lắp camera của các đơn vị vì mục đích phục vụ người dân. Vấn đề làm sao tạo ra hành lang kỹ thuật chung để các đơn vị cùng chia sẻ dữ liệu bất kể khi nào cần, tránh sự đầu tư trùng lặp gây lãng phí” - ông nói.■

Thị trường camera: đủ loại, đủ giá

Hiện nay, thị trường camera giám sát khá đa dạng về chủng loại, giá cả. Theo một cửa hàng chuyên cung cấp camera ở Q.Gò Vấp (TP.HCM), giá trọn gói một camera giám sát (một camera, một thẻ nhớ, sạc, chân gắn camera vào tường, có thể theo dõi qua việc kết nối với điện thoại, máy tính) khoảng 1,6 triệu đồng.

Còn trọn bộ camera có trang bị ổ cứng, đầu ghi hình, độ phân giải của camera cao... từ 2-3 triệu đồng/camera, bảo hành 1,5 - 4 năm. Có loại camera thân lớn gắn ngoài trời, camera hình cầu, camera ẩn, camera gắn trong thang máy, camera có thể dùng điện thoại để điều khiển xoay 360 độ quan sát toàn cảnh.

Phần nhiều camera có xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Trong đó camera của Hàn Quốc và Nhật Bản có giá cao hơn các loại khác 20-30%, bảo hành 18 tháng, các loại còn lại thường bảo hành 12 tháng. Người mua nên chọn camera có chuẩn phân giải cao, HD 720p trở lên hình ảnh sẽ rõ nét.

Theo ông Hồ Xuân Quân - giám đốc một công ty chuyên cung cấp camera, chỉ cần vài trăm ngàn đồng có thể trang bị một bộ camera (mua qua mạng), thiết bị chủ yếu từ Trung Quốc. Hệ thống camera này dùng sim, sử dụng công nghệ lưu trữ dữ liệu bằng cách đồng bộ hóa hình ảnh nhưng chỉ rõ nét thời gian đầu, sau đó mờ dần.

“Thực tế có nhiều khách hàng đem camera dạng này tới công ty nhờ kiểm tra, sửa chữa nhưng rất khó khắc phục. Khi chọn camera, cần chọn các công ty có thương hiệu, xem kỹ thời gian, chính sách bảo hành, được cơ quan nhà nước chứng nhận về chất lượng... Camera xài được giá phải trên 1 triệu đồng/chiếc. Tiền nào của đó, đừng ham rẻ, có khi đem lại phiền phức không đáng” - ông Quân lưu ý.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận