Hình dung về một “bình thường mới”

LƯU VĨ LÂN 11/10/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Bốn tháng giãn cách chống dịch tạo ra một giai đoạn kỳ dị, căng thẳng, hoang mang, dồn dập tin tức đã làm nhận thức bị nghẽn mạch. Giờ bước vào một “bình thường mới” chắc hẳn cũng cần một hình dung về hiện thực này.

Trước đây, những người nhiễm (chấm đỏ) bị cách ly để tạo một hàng rào (vòng xanh lá) bảo vệ người chưa nhiễm (chấm xanh) như sơ đồ 1. Nay dùng vaccine để tạo một hàng rào nhỏ bảo vệ từng người (vòng xanh lá quanh các chấm xanh) như sơ đồ 2. Không cách ly người nhiễm, như vậy, trong "bình thường mới" chung quanh chúng ta có những người nhiễm.

 
 
 
 

Trong sơ đồ 3: Trước, mỗi người có hai hàng rào bảo vệ, hàng rào rộng là giãn cách xã hội và phong tỏa, và hàng rào vừa là 5K để đẩy xa con virus. Nay vẫn là hai hàng rào, hàng rào rộng (giãn cách) không còn, thay vào đó là hàng rào nhỏ (vaccine). Như vậy, trong “bình thường mới”, mầm bệnh tiến sát đến mỗi người hơn...

 
 

Có thể nói, ở “bình thường mới”, chúng ta sống chung với con virus và con virus tiếp cận gần chúng ta hơn. Trừ một hai quốc gia kiên quyết theo đuổi chính sách Zero-COVID, không chấp nhận sống chung, còn thì cả thế giới đều đang làm như thế. Nên để có thể sống tốt trong “bình thường mới”, cần nhớ rằng khi bỏ đi vòng rào lớn để “địch” tiếp cận gần mình, chúng ta dựa vào chiếc khiên vaccine nhỏ bao quanh từng người. Nhưng đây không phải là “khiên thần”, ở nhiều nơi nó đã từng được ghi nhận bị virus xuyên thủng. 

Do đó, chúng ta vẫn cần tìm cách giảm mức độ tập trung của các “chấm” xanh trong một không gian để giảm mức xuất hiện của các “chấm đỏ”, tức là giảm tập trung đông người. Và như ở sơ đồ 2, phải nới rộng cái vòng 5K chung quanh ta để không cho các “chấm đỏ” tiếp cận quá gần...

Chúng ta mơ một ngày toàn thắng, nhưng cần tỉnh táo để nhớ rằng, tâm lý “hồ hởi” hiện nay khi “tái khởi động” xã hội - nếu có - sẽ là một “lạc quan tếu”, vì thật ra chúng ta đã không thắng được cơn dịch mà chỉ là thay đổi chiến lược.

Bốn tháng trước, chúng ta chỉ có vài trăm ca dương tính, số tử vong đếm trên đầu ngón tay. Bốn tháng sau, số ca dương tính có ghi nhận xấp xỉ số triệu và ca tử vong lên gần hai vạn người. Thiệt hại vật chất, tâm lý, cơ hội phát triển là không tính xuể.

Nhưng cũng có 3 cái được.

Cái được lớn nhất là độ phủ vaccine khá tốt (một ưu tiên đặc biệt cho Sài Gòn). Cái được thứ hai là thay đổi nhận thức rất nhanh của người lãnh đạo: chuyển chiến địa đánh dịch từ một cảm giác mông lung xuống đúng nơi nó đang diễn ra: tại từng phường, xã, ngõ ngách, xóm, làng... Xác định được “trận địa” rồi thì tập trung “binh lực” để đánh “địch” bỗng trở nên rõ ràng hơn. 

Cái được thứ ba thì đúng như câu nói của một cán bộ chống dịch giai đoạn đầu: “Đừng mất công bắt rắn nước mà tập trung tìm mấy con rắn hổ nguy hiểm”, tức là không tập trung tất cả các ca dương tính khi đã quá nhiều vào bệnh viện gây quá tải mà chỉ những ca nặng để đủ sức điều trị giảm tử vong. Nhận thức này giúp giảm tải cho ngành y tế một cách ngoạn mục.

Bây giờ, xã hội đang thăm dò các bước để tái khởi động, nhìn cả cái được và mất trên đễ dễ nhận ra: cái mất vẫn còn y nguyên, virus vẫn còn thấm sâu trong xã hội, ca nhiễm vẫn tiếp tục tồn tại ở mức độ cao, và trong nhận thức mới, nó đang được buông và có thể đang lang thang khắp chốn. Còn cái được, trừ vaccine là một vũ khí thật sự, còn lại vẫn chỉ là các phương pháp về quản lý, về nhận thức, về binh pháp, về cách sống...

Do đó, chúng ta vẫn đang trông cậy nhiều vào các biện pháp chủ quan, ý thức... mà thôi. Nên không được lơ là trong phòng vệ và lúc nào cũng sẵn sàng cho các đợt tái bùng phát. Đừng lầm tưởng là đã “dẹp xong giặc”, “không còn bóng dáng kẻ thù”... 

Và như vậy, “bình thường mới” không phải là khúc ca khải hoàn mà chỉ mới là “bài ca hy vọng” cộng với khúc hát nhắc nhở 5K quen thuộc trước nay mà thôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận