Học từ việc đi học

NHIÊN ANH 02/03/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Nếu bỏ qua tỉ lệ khoảng dưới 10% phụ huynh không đồng ý cho con đến trường - như một điều tra mẫu được công bố trên VTV - thì việc học sinh từ nhà trẻ cho đến sinh viên đại học được đến trường trong tháng 2 này, quả đúng là một ngày hội toàn dân, chứ không hề là sáo ngữ.

Nói đấy là ngày hội bởi nó giải tỏa cho toàn xã hội, từ học sinh, phụ huynh đến nhà trường và nhiều thành tố dịch vụ liên quan đến hoạt động của nhà trường.

Với học sinh tiểu học, việc học online không thể là một giải pháp thay thế tạm chấp nhận khi ngay cả đến việc ngồi ngay ngắn trước màn hình máy tính hay điện thoại khoảng 10 phút đã là việc hầu như bất khả thi với các bé lớp 1, lớp 2.

 
 Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Bàu sen (Q.5, TP.HCM) được chào đón khi đến trường. -Ảnh: NHƯ HÙNG

Với học sinh các cấp lớp cao hơn, học online đem lại hai tác động trái ngược. Đấy là giảm khả năng tập trung, ảnh hưởng đến chất lượng của việc tiếp thu bài giảng, đồng thời tạo ra cảm giác bị cô lập và mất đi phần nào động lực học tập do thiếu sự tương tác trực tiếp. 

Nhưng ngược lại, nó cũng mở ra cho các em khả năng sử dụng một phương tiện học khác, mà trước đây do hoàn cảnh không bắt buộc - không ai thấy cần phải cố gắng làm quen. 

Các chương trình học ngoại khóa tự nguyện như rèn IELST, học thêm các môn chính hoặc thậm chí học thêm một ngoại ngữ mới, trong thời gian trường học đóng cửa - đã có cơ hội phát triển rất mạnh - bao gồm cả các chương trình do giáo viên ở châu Âu, châu Mỹ giảng dạy. 

Trong tình huống này, một phần nguồn lực của xã hội đã được phân bổ lại hiệu quả và nhiều người được hưởng lợi, dù các trường công lập thì vẫn loay hoay chưa biết tận dụng công cụ mới ra sao.

Đối với trường học và thầy cô giáo dạy học trực tiếp, dù lý giải dưới góc độ nào vẫn là điều mà nhà trường hướng tới. 

Tất cả triết lý, phương pháp và kỹ năng giáo dục mà toàn bộ hệ thống đã được trang bị và đào tạo đều dựa trên cách tương tác trực tiếp này - từ cách lên lớp, tương tác với học sinh đến cách ban giám hiệu, hiệu trưởng kiểm soát sự tuân thủ của giáo viên và học sinh.

Hiếm có học sinh nào được khen thưởng vì chăm chú học trên mạng hay bị kỷ luật vì đã để máy rớt mạng nhiều lần. Nói cách khác, học online là trạng huống mà thực tế đi trước lý thuyết được đào tạo với cả hệ thống giáo dục. 

Và trong khi chờ đợi để lý thuyết cập nhật được với thực tế, việc học sinh quay lại trường học chắc chắn là niềm mong mỏi của 100% giáo viên.

Với xã hội, học sinh đến trường đồng nghĩa với một hệ thống dịch vụ được tái khởi động. Từ phương tiện đưa đón, bảo vệ, hàng quán, nhà ăn, dịch vụ dọn vệ sinh… 

Hơn 20 triệu khách hàng quay trở lại thị trường là một con số khổng lồ. Tình trạng "cháy" nhà trọ và phương tiện đưa đón một tuần qua là minh chứng cho việc một vòng quay kinh doanh mới được tái khởi động.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối diện với sự thật là có một số lượng nhất định phụ huynh và học sinh chưa sẵn sàng trở lại trường. Họ có nhiều lý do, trong đấy chủ yếu là: “Nhà trường có bảo đảm con tôi không bị lây nhiễm không?”, hay thực tế hơn: "Quý vị có bảo đảm tính mạng cho con tôi?”. 

Một câu hỏi đúng về tình nhưng khó coi là hợp lý - sau hơn hai năm diễn tiến của dịch bệnh - mà các phụ huynh phát biểu như thế cũng là người trong cuộc.

Nó xuất phát một phần từ câu chữ tuyên truyền có phần quyết liệt từ những ngày đầu: “Phải tuyệt đối bảo đảm an toàn…”. Tuyệt đối - trạng thái đấy chúng ta có thể tìm thấy đâu trên thế giới - lúc này? Và kể cả trong tương lai? Sự tuyệt đối, cần phải được thay thế bằng sự hợp tác và nỗ lực của gia đình với nhà trường, nhất là với các cấp học lớp dưới.

Với tư cách là phụ huynh, chúng ta nên hiểu việc cho trẻ đến trường là một trạng huống mới của kỹ năng sinh tồn, môn mà mỗi hè đến, bố mẹ nào cũng thúc giục con đi học. Nếu suy nghĩ theo hướng đó, có thể chúng ta sẽ tìm thấy sự tích cực hơn là những lo âu vượt quá logic của khoa học.

Những quy trình chuẩn để triển khai khi phát sinh tình huống dịch bệnh trong trường học là điều mà ngành y tế cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng để đem lại yên tâm cho toàn xã hội. Sau những căng thẳng của hơn hai năm đối phó với dịch bệnh, chúng ta có quyền hy vọng ngành y tế đã sẵn sàng cho một tình huống như vậy.

Trải nghiệm có thể nhiều khó khăn, bất ngờ của một học kỳ học tập trong môi trường vẫn có khả năng dịch bệnh, không trường lớp ngoại khóa nào có thể cung cấp được. 

Chúng ta buộc phải chấp nhận bởi đứa trẻ nào rồi cũng phải lớn lên, và trong tương lai không khó khăn nào là không đến với chúng, chỉ là sớm hay muộn. Học tập trong một hoàn cảnh bất ưng, bản thân nó cũng mang tới nhiều bài học lắm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận