Khi chuyển đổi số là bắt buộc

NAM MINH 16/08/2021 20:00 GMT+7

Trong cái khó ló cái khôn, giãn cách xã hội mở ra cơ hội và đòi hỏi để các đơn vị và doanh nghiệp điều chỉnh phương thức hoạt động mà trong đó chuyển đổi số ngày càng trở thành yêu cầu không thể khác.

Trong mùa dịch, mỗi ngày ông Trần Hiếu, phó tổng giám đốc khối tiếp thị và kinh doanh của Công ty DKRA Việt Nam, họp trực tuyến 4 - 5 phiên với trưởng các bộ phận để kịp thời nắm bắt tình hình kinh doanh, thông qua chủ trương và chỉ đạo trực tuyến.

Ảnh: foodnavigator-usa.com

 

Bên cạnh đó, mảng quản lý vận hành bất động sản của công ty cũng kịp thời triển khai đại trà ứng dụng PM Resident để giúp cư dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ quản lý tòa nhà trực tuyến. 

Thực tế thì công nghệ này đã đi vào hoạt động từ lâu, nhưng chỉ sau ảnh hưởng bởi đại dịch, nhiều cư dân mới chủ động tiếp cận và sử dụng nhiều hơn.

Dịch bệnh như một cú hích

Theo chia sẻ của ông Hiếu, ban đầu cư dân có thể chưa quen hoặc chưa muốn sử dụng, nhưng nay vì phòng chống dịch và cần hạn chế tiếp xúc, họ có động lực phải dùng và khi dùng một lần rồi thì thấy ứng dụng này thật sự rất tiện lợi. 

Kết quả là trong tháng 6 vừa rồi, lượng thanh toán trực tuyến tăng lên gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Tập đoàn Hưng Thịnh Corp với tổng quy mô nhân viên hơn 3.400 người, ban lãnh đạo xác định chuyển đổi số là chiến lược then chốt trong giai đoạn tới. 

Tập đoàn đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào lĩnh vực công nghệ, được triển khai trên cả hai hướng: chuyển đổi số để nâng cao năng lực quản trị và xây dựng chiến lược kinh doanh mới. 

Tập đoàn cũng đầu tư hàng chục triệu đôla Mỹ để nghiên cứu, xây dựng nền tảng công nghệ bất động sản Proptech.

Tiềm năng chuyển đổi số còn thể hiện ở ngành giáo dục. 

Ở Trường đại học Bách khoa TP.HCM, tất cả các khóa học lý thuyết đều “go online”. Mặc dù còn hạn chế vì năng lực tương tác và không gian, nhìn chung các giảng viên cơ bản đã quen thuộc với môi trường số hóa, giúp lịch học nhiều môn của sinh viên không bị gián đoạn.

Hay gần đây, ứng dụng học tiếng Anh ELSA tiếp tục huy động được thêm 15 triệu USD để phát triển thị trường quốc tế và nền tảng bán hàng cho doanh nghiệp. 

Khoản vốn mới đến từ nhóm nhà đầu tư Vietnam Investments (VI Group) và SIG.

Trên thị trường thương mại bán lẻ, nhiều doanh nghiệp nhỏ trong giai đoạn khó khăn hiện nay tiếp tục chờ đợi và cắt giảm chi phí hoạt động, đồng thời kết hợp chuyển hướng sang mô hình thương mại điện tử - một xu hướng được dự báo sẽ bùng nổ trong tương lai không xa.

Trong đợt giãn cách toàn TP.HCM, Saigon Co.op cho biết đã kịp thời bổ sung khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang https://cooponline.vn để đáp ứng nhanh nhu cầu đặt hàng online, giao hàng tận nhà tăng đột biến. 

Theo dự báo của Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, doanh số thương mại điện tử tại Việt Nam có thể tăng gấp đôi trong 5 năm tới, và đó là dự báo trước khi dịch bệnh khiến tình trạng giãn cách trở nên không thể tránh khỏi như hiện nay.

Trong những gian khó, có thể thấy dịch COVID-19 bùng phát chính là “cú hích” để doanh nghiệp tổ chức tăng tốc chuyển đổi công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động và khách hàng. Không chỉ vậy, đó còn là công cụ tiết giảm chi phí quản lý vận hành, nâng cao hiệu suất hoạt động trong trung và dài hạn.

Trước đây, các ngân hàng, công ty tài chính, chứng khoán là các đối tượng tích cực nhất trong cuộc đua này. Nhưng sắp tới, rất nhiều lĩnh vực khác sẽ nhập cuộc. 

Đơn cử như mô hình làm việc kết hợp (hybrid working) giữa tại nhà và tại văn phòng đang trở nên phổ biến và được nhiều công ty sử dụng. Bà Hoàng Nguyệt Minh, giám đốc bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội, cho rằng trong bối cảnh đại dịch, giới nhân viên văn phòng đã dần thích ứng với việc làm việc từ xa.

Khảo sát cho thấy hầu hết ý kiến đều cho rằng cách làm việc kết hợp mang lại nhiều lợi ích cho cả người lao động và doanh nghiệp. 

Các nhân viên trong khảo sát bày tỏ mong muốn được làm việc tại văn phòng vài lần một tuần. Doanh nghiệp cũng đồng thời cần một số lượng nhất định nhân viên có mặt, nhưng việc phải đi làm theo giờ giấc cố định “ngày 8 tiếng” nay rõ ràng là không hề cần thiết với nhiều ngành nghề. 

Tất nhiên, với một số ngành nghề khác, hình thức làm việc này có thể không phù hợp.

Chờ đợi thế hệ lao động trẻ

Điều kiện thuận lợi cho Việt Nam để thúc đẩy xu thế này là lực lượng lao động trẻ đang chiếm ưu thế. Các thế hệ millennial, thế hệ Z đều thành thạo và nhạy bén trong tiếp thu công nghệ - họ được chờ đợi sẽ đóng vai trò chủ đạo trong cuộc chuyển đổi.

Tất nhiên, tham vọng chuyển đổi số tại các tổ chức và doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt nhiều thách thức. Các vấn đề có thể là năng lực hiểu các nền tảng công nghệ, thái độ hòa nhập công nghệ của nhân viên, nguy cơ rò rỉ thông tin dữ liệu, hay áp lực về vốn đầu tư hạ tầng ban đầu...

Khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện với 400 doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2020 cho thấy tới 55,6% doanh nghiệp vừa và nhỏ lo lắng về chi phí ứng dụng công nghệ, 38,9% thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, và 32,3% thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số.

Nhìn chung, tốc độ thích nghi với chuyển đổi số sẽ phụ thuộc vào văn hóa tổ chức, quyết tâm của người lãnh đạo, sự ủng hộ đồng lòng của nhân viên. Hiện không có một quy chuẩn chung về chuyển đổi số cho tất cả các ngành, mà sự linh hoạt, quá trình vừa làm vừa học sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai.

Bên cạnh đó, không phải không có mặt trái khi ứng dụng chuyển đổi số cho từng lĩnh vực cụ thể. Theo Savills, doanh nghiệp theo đuổi mô hình văn phòng làm việc kết hợp cần lưu ý tới rủi ro văn hóa doanh nghiệp bị mai một khi mọi người không có cơ hội được gặp mặt và tương tác. 

Do vậy, mô hình đấy cần được thiết kế theo phương châm lấy con người làm trọng tâm, nhằm nâng cao hiệu suất lao động nhưng vẫn tăng được sự gắn bó của nhân viên với doanh nghiệp.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận