Khi năng suất đo bằng tiền

NGUYỄN VŨ 30/09/2015 05:09 GMT+7

TTCT - Bài “Năng suất lao động Việt Nam: Ở đâu và đi về đâu?” trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 36 (ra ngày 20-9-2015) rất thú vị vì cung cấp các mẩu chuyện thực tế để lý giải vì sao năng suất lao động của công nhân Việt Nam đang thấp.

Thi tay nghề trung khu vực ASEAN, Việt Nam thường dẫn đầu, nhưng thực tế thì năng suất lao động lại thuốc hàng thấp trong ASEAN. Ảnh Minh Hải

Tuy nhiên, thật ra ở cả bình diện doanh nghiệp lẫn trên quy mô quốc gia, cách đo lường năng suất lao động hiện nay còn nhiều khập khiễng, là nguồn cơn gây bức xúc khi cứ nghe chuyện 15 người Việt Nam làm chưa bằng 1 người Singapore hay hơn 50 năm nữa Việt Nam mới bắt kịp Thái Lan về năng suất lao động.

Vì sao quy cả thành tiền

Trước hết, định nghĩa chính thức nói năng suất lao động là khối lượng hàng hóa và dịch vụ mà một giờ công lao động làm ra. Nhưng vì so sánh ba chiếc xe với năm quả táo là không ổn nên người ta phải chuyển mọi khối lượng hàng hóa và dịch vụ ra thành tiền. Từ đó nảy sinh nhiều nghịch lý rất khó lượng định.

Ai cũng còn nhớ máy tính xách tay ngày xưa đắt lắm, năm 1996 một chiếc laptop của Compaq có giá lên đến 2.500 đôla Mỹ. Giờ với 2.500 đôla, người ta có thể mua đến cả 10 máy tính xách tay cấu hình còn cao hơn chiếc máy ngày xưa nhiều lần.

Giả thử một nhà máy năm 1996 sản xuất được 1.000 chiếc máy tính, bán được 2,5 triệu đôla Mỹ; nay cũng nhà máy này với số lượng công nhân như cũ cũng sản xuất được 1.000 chiếc máy nhưng vì giá giảm nên chỉ còn bán được 250.000 đôla Mỹ thôi. Không lẽ dựa vào các thông số này mà lại kết luận năng suất lao động của nhà máy sút giảm một cách tệ hại, chỉ còn bằng một phần mười ngày xưa?

Những minh họa cho sự khập khiễng này nhiều lắm. Ví dụ có lúc giá cà phê thế giới lên cao ngất ngưởng, không lẽ lúc đó lại kết luận năng suất của nông dân trồng cà phê ở Việt Nam tăng nhanh chóng mặt? Và giá nông sản đang giảm đều đặn, vừa gây khó khăn cho ngành nông nghiệp vừa làm năng suất của ngành này sút giảm?

Rõ nhất là các mỏ khai thác dầu khí chẳng hạn. Không lẽ do giá dầu giảm từ trên 100 đôla Mỹ/thùng còn dưới 50 đôla Mỹ/thùng mà ta nói công nhân ở các mỏ này làm việc sút kém, bỏ bê công việc nên năng suất giảm còn một nửa?

Câu hỏi này cũng được một tác giả đặt ra trên tờ Harvard Business Review. Trong bài “Các nhà kinh tế học sai chỗ nào khi đo lường năng suất?”, GS Roger Martin cho rằng các nhà kinh tế học lâu nay chỉ nhìn vào một vế của phương trình năng suất và điều đó đã bịt mắt, không cho họ hiểu được bản chất của năng suất trong nền kinh tế hiện đại.

Cái phương trình mà ông nói chính là công thức tính năng suất lao động nói trên mà tử số là giá trị hàng hóa hay dịch vụ làm ra, còn mẫu số là số giờ lao động bỏ ra. Nói chính xác hơn, bao quát hơn, tức là đo lường năng suất nói chung chứ không chỉ năng suất lao động trên bình diện cả nền kinh tế thì tử số là giá trị tăng thêm (tức GDP) và mẫu số không chỉ là lao động của công nhân mà còn là các yếu tố khác như cách tổ chức dây chuyền sản xuất, máy móc, thiết bị…

Nói cụ thể, ở đây có ba yếu tố cần tính đến: vốn trên đơn vị lao động, chất lượng lao động và năng suất yếu tố tổng hợp (Total Factor Productivity - TFP).

Bấy lâu nay người ta chỉ chú ý đến mẫu số nên đầu tiên là nói đến tay nghề, kỷ luật, sự cần cù của người lao động. Sau đó họ nói đến những vấn đề như đầu tư công nghệ là con đường nhanh nhất để tăng năng suất. Nhưng chỉ chừng đó cũng đã nảy sinh những nghịch lý.

Ví dụ, chắc ai cũng nghĩ nhờ công nghệ thông tin, nhờ máy tính phổ biến khắp nơi, nhờ Internet mà năng suất lao động của mọi người tăng lên một cách đáng kể. Điều đó, qua trải nghiệm bản thân, ai cũng thừa nhận.

Thế nhưng trong thực tế mức tăng năng suất lao động ở Mỹ cao chừng 3% trong các thập niên 1950, 1960 lại tụt xuống 2% trong thập niên 1970 và còn 1,5% trong giai đoạn 1980 - 1995 - là lúc cất cánh cuộc cách mạng công nghệ thông tin!

Chỉ đến giai đoạn 1996 - 2004, mức tăng này mới quay lại tốc độ 3%, lúc đó nhiều người nói nay công nghệ thông tin mới phát huy tác dụng! Bí ẩn thay, đến giai đoạn tiếp theo, 2005 - 2014, tăng trưởng năng suất lao động lại tụt về mức 1,4% - còn ai dám nói tin học giúp cải thiện năng suất?

Ở chỗ này, chính tử số tính bằng tiền là nguồn cơn cho sự biến động năng suất khó lý giải này. GS Roger Martin dẫn chứng một ví dụ khá thuyết phục. Ông nói sau khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 1997, tác động của xuất khẩu từ Trung Quốc lên nền kinh tế Mỹ rất rõ: làm giá cả trên thị trường Mỹ giảm đều, giảm đều, gây áp lực lên năng suất lao động ở Mỹ do cái tử số ngày càng nhỏ này.

Rõ ràng toàn cầu hóa còn thêm một hiệu ứng phụ là góp phần làm giảm năng suất ở Mỹ nhưng chưa thấy nhà kinh tế học nào phân tích cặn kẽ.

Ngược lại, cũng có những doanh nghiệp tận dụng chuyện giá cả này để tạo ra cho mình một năng suất lao động độc đáo. Đó là trường hợp của Apple, cũng bán điện thoại di động nhưng thường với giá gấp hai, gấp ba lần các hãng khác. Chính yếu tố sức hút thương hiệu đã giúp họ cạnh tranh với đối thủ và hưởng một năng suất lao động tính ra cao gấp hai, gấp ba lần các đối thủ này.

Cần đến những phân tích mới

Chúng ta có thể rút ra được gì từ câu chuyện năng suất nhìn từ góc độ này?

Đó là nếu giữa chúng ta với nhau, nói năng suất lao động của công nhân Việt Nam còn thấp lắm để động viên nhau phải cố lên mới bắt kịp người ta thì không sao; nhưng nếu ngay cả các nhà làm chính sách, các chuyên gia nghiên cứu mà cứ nói khơi khơi 50 năm nữa Việt Nam mới bắt kịp Thái Lan về năng suất lao động là không chấp nhận được.

Vì họ chưa phân tích thấu đáo các yếu tố nằm ở mẫu số, nói chi đến yếu tố giá trong tử số. Vấn đề phức tạp hơn các phát biểu mang tính gây sốc nhiều.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận