​Làm thế nào lại có thể trở nên man rợ?

DANH ĐỨC 30/01/2015 04:01 GMT+7

“Man rợ” không có nghĩa là người tiền sử, người rừng... mà là sự thiếu văn minh, dữ tợn, hung ác, là điều trái với thông tục (từ điển Larousse). Tổng thống Pháp Hollande gọi vụ xả súng thảm sát ở tòa soạn báo Charlie Hebdo là “man rợ”. Nhiều tờ báo trên thế giới cũng gọi thế trong ý nghĩa nêu trên.

Vấn đề là làm thế nào mà có những người lớn lên cuối thế kỷ 20, đang sống ở thế kỷ 21, giữa “kinh đô ánh sáng”... lẽ ra phải văn minh mà lại hành động dã man như thế?

1. Một nghiên cứu của Vincent Tournier, thuộc Viện nghiên cứu chính trị Grenoble, đăng trên tạp chí Xã Hội Học Pháp từ năm 2011 thử giải thích vấn nạn này từ góc độ hoàn cảnh xã hội và quá trình học vấn (1) của các thanh niên Hồi giáo ở Pháp.

Các thống kê chi tiết cho thấy cha mẹ các thanh niên Hồi giáo đa số học hành không bao nhiêu, ít hội nhập nghề nghiệp hơn, thất nghiệp gần gấp đôi số cha mẹ các lớp thanh niên còn lại, lại còn ở tuổi hưu nhiều hơn (16% số người cha gia đình Hồi giáo so với 3% ở các gia đình khác), số anh em trong gia đình cũng đông hơn.

Tất cả yếu tố đó đã tác động nơi việc giáo dục và cách giáo dục con em. Các trẻ này ít theo học trường tư hơn (ở Pháp được xem là chất lượng hơn trường công) song lại thặng dư ở các trường “trọng điểm” (học sinh cá biệt, tỉ lệ lưu ban rất cao, tỉ lệ gây rối cao trong nhà trường).

Việc tiếp thu các quy định nhà trường khó khăn hơn với các em này, có thể do khoảng cách văn hóa (cha mẹ) với văn hóa chung của xã hội, đặt các em vào tình trạng yếu thế hơn.

Bối cảnh sống trong các đô thị cũng tác động đến các em. Trẻ em Hồi giáo thường sống trong những khu phố “khó khăn”, xuống cấp hơn. Từ đó (theo một số khảo cứu như của Avenel, 2000; Lepoutre, 1997; Sauvadet, 2005; Welzer-Lang, 2002) dẫn đến phát triển một thứ văn hóa đường phố dựa trên nam tính, tính “anh chị”, mà mối bận tâm đầu tiên là làm sao để đừng “bị mất mặt”. Từ

đó dẫn đến xu hướng chấp nhận rủi ro, thách đố nhiều hơn. Hai anh em Kouachi cùng đồng phạm Coulibaly xuất thân từ tầng lớp xã hội như thế, cùng một hành trang vào đời là thất bại học đường hoặc thất bại nghề nghiệp, và ngược lại là kinh nghiệm đường phố. Đó cũng là xuất thân của đa số tay súng trẻ khắp châu Âu sang Trung Đông “thánh chiến” (2).

Những người trẻ thuộc thành phần này chính là những “mảnh đất màu mỡ” cho mọi sự nhồi sọ chính trị hay tôn giáo, thậm chí cả hai. Nhất là khi hiện nay, với sự lan truyền của các mạng xã hội, để tiếp cận “người dùng cuối” chỉ cần biết “vọc” máy tính bảng hoặc điện thoại.

Họ dễ dàng rơi trúng những blog như “La Parole du Musulman” (Lời nói của người Hồi giáo trẻ) và những dòng chữ vừa vuốt ve, vừa kích động như “Để cho một con quái vật (tỉ như Al Qaeda, DAECH, AQIM) tồn tại, (các nước phương Tây) phải tưởng tượng ra nó, xây dựng và nuôi dưỡng... và nạn nhân, đại đa số là người Hồi giáo...

Một số người Hồi giáo hay có văn hóa Hồi giáo, tự đánh mình để dễ bề xin bọn tư sản tinh quái đó thương xót và chiếu cố, và rồi đi đến chỗ bảo rằng con quái vật đó là ngay trong nội bộ Hồi giáo!”.

2. Sau vụ Charlie Hebdo, Bộ trưởng Giáo dục quốc gia Pháp Najat Vallaud-Belkacem đã gửi đến giới giáo chức một bức thư biểu lộ quan điểm: “Vụ khủng bố chết người nhắm vào tuần báo Charlie Hebdo đã chạm đến trái tim của nền Cộng hòa chúng ta.

Các giá trị cốt lõi nhất của nền Cộng hòa đã bị nhắm đến: tự do ngôn luận là nền tảng của mọi quyền tự do khác; tự do tư tưởng cũng như sự tôn trọng các ý kiến cá nhân là những nguyên tắc cơ bản để chúng ta cùng nhau sống dưới chế độ Cộng hòa này”.

Bà bộ trưởng nhắc lại với giáo chức rằng: “Nhà trường có trách nhiệm truyền đạt và làm cho sống động các giá trị và nguyên tắc của nền Cộng hòa. Ngay từ khi mới ra đời, nền Cộng hòa đã giao phó cho nhà trường nhiệm vụ đào tạo các công dân tương lai và truyền lại các giá trị căn bản là tự do, bình đẳng, bác ái và thế tục”.

Ý cuối cùng này là vô cùng hệ trọng do sau này xuất hiện một xu hướng đòi hỏi công khai thể hiện màu sắc tôn giáo của mình, như việc phụ nữ đeo khăn trùm đầu, che mặt, phá vỡ tính thế tục của nhà trường mà nền Cộng hòa đã xây dựng được từ một thế kỷ qua, một nỗ lực vô biên cởi bỏ mọi sự hiện diện, mọi ảnh hưởng tôn giáo trong nhà trường.

Tự do tôn giáo của nền Cộng hòa Pháp là không tách rời với tính thế tục đã được luật hóa từ năm 1905.

Để chống lại những cám dỗ của sự phân hóa, hận thù, bộ trưởng giáo dục quốc gia Pháp đã đề nghị các thầy cô: “Nhà trường của nền Cộng hòa truyền đạt cho học sinh một văn hóa chung của sự khoan dung và tôn trọng lẫn nhau. Mỗi học sinh học cách từ chối sự bất khoan dung, lòng hận thù, nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực dưới mọi hình thức”.

Những nhắc nhở như thế không là thừa thãi. Báo L’Express ngày 10-1 đã đăng thư của một số thầy cô than phiền về tình trạng phi Cộng hòa của một số học sinh qua việc phụ huynh các em này đã bảo các em không tuân thủ một phút mặc niệm các nạn nhân vụ thảm sát ở tòa soạn báo Charlie Hebdo, rằng “chúng ta có quyền trả thù tờ báo đó”...

 

__________________________________________________

(1): Vincent Tournier, Modalités et spécificités de la socialisation des jeunes musulmans en France, Résultats d’une enquête grenobloise [*], Revue française de sociologie.

(2): Pascal Airault, Djihad européen: l’alerte rouge (Thánh chiến Djihad châu Âu: báo động đỏ)

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận