Người "thổi hồn" cho gạo Việt

KHẮC TÂM 22/04/2019 07:04 GMT+7

TTCT - Khi nói đến gạo Sóc Trăng, không ai không nhắc đến gạo thơm đặc sản ST của vị kỹ sư chân đất Hồ Quang Cua - Anh hùng lao động, nguyên phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng.

Kỹ sư chân đất Hồ Quang Cua. Ảnh: K.T.
Kỹ sư chân đất Hồ Quang Cua. Ảnh: K.T.

Sau nhiều năm chọn lọc, lai tạo giống lúa thơm, kỹ sư Cua và các cộng sự của ông đã có 4 giống lúa được Bộ NN&PTNT công nhận, 2 giống lúa được đưa ra sản xuất thử. 

Trong đó, giống ST20 sau khi đoạt giải nhất gạo ngon tại Festival lúa gạo VN lần thứ 2 (năm 2011) đã ra thị trường thế giới. Cuối năm 2017, đến lượt ST24 lọt vào top 3 “gạo ngon nhất thế giới”.

Gần 30 năm nghiên cứu lúa thơm

Năm 1992, ông Cua bắt đầu mày mò tìm hiểu lúa thơm khi đang là chuyên viên nông nghiệp của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Hơn 8 năm sau, giống lúa thơm ST3 ra đời. Một năm sau, Bộ NN&PTNT họp hội đồng xét đặc cách công nhận đây là giống lúa quốc gia.

Hiện ST3 không còn hiện diện trên đồng lúa do không còn phù hợp điều kiện khí hậu ngày nay, nhưng nguồn gen thơm ngon của nó vẫn lưu truyền trong các giống ST sau này. Thành quả đầu tay này tạo niềm tin cho cộng đồng, dần dần ông hình thành một êkip nghiên cứu và tất cả đều được nâng cao trình độ.

Năm 2008 và những năm sau, 2 giống ST19 và ST20 - sản phẩm từ công trình tiến sĩ của anh Trần Tấn Phương (đồng sự của ông Cua) - được thị trường tiêu thụ với giá 6.000 đồng/kg lúa tươi, cao gấp rưỡi lúa thường, tạo nên một chuyển biến nhận thức mới trong ông.

Năm 2010, khi dự một hội nghị do Viện Nghiên cứu lúa quốc tế tổ chức tại Hà Nội, nghe quốc tế biểu dương thành tích lúa gạo đóng góp vào an ninh lương thực toàn cầu của VN, ai cũng hể hả. Riêng ông thì không. Ông vẫn nhìn thấy một đời sống cực khổ của nông dân, mọi thứ rất chậm được cải thiện. Sau lần đó, ông nghĩ “làm lúa nhiều, bán giá thấp chỉ nhọc thân, phải làm ra giống lúa có giá cao, lời nhiều mới sướng”.

Từ năm 2013, sau khi nghỉ hưu, toàn bộ thời gian ông đều ở khu thí nghiệm nông trại chọn giống thuộc thị trấn Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên). Tuổi càng cao, khu chọn giống của ông càng rộng, thành quả càng vang dội. Có vụ, ông sản xuất trên 1.000 dòng lúa thêm để chọn lọc những “hoa hậu” xuất sắc nhất.

Ngày nào ông cũng lội ruộng, lội đến mức bàn chân to bè, các móng chân vàng khè vì phèn đóng. Nhưng công sức ông đổ xuống đã được bù đắp tuyệt vời: giống lúa thơm ST24 lọp vào top 3 “gạo ngon nhất thế giới” trong cuộc thi quốc tế ở Macau cuối năm 2017.

Giống lúa ST24. Ảnh: K.T.
Giống lúa ST24. Ảnh: K.T.

Giá trị tăng nhiều lần

Hôm gặp lại, thấy ông gầy đi nhiều, dáng không còn nhanh như ngày nào. Nhưng khi đề cập đến công việc chọn lọc lúa thơm, ông say sưa nói hàng giờ. Ông nói, việc tạo ra giống đẳng cấp cao như ST24 ở cấp đại học chưa thể làm nổi.

“Phải do tiến sĩ di truyền loại giỏi lập trình lai tạo mới làm nổi. Bởi kiến thức di truyền là nòng cốt của việc lai tạo giống. Việc chọn tạo ngoài đồng cũng rất vất vả, phải kiên trì rất nhiều năm, vốn đầu tư tiền tỉ mới làm được” - ông tâm sự.

Ông nói, việc chọn chất lượng trong phòng thí nghiệm phải có sự tinh tế ở thị giác, khứu giác và vị giác. “Không chỉ có kinh nghiệm đánh giá vẻ đẹp bên ngoài như thon dài, hạt trắng, nõn nà..., người làm công việc lai tạo giống cần có mũi thính để đánh giá mùi thơm và cái lưỡi “thần” để nếm độ ngon, ngọt và lạ từ thành quả làm được”.

Không chỉ ở trong phòng thí nghiệm hay ngoài đồng, ông tới gặp những doanh nghiệp (DN) đầu mối lúa gạo để hiểu xem họ cần gì. Ông vào nhiều siêu thị ở TP.HCM, “nhập vai” khách hàng, đứng tại quầy trưng bày gạo quan sát.

Thấy có người mua gạo của mình, ông liền đến làm quen, dò hỏi ý tứ khách hàng. Ông trân trọng từng góp ý, từ mẫu mã bao bì đến chất lượng hạt gạo, để tiếp tục tìm cách điều chỉnh hợp lý.

Hỏi ông giống lúa ST trồng nhiều ở đâu, ông hóm hỉnh: “Trồng ở đâu cũng được nhưng nay nó được huy động để chống biến đổi khí hậu rồi”. Ông giải thích thêm: “Như nhiều “anh em” nhà ST khác, ST24 rất chịu đất mặn ở Trà Vinh, Sóc Trăng, bán đảo Cà Mau nhưng đưa vào đất phèn Mộc Hóa, Kiến Tường nó cũng tốt luôn”. Ông bảo, nếu trồng chính vụ, ST24 là lúa cao sản, năng suất đạt 6 tấn/ha, chi phí thấp vì ít tốn tiền mua thuốc.

Gặng hỏi mấy lần, kỹ sư Cua mới tiết lộ đã “mang nặng đẻ đau” thế nào đối với “hoa hậu” ST24. “Nàng” được chọn trong hàng ngàn dòng và trải qua 11 năm sương gió. Trong đó 6 năm lai tạo ổn định, 2 năm khảo nghiệm, thêm 2 năm sản xuất thử và 1 năm làm thủ tục để được công nhận giống quốc gia.

“Nhiều lúc sóng gió tôi cũng muốn buông xuôi. Nhưng ngẫm lại, phải đứng dậy, làm cái gì đó để đời cho nông dân. Từ đó tôi kiên trì đeo đuổi đam mê, không bỏ cuộc” - ông bộc bạch.

Chưa có thống kê đầy đủ vụ đông xuân vừa rồi nông dân các tỉnh đã trồng bao nhiêu diện tích lúa thơm ST24. Nhưng riêng tại Sóc Trăng đạt gần 10.000ha, giá lúa ở mức cao, tăng thu nhập cho hàng vạn nông dân. “Có thời điểm, gạo ST24 xuất khẩu đi Trung Quốc tại chợ gạo Bà Đắc có giá 800 USD/tấn, cao gần gấp đôi các gạo thường” - kỹ sư Cua hồ hởi.

Tại quê nhà, tình hình tiêu thụ gạo ST24 cũng rất lạc quan. Ông thành lập hai DN, cho hai con trai là kỹ sư làm giám đốc, ông làm cố vấn kỹ thuật. Sở dĩ có tới hai DN là vì trước đây ông đã thành lập một DN ở huyện Mỹ Xuyên, sau này Mỹ Xuyên tách ra thêm huyện Trần Đề, ông phải thành lập thêm một DN, để: “Mỗi huyện một DN, nộp thuế để mọi người cùng vui”.

Dẫn tôi vào kho lạnh lưu trữ giống thí nghiệm vừa thu hoạch xong, kỹ sư Cua khoe: “Trong này còn rất nhiều “em” có thân hình như người mẫu, thon, chân dài, đáng để dự thi quốc tế”. Ông cho biết đang sắp xếp các dòng lúa xuất sắc đã sử dụng hoặc chưa sử dụng vào tủ đông để bảo quản lâu dài.

“Sắp tới tôi không mở rộng nghiên cứu thêm, chỉ tập trung nghiên cứu củng cố các kết quả tốt” - ông nói. Thấy tôi thắc mắc vì sao đang làm ăn ngon lành, gạo ST24 của DN ông đóng gói bao nhiêu cũng bán sạch, cớ gì phải dừng, ông trầm ngâm: “Bao nhiêu năm làm cầu nối, gầy dựng, chắp cánh cho hạt gạo ST, cũng đến lúc đại bàng dừng tung cánh rồi. Mình nghiên cứu ra giống lúa, còn việc nhân rộng là của nhà quản lý, mình không thể làm thay hoài”. ■

Lúa do nông dân huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre làm ra được thương lái thu mua tại ruộng với giá cao. 
Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Lúa do nông dân huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre làm ra được thương lái thu mua tại ruộng với giá cao. Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Lúa hữu cơ trên vùng biển mặn đi châu Âu

Từ một vùng chuyên nuôi tôm và chỉ xem trồng lúa là phụ, đầu ra của hạt lúa bấp bênh, đến nay người dân huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã thay đổi phương thức sản xuất thông thường sang sản xuất lúa hữu cơ. Họ cũng liên kết với các công ty, thành lập các tổ hợp tác để ổn định đầu ra.

Để đạt được chứng nhận lúa hữu cơ cho hơn 13.000m2 đất sản xuất, bốn năm qua nông dân Lê Văn Miền, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú, làm quen dần với cách sản xuất mới. 

Trước đây, nông dân làm 1 năm 2 vụ (1 vụ lúa, 1 vụ tôm) theo hình thức quảng canh và thu nhập từ lúa thấp, chỉ mang tính phụ thêm. “Nhưng khi chuyển qua liên kết với công ty bao tiêu sản phẩm sản xuất lúa hữu cơ, hiệu quả kinh tế tăng lên khá rõ.

Giá lúa thường hiện 6.000-7.000 đồng/kg, nhưng lúa hữu cơ từ 8.300-8.500 đồng/kg. Sản xuất lúa hữu cơ cũng giúp rong, tảo phát triển, làm thức ăn cho vụ tôm sau, nhờ vậy con tôm phát triển tốt, không sử dụng các loại thuốc, thức ăn công nghiệp, giúp hạ giá thành khi nuôi tôm, từ đó lợi nhuận cũng tăng lên” - anh Miền nói.

Còn theo nông dân Lê Văn Phúc, chi phí sử dụng phân hữu cơ thấp hơn 40-50% so với sử dụng phân hóa học. Sản phẩm làm ra được thương lái bao tiêu, thậm chí chưa kịp gặt đã có thương lái đến đặt cọc.

Đi đầu trong phong trào liên kết với nông dân sản xuất lúa hữu cơ là một công ty phân bón hữu cơ. Ngay năm đầu liên kết (2017), tổng diện tích khai thác mô hình lúa hữu cơ là hơn 200ha tại 3 xã: An Nhơn, An Quy, Giao Thạnh với hơn 100 hộ nông dân. Năng suất thu hoạch trung bình hơn 5 tấn/ha. Trong đó hơn 70ha đạt chứng nhận hữu cơ USDA (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) và giấy chứng nhận hữu cơ của Liên minh châu Âu (EU).

Ông Đào Công Thương, chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú, cho biết thông qua các công ty, hiện lúa sạch hữu cơ Thạnh Phú đã xâm nhập được các thị trường châu Âu. “Hiện toàn huyện có hơn 6.000ha sản xuất theo mô hình lúa - tôm, hình thành 25 tổ hợp tác sản xuất lúa và một hợp tác xã lúa sạch Thạnh Phú. Trong năm nay, mô hình này sẽ được mở rộng ra một số xã, nâng tổng diện tích sản xuất theo mô hình lúa - tôm thêm khoảng 1.000ha” - ông nói.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú, mô hình liên kết giúp nông dân bán được gạo với giá cao hơn thị trường 30-40%. Doanh nghiệp đã bao tiêu lúa sạch giá 7.600 đồng/kg, lúa hữu cơ có doanh nghiệp mua với giá tới 8.500 đồng/kg. Lợi nhuận trung bình của xã viên hợp tác xã khoảng 40-50 triệu đồng/ha.

MẬU TRƯỜNG

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận