Nhật Bản làm gì để yên ổn?

HỮU NGHỊ 14/01/2014 22:01 GMT+7

TTCT - Tại sao Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tăng cường ngân sách quốc phòng và mới đây đi viếng ngôi đền Yasukuni? Câu trả lời nằm ở định hướng quốc phòng: phòng thủ hay tấn công là chính? Và chính sách đối ngoại như thế nào, nhất là với các nước trong khu vực?

Phóng to
Ông Shinzo Abe gõ chuông tại buổi lễ đánh dấu kết thúc giao dịch trên sàn chứng khoán Tokyo ngày 30-12-2013, trở thành thủ tướng Nhật đầu tiên tham dự buổi lễ này - Ảnh: Reuters

Trong thông điệp đầu năm 2014, ông Abe nhấn mạnh: “Nhật Bản sẽ đóng một vai trò tích cực hơn bao giờ hết vì hòa bình và ổn định của thế giới. Đây sẽ là tấm biểu ngữ mà nước Nhật giương lên trong thế kỷ 21 này. Chúng ta cũng sẽ bảo vệ toàn vẹn sinh mạng và tài sản công dân chúng ta cũng như lãnh thổ, lãnh hải và không phận một cách dứt khoát”.

Liệu có mâu thuẫn hay không giữa “vai trò tích cực vì hòa bình và ổn định thế giới” với nhiệm vụ bảo vệ đất nước?

Sự thật bị "một nửa sự thật" bóp méo

Một số dư luận thắc mắc tại sao Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lại đi viếng ngôi đền Yasukuni. Như thường lệ, một số nguồn tin báo chí vẫn chỉ loan tin về chuyến viếng ngôi đền Yasukuni mà không nhắc đến chuyến viếng ngôi đền Chinreisha gần đó, dẫn đến một sự bóp méo thông tin xuống còn “một nửa sự thật”.

Trong thông điệp Đảm bảo cho hòa bình mãi mãi (1), ông Abe đã thuật lại việc đi viếng như sau: “Hôm nay, tôi đã đến thăm ngôi đền Yasukuni và gửi lời chia buồn chân thành của tôi, bày tỏ lòng tôn kính của tôi và cầu nguyện cho linh hồn của tất cả những người đã chiến đấu và hi sinh cao cả cho đất nước. Tôi cũng đã đến thăm đền Chinreisha, một đài tưởng niệm tưởng nhớ cầu nguyện cho vong hồn của tất cả mọi người không phân biệt quốc tịch, đã thiệt mạng trong chiến tranh”.

Quả thật là có một ngôi đền thờ tất cả vong linh những người đã chết vì quân đội Thiên hoàng năm xưa, song báo chí vẫn cứ quên ngôi đền đó và “kiểm duyệt” luôn tin ông Abe đến viếng ngôi đền này. Cũng như khi loan tin ông Abe đi viếng ngôi đền Yasukuni, báo chí cũng chỉ tập trung vào chi tiết ở đó thờ 13 tội phạm Chiến tranh thế giới thứ hai, mà quên không nói rằng ở đó còn thờ cả chục triệu binh sĩ Nhật quá cố, và rằng nước nào mà không có ngày tưởng niệm chiến sĩ trận vong.

Ông Abe giải thích: “Một số người chỉ trích chuyến thăm đền Yasukuni như là để tỏ lòng tôn kính các tội phạm chiến tranh, nhưng mục đích chuyến thăm của tôi ngày hôm nay là ngày kỷ niệm một năm cầm quyền của tôi... Trong khi cầu nguyện vong hồn những người đã chết vì chiến tranh, tôi cảm nhận ra rằng nền hòa bình quý báu mà nước Nhật được hưởng đang thật sự cùng tôi trở về nhà... Nhật Bản không bao giờ dấy lên một cuộc chiến tranh nào nữa. Xác tín này của tôi dựa trên sự thành khẩn ăn năn quá khứ. Trước vong linh tử sĩ trận vong, tôi đã lập lại quyết tâm của tôi là thề sẽ không bao giờ dấy lên một cuộc chiến tranh nào nữa”.

Ông Abe cũng nhấn mạnh rằng ông “không có ý định làm tổn thương tình cảm của người dân Trung Quốc và Hàn Quốc”.

“Một nửa sự thật” này, tiếc thay, đã bị một số nguồn tin báo chí đục bỏ để rồi một số dư luận nháo nhào!

Bắt tay với bạn bè

Ông Abe còn cho biết ông đã khấn rằng “Nhật Bản phải là một đất nước bắt tay với bạn bè trong khu vực châu Á và bạn bè trên thế giới để thực hiện hòa bình của toàn thế giới”. Trong thực tế, ông đã và đang ra sức làm điều đó.

12 ngày trước chuyến viếng thăm hai ngôi đền, ông đã đón tiếp trọng thể các nhà lãnh đạo ASEAN nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - Nhật. Đúng với tinh thần “thành khẩn ăn năn quá khứ”, ông đã nguyện cùng “xây dựng tương lai châu Á trên cơ sở sự thịnh trị của luật pháp chứ không phải của sức mạnh”.

Tựa đề Thông cáo chung ASEAN - Nhật cũng bắt đầu bằng ba chữ “Tay trong tay”. Ông cũng đưa ra gói hỗ trợ tài chính 20 tỉ USD trong năm năm, tập trung vào việc phát triển khu vực sông Mekong. Trong lời chúc nâng ly ở buổi đại yến thết các nhà lãnh đạo ASEAN, ông Abe nhấn mạnh rằng sự “tay trong tay này là để xây dựng và tăng cường chữ hòa đang có giữa chúng ta”.

Tiếc là có những người nóng mặt vì quan hệ “tay trong tay” đó. Động tác tréo tay nắm tay nhau giữa ông Abe với các lãnh đạo ASEAN khi cùng chụp ảnh, một nghi thức rất ASEAN mà cho đến nay các lãnh đạo quốc tế khác đã từng làm, được Global Times 24-12-2013 chế giễu như sau: “Lần này, ảnh chụp được trước nhà khách chính phủ Akasaka ở Tokyo, và ngoi lên ở giữa là cái đầu của người đứng đầu chính phủ thứ 11 là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe”.

Chưa hết, Global Times còn gọi lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ chính thức giữa Nhật Bản và ASEAN là “một liên hoan - tiền mặt, trong đó Nhật Bản đã hứa dọn trên mâm 20 tỉ USD cho các nước ASEAN”.

Báo này còn mỉa mai nhắc lại rằng “trong ba thập kỷ từ những năm 1960 đến những năm 1990, đầu tư trực tiếp ngông cuồng của Nhật Bản đã giúp thúc đẩy sự phát triển của nhiều quốc gia ASEAN, trong đó có bốn tiểu hổ nổi tiếng gồm Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines, biến các nước này từ nền kinh tế nông nghiệp thành bán công nghiệp...”.

Cũng có thể hiểu tại sao Global Times lại nóng mặt như vậy: cho đến nay, ngoài Mỹ và Nhật là có những chương trình vì sự phát triển của khu vực sông Mekong, còn thì chỉ thấy khai thác đến vắt kiệt dòng sông này. Cũng thế, cũng chưa thấy một nước ASEAN hay nước nào trên thế giới nhờ Bắc Kinh mà từ một nền kinh tế nông nghiệp trở thành một nền kinh tế bán công nghiệp! Một chút ganh tị “sức mạnh mềm”!

Phòng vệ hay tấn công?

Để thực hiện lời khấn nguyện “xây dựng một thời đại không phải đau khổ vì bị chiến tranh tàn phá”, tất nhiên ông Abe không thể khoanh tay trước thế sự. Tokyo đã quyết định một ngân sách quốc phòng năm năm trị giá 24.700 tỉ yen (239 tỉ USD), tăng 1.000 tỉ yen (xấp xỉ 10 tỉ USD) so với năm năm trước (Asahi Shimbun 12-12-2013).

239 tỉ USD trong năm năm, tức mỗi năm bình quân 47,8 tỉ USD, chưa được 45% ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, mà năm 2012 đã là 106,4 tỉ USD (2).

Các ưu tiên quốc phòng của Nhật là: 1- đảm bảo giữ ưu thế trên biển và trên không, vốn là điều kiện tiên quyết của một sự răn đe và đáp ứng hữu hiệu trong các tình huống khác nhau, nhất là trong khu vực tây nam nước Nhật; 2- tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo, tuần tra và thám thính (ISR);

3- phát triển khả năng hải vận cho phép đổ bộ tái chiếm và bảo an không trễ nải trong mọi trường hợp các hòn đảo xa bị xâm lược; 4- đáp ứng các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, du kích hay biệt kích, trong đó tăng cường khả năng tự ngăn cản và đáp ứng của chính mình; 5- đáp ứng các cuộc tấn công bên ngoài không gian và trong không gian điều khiển;

6- ứng phó thiên tai...; 7- tiếp tục và tăng cường các sáng kiến kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí...; 8- hợp tác an ninh đa phương và đối thoại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương... (National Defense Program Guidelines for FY 2014 and beyond).

Có thể thấy ông Abe đang phòng vệ nước Nhật một mặt bằng các kết quả kinh tế khả quan từ một năm qua khi ông cầm quyền, mặt khác bằng quan hệ tốt với các nước có thiện chí và cùng chia sẻ những giá trị cùng thách thức song song với tự tăng cường khả năng phòng chắn. Đó là một đường lối nghiêng về phòng vệ, khác với các đường lối nghiêng về tấn công càng xa càng tốt.

Khi ông nói “Nhật Bản không bao giờ dấy lên một cuộc chiến tranh nào nữa. Xác tín này dựa trên sự thành khẩn ăn năn quá khứ”, đó là từ kinh nghiệm khởi chiến và bị tàn phá, khác với não trạng khao khát báo thù, phục hận.

(1): Statement by Prime Minister Abe: Pledge for everlasting peace

(2): http://news.xinhuanet.com/english/china//c_132157447.htm

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận