Nhìn sang những mùa lúa sau

BẠCH HUỲNH DUY LINH 10/07/2013 00:07 GMT+7

TTCT - Giá lúa giảm đã ngay lập tức ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nông dân cho vụ mùa mới, thể hiện qua việc tiêu thụ lúa giống đang giảm mạnh.

Tại Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, lượng giống nguyên chủng, siêu nguyên chủng bán ra chỉ bằng 30% so với cùng kỳ 2012 (*).

Làm ruộng ở thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) - Ảnh: N.C.T.

Có thể dự báo trước sản lượng lúa gạo của vụ thu hoạch tới ở Việt Nam và cả thế giới sẽ sụt giảm do quyết định ngưng trồng lúa hoặc chuyển sang các loại cây trồng khác của các hộ nông dân do giá lúa hiện tại đang được thu mua ở mức thấp hơn giá thành. 

Giá lúa của niên vụ sau sẽ ở mức nào phụ thuộc rất lớn vào quyết định trồng hay không trồng của nông dân ở thời điểm hiện tại.

Trong bối cảnh giá xuất khẩu gạo thế giới giảm ảnh hưởng đến giá thu mua lúa trong nước, vấn đề làm thế nào giúp nông dân vẫn duy trì được nguồn lực tiếp tục sản xuất niên vụ sắp tới ngày càng trở nên bức bối.

Giá gạo xuất khẩu sẽ giảm

Trong phiên họp bất thường ngày 19-6, Chính phủ Thái Lan đã quyết định cắt giảm 20% khoản chi trợ giá gạo nhằm đối phó với thua lỗ sau khi chương trình trợ giá gây nhiều tranh cãi đã làm tốn kém gần 137 tỉ baht (4,5 tỉ USD) trong giai đoạn 2011-2012. Với quyết định này, giá mua thóc tạm trữ xuống mức 12.000 baht (400 USD)/tấn từ mức 15.000 baht (490 USD)/tấn hiện nay...

Với quyết định này, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan sẽ giảm mạnh và có tính cạnh tranh hơn trên thị trường. Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự báo xuất khẩu gạo của nước này sẽ đạt 7 triệu tấn trong năm nay và 8 triệu tấn trong năm 2014 (dự báo trước đó là 6-6,5 triệu tấn).

quyết định cách chức người khởi xướng chương trình mua gạo tạm trữ giá cao, Chính phủ Thái Lan đã buộc phải thừa nhận sai lầm trong quyết định hỗ trợ mua gạo với giá cao cho nông dân và với quyết định cắt giảm 20% khoản chi trợ giá gạo, Thái Lan quyết tâm giành lại vị trí quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. 

Vấn đề cần đặt ra là quyết định trên của Chính phủ Thái Lan sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường gạo thế giới, trong đó có Việt Nam?

Xuất khẩu gạo của Việt Nam chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng ngay lập tức - thực tế mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và nông dân trồng lúa cần phải chấp nhận. Nếu Thái Lan bán gạo với giá thấp hơn, Việt Nam không thể yêu cầu mua gạo với giá cao hơn. Do đó, các biện pháp nhằm nâng giá gạo xuất khẩu trong tình hình hiện nay là điều không khả thi, do quy luật thị trường luôn có sức mạnh của nó.

Thực tế giá gạo thế giới sẽ giảm dẫn đến một hệ quả không ai mong muốn, đó là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ lỗ do lượng hàng tồn kho giá cao buộc phải bán với giá thấp hơn, nông dân không có lợi nhuận khi giá mua lúa giảm theo giá xuất khẩu.

Tác động gián tiếp sẽ xảy ra trong dài hạn là sản lượng lúa gạo trong niên vụ tới của thế giới sẽ giảm. Sở dĩ có điều này là do giá lúa gạo trong niên vụ hiện nay ở mức thấp, dẫn đến việc thua lỗ của nông dân khiến họ chuyển đổi sang trồng các loại nông sản khác có lợi nhuận hấp dẫn hơn.

Chính phủ nên làm gì?

Chính phủ nên có tầm nhìn dài hạn hơn so với thị trường. Bằng các công cụ của kinh tế học cũng như khả năng tổng hợp các con số thống kê của nền nông nghiệp, Chính phủ có khả năng dự báo được tỉ lệ chuyển đổi từ việc trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác của nông dân khi giá lúa gạo giảm.

Giá lúa giảm càng mạnh thì tỉ lệ chuyển đổi này càng lớn và khi đó nguồn cung trong tương lai sẽ bị thiếu hụt càng nhiều. Và điều chắc chắn là khi nguồn cung trong tương lai bị thiếu hụt do các quyết định giảm diện tích trồng lúa ở hiện tại, giá lúa gạo sẽ tăng trở lại. Đó là quy luật tự điều chỉnh của thị trường.

Vấn đề đặt ra là nếu tuân theo quy luật đó, cứ để giá lúa gạo ở hiện tại giảm mạnh và nông dân tự điều chỉnh diện tích trồng lúa của mình, điều đó có lợi cho sự phát triển của nền nông nghiệp lúa gạo Việt Nam hay không? Nếu điều đó không có lợi thì Chính phủ cần phải can thiệp vào thị trường như thế nào và ở mức nào?

Một nguyên tắc quan trọng của việc làm giảm nhẹ sự dao động mang tính chu kỳ của giá cả nông sản chính là cần hỗ trợ mạnh mẽ khi nông dân thua lỗ do các cú sốc giá cả. 

Nhưng khái niệm “hỗ trợ” ở đây chỉ có nghĩa là hỗ trợ để đảm bảo nông dân có đủ nguồn lực tiếp tục trồng lúa gạo, chứ khó có một ngân sách quốc gia nào có thể đảm bảo được lợi nhuận 30% cho nông dân trong tình hình hiện tại khi giá lúa gạo thế giới đang giảm mạnh.

Để hỗ trợ nông dân, trong tình hình giá gạo xuất khẩu dự kiến sẽ giảm, Chính phủ cần kéo dài việc cung cấp tín dụng với lãi suất 0% để khuyến khích doanh nghiệp mua lúa gạo tạm trữ. 

Giá thu mua lúa gạo của doanh nghiệp có thể giảm theo giá lúa gạo thế giới, do vậy việc hỗ trợ tín dụng nhằm đảm bảo cho các doanh nghiệp có đủ nguồn lực tài chính thu mua hết lúa cho nông dân chứ không đảm bảo nông dân thu được lợi nhuận cao.

Trong bối cảnh khó khăn giá gạo xuất khẩu giảm, bán được lúa với mức lợi nhuận thấp, thậm chí hòa vốn đã là một niềm an ủi.

Với mức lợi nhuận thấp, diện tích trồng lúa trong niên vụ tới có khả năng giảm nhẹ, nhưng với việc tiếp tục hỗ trợ tín dụng cho thị trường lúa gạo, hiện tượng bỏ lúa sang trồng cây khác do thua lỗ sẽ không xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch trong niên vụ sau.

Nếu có một sự chuyển đổi nào về cơ cấu cây trồng thì đó phải là một quyết định chuyển đổi được chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự đầu tư bài bản về hạ tầng, giống và kỹ thuật... chứ không thể là một sự chuyển đổi mang tính tự phát và bấp bênh như vẫn thường thấy. Ở góc độ này, một lần nữa vai trò “hỗ trợ” của Chính phủ lại trở nên quan trọng.

Nguyên phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn trong một cuộc phỏng vấn gần đây của báo Nông Nghiệp Việt Nam đã thẳng thắn nói đến sự “hạn hẹp trong tư duy” khi đặt vấn đề an ninh lương thực giống như một lá bùa, lúa gạo Việt Nam chịu tất cả sức ép lên nó khiến người ta không thể hoặc không dám suy nghĩ khác đi, không dám thay đổi, kể cả các nhà lãnh đạo.

Ông cho rằng trong định hướng chuyển đổi trong tương lai đối với lúa gạo chỉ nên giữ để đạt 20 triệu tấn lúa là đủ cho an ninh lương thực, phần còn lại tùy vào các địa phương mà chuyển đổi linh hoạt, có thể là ngô, đậu tương, chăn nuôi hay thủy sản... Song để giữ lúa (ở những vùng có lợi thế) cũng phải có “chiến lược phục vụ chuyển sang chế biến thức ăn chăn nuôi” và để làm như thế thì “cơ cấu ngành chăn nuôi lại phải thay đổi theo để phù hợp”.

Vị thủ lĩnh ngành nông nghiệp một thời này kết luận: “Nông nghiệp là lĩnh vực có đặc thù riêng, muốn tái cơ cấu, thay đổi chiến lược, tạo giá trị cho nông nghiệp không phải ngày một ngày hai là làm được ngay, ít nhất phải có bước chuẩn bị 10 năm, 15 năm. Muốn có ngày “bình minh” của nông nghiệp hiện đại sau năm 2020, ngay từ bây giờ phải có bước chuẩn bị dài hơi về khoa học, sẵn sàng tiếp cận cái mới ít nhất từ nay tới năm 2015” (*).

 Tìm lại căn nguyên

Khủng hoảng trên thị trường lúa gạo hay bất kỳ một thị trường nào khác sẽ xảy ra khi chính phủ bắt đầu can thiệp vào thị trường vì một mục đích chính trị nào đó, chẳng hạn để lấy phiếu bầu của nông dân như chính phủ của nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.

Sau khi được bầu lên nắm chính quyền nhờ lá phiếu của số đông nông dân miền bắc và đông bắc Thái Lan vào năm 2012, nữ thủ tướng Thái Lan đã thực hiện ngay lời hứa mua gạo của nông dân với giá cao hơn 50% so với giá trên thị trường quốc tế.

Các doanh nhân xuất khẩu gạo của Thái Lan không thể mua gạo với mức giá cao trên trời như thế vì họ sẽ chịu lỗ khi buộc phải mua gạo với giá cao, bán với giá thấp. Do đó, chính phủ phải lấy tiền từ ngân sách để hỗ trợ chương trình thu mua gạo với giá cao này với lý do để nâng cao lợi nhuận cho nông dân trồng lúa.

Trên lý thuyết, việc hỗ trợ này không khác gì so với việc chính phủ lấy tiền từ ngân sách nhà nước, tức tiền thu được từ thuế của người dân, đem tài trợ cho một nhóm các hộ nông dân trồng lúa.

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan trở nên đắt đỏ hơn so với các quốc gia khác, do đó thị trường chuyển sang mua gạo từ các quốc gia bán rẻ hơn như Ấn Độ và Việt Nam. Kết quả của việc hỗ trợ giá cho nông dân trồng lúa là từ một quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Thái Lan tụt xuống hàng thứ ba sau Ấn Độ và Việt Nam, trong năm 2012 lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm khoảng 35%.

Lượng gạo xuất khẩu giảm chứng tỏ một lượng gạo đáng lý ra phải xuất khẩu vẫn đang tồn kho. “Quả bom nổ chậm” của thị trường lúa gạo thế giới sẽ chờ nổ trong năm 2013.

Giá là một tín hiệu quan trọng đối với nông dân để điều chỉnh diện tích và sản lượng. Giá cao chứng tỏ nguồn cung thiếu hụt so với nhu cầu và cần phải mở rộng diện tích sản xuất. Giá thấp chứng tỏ nguồn cung dư thừa và cần phải thu hẹp diện tích sản xuất.

Trong điều kiện bình thường, thị trường sẽ tự điều chỉnh dựa trên tín hiệu giá. Tuy nhiên, khi Chính phủ Thái Lan can thiệp vào thị trường lúa gạo, tín hiệu giá trở nên méo mó khiến nông dân phản ứng sai lầm.

Nếu không có chương trình hỗ trợ giá này, nông dân Thái Lan sẽ phải bán gạo ở mức thấp hơn, lợi nhuận thấp hơn và khi đó họ sẽ không có động cơ để mở rộng diện tích sản xuất, thậm chí có thể thu hẹp diện tích. Do đó, trong vụ mùa sau, lượng gạo thu hoạch sẽ giảm và giá sẽ tăng.

___________

(*): Báo Nông Nghiệp Việt Nam 28-6-2013.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận