​Những bước cuối cùng của bình thường hóa

THANH TUẤN 05/10/2014 05:10 GMT+7

TTCT - Cuộc gặp hôm 1-10 tại Washington D.C. là lần đầu tiên Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thăm chính thức Mỹ trên cương vị bộ trưởng Bộ Ngoại giao theo lời mời của Ngoại trưởng John Kerry.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 27-9 - Ảnh: Reuters
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 27-9 - Ảnh: Reuters

Cơ chế đối thoại hai ngoại trưởng hằng năm này là một phần thỏa thuận khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi năm ngoái. Trước đó, đối thoại hằng năm hai bên mới dừng ở cấp thứ trưởng ngoại giao và quốc phòng. 

Những diễn biến ở biển Đông và khu vực trong mấy năm trở lại đây đang đẩy nhanh mối quan hệ giữa hai quốc gia từng là đối thủ trong chiến tranh. Mùa hè năm nay, lần đầu tiên chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ thăm Việt Nam kể từ năm 1971 tới nay.

Cùng với đó là một loạt chuyến thăm của bốn thượng nghị sĩ và hàng loạt đoàn quan chức khác. Chưa bao giờ kể từ sau chiến tranh, tốc độ thăm viếng các đoàn từ Mỹ tới Việt Nam lại có cường độ dày như vậy. 

Nhưng trong quan hệ Mỹ - Việt, những tồn tại vẫn còn đó. Đặc biệt là vấn đề cấm vận vũ khí và việc Mỹ vẫn chưa thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường - điều dẫn tới một loạt phán quyết không công bằng về phá giá với hàng Việt Nam nhập vào thị trường Mỹ. 

Phát biểu tại Hội châu Á (Asia Society) hôm 24-9 nhân cuộc làm việc tại khóa họp 69 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (từ 16-9 đến 1-10) ở New York, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã gọi lệnh cấm vũ khí là điểm “bất bình thường” còn tồn tại từ bình thường hóa.

“20 năm trước, chúng tôi bình thường hóa quan hệ với Mỹ và vào năm 2013, chúng tôi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện - ông nói - Quan hệ là bình thường thì lệnh cấm vũ khí sát thương rõ ràng là bất bình thường. Chúng ta gỡ bỏ lệnh cấm đồng nghĩa là quan hệ bình thường trở lại dù bình thường hóa đã được thực hiện 20 năm trước”. 

“Mỹ không gỡ bỏ lệnh cấm vận thì chúng tôi vẫn mua vũ khí (từ các nước khác) - Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh. 

Gỡ bỏ lệnh cấm này là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận trong cuộc gặp của Bộ trưởng Phạm Bình Minh với Ngoại trưởng Kerry tại Washington D.C..

Việc gỡ bỏ lệnh cấm là bước đi mà cả hai bên cùng có lợi: Việt Nam có thể phản ứng tốt hơn và tự bảo vệ trước các mối đe dọa an ninh. Còn phía Mỹ có thể đẩy mạnh hơn hợp tác quân sự mà lệnh cấm tới giờ vẫn là rào cản.

“Nâng cao khả năng quan sát trên biển (MDA) là cơ hội tốt để định hướng an ninh khu vực theo hướng ngăn chặn Trung Quốc mà Washington không cần phải làm gì gây hấn quá” - ông Ely Ratner, phó giám đốc chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm về an ninh Mỹ mới (CNAS), nói. 

Một lý do mà phía Mỹ chưa đẩy mạnh việc gỡ bỏ lệnh cấm vận được cho là vì Nhà Trắng muốn dành “vốn chính trị” để hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Khi đưa ra quốc hội để thông qua, sẽ luôn nổi lên các vấn đề “nhạy cảm” giữa hai nước như nhân quyền, dân chủ... buộc Washington phải thận trọng. Nhưng những diễn biến mới ở biển Đông đang khiến Washington muốn đẩy nhanh việc gỡ bỏ lệnh cấm hơn.

Khi tới thăm Việt Nam hồi tháng 8, chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ - tướng Martin Dempsey thừa nhận nếu gỡ bỏ lệnh cấm vận, Mỹ sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực hải quân để có thể đối phó được tốt hơn các mâu thuẫn trên biển.

“Về vấn đề kiểm soát tài nguyên biển và kiểm soát căng thẳng, tôi nghĩ khả năng của Việt Nam tăng thì an ninh của biển Đông cũng sẽ tốt hơn” - tướng Dempsey nói.

Các nguồn tin hiện nói Việt Nam có thể sẽ mua máy bay do thám P-3 Orion và máy bay do thám P-8A, giúp tăng khả năng theo dõi, giám sát trên biển. 

Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á của Trung tâm Các nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, một tổ chức nghiên cứu trụ sở tại Washington), sau khi nghe bài phát biểu của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh ở Hội châu Á hôm 24-9, thừa nhận với TTCT rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc và căng thẳng do sự trỗi dậy này đã “mở thêm cơ hội cho quan hệ Mỹ - Việt, đẩy nhanh hơn mối quan hệ này”.

“Tôi tin Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong ASEAN, trong khu vực, trong quan hệ với Mỹ. Có rất nhiều biến chuyển trong sự chủ động của Việt Nam trên trường quốc tế” - bà đánh giá.

Sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc - và không còn hòa bình nữa, đặc biệt sau khi kéo giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền của Việt Nam - trở thành lo ngại chung của cả khu vực và Mỹ. 

“Sự cố giàn khoan là xúc tác rõ ràng đối với Việt Nam” - ông Ely Ratner, nói trên Foreign Policy. Trên bình diện khu vực, lo ngại của Mỹ tăng dần lên từ một loạt căng thẳng ở cả biển Hoa Đông và biển Đông từ việc Trung Quốc áp đặt vùng cấm bay ADIZ, lấn đất xây đảo, đe dọa các nước nhỏ trong khu vực cũng như với các đồng minh của Mỹ là Nhật, Philippines. 

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh có cuộc nói chuyện ngày 1-10 tại CSIS về những vấn đề an ninh.

Trong dịp này, CSIS chính thức ra mắt báo cáo “A new era in US - Vietnam relations” (Kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ - Việt) mà CSIS đã hoàn tất từ mùa hè 2014 về 20 năm bình thường hóa quan hệ song phương.

Báo cáo này viết: “Trong tương lai gần và trung hạn, mục tiêu chính của đối tác toàn diện là củng cố niềm tin ở các cấp giữa Hà Nội và Washington. Một trong những cơ chế quan trọng nhất của quan hệ sẽ là cuộc gặp hằng năm giữa ngoại trưởng hai nước để đánh giá kết quả hợp tác trong nhiều lĩnh vực”. 

Báo cáo cũng nhận định về quân sự, cả hai nước có nhiều tương đồng về quan điểm chiến lược đối với khu vực. Mặc dù vậy, hiện lãnh đạo Việt Nam vẫn muốn lấy thương mại và hợp tác kinh tế tiếp tục là trụ cột chính cho quan hệ song phương.

Trong lĩnh vực an ninh, hai bên sẽ tiếp tục gặp gỡ hằng năm theo cơ chế thứ trưởng trong khuôn khổ đối thoại chính sách quốc phòng (DPD) và đối thoại chính trị, an ninh - quốc phòng (PSDD) hiện có giữa hai bên. 

Việc gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương sẽ là bước bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai bên. 

Các đề xuất cải thiện quan hệ song phương Mỹ - Việt

+ Cam kết Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam trong năm 2015 để kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ. 

+ Tăng cường quan hệ giữa hai quốc hội sau một loạt chuyến thăm của các nghị sĩ Mỹ mới đây. 

+ Trao đổi các bước Chính phủ Mỹ muốn để nới lỏng và dần gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí sát thương.

+ Mở rộng cơ chế hợp tác hải quân Mỹ - Việt, bao gồm tập luyện chung về nhân đạo và đối phó thiên tai, đặc biệt nhấn về chuyện chia sẻ thông tin, cho phép tàu Mỹ vào để bảo trì, sửa chữa ở Việt Nam. 

+ Cùng các nước khác sớm hoàn tất và phê chuẩn TPP và cùng phối hợp ở hội nghị thượng đỉnh Đông Á để làm rõ các bước tiếp theo của tăng cường hội nhập kinh tế bằng FTA. 

+ Hợp tác để dần thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trên tinh thần cải thiện quan hệ.

+ Hoàn tất việc xử lý dioxin ở Đà Nẵng vào năm 2016 và cam kết với một lịch trình xử lý dioxin hợp lý ở sân bay Biên Hòa cũ. 

+ Thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược Mỹ - Việt ở mức hiện tại hoặc gấp 1,5 lần cường độ/tần suất để tìm những ý tưởng mới cho việc tăng cường quan hệ hai nước.

(Trích báo cáo “Kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ - Việt” của CSIS, 2014)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận