Ông Trump tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai: Lưỡng đầu thọ địch

DANH ĐỨC 28/06/2020 15:06 GMT+7

TTCT - Nhiệm kỳ - thứ nhất và cũng có thể là duy nhất - của Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp khép lại. Trong lúc ông đang tích cực vận động tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ hai, đã có thể nói chắc một điều: Đó là một nhiệm kỳ tổng thống sóng gió bậc nhất nước Mỹ thời hiện đại.

Những điềm báo về phong ba bão táp sắp tới với ông Trump và nước Mỹ đã xuất hiện ngay từ ngày ông nhậm chức.

Buổi trưa của lễ tuyên thệ bốn năm về trước, biểu tình chống tân tổng thống nổ ra trên cả nước! The New York Times ngày 20-1-2017 tường thuật cảnh tượng ở Washington D.C.: “Một loạt vụ bạo lực nổ ra vào thứ sáu tại thủ đô, khi những người biểu tình phá tan các cửa hàng, ném gạch đá vào cảnh sát và đốt một chiếc limousine. Cảnh sát đã phải lập đội hình trấn áp, sử dụng bình xịt, lựu đạn hơi cay và các công cụ kiểm soát đám đông không gây chết người khác để giải tán biểu tình. Đến cuối ngày, sáu nhân viên cảnh sát bị thương nhẹ và hơn 200 người biểu tình bị bắt giữ”.

Những cuộc xuống đường tương tự cũng nổ ra ở nhiều thành phố khác: tại New York, 7 người bị bắt bên ngoài tòa tháp Trump, tại San Francisco, Chicago…

Thập diện mai phục

Sự phản đối của quần chúng “bất mãn” vì thua cuộc chính trị thật ra mới là vấn đề nhỏ nhất với ông Trump. Điều thực sự khiến nhất cử nhất động của ông gần như đều hứng chịu ít nhiều chỉ trích là sự kình chống chưa từng thấy của Đảng Dân chủ đối lập.

Ông Trump có lẽ là tổng thống bị phe đối lập căm ghét nhất ở Mỹ kể từ thời Richard Nixon. Họ lôi ra hết chuyện này tới chuyện khác để gây khó cho ông, đòi điều tra, luận tội, và cả bãi chức của ông. Họ đề quyết rằng ông Trump đã được Nga hà hơi trong cuộc bầu cử, rồi khẳng định ông đã dùng quyền lực nhà nước để trục lợi cá nhân khi dùng khoản viện trợ cho Ukraine gây áp lực để đòi chính phủ nước này điều tra những việc làm ăn liên quan tới đối thủ chính trị của ông: Joe Biden - ứng viên tổng thống phe Dân chủ.

Mới đây nhất, dựa trên cuốn sách của cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông - John Bolton, phe Dân chủ còn nói ông “xin xỏ” Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hỗ trợ ông tái cử khi đàm phán các thỏa thuận dàn xếp chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Cuốn sách sóng gió của John Bolton (ảnh: CNN)

Công bằng mà nói, những cáo buộc đó đã chẳg đi tới đâu. Vụ “bị Nga bỏ túi” đã kéo theo việc mở thủ tục luận tội ồn ào, nhưng rồi trở thành một quả bom xịt, kết thúc ở Thượng viện Mỹ, nơi phe Cộng hòa của ông Trump đang nắm đa số.

Vụ Ukraine cũng chỉ là “bé xé ra to”, trong khi chính ông Trump đã biện bạch cho mình trong vụ “xin xỏ Trung Quốc”. “Chưa từng có ai cứng rắn với Trung Quốc như tôi” là câu nói quen thuộc của ông Trump, cả trong những cuộc họp báo chính thức lẫn trên tài khoản Twitter.

Trong mùa COVID-19 hoành hành ở Mỹ, một hiệu ứng phụ của đại dịch là câu hỏi “ai cứng rắn hơn với Trung Quốc?” bất ngờ trở thành một vấn đề tranh cử quan trọng.

Hồi tháng 4 chẳng hạn, một siêu ủy ban vận động tranh cử (PAC) ủng hộ ông Trump đã công bố video quảng cáo với nhạc nền đe dọa và tiếng thuyết minh cảnh báo người xem “trong 40 năm qua, Joe Biden đã sai bét về Trung Quốc”, đi kèm là hình ảnh Biden và con trai ông Hunter, với lá quốc kỳ Trung Quốc che mất mặt Biden vào cuối đoạn quảng cáo.

Các PAC của ông Trump liên tục chỉ ra rằng ông Hunter Biden từng làm ăn với Trung Quốc rất nhiều trong quá khứ. Vụ bỉ bai ông Trump “xin xỏ Trung Quốc” vừa rồi có thể coi như đòn trả đũa.

Nhưng gác những đòn phép chính trị sang một bên, công bằng mà nói, quan hệ Trung - Mỹ dưới thời ông Trump khó có thể nói là tốt đẹp, điều xác nhận cho tuyên bố “chưa có ai cứng rắn với Trung Quốc như tôi” của ông. Trên hàng loạt vấn đề, từ Biển Đông, Triều Tiên, thương mại song phương, tới Tân Cương hay Huawei, thái độ của chính quyền ông Trump là rất quyết liệt.

Tất nhiên, ngoài là một nghị trình chính trị, đó còn là những chiêu thức kiếm phiếu quen thuộc, trong bối cảnh quan điểm của cử tri Mỹ về Trung Quốc đang có sự dịch chuyển. Cuộc thăm dò của Trung tâm Pew công bố ngày 21-4 vừa rồi thấy thái độ của dân Mỹ với Trung Quốc hiện là tiêu cực nhất kể từ khi Pew bắt đầu theo dõi chỉ số này vào năm 2006. Theo đó, 2/3 dân Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, so với mức thấp nhất là chỉ 47% năm 2017, cuối thời ông Barack Obama.

Phước bất trùng lai

Sau đủ thứ cáo buộc, điều tra, luận tội, tới năm cuối cùng nhiệm kỳ này, ông Trump lại vướng thêm “sao quả tạ” đại dịch COVID-19, và từ một tháng qua, dịch chưa ngớt thì lại nổ ra biểu tình chống kỳ thị người da màu đi kèm các vụ đập phá “vô chính phủ”.

Nói đi cũng phải nói lại, ngoài nhiều “nguyên nhân khách quan” khiến uy tín của ông suy giảm, bản thân ông Trump cũng đã tự gây ra cho mình không ít rắc rối vì “nguyên nhân chủ quan”.

Vốn đã đông kẻ thù, ông còn tiếp tục tạo ra thêm không biết bao nhiêu người giận dữ và bất mãn với ông trong mấy năm làm tổng thống: số sách “tự truyện” của các cựu cận thần bị ông cách chức quay sang chê bai, trách móc, thậm chí là chửi bới ông giờ đã lên tới cỡ một tá.

Trong lịch sử Mỹ, chưa từng có nhiệm kỳ tổng thống nào mà các quan chức cấp cao bị cách chức, buộc từ chức, hay đột ngột từ chức đông như nhiệm kỳ Trump. Số liệu không chính thức tính tới ngày 25-5-2020 là hơn 400 người. Vụ mới đây nhất có thể coi là điển hình: Tối thứ sáu tuần rồi, 19-6, chánh biện lý New York Geoffrey Berman được Bộ trưởng Tư pháp William Barr loan tin “giùm” là đã từ chức, song một giờ sau, chính ông Berman đã lên tiếng quả quyết là không có chuyện đó!

Vụ này không khỏi khiến người ta nhớ lại vụ cựu giám đốc FBI James Comey biết tin mình bị sa thải qua… tivi. Tính tới giờ, ông Trump đã “xài” 3 chánh văn phòng Nhà Trắng, 4 cố vấn an ninh quốc gia, 4 thư ký báo chí, còn hầu hết các bộ chánh yếu trong chính phủ thì đều đã thay bộ trưởng. 3 năm mà cỡ đó, kể ra cũng hơi tốn người và bị ghét là đương nhiên!

Hầu hết các nhân vật bị sa thải hoặc (buộc) từ chức đều không chịu im lặng - cũng là một “truyền thống” của chính trị Mỹ. Ví dụ cựu cố vấn an ninh quốc gia Bolton vừa bị cho nghỉ việc vào tháng 9-2019, nay đã kịp ra sách tố vụ ông Trump nhỏ to với ông Tập.

Nhưng những sự chia rẽ, phân cực, và trở mặt kiểu đó cũng là thường tình trong một nền chính trị đa nguyên. Vụ ồn ào xung quanh cuộc vận động tranh cử của ông Trump ngày 21-6 ở thành phố Tulsa, tiểu bang Oklahoma là hình ảnh điển hình.

Ông Trump vận động tranh cử ở Tulsa trong một sân vận động với các khán đài trống vắng. Ảnh: The New York Times
Ông Trump vận động tranh cử ở Tulsa trong một sân vận động với các khán đài trống vắng. Ảnh: The New York Times

Mới đầu, lựa chọn tổ chức cuộc vận động tranh cử lớn ở thành phố này trong cảnh bạo động sắc tộc đang lan khắp nước của ông Trump bị chỉ trích dữ dội, do đây là nơi từng diễn ra vụ thảm sát người da đen năm 1921 và thời điểm dự kiến của cuộc vận động diễn ra đại khái gần với kỷ niệm cuộc giết chóc. 

Rồi tới khi nó diễn ra, trong khi ông Trump đăng tweet khoe là đã bán được 1 triệu vé, CNN lại nói số người tham dự chỉ có hơn 6.000, và nhiều cảnh khán đài trống vắng được đăng trên mạng để bỉ bai ông.

Thực tế, trong khi hẳn là ông Trump thất vọng vì không có đông người ủng hộ xuất hiện hơn, dịch COVID-19, thực tế là nhiều người xem qua truyền hình hay Internet ở nhà, cũng đã góp phần vào sự trống vắng đó.

Nỗi thất vọng càng lớn bởi Tulsa và tiểu bang Oklahoma là “căn cứ địa” của phe Cộng hòa: trong cuộc bầu cử lần trước, đa số tuyệt đối cử tri da trắng ở Tulsa và 65% cử tri Oklahoma bỏ phiếu cho ông Trump.

Cần biết, kiểu phân bổ cử tri và chiến dịch “chia rẽ để kiếm phiếu” này không có gì mới. Còn nhớ cuộc bầu cử năm 1968, Richard Nixon có hẳn một “chiến lược miền nam” trong cương lĩnh tranh cử: nói với người Mỹ da trắng đang tức giận vì những thay đổi pháp luật và xã hội để thúc đẩy bình đẳng sắc tộc rằng chính họ, vốn là đa số, đang bị cai trị một cách bất công bởi thiểu số và gặp nguy hiểm vì tình trạng tội phạm gia tăng. Nixon đã thắng cử và từ đó tới nay, phe Dân chủ chưa bao giờ giành được đa số của cử tri da trắng trong mọi cuộc bầu cử tổng thống!

Cho nên với tình hình bây giờ, tuy ông Trump khó khăn tứ bề, phe Dân chủ muốn đánh bại ông cũng không phải dễ.■

Một cuộc thăm dò dư luận do Đại học Quinnipiac thực hiện ngày 18-6 cho thấy cử tri Mỹ đang muốn Biden hơn là Trump trong việc đối phó với virus corona (với tỉ lệ 54-41%), trong việc xử lý một cuộc khủng hoảng nói chung (54-43%), và đặc biệt là trong giải quyết mâu thuẫn chủng tộc (58-36%). Nhiều thăm dò dư luận cũng cho thấy ông Biden đang dẫn trước ông Trump về tỉ lệ ủng hộ trong cử tri, nhưng cần nhắc rằng vào năm 2016, bà Hillary Clinton từng thua ông Trump dù thắng về số phiếu bầu phổ thông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận