​Phải có giải pháp cho năng lượng sạch

QUANG KHẢI 08/07/2015 19:07 GMT+7

Cho đến nay, sau bao nhiêu lần hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, vẫn chưa có giải pháp đột phá cho vấn đề phát triển các nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời. Dự thảo mới về quy hoạch nguồn điện cho tương lai, năng lượng tái tạo vẫn là những con số nhỏ nhoi.

Xỉ thải được tưới nước đóng cứng lại rồi phủ bạt lên ở Nhà máy Vĩnh Tân 2 - Ảnh: NGUYỄN NAM

Chính vì chỉ tiêu phát triển năng lượng tái tạo quá thấp nên các bộ ngành xây dựng các chính sách không đầy đủ cũng như cơ chế giá không phù hợp. Theo số liệu của ông Nguyễn Hoàng Dũng - Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3, đưa ra tại một hội thảo gần đây, hiện có tới 77 dự án điện gió tại 18 tỉnh thành với tổng công suất 7.234MW.

Tuy nhiên thực tế số lượng dự án vận hành nối lưới đếm trên đầu ngón tay và công suất không đáng kể.

Năm 2009 mới có dự án điện gió nối lưới đầu tiên có công suất 7,5MW của Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo VN (REVN) ở Bình Thuận. Gần đây nhất là dự án điện gió của Công ty Công Lý giai đoạn 1 công suất 16MW ở Bạc Liêu và dự án điện gió ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) 6MW được vận hành nối lưới vào năm 2013. Tổng công suất của ba dự án này chưa tới 30MW.

Tương tự, hiện nay việc sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời để sản xuất điện đã được đầu tư ở nhiều nơi nhưng manh mún và nhỏ lẻ. Tổng công suất điện mặt trời hiện nay chỉ ở khoảng 2MWp.

Một trong những vấn đề mấu chốt khiến việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo hiện nay giậm chân tại chỗ, nếu không muốn nói là thụt lùi so với nhiều nước trong khu vực, theo các chuyên gia, vẫn là vấn đề giá bán điện. Bởi nếu chọn lựa công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường sản xuất nguồn năng lượng sạch, suất đầu tư rất cao.

Ông Trịnh Quang Dũng, chuyên gia quang điện thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN (VAST), cho biết để đầu tư sản xuất 1MW điện từ năng lượng mặt trời cần 1,7-2 triệu USD, tương đương mức phí để sản xuất 1MW điện gió.

Trong khi đó, mức giá do Chính phủ quy định Tập đoàn Điện lực VN mua lại điện gió là 7,8 cent/kWh (điện sinh khối thấp hơn) và đặc biệt đến nay chưa có cơ chế giá cho điện mặt trời nên khó thu hút được đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng này. Thực tế không ít nhà đầu tư chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí một số dự án điện mặt trời hiện nay đã nối vào lưới điện quốc gia cũng chưa được trả tiền.

Một khi vấn đề giá bán điện còn bế tắc, các chuyên gia cho rằng cần phải thành lập một quỹ riêng hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo. Nguồn quỹ này có thể trích từ tiền thu được từ phí bảo vệ môi trường và do cấp bộ ngành quản lý, trên cơ sở công khai và minh bạch.

Thái Lan đã lập quỹ bảo tồn năng lượng, trích tiền từ việc thu phí bảo vệ môi trường qua xăng dầu để hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo. Đây là mô hình được Liên Hiệp Quốc chọn làm điểm để giới thiệu cho nhiều nước học tập. Căn cứ vào số lượng xăng dầu bán ra sẽ trích một phần phí đưa vào quỹ. Nguồn thu này đạt được 200 triệu USD/năm và chỉ chi để hỗ trợ giá mua năng lượng tái tạo cũng như hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo thông qua ngân hàng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận