Phải lấy chất thay lượng

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 04/01/2021 06:05 GMT+7

TTCT - Nếu chỉ nhìn vào các con số, dù đã 3 năm liên tục tụt dốc, không hoàn thành được các mục tiêu kế hoạch đã định do những tác động vô cùng mạnh liên tục của thị trường thế giới, xuất - nhập khẩu năm 2020 và cả thập kỷ 2011-2020 của Việt Nam có thể coi là thành công.

Đó hẳn nhiên là điều hết sức đáng mừng. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hơn, bên trong những con số còn chứa đựng nhiều yếu kém về chất không thể không đặc biệt quan tâm trong chặng đường phát triển sắp tới.

Thắng lợi kép

Trước hết, dù thời điểm này vẫn chưa chắc chắn về xuất - nhập khẩu năm nay, tình hình gần đây đã chuyển biến theo hướng tích cực. Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tháng 10 vừa qua ước tính xuất khẩu sẽ chỉ tăng 3,5-4%, nhưng liên tiếp trong 3 tháng 9-11, xuất khẩu tăng đột biến bình quân 13,2%, nên 11 tháng đã tăng 5,5%, tháng 12 ước tính tăng đột biến 17,6%, và cả năm sẽ tăng 6,5%, thấp hơn không nhiều so với mục tiêu tăng 7%. 

Nhìn xa hơn, số liệu thống kê cho thấy nếu mức đỉnh trong xuất khẩu cách đây 3 năm là tăng 21,8%, thì 3 năm liên tiếp trở lại đây đã tụt dốc mạnh, lần lượt chỉ còn 13% (2018), 8,4% (2019) và chạm đáy chỉ với 6,5% (2020).

Giá trị và tỉ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam hai quý đầu năm. Nguồn: CEEC Việt Nam

Dẫu vậy, có thể khẳng định chắc chắn đó là xu thế toàn cầu - và chúng ta không phải ngoại lệ. Thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy từ mức tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa cả thế giới đạt đỉnh 10,6% vào năm 2017, năm 2018 giảm còn 9,8%, và năm 2019 “rơi tự do” xuống mức âm 2,8%. Không những vậy, năm nay tình hình được dự báo sẽ còn bi đát hơn rất nhiều - thống kê trong 3 quý đầu năm của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy xuất khẩu của 36 quốc gia giảm rất sâu: âm 12,1%.

Trong điều kiện thương mại toàn cầu thê thảm như vậy, VN nổi lên như một ngôi sao sáng trong thương mại quốc tế. Với nhịp tăng trưởng dẫn đầu 40 quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới trong giai đoạn 10 năm 2010-2019, VN thăng 18 bậc trên bảng xếp hạng 50 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất thế giới của WTO (41 lên 23). 

Đây là điều chưa từng có trong lịch sử xếp hạng của tổ chức này. Không những vậy, gần như chắc chắn năm nay VN sẽ tiếp tục thăng hạng, bởi 9 tháng đầu năm, xuất khẩu đã tăng 4,1%, đạt 202,6 tỉ đôla, vượt xa của nước đứng liền kề trên bảng xếp hạng 2019 là Úc, với kim ngạch giảm ở mức âm 9,8%.

Trong dài hạn, chiến lược xuất khẩu 10 năm 2011-2020 coi như đã đạt mục tiêu tổng quát, với mức tăng 3,88 lần, cao hơn so với mức đề ra là 3 lần. Cùng với đó, GDP đầu người tăng từ hơn 2.000 đôla lên 2.870 đôla. Xuất siêu trong giai đoạn 2016-2020 không những ổn định mà còn tăng hầu như gấp đôi qua mỗi năm, từ gần 1,78 tỉ đôla năm 2016 lên khoảng 20,6 tỉ đôla năm 2020, tức tăng bình quân 84,5%/năm, còn tỉ lệ xuất siêu thì tăng từ 1% lên 7,9%.

Có ba nguyên nhân chủ yếu khiến VN đã đạt được những cột mốc đấy:

Thứ nhất, VN đã có những bước tiến quan trọng trong cải thiện cơ cấu “rổ hàng hóa xuất khẩu”. Thời kỳ 2011-2020, cho dù xuất khẩu hàng nông sản vẫn đều đặn tăng về giá trị tuyệt đối, tỉ trọng của nhóm hàng này đã giảm mạnh từ 25,1% xuống chỉ còn 14%. Hàng nhiên liệu và khoáng sản cũng giảm sâu về tỉ trọng, từ 11,6% xuống chỉ còn 1%. 

Trong khi đó, hàng công nghiệp chế biến và chế tạo tăng trưởng vượt bậc cả về giá trị tuyệt đối: 54,8 tỉ đôla lên gần 225 tỉ đôla, và tỉ trọng: 56,6% lên 79,9%. Các số liệu thống kê chi tiết theo phân nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo còn phát đi những tín hiệu khả quan hơn. 

Ở hai phân nhóm hàng may mặc và thiết bị viễn thông, VN hiện đứng thứ ba thế giới về kim ngạch xuất khẩu và nằm trong tốp 10 ở ba phân nhóm hàng khác. Nếu giữ lại được giá trị gia tăng thực sự trong kim ngạch đấy, đây sẽ là cơ hội để nền kinh tế VN thật sự chuyển mình về chất.

Thứ hai, một khi đã có được tiền đề, bước tiếp theo là giữ và mở rộng được thị trường trong bối cảnh khó khăn chồng chất hiện nay. 10 năm qua, mức tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dao động từ 11,5% đến 17%, và dự kiến sẽ đạt đỉnh mới 17,2% vào năm 2020. 

Với thị trường Hoa Kỳ, xu thế tăng là chủ đạo, đặc biệt đột biến trong 2 năm qua, ở mức 23,2% và 27,3%. Ở đây, câu chuyện vẫn chủ yếu xoay quanh nhóm hàng công nghiệp chế biến và chế tạo nói trên. Tuy nhiên, nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc - cũng với nhóm hàng này - đồng thời tăng liên tục với tốc độ rất nhanh, từ 23% lên kỷ lục 32% năm 2019, còn nhập khẩu từ thị trường Hoa Kỳ hầu như “giậm chân tại chỗ” - èo uột quanh mức 4-5%. 

Hệ quả là nhập siêu với thị trường Trung Quốc tăng rất mạnh, từ 13,5 lên 35,4 tỉ đôla, trong khi xuất siêu với thị trường Hoa Kỳ là từ 12,4 lên mức kỷ lục 62,9 tỉ đôla. Một điểm đáng chú ý khác trong cấu phần xuất nhập khẩu là tình trạng mất cân bằng ngày càng lớn với thị trường Hàn Quốc, với mức nhập siêu lên tới 179,4%.

Thứ ba, thành tựu xuất siêu có nguyên nhân VN được hưởng lợi trong bối cảnh giá cả thế giới giảm mạnh những năm gần đây. Các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy so với năm 2011, giá năng lượng năm 2019 đã giảm 34,1%, còn giá hàng phi năng lượng giảm 35,6%, và xu thế này vẫn còn tiếp tục trong năm 2020.

Thách thức phía trước

Thách thức đặc biệt lớn mà VN đã và đang phải đối mặt là tình trạng “lượng” xuất khẩu thì lớn, nhưng “chất” lại quá ít. Lượng ở đây là quy mô xuất khẩu vượt dự kiến, trong khi tăng trưởng GDP thực lại rất thấp. GDP năm 2020 chỉ tăng 2,91% theo báo cáo của Chính phủ, tương ứng với số tuyệt đối vào khoảng 340 tỉ đôla, nên hệ số giữa nhịp tăng xuất khẩu so với nhịp tăng GDP là tới 2,61 lần (tức xuất khẩu tăng nhanh hơn gần hai lần rưỡi so với mức tăng GDP) - để so sánh, mức bình quân của thập kỷ là vào khoảng 2,46 lần. 

Nói cách khác, thực tế cho thấy số đôla hàng hóa xuất khẩu gia tăng để thu được 1 đôla GDP - những cải thiện thực chất với đời sống mỗi người dân VN - là quá cao, và cao hơn hẳn mục tiêu đề ra là 1,53 lần.

Nguồn: CEEC Việt Nam

Trong điều kiện như vậy, để bảo đảm xuất siêu bền vững trong những năm tới, con đường tất yếu vẫn phải là mở rộng công nghiệp chế biến, chế tạo, nhưng phải theo hướng căn cơ, đồng bộ, tạo ra nhiều giá trị hơn. Đó có thể là phát triển nguồn nguyên, vật liệu trong nước, hoặc bảo đảm sản xuất ngày càng nhiều linh kiện, phụ tùng... để cung ứng cho các hãng xưởng chế tạo đầu cuối, thay vì nhập khẩu trên quy mô lớn và đầu tư sơ sài chỉ để lắp ráp, gia công, rồi dán mác “Made in Vietnam” để xuất khẩu.

Nói cách khác, bên cạnh việc phát triển công nghiệp chế biến đầu nguồn ở những ngành hàng, nhóm hàng chúng ta vốn có khả năng và lợi thế, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ phải được triển khai trên diện rộng và đào sâu trong thời gian tới. 

Tất cả đều nhằm có được những sản phẩm “Made in Vietnam” thực sự, đồng nghĩa với nhiều công ăn việc làm và cả GDP tăng nhiều hơn, thay vì tình trạng “nhiều tiếng” nhưng “ít miếng” như hiện nay. Quan trọng không kém, việc tăng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm đồng nghĩa với việc giảm được áp lực mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cuối cùng, thay vì quá tập trung vào thị trường Hoa Kỳ như hiện nay, đi kèm là rất nhiều rủi ro về chính sách và cả thị trường, vấn đề bức xúc cả trước mắt và lâu dài là tăng cường khai thác các thị trường mà chúng ta đã có hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới gần đây. 

Có thể nói đây là điểm mấu chốt sau cùng không thể không tháo gỡ, với những bài học nhãn tiền là việc con tôm rồi con cá ba sa bị đè ra áp thuế chống bán phá giá khiến toàn bộ hai nhóm hàng này lao đao, hay việc sử dụng chiêu bài “thao túng tiền tệ” để áp thuế, điều không ai có thể bảo đảm sẽ không xảy ra trong tương lai.

Tóm lại, dù đã đạt được những thành tựu đáng mừng trong xuất khẩu, VN vẫn còn bị níu chân trong tình trạng “thừa lượng, thiếu chất”. Đòi hỏi gia tăng hàm lượng giá trị, phát triển xuất khẩu theo chiều sâu giờ đã trở thành điều bắt buộc với một nền kinh tế có thể tạm coi là trưởng thành trong chặng đường những năm tới.■

Số liệu của WB cho thấy kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của VN là 258,5 tỉ đôla, tức bằng tới 106,8% GDP, đứng thứ 24 về giá trị tuyệt đối, nhưng đứng tới thứ 7 về tỉ trọng so với GDP trên toàn cầu. Đáng nói hơn, cả sáu nền kinh tế xếp trên VN về tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu/GDP đều là những nền kinh tế chỉ tập trung vào thương mại (Luxembourg, Hong Kong, Singapore, Djibouti, Malta, và Ireland). 

VN cũng là nền kinh tế duy nhất có kim ngạch xuất khẩu trên 250 tỉ đôla và tỉ trọng xuất khẩu/GDP trên 100%. Những con số đó cho thấy sự sôi động của lĩnh vực kinh tế phục vụ xuất khẩu ở VN, nhưng đồng thời nêu ra nguy cơ về sự phụ thuộc thương mại cho tăng trưởng và vấn đề giá trị giữ lại của dòng hàng xuất khẩu. Tại khu vực Đông Nam Á chẳng hạn, trong khi Malaysia có kim ngạch xuất khẩu thấp hơn VN một chút (246,5 tỉ đôla), họ lại có GDP bình quân đầu người cao hơn rất nhiều (11.000 đôla so với 2.500 đôla - số liệu 2018), phản ánh qua mức sống của người dân cao hơn hẳn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận