Phân tích SWOT cho mở cửa trở lại

TRUNG TRẦN 13/09/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Việc mở cửa nền kinh tế trong khi dịch bệnh phần nào được kiểm soát là điều bắt buộc mà bất cứ quốc gia nào cũng phải tiến hành. Bắt buộc từ nhu cầu tự thân lẫn từ yêu cầu của đối tác quan trọng nhất của mỗi cá nhân, tổ chức và cả quốc gia: khách hàng.

Chỉ khác nhau là nhanh hay chậm, các lựa chọn ưu tiên phù hợp đến mức nào với hoàn cảnh thực tế của mỗi nước.

Trên góc nhìn SWOT (phân tích thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và đe dọa), có thể xem xét việc thực hiện bình thường mới để nền kinh tế được bắt đầu hoạt động trở lại trên cơ sở tham khảo một số cách mà các nước láng giềng đang thực hiện cho một số ngành nghề, khu vực.

 
 Ảnh: Economic Times

 Áp dụng chiếu khán vaccine

Một ví dụ là Thái Lan hiện giờ. Nước này quy định ai có chứng nhận tiêm đủ hai liều vaccine thì được phép đến một số địa điểm du lịch tách biệt, như đảo KohLarn ở Pattaya hay khu du lịch “trong hộp cát” (sandbox) Phuket.

Chúng ta hoàn toàn có thể xem xét áp dụng giải pháp này cho các khu du lịch có vị trí địa lý tách biệt, như đảo Phú Quốc. 

Việc tiến hành tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 130.000 người của hòn đảo này, tương đương 70% dân số, không phải là quá khó, nếu chính quyền kết hợp với các doanh nghiệp có lợi ích lớn ở địa phương như sở hữu các khu nghỉ dưỡng, đầu tư bất động sản, đánh bắt thủy sản... 

Nếu làm tốt, có thể biến Phú Quốc thành một điểm mạnh trong bài toán phân tích SWOT nhờ vị trí địa lý đón được cả khách nội địa lẫn quốc tế đã đủ yêu cầu với “hộ chiếu vaccine”. 

Những quy định kiểm soát như thế nào là hợp lý nhất thì chính quyền có thể ngồi lại với doanh nghiệp sở tại. Nếu cùng một ý chí thì tin rằng các bên có thể nhanh chóng thống nhất về một khung quy tắc mở cửa trở lại. 

Quan trọng hơn, một động thái như thế sẽ phát đi tín hiệu thị trường du lịch có thể mở cửa từng bước và sẵn sàng cho thời kỳ bùng nổ hậu COVID-19, là một cơ hội cho nền kinh tế du lịch.

Còn các rủi ro về lây nhiễm, thiết nghĩ, không nên đặt nặng khi khách hàng là những người đã chấp nhận trước. 

Với một khu vực địa lý cách biệt đất liền như Phú Quốc, nếu tất cả dân chúng đã được tiêm vaccine thì yêu cầu của tư duy phải tuyệt đối tiêu diệt hết virus corona mới được làm bất cứ điều gì e là không phù hợp. Điều đó đồng nghĩa đe dọa ở đây là không lớn.

Ưu tiên mở cửa các doanh nghiệp trụ cột

Trụ cột ở đây hiểu theo nghĩa là mang lại tiền và đóng vai trò đảm bảo năng lực cạnh tranh quốc gia. Hiểu nôm na, nếu doanh nghiệp đấy không hoạt động lại sớm thì đơn hàng sẽ rơi vào tay nước khác, ví dụ ở các ngành thiết bị điện tử, dệt may, thủy sản...

Yêu cầu kỹ thuật để các nhà máy này hoạt động trở lại phải dựa trên quan điểm phí tổn - lợi ích. Đồng nghĩa nêu ra câu hỏi việc giãn cách và mở cửa - ở thời điểm nào - sẽ có khả năng gây thiệt hại hay đem lại lợi ích định lượng được ra sao.

Sự ưu tiên này, ngoài những kế hoạch và mục tiêu hợp lý của doanh nghiệp, cần có một cam kết mạnh mẽ của chính quyền thành phố. 

Một bộ phận chuyên trách hay cá nhân lãnh đạo là đầu mối đường dây nóng để giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp. 

Nếu lãnh đạo thành phố không có thời gian động viên và trấn an các doanh nghiệp trụ cột thì cũng cần phát đi một thông điệp giống như chính quyền từng chào đón họ khi kêu gọi đầu tư: “Hãy sắp xếp để nhanh chóng có thể sản xuất. Nếu có vấn đề gì, hãy gọi cho tôi!”.

Việc này có thể xem là một điểm yếu của Việt Nam, khi cho đến giờ chưa có một giải pháp nào rõ ràng để doanh nghiệp mở cửa song song với việc phòng chống dịch.

Tái cấu trúc thị trường lao động và kinh tế số

Phải tính đến khả năng Sài Gòn và các tỉnh Đông Nam Bộ rơi vào tình trạng đình trệ lao động trong trung và dài hạn sau những cuộc hồi hương tự phát và bất đắc dĩ vừa qua. 

Vì dịch bệnh, bản đồ nhân lực lao động đã có sự biến động không nhỏ. Nếu như có được dữ liệu về số lượng và chất lượng của số nhân công biến động này, Chính phủ có thể tái cấu trúc thị trường lao động theo hướng giảm nhẹ áp lực nhân công dồn về miền Nam và dàn trải về các tỉnh.

Ở đây ta có bài toán cân đối giữa tăng nhân lực cho việc đẩy nhanh các dự án đầu tư công ở các tỉnh và giãn nhu cầu lao động trong các khu công nghiệp ở miền Nam, vốn đã và sẽ giảm từ 30 - 70% trong vòng ít nhất một năm, theo một kịch bản mở cửa lại tương đối lạc quan. 

Về lý thuyết, đây là một cơ hội mà trong điều kiện bình thường không dịch bệnh không thể có được.

Tuy nhiên trên thực tế, việc có ai nhận ra và tận dụng được nó không là một vấn đề khác. 

Ở Thái Lan có những cơ quan chuyên môn và chuyên gia hoạch định điều này, thông qua một dự án của Phòng Thương mại quốc gia (Thai Chamber of Commerce, TCC), với mục tiêu định vị và quản lý nhân lực cho khoảng 500.000 nhân công trên toàn quốc.

Việc tái cấu trúc nguồn nhân lực đi kèm với cơ hội thúc đẩy kinh tế số nhân đại dịch. Thật vậy, thời gian vừa qua là cơ hội khó tin để ngành y tế có thể xây dựng được hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu y tế toàn dân. 

Những dữ liệu thu thập được khi triển khai tiêm chủng, đi kèm là các phần mềm, app quản lý, “sổ tay sức khỏe điện tử”... cần được lưu trữ, tăng tính kết nối và sử dụng một cách lâu dài, hướng tới xây dựng một nền dịch vụ y tế công cũng thuận tiện và hiệu quả như Grab, Zalo trên điện thoại vậy.

Cứ phỏng đoán 70% dân số tiêm chủng có khoảng 70% người sử dụng các loại phần mềm, app khác nhau để cung cấp dữ liệu y tế, chưa kể khai báo trực tiếp, ngành y tế đã có trong tay cơ sở dữ liệu của 50% dân số Việt Nam. 

Con số đó nếu ở điều kiện bình thường, thời gian, chi phí và công sức bỏ ra để có được là nhiều không thể tưởng tượng. Cơ hội ở đây là mười mươi. 

Lý thuyết lạc quan là thế, nhưng thực tế có thể bi quan hơn. Bằng chứng là rất nhiều người, sau khi tiêm mũi thứ nhất, cả tháng sau, thông báo trên sổ sức khỏe điện tử vẫn là: “Chưa có thông tin xét nghiệm!”. Điểm yếu này là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi...” ở Việt Nam.

Một cơ hội rõ ràng nữa là ở ngành giáo dục đại học. Con số xấp xỉ 20.000 sinh viên mỗi năm với chất lượng đầu vào có lẽ cao hơn mức trung bình sẽ phải lựa chọn học trong nước thay vì du học, ít ra là cho năm học này và 2022, với ngành giáo dục đại học phải được coi là một mỏ vàng thực sự. 

Việc nó là động lực để các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng một cách thực chất hay không, tức là có thấy được đấy là cơ hội hay chỉ là một thuận lợi cho công tác tuyển sinh, còn tùy thuộc quan niệm của hội đồng quản trị của trường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận