TTCT - Tỉ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 ngày càng tăng nhưng số ca nhiễm cũng tăng cao trở lại ở nhiều nước. Những tiếng nói về sống chung với virus corona bắt đầu nhiều hơn, nhưng cuộc sống phía trước sẽ là một bình thường mới với ít nhất năm lớp bảo vệ. Càng không được bảo vệ khỏi COVID-19, càng phải đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp y tế công cộng như giữ khoảng cách an toàn. Ảnh: Wall Street Journal Lớp phòng ngự đầu tiên Cơ quan thống kê quốc gia của England, Vương quốc Anh vừa công bố số liệu: số ca nhiễm COVID-19 tại đây trong 7 ngày (tính đến ngày 20-8) cao gấp 26 lần số ca nhiễm vào cùng thời điểm năm ngoái. Từ ngày 14 đến 20-8, Anh có 756.900 người nhiễm COVID-19, cứ 70 người thì có 1 người nhiễm. Cùng thời điểm này năm trước khoảng 28.200 người nhiễm, tức chỉ 1/1.900 người mắc bệnh. Tuy nhiên, tin mừng là các trường hợp tử vong và nhập viện do COVID-19 hiện chỉ chiếm phần nhỏ so với cùng thời điểm năm ngoái.Điều này cho thấy hiệu quả của vắc xin COVID-19 trong bối cảnh hơn 60% dân số ở Anh quốc đã tiêm đủ hai mũi và 80% đã tiêm ít nhất một mũi. Lần gần nhất Anh có số ca nhiễm cao tương đương số ca hiện nay là cuối tháng 1-2021. Khi đó, do chưa phủ vắc xin rộng rãi, số ca nhập viện và tử vong hằng ngày lần lượt là 2.300 người và 1.100 người. Sau hơn nửa năm, vắc xin đã thay đổi thảm trạng. Hiện nay mỗi ngày Anh ghi nhận khoảng 770 ca nhập viện (giảm 2,9 lần) và 80 ca tử vong (giảm 13,75 lần).Vắc xin càng cần thiết trong bối cảnh biến thể Delta khiến dịch COVID-19 có thể dễ dàng mất kiểm soát. Tại bang California, Mỹ, một giáo viên nhiễm biến thể Delta chưa tiêm vắc xin đã lây virus cho 22 học sinh. Theo báo The Sacramento Bee, mặc dù có triệu chứng bị nghẹt mũi và mệt mỏi, giáo viên này nghĩ là mình bị dị ứng và vẫn đi dạy. Nhà trường yêu cầu đeo khẩu trang trong lớp nhưng giáo viên không thực hiện. Do công việc, thỉnh thoảng người này còn phải đọc to cho học sinh.Theo nghiên cứu được Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 26-8 (để tìm hiểu cách mở cửa lại trường học an toàn) có 26 người bị nhiễm bệnh gồm 12 học sinh (một nửa lớp học), 6 học sinh lớp khác, 4 phụ huynh và 4 anh chị em của các học sinh bị nhiễm bệnh theo. Học sinh có thể là đối tượng nhiễm bệnh sắp tới do chưa đủ tuổi để được tiêm vắc xin Pfizer, tên thương mại là Comirnaty tại Mỹ, hiện được dùng cho người từ 12 tuổi trở lên. Sơ đồ lớp học cho thấy học sinh ngồi gần nhất với giáo viên có khả năng lây virus cao hơn.Tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc CDC, khuyến cáo: “Các chiến lược phòng bệnh đa lớp - gồm tiêm vắc xin, kể cả cho tất cả trẻ em và người lớn đủ điều kiện; đeo khẩu trang; thông gió đầy đủ; không tụ tập đông người hoặc ngồi cách xa ít nhất 2m và xét nghiệm sàng lọc - giúp ngăn chặn sự lây lan của virus trong các môi trường đông người như trường học”.Phòng ngự đa lớpChiếc khẩu trang đã là chủ đề tranh luận kéo dài từ năm ngoái đến năm nay ở Mỹ và các nước phương Tây. Năm ngoái là chuyện đeo hay không đeo khẩu trang, năm nay là chuyện bỏ hay không bỏ. Từ tháng 1-2021 đến nay, CDC Mỹ đã thay đổi khuyến cáo về khẩu trang nhiều lần.Tháng 1-2021, CDC yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang khi dùng phương tiện giao thông công cộng, ở các bến bãi như sân bay, bến phà, bến xe buýt, ga tàu hỏa, ga tàu điện ngầm, cảng biển và những nơi có người lên xuống phương tiện giao thông công cộng, cả trong nhà và ngoài trời. Tháng 4-2021, CDC khuyến cáo tiếp tục đeo khẩu trang để bảo vệ người khác cũng như bảo vệ chính mình và duy trì khoảng cách ít nhất 2m, đặc biệt là khi ở trong không gian trong nhà gần những người lạ.Tháng 5-2021, CDC sửa hướng dẫn, cho phép người đã tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ (hai tuần sau mũi tiêm thứ hai) không cần đeo khẩu trang ở trong nhà hoặc ngoài trời, không cần giữ khoảng cách 2m. Tháng 7-2021, CDC lại khuyến cáo người đã tiêm vắc xin đầy đủ nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong không gian trong nhà, ở nơi có khả năng lây virus cao hoặc nghiêm trọng. Người chưa tiêm vắc xin đầy đủ, từ 2 tuổi trở lên, nên đeo khẩu trang ở môi trường công cộng trong nhà.Tháng 8-2021, CDC khuyến cáo không cần đeo khẩu trang ở ngoài trời, trừ khi ở những khu vực có số ca nhiễm COVID-19 cao và khi tham gia các hoạt động tiếp xúc gần với người chưa được tiêm vắc xin đầy đủ. Tuy nhiên, do biến thể Delta, người đã tiêm đầy đủ cũng nên đeo khẩu trang khi ở môi trường trong nhà tại các nơi công cộng có nguy cơ lây bệnh cao. Người đã tiêm đầy đủ mà có bệnh lý nền tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo.Các hướng dẫn sửa đổi liên tục cho thấy theo dữ liệu và tình hình thực tế (do biến thể Delta), việc duy trì khẩu trang là cần thiết. Đeo khẩu trang là một sự lựa chọn cá nhân, đơn giản, dễ thực hiện và hầu như không tốn kém nhưng có hiệu quả như một lớp bảo vệ thứ hai. Nhiều nước tiêm bổ sung cho người lớn tuổi, có hệ miễn dịch yếu, trẻ em để gia tăng sự bảo vệ và số người được bảo vệ bằng vắc xin trước virus. Ảnh: ReutersSống chung với virusMới đây, trong cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh COVID-19, ông Takeshi Kasai, giám đốc phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), xác nhận: mặc dù các nước trên thế giới đã áp dụng các biện pháp mạnh từ đầu như phong tỏa kết hợp các biện pháp khác để hạn chế sự lây lan và giảm áp lực cho dịch vụ y tế nhưng ngay cả với những nỗ lực tốt nhất, giờ đây, điều ngày càng rõ ràng là virus sẽ không biến mất, ít nhất là trong tương lai gần.Hơn thế, biến thể Delta với khả năng lây lan nhanh đang khiến những đốm lửa nhỏ nhanh chóng lan thành những đám cháy rừng, một cụm dịch bé trở thành ổ dịch lớn, đặc biệt là khi gặp điều kiện thuận lợi như không gian kín, tập trung đông người và tiếp xúc gần. Một khi đã phát sinh, rất khó để ngăn chặn biến thể Delta.WHO Tây Thái Bình Dương đề xuất kịch bản hành động để sống chung với virus với trọng tâm là giảm các rủi ro bằng vắc xin và các biện pháp phòng ngừa khác, phản ứng nhanh với những ổ dịch nhỏ tại nguồn với các biện pháp kiểm soát có trọng tâm trong thời gian ngắn. Ông Kasai nêu rõ, sống chung với virus không phải là từ bỏ kiểm soát virus mà giống cách chúng ta kiểm soát bệnh cúm mùa và các bệnh vắc xin có thể phòng ngừa được bằng cách tập trung hạn chế lây lan, bảo vệ những người dễ tổn thương để giảm những tác động đến sức khỏe và xã hội của các đợt bùng phát.Theo ông Kasai, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để hạn chế lây nhiễm vì đặc tính của virus là tiến hóa, càng nhiều người bị nhiễm, virus càng tiến hóa dẫn đến khả năng xuất hiện của biến thể mới nguy hiểm hơn, lây dễ hơn, gây bệnh nặng hơn hoặc kháng các vắc xin hiện có. Rất may, tránh các biến thể mới nguy hiểm hơn của virus xuất hiện phụ thuộc vào từng cá nhân và hành động tập thể của chúng ta. Vắc xin là công cụ quan trọng nhưng cần duy trì các thói quen bảo vệ sức khỏe bằng các biện pháp y tế cộng đồng có thể hạn chế sự lây lan của virus như đeo khẩu trang, tránh nơi đông người, tránh tiếp xúc gần, thực hiện các quy trình sản xuất, lao động an toàn và sẵn sàng ứng phó với các đợt bùng phát cũng như cứu người.Ông Kasai cũng kêu gọi chính phủ các nước dựa vào dữ liệu, bằng chứng để ra quyết định tốt nhất phù hợp với tình hình thực tế, thường xuyên phân tích trình tự gene của virus để biết diễn tiến của biến thể virus, truy vết và chặn các ổ dịch nhỏ sớm bằng chiến lược can thiệp có trọng tâm.Ý kiến của ông Kansai đưa ra trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới, từ Anh đến Úc, Singapore thừa nhận phong tỏa (hay các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ) kéo dài là không bền vững. Ngày 23-8, Thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định Úc sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng ngừa COVID-19 một khi tỉ lệ tiêm vắc xin tăng lên.“Phong tỏa không thể kéo dài mãi mãi. Đây không phải là cách bền vững để sống ở Úc. Nếu không [mở cửa] ở mốc 70 - 80% [người đủ điều kiện tiêm vắc xin] thì khi nào? Chúng ta phải [mở cửa] và phải chuẩn bị để thực hiện nó”, ông Morrison nhấn mạnh.Theo sách lược mới mà Thủ tướng Úc Morrison đề ra, Úc sẽ lo điều trị các ca bệnh nặng, nhập viện, nằm phòng điều trị tích cực, tăng năng lực và khả năng phản ứng trong các tình huống bùng phát dịch và sẽ sống với virus SARS-CoV-2 như đã sống với các bệnh truyền nhiễm khác.Trong chiến lược lấy lại cuộc sống bình thường cũ, vắc xin là trọng tâm và các lớp phòng ngự vẫn phải nghiêm ngặt. ■ Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Sống chung với virus corona: con đường phía trước Tags: COVID-19Virus coronaSống chung với đại dịchĐa lớpLớp phòng ngự bắt buộc
Bão Milton giảm cấp nhưng vẫn rất nguy hiểm NGỌC ĐỨC 10/10/2024 Đến 9h20 sáng nay (giờ Việt Nam), bão Milton đã giảm cấp, sức gió từ 193km/h giảm xuống còn 177km/h, tuy nhiên vẫn rất nguy hiểm.
Cuộc tìm kiếm cảm động những bức ảnh quý ngày tiếp quản thủ đô THIÊN ĐIỂU 10/10/2024 Kết quả cuộc tìm kiếm những bức ảnh quý về ngày tiếp quản thủ đô trong các gia đình người Hà Nội 20 năm trước đã hé lộ nhiều câu chuyện cảm động về người trong ảnh lẫn người chụp ảnh.
Đại biểu Quốc hội: 'Nói nhà giáo là đối tượng yếu thế, thu nhập thấp là không đúng' THÀNH CHUNG 10/10/2024 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng với đề xuất miễn học phí cho con giáo viên rất cần đánh giá tác động kỹ trước khi quyết định và "nói để tôn vinh nhà giáo hay nhà giáo là đối tượng yếu thế, thu nhập thấp là không đúng, không hợp lý".
Bố không thừa nhận, mẹ thì đi lấy chồng, Cháng Thị Hương quyết 'thoát lời nguyền' VŨ TUẤN 10/10/2024 Cháng Thị Hương là ứng viên học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ. Cô đã đi làm thuê từ hè năm cô học lớp 8.