Ruth Bader Ginsburg: Vĩ nhân cuối cùng?

CHIÊU VĂN 23/09/2020 05:09 GMT+7

TTCT - Thẩm phán Tòa tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg đã qua đời hôm 18-9-2020 ở tuổi 87 vì ung thư tụy. Đó không chỉ là một mất mát với nước Mỹ.

Hãy tưởng tượng bạn là một bác sĩ sản khoa. Trong khi thăm khám cho một thai phụ, bạn tình cờ phát hiện qua mẫu thử nước tiểu rằng cô ta đang sử dụng cocaine. 

Nhân danh sức khỏe của đứa bé và sự thượng tôn pháp luật, bạn có báo cáo điều đó với cảnh sát không? Và quan trọng hơn, bạn có quyền báo cáo không? Đó là một câu hỏi và tình huống có thật của vụ Ferguson kiện thành phố Charleston, bang South Calorina, vụ việc đã lên tới Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ năm 2001.

Giữa pháp luật và đạo đức

Mùa thu năm 1988, bệnh viện công của Đại học Y South Carolina (MUSC) ở Charleston phát hiện có sự gia tăng đáng lo ngại việc sử dụng cocaine ở người bệnh đang điều trị các chứng bệnh trước sinh. Khi các biện pháp chuyên môn không thay đổi được tình hình, MUSC đề nghị hợp tác với chính quyền thành phố truy tố những bà mẹ xét nghiệm dương tính với chất cấm. 

Chân dung Ruth Bader Ginsburg, Simmie Knox vẽ theo đặt hàng của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, 2000. Ảnh: Wikipedia

Một lực lượng đặc nhiệm gồm đại diện MUSC, cảnh sát và các quan chức địa phương được lập để xây dựng quy trình xác định và xét nghiệm các bệnh nhân đang mang thai bị tình nghi sử dụng ma túy. Các bệnh nhân sản khoa bị bắt giữ sau đó đã đệ đơn kiện chính sách này. 

Vụ việc kéo dài dai dẳng và lên tới Tối cao Pháp viện năm 2001, nơi thẩm phán Ginsburg đã nêu ý kiến đa số cùng 5 thẩm phán khác khẳng định chính sách của một bệnh viện công về thử nước tiểu thai phụ rồi báo cáo các kết quả dương tính ma túy với cảnh sát là vi phạm tu chính án thứ tư, vốn cấm nhà nước khám xét và tịch thu tài sản của người dân nếu không có lý do chính đáng. (Phía bệnh viện lập luận dựa trên quyền được bảo vệ đặc biệt với sức khỏe các bào thai).

Jackie Berrien, người từng làm việc với Ginsburg cho Dự án nữ quyền (WRP) của Liên đoàn Quyền tự do dân sự Mỹ (ACLU), nhớ lại rằng dù cuộc khủng hoảng ma túy - cocaine ở Mỹ lên đến đỉnh điểm vào cuối những năm 1980 đã dẫn tới nhiều biện pháp rất mạnh tay nhắm vào người sử dụng ma túy, khi liên quan tới phụ nữ, nhất là bà mẹ đang mang thai, “lằn ranh giữa điều trị y khoa và truy tố là rất mong manh và nguy hiểm, một khi người ta định vượt qua”. 

Giống như nhiều nhà nữ quyền, Ginsburg nhấn mạnh rằng việc truy tố phụ nữ mang thai sử dụng ma túy có nguy cơ khiến họ không còn dám tới các cơ sở y tế nữa.

Đến đây, phải giải thích một chút về Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ và những con người như thẩm phán Ginsburg. Ở các nước đang phát triển, người ta vẫn than phiền rất nhiều về việc xây dựng thể chế, nhưng xét cho tới cùng, thể chế là do con người tạo ra. 

Trong khi có nhiều vấn đề pháp lý là khá rõ ràng, chẳng hạn việc gây thương tích cho người khác sẽ bị pháp luật trừng trị, những vướng mắc khó khăn nhất của một xã hội thường không phải là câu hỏi pháp luật, mà là câu hỏi đạo đức - như ví dụ ở trên về người mang thai sử dụng ma túy. Sự đúng - sai ở đây khó mà rạch ròi. Những lúc như vậy - và có rất nhiều lúc như vậy trong cả dân luật lẫn hình luật - xã hội Mỹ sẽ dựa vào Tòa tối cao, như một tấm gương soi chiếu cả lương tâm lẫn chiều hướng phát triển của xã hội.

Một cuộc đời để nói không

Trong khi nhiều phán quyết ở phe đa số của bà Ginsburg đã định hình hướng đi của cả xã hội Mỹ, di sản lớn nhất của bà có lẽ lại ở những lần bà ở phe thiểu số, nhất là khi bà chấp bút viết ý kiến bất đồng. Là một phụ nữ gốc Do Thái sinh ở Brooklyn thời trước Thế chiến II, sự nghiệp của bà trở thành thẩm phán Tòa tối cao Mỹ “bản thân nó cũng là một lời nói “không” cương quyết”, báo Anh The Financial Times bình luận, nói không cả với những rào cản chủng tộc, giai cấp, và trên hết là rào cản về giới, điều khiến Ginsburg suốt đời là một nhà đấu tranh nữ quyền.

Tất cả bắt đầu khi cô gái 23 tuổi cao 1,55 mét Ginsburg là một trong 9 phụ nữ được nhận vào Trường Luật Harvard niên khóa 1956 trong một lớp khoảng 500 nam sinh. Được hiệu trưởng mời lên để giải thích “tại sao lại vào học Luật Harvard, chiếm mất chỗ của một người đàn ông?”, hành trình trở thành người khổng lồ của bà bắt đầu một cách thật tự nhiên. 

27 năm ở Tối cao Pháp viện, bà đã góp sức giảm bớt cả ba rào cản từng ngăn trở chính bà. Mất Ginsburg, phe bảo thủ đa số ở Tòa tối cao mất đi địch thủ đáng gờm nhất, còn phe tự do mất một người hùng mà họ yêu mến hơn gần như mọi tổng thống Dân chủ của thời hiện đại. “Bản thân nước Mỹ mất đi cơ hội có được một cuộc bầu cử tổng thống “bình thường” - Financial Times viết - Khi chỉ còn sáu tuần nữa là cử tri sẽ đi bỏ phiếu, câu hỏi về việc thay thế Ginsburg khi nào và như thế nào sẽ áp đảo gần như mọi đề tài khác”.

Điều đó thật trớ trêu, vì những đấu đá chính trị đang diễn ra trong một nước Mỹ chia rẽ và hỗn loạn có nguy cơ làm lu mờ, thậm chí đảo ngược những di sản Ginsburg. Giờ nhìn lại, điều nổi bật trong sự nghiệp của nữ thẩm phán này không chỉ là tinh thần tự do, mà chính là sự kiên cường và khả năng tiên giác phảng phất bóng hình những vĩ nhân xa xưa của thời chưa toàn cầu hóa. 

Đã chiến đấu với bệnh ung thư suốt từ năm 1999, trải qua 5 đợt bùng phát và vài cuộc phẫu thuật lớn, bà vẫn đồng thời hoàn thành xuất sắc vai trò thẩm phán của mình, với nhãn quan của một người thấy trước tương lai.

Lấy ví dụ, 7 năm về trước, Ginsburg đã ở phe thiểu số trong vụ hạt Shelby kiện Holder, trong đó Tòa tối cao xóa bỏ các quy định của Luật quyền bầu cử 1965. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là các hạt bầu cử có lịch sử phân biệt chủng tộc giờ có thể sửa đổi pháp luật về bầu cử mà không cần sự chuẩn thuận từ Washington nữa. Chấp bút viết ý kiến bất đồng đại diện cho 4 thẩm phán, bà nói việc dỡ bỏ các quy định 1965 giống như “quẳng đi chiếc ô của bạn trong trời mưa gió chỉ vì bạn không đang bị ướt”. Những cáo buộc về việc gây khó dễ cho cử tri da màu và thiểu số lan tràn tại Mỹ hiện giờ cho thấy đó thực sự là một lời tiên tri.

Hay như vào năm 2007, Ginsburg là ý kiến thiểu số trong vụ Ledbetter kiện Goodyear, trong đó nguyên đơn Lilly Ledbetter kiện chủ lao động của cô với cáo buộc phân biệt đối xử khi trả lương dựa trên giới tính theo Luật dân quyền 1964. Phán quyết 5-4 của tòa cho chủ lao động thắng kiện vì việc trả lương cho Ledbetter đã diễn ra quá 180 ngày so với ngày khởi kiện. 

Nêu ý kiến bất đồng, Ginsburg nói phán quyết là phi lý, do người lao động nữ thường không hề biết họ được trả thấp hơn so với đồng nghiệp nam giới, nên không thể trông đợi họ hành động kịp thời. Bà cũng kêu gọi phụ nữ làm việc trong những lĩnh vực mà nam giới áp đảo (Goodyear là một công ty lốp xe) đừng ngần ngại khởi kiện ngay cả nếu khác biệt về lương bổng tưởng chừng nhỏ nhặt, bởi tích tụ theo thời gian, nó sẽ là cực lớn. 

Sau khi tổng thống Barack Obama đắc cử năm 2008, Luật lương bổng công bằng mang tên Lilly Ledbetter được thông qua, và bà Ginsburg được coi là nguồn cảm hứng chính.

Cuộc tranh đấu đó nhất quán với một chiến thắng lớn khác nữa của Ginsburg vào năm 1996, vụ Hoa Kỳ kiện tiểu bang Virginia, một sự kiện cột mốc trong đó Tòa tối cao bãi bỏ chính sách đã rất lâu đời chỉ nhận nam sinh của Học viện Quân sự Virginia (VMI) trong một phán quyết áp đảo 7-1 (thẩm phán Clarence Thomas xin rút lui vì có con trai theo học ở VMI).

Trong quyết định của tòa do Ginsburg chấp bút, bà bác bỏ việc sử dụng dữ liệu khoa học xã hội để chứng minh rằng đàn ông và phụ nữ học tập khác nhau. Với bà, một tổ chức nhà nước như VMI không thể sử dụng giới tính để từ chối cơ hội cho phụ nữ học tập, và họ chỉ được phép làm điều đó nếu đưa ra được “lý do biện minh tuyệt đối thuyết phục”. Đáng nói không kém: VMI là trường quân sự toàn nam sinh cuối cùng của nước Mỹ.

Hành trình đấy của Ginsburg có lẽ sẽ không chỉ là của riêng bà và nước Mỹ. Phán xét về những vấn đề tưởng như riêng lẻ: đối xử với thai phụ sử dụng ma túy, tuyển sinh vào các trường quân sự, bình đẳng thu nhập ở một doanh nghiệp... thực ra đều phản ánh tầm nhìn, lẽ sống và xu hướng của một xã hội. Những ý kiến và phán quyết của Ruth Bader Ginsburg thật sự là ngọn đuốc soi đường và tạo cảm hứng cho nhiều thế hệ người Mỹ - và hi vọng không chỉ có người Mỹ mà thôi.■

Nhân vật của văn hóa đại chúng

Với tên viết tắt RBG, bà Ginsburg còn là một hiện tượng văn hóa đại chúng ở Hoa Kỳ. Bà từng lên sân khấu trong các vở opera, nhiều lần là nhân vật của chương trình hài ăn khách hàng đầu nước Mỹ Saturday Night Live, phim tiểu sử điện ảnh On the Basis of Sex (Trên cơ sở giới tính, 2018, Felicity Jones đóng vai Ginsburg), phim tài liệu được đề cử Oscar RBG (2018), trong đó có cảnh bà tập tạ và mặc chiếc áo phông với dòng chữ “super diva!” Hình ảnh Ginsburg cũng xuất hiện trên nến thơm, quần áo, cốc nước, gối, mặt nạ và vô vàn thứ khác. 

Có cả những hình xăm, dòng trang sức và nhân vật đồ chơi lấy cảm hứng RBG. Meme “Notorious RBG” (RBG khét tiếng) cũng rất quen thuộc trên nhiều diễn đàn Internet. “Bà ấy có lẽ là người ít có khả năng nhất tìm kiếm sự nổi tiếng giống với sự nổi tiếng mà người ta dành cho bà ấy như bây giờ” - Shana Knizhnik, luật sư và là tác giả meme nói trên, chia sẻ với USA Today.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận