Tái cấu trúc kinh tế: Nhìn từ góc độ lợi ích

TS TRẦN VINH DỰ 30/10/2011 20:10 GMT+7

TTCT - Tái cấu trúc kinh tế thật ra đã được nhắc đến ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Và cũng đã có nhiều ý kiến phân tích, đánh giá, góp ý, tư vấn về tái cấu trúc kinh tế Việt Nam, tựu trung ở yêu cầu tăng hiệu quả (và vì thế tăng tính cạnh tranh) của nền kinh tế.

Điều đó thể hiện sự đồng điệu giữa tầm nhìn của xã hội với tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách. Câu chuyện còn lại là làm như thế nào?

Phóng to
Để năng suất nền kinh tế hiệu quả hơn, đòi hỏi tỉ lệ thất thoát trong đầu tư xây dựng phải giảm mạnh. Trong ảnh: cảng Phú Hữu, Q.9, TP.HCM (là cảng mới để di dời cảng Bến Nghé) đến nay vẫn chưa có đường vào cảng, mỗi năm vẫn phải trả 50 tỉ đồng nợ gốc và lãi vay - Ảnh: Thuận Thắng

Cuộc đổ vỡ trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2007 đã làm nhiều người dần thức tỉnh khỏi giấc mộng dài về triển vọng một sớm một chiều hóa rồng của nền kinh tế. Cộng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu dai dẳng tới tận ngày nay... Dao động cộng hưởng của cả các yếu kém nội tại lẫn môi trường quốc tế bất lợi đã khiến cỗ máy kinh tế Việt Nam liên tục trong bốn năm trải qua rất nhiều khó khăn.

Việt Nam đang phải đương đầu với những cặp nghịch lý như tăng trưởng thấp nhưng luôn quá nóng, tiền tệ và tín dụng bị thắt chặt nhưng lạm phát vẫn cao, nhập siêu vẫn là hội chứng mãn tính và có xu hướng ngày càng nặng.

Áp lực về chi phí liên tục tăng và thị trường đầu ra bị thu hẹp khiến hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, bị ép cả từ hai phía và phần đông hầu như chỉ còn thoi thóp thở. Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, thậm chí thua lỗ nặng nề như trường hợp Vinashin hay EVN. Đời sống của đại bộ phận dân chúng đang ngày càng trở nên vất vả hơn do sức mua bị bào mòn vì trượt giá đồng tiền.

Người đứng đầu Chính phủ hôm khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII đã nêu ra một trong những mục tiêu trọng điểm của các năm tới là “đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh”.

Riêng trong năm 2012, Chính phủ coi nhiệm vụ hàng đầu là tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát động phong trào tiết kiệm trong toàn xã hội. Mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2012-2015 đã được giảm xuống, trung bình còn 6,5-7%, trong đó riêng năm 2012 chỉ đặt mục tiêu 6-6,5% (trong đó ưu tiên cho phương án 6%).

Tái cấu trúc thế nào?

Trong rất nhiều ý kiến phân tích, đánh giá, góp ý, và tư vấn về tái cấu trúc kinh tế Việt Nam, câu chuyện được nhiều người bàn tới nhất là cắt giảm bớt đầu tư công (trên cơ sở cho rằng đầu tư công là thiếu hiệu quả), cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước (đặc biệt là các tổng công ty và các tập đoàn kinh tế), cải tổ thị trường tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế từ tăng trưởng dựa vào thâm dụng vốn và tài nguyên sang mô hình dựa vào tăng năng suất lao động và giá trị gia tăng, thay đổi hệ thống luật về đất đai (bao gồm cả việc nhìn nhận lại vấn đề quyền sử dụng đất), cải cách hệ thống tiền lương và thi tuyển công chức...

Một phần lớn các nội dung này đã được Nhà nước nhìn nhận và đưa vào chương trình hành động. Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã chỉ ra rằng trong năm năm tới cần tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất là tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tuần qua cũng cho thấy với nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ xác định ba khu vực trọng tâm là đầu tư công (tập trung thực hiện nghị định 11), doanh nghiệp nhà nước (tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty) và hệ thống tài chính (tập trung vào ngân hàng).

Đây là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự đồng điệu giữa tầm nhìn của xã hội với tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách. Câu chuyện còn lại là làm như thế nào?

Động cơ và lợi ích của các bên tham gia

Những gì thể hiện ra tính tới thời điểm này vẫn là các mục tiêu hơn là một kế hoạch hành động. Ngay cả khi có một kế hoạch hành động thì vẫn chưa có gì bảo đảm là sẽ thành công. Thí dụ, khi đội tuyển bóng đá quốc gia tham gia giải đấu vô địch Đông Nam Á với mục tiêu giành cúp vàng. Kế hoạch hành động trong trường hợp này là sơ đồ chiến thuật chiến lược về sử dụng các cầu thủ của huấn luyện viên trưởng.

Kinh nghiệm mà người Việt Nam thấy được ở đội tuyển bóng đá nước nhà là thua nhiều hơn thắng trong các giải này. Và vấn đề được nhắc tới là chuyện cầu thủ đá không hết mình, thậm chí bán độ.

Đây chính là vấn đề cần bàn: động cơ của các cầu thủ, nói cách khác, lợi ích của các cầu thủ có gắn chặt với lợi ích của đội tuyển hay không? Các cầu thủ có phải có động cơ mạnh mẽ nhất, và duy nhất, là giành chiến thắng cho đội tuyển hay không? Họ có thể gắn bó với nhau để thay vì chơi cuộc chơi tỏa sáng của từng cá nhân, tập trung vào chơi cuộc chơi của đội bóng với tư cách là một tập thể thống nhất hay không?

Một cơ chế cho phép thống nhất các lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm với lợi ích của cả đội tuyển, hay trong trường hợp tái cơ cấu kinh tế, là lợi ích của cả quốc gia, là chìa khóa để bảo đảm rằng các mục tiêu và kế hoạch cải tổ có thể đạt được. Nhưng khi nói tới lợi ích, không thể duy ý chí giống như việc kêu gọi các phong trào và tinh thần tự nguyện của các bên tham gia. Để thống nhất lợi ích, cần có cơ chế nối kết.

Trong trường hợp của đội tuyển bóng đá, đó là cơ chế thưởng nhiều dựa trên thành tích đạt được của cả đội, phạt nghiêm khắc nếu có tinh thần rã đám, chơi cá nhân hoặc bán độ. Quan trọng không kém nữa là tạo hành lang an toàn, bí mật và có lợi để các cầu thủ khi phát hiện đồng đội chơi xấu có thể báo lãnh đạo đội tuyển xử phạt.

Một trong những điều có thể nói là thành công của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình gần đây là việc giữ lãi suất tiền gửi ở đúng mức trần 14%/năm. Trước ông, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần muốn thực hiện việc này nhưng không làm được. Hai trong những bí quyết quan trọng của thống đốc là quyết định xử phạt thật nặng tất cả vi phạm và tạo đường dây nóng để bất kỳ ai khi phát hiện vi phạm lãi suất tiền gửi có thể ngay lập tức phản ảnh lên Ngân hàng Nhà nước.

Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước còn khuyến khích và bảo vệ các ngân hàng dám đứng ra “tố” ngân hàng bạn vi phạm. Thống đốc đã thành công trong việc tạo một cơ chế, trong đó lợi ích của các ngân hàng thương mại gắn chặt với mục tiêu của chính sách: các ngân hàng thương mại tuân thủ quy định 14% chắc chắn không muốn các ngân hàng khác cạnh tranh bằng cách huy động trên 14%, vì thế, việc “tố” các hành vi vi phạm này là lợi ích của họ, và lợi ích này trùng khớp với lợi ích của chính sách mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra.

Bài toán thống nhất lợi ích sẽ là bài toán xuất hiện trong tất cả mục tiêu cải tổ của Chính phủ, từ câu chuyện cắt giảm đầu tư công, cải cách doanh nghiệp nhà nước đến câu chuyện sắp xếp lại hệ thống ngân hàng. Với bất kỳ mục tiêu gì, sẽ có các nhóm lợi ích tìm cách ngăn cản không cho nó thành công. Trong trường hợp đầu tư công, nó là câu chuyện lợi ích của ngành, lợi ích của địa phương, thậm chí là của các nhóm cá nhân hưởng lợi từ các dự án của Nhà nước.

Trong trường hợp sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước, đó là sự mâu thuẫn giữa lợi ích của các bộ ngành chủ quản, của các bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp này, thậm chí là của các cá nhân có trách nhiệm dẫn tới những sai lầm, thất thoát, thua lỗ của các doanh nghiệp này trong quá khứ. Trong trường hợp của hệ thống ngân hàng, đó là lợi ích của các “quyền lực ẩn” đằng sau các ngân hàng này và các doanh nghiệp mà sự sống chết của họ gắn liền với sự hưng vong của các ngân hàng có chức năng bơm máu.

Và như vậy, sau khi Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định về các mục tiêu cải tổ nền kinh tế, hai câu chuyện tiếp theo, quan trọng không kém, là có những kế hoạch triển khai thông minh và tạo ra các cơ chế để đảm bảo sự thống nhất giữa lợi ích của các bên chịu tác động từ các chương trình cải tổ. Không có sự thống nhất này thì các nỗ lực và mục tiêu vênh nhau chắc chắn sẽ làm chương trình cải tổ bị lệch đường ray.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận