Tạo quan hệ sản xuất mới là yêu cầu bức xúc

PHẠM CHÁNH TRỰC 30/07/2013 22:07 GMT+7

TTCT - Bài phỏng vấn nguyên phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn trên Tuổi Trẻ (ngày 8-7-2013) nêu quan điểm “giảm 2 triệu ha lúa, nông dân sẽ giàu lên” nhận được nhiều phản hồi của các chuyên gia kinh tế và nông nghiệp.

Là vựa lúa xuất khẩu chính góp phần đưa VN trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu nhưng gạo ĐBSCL xuất khẩu mang nhãn hiệu nước ngoài nên giá bán tùy thuộc nhà nhập khẩu, từ đó lợi nhuận thấp - Ảnh: Đức Vịnh

Đọc bài phỏng vấn, tôi bỗng giật mình. Tôi phải đọc kỹ lại để không bị hiểu nhầm vì cái tít này. Nguyên phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn là người có công và có nhiều tâm huyết đối với những lĩnh vực mà mình phụ trách, trong đó có nông nghiệp. Bởi vậy dù không đương nhiệm, tôi tin rằng tiếng nói của ông vẫn còn giúp chúng ta suy nghĩ sáng ra những vấn đề thời sự.

Cho nên tôi xin được nêu lên một số suy nghĩ về bài trả lời phỏng vấn nói trên, cũng là những băn khoăn xin được trao đổi.

Nhất thiết phải đảm bảo 3,8 triệu ha đất trồng lúa

Anh Tạn đã nói đúng. Tư duy ngành nông nghiệp đã và đang tập trung quan tâm sản xuất lúa gạo và thỏa mãn với sản lượng lúa, sản lượng xuất khẩu gạo hằng năm. Có thể nói thêm, ngành nông nghiệp kể cả các doanh nghiệp xuất khẩu lương thực, thậm chí quan tâm những thành tích này hơn là tình trạng nghèo dai dẳng và chẳng biết làm sao giàu lên được của nông dân, đặc biệt ở vùng đất phù sa màu mỡ đồng bằng sông Cửu Long. 

Nhưng trên diện tích đất nông nghiệp 3,8 triệu ha, với 7 triệu ha đất gieo trồng lúa hằng năm, có thể giảm bớt 2 triệu ha đất gieo trồng lúa để chuyển sang nuôi trồng các loại cây con khác khả thi không và trong bao nhiêu năm nữa là điều phải tính toán. Dù sao làm cho xã hội đổi mới tư duy được như vậy đã là một khởi đầu rất quan trọng. Diện tích gieo trồng có thể giảm, nhưng nhất thiết diện tích đất trồng lúa 3,8 triệu ha phải đảm bảo không bị cắt giảm, chuyển đổi.

Chúng ta cần tính toán đến dân số nước ta sẽ tăng lên 120 triệu, rồi 150 triệu người trong tương lai. Đặc biệt là chúng ta phải dự kiến khi nước biển dâng, đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập mất 30% hoặc 40% đất đai, chủ yếu là đất trồng lúa, ven biển miền Trung và đồng bằng sông Hồng cũng sẽ bị ngập một số diện tích không nhỏ, lúc ấy thì cả nước còn bao nhiêu diện tích đất trồng lúa?

Trên đài truyền hình tôi có nghe một quan chức ngành lương thực đòi cắt giảm diện tích 3,8 triệu ha đất trồng lúa, nên e rằng người ta diễn dịch ý anh Tạn theo cách khác.

Theo ý kiến anh Tạn, chỉ có khoa học kỹ thuật (và công nghệ) mới giúp nền nông nghiệp nước ta chuyển từ lượng sang chất được. Tôi rất tán thành ý kiến này: cần phải đưa khoa học công nghệ rộng rãi và thích hợp vào sản xuất nông nghiệp. Chúng ta đang thừa lúa gạo phẩm chất thấp mà thiếu lúa gạo chất lượng cao. Ta không có gạo bán giá 1.000 USD/tấn, không có gạo mà người Nhật cần... Và tại sao dân Việt Nam không được ăn gạo chất lượng cao, gạo sạch, gạo đặc sản do ta tự sản xuất?

Trong trường hợp sản xuất 30 triệu tấn gạo chất lượng cao để dân ăn thì chắc không phải chỉ cần 5 triệu ha đất gieo trồng vì không thể trồng ba vụ lúa như hiện nay. Nếu cần sản xuất để xuất khẩu nữa thì phải dành diện tích đất gieo trồng thêm, tùy theo thị trường yêu cầu. Đương nhiên cần phải phát huy vai trò khoa học công nghệ trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến, tăng năng suất lao động, năng suất cây trồng vật nuôi.

Tuy nhiên ta vừa thiếu chiến lược đúng đắn đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp, vừa thừa tự phát và lạm dụng khoa học công nghệ. Quê tôi ở đồng bằng sông Cửu Long, giữa hai bờ sông Tiền sông Hậu, vậy mà vùng đất nổi tiếng trồng cam sành nay đất bị nhiễm độc nặng nề. Vườn nhà cháu tôi cỏ mọc um tùm, tôi bảo dọn cỏ cho sạch, nó nói: “Lo gì cậu ơi, cháu chỉ xịt thuốc diệt cỏ một lát là sạch ngay”.

Làm sao người nông dân chất phác thật thà lại có những thói quen tai hại đó? Đến bao giờ mới thấy lại cảnh cây trái sum sê lành mạnh như ngày xưa? Hóa chất Trung Quốc và hóa chất không rõ nguồn gốc tràn lan từ thành thị đến nông thôn, ai cho nhập khẩu, ai quản lý buôn bán, ai hướng dẫn nông dân trồng trọt...? Không ai đứng ra chịu trách nhiệm cả, chỉ tại dân, do dân làm, dân chịu? Kinh tế thị trường chạy theo lợi nhuận tối đa đã “phát huy tác dụng”, còn định hướng xã hội chủ nghĩa thì xa vời.

Vì vậy, ứng dụng khoa học công nghệ đúng đắn và hiệu quả trong tình hình hiện nay chưa khả thi.

Đương nhiên diện tích đất lúa 3,8 triệu ha không thể và không nên chỉ trồng lúa, như ý kiến rất đúng của anh Tạn. Trong thực tế nông dân vẫn trồng xen lẻ tẻ. Mặt khác, chuyển đổi cây trồng vật nuôi với quy mô lớn không dễ dàng. Có những trường hợp khó do thiếu thị trường, thiếu tổ chức, có trường hợp do lợi ích cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm.

Ta đang nhập khẩu ngô, đậu nành... để làm thức ăn gia súc. Nhưng nếu trồng ngô, đậu nành thì sẽ có người kêu lên: nhập khẩu lãi hơn là trồng. Một lần nữa quan điểm kinh tế thị trường cực đoan lại làm cho lãnh đạo phân vân.

Không ai tính bài toán lợi ích cho tới tận cùng, tổng thể nền kinh tế, lợi ích của nông dân trong điều kiện sản xuất nhỏ, chậm phát triển đi lên, mà còn đảm đương trách nhiệm nặng nề không thể thay thế: đó là an ninh lương thực trong hiện tại và tương lai lâu dài, đó là cân đối ngoại tệ (kể cả để nhập khẩu hàng xa xỉ, hàng dỏm, hàng độc hại).

Chúng ta cần tính toán đến dân số nước ta sẽ tăng lên 120 triệu, rồi 150 triệu người trong tương lai. Đặc biệt là chúng ta phải dự kiến khi nước biển dâng, đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập mất 30% hoặc 40% đất đai, chủ yếu là đất trồng lúa, ven biển miền Trung và đồng bằng sông Hồng cũng sẽ bị ngập một số diện tích không nhỏ, lúc ấy thì cả nước còn bao nhiêu diện tích đất trồng lúa? 

 Phải tổ chức lại sản xuất

Trên đây tôi đã hoan nghênh ý kiến anh Tạn rằng khoa học công nghệ là yếu tố rất quan trọng khi tái cơ cấu nông nghiệp như Chính phủ đang chủ trương. Điều đó là đúng, là điều kiện cần, nhưng chưa đủ.

Trong tình hình hộ nông dân vẫn là trung tâm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sau 27 năm thực hiện “đường lối đổi mới” thì không thể đưa khoa học công nghệ vào, không thể có sản phẩm hàng hóa ổn định với chất lượng cao, chất lượng theo yêu cầu, quy mô lớn, sản lượng lớn mà đồng đều, đồng phẩm cấp, đồng chuẩn theo yêu cầu khó tính của thị trường. Phải tổ chức lại sản xuất, cả về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.

Hiện nay nhiều nơi đang phát triển “cánh đồng mẫu lớn” là tốt, cần coi trọng. Nhưng cánh đồng mẫu lớn mới là phát triển lực lượng sản xuất, còn quan hệ với nhau giữa các chủ hộ cũng như “quan hệ ba nhà”, nhất là với các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu, rất lỏng lẻo, dễ bể hợp đồng. 

Cần phải có một hình thức tổ chức thích hợp, gắn bó hữu cơ không thể tách rời, có động lực nội tại, như công ty sản xuất và kinh doanh nông sản, công ty cổ phần nông nghiệp, trang trại nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp như ở các nước phát triển...

Còn hình thức nào để thúc đẩy xã hội hóa lực lượng sản xuất nữa thì cần tiếp tục nghiên cứu. Nhưng hộ nông nghiệp và người nông dân đi lên sản xuất lớn, tập trung chuyên canh, chuyên môn hóa bằng con đường nào? Đôi lần trao đổi, tôi thấy có một số vị lãnh đạo rất e ngại hình thức hợp tác xã vì từng thất bại trong quá khứ.

Song, hợp tác xã là hình thức tổ chức đã tồn tại hàng trăm năm, “là di sản văn hóa đồ sộ của nhân loại”, đã trải qua thách thức nghiệt ngã của kinh tế thị trường mà vẫn có sức sống mạnh mẽ cho đến nay ở nhiều nơi, kể cả châu Âu (Đức, Áo, Thụy Điển, Ý...), châu Mỹ (Canada, Mỹ Latin...), châu Á (Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...). Trước đây hợp tác xã thất bại vì ta làm không đúng, bây giờ cần phải làm lại, làm cho đúng và hiệu quả.

Cần phải thấy rằng quan hệ sản xuất mới là yêu cầu bức xúc của sản xuất nông nghiệp hiện nay, để cùng khoa học công nghệ tạo điều kiện cần và đủ đưa nông nghiệp phát triển vững chắc, đem lại cuộc sống tốt đẹp thật sự và bền vững cho nông dân.

Nông nghiệp là thế mạnh của nước ta, là chỗ dựa của nền kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng suy thoái toàn cầu cho nên cần được Nhà nước và xã hội quan tâm hơn nữa, chăm lo thiết thực và hiệu quả hơn nữa.

Vụ hè thu 2013 lúa khó bán nên nông dân đành chở lúa về nhà tạm trữ - Ảnh: Đức Vịnh

Câu chuyện thị trường

Tuy nhiên, có hai căn cứ chủ yếu sau đây để cho rằng rất có thể những mục tiêu vô cùng quan trọng này đối với nông dân và nông nghiệp nước ta là rất khó thực hiện:

- Thứ nhất: ngay cả khi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước cũng không thể đảm bảo tăng gấp đôi thu nhập của nông dân trồng lúa, trong khi từ bỏ thị trường gạo thế giới có thể đồng nghĩa với việc chúng ta mất cơ hội tăng thu nhập cho chính nông dân trồng lúa Việt Nam.

Trước hết, theo nhận định của nguyên phó thủ tướng, “7 triệu ha trồng lúa hằng năm đang là không gian tập trung mâu thuẫn về kinh tế - xã hội phải xử lý. Đột phá là phải gỡ tung chỗ này ra - không gian đang chứa mâu thuẫn và chứa mấy chục triệu nông dân trồng lúa này”.

Theo đó và theo ông, “chỉ cần 5 triệu ha trồng lúa mỗi năm là có sản lượng 30 triệu tấn”, đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và “giảm bớt 2 triệu ha trồng lúa thì dứt khoát xã hội Việt Nam nhìn vào lúa không như bây giờ nữa, giá gạo sẽ lên gấp rưỡi, gấp đôi bây giờ”. Cụ thể hơn, “với 1ha, hai vụ được 10 tấn lúa, nông dân sẽ thu được 100 triệu đồng thay vì 50 triệu đồng như hiện nay. Nông dân yên tâm trồng lúa, làm giàu từ lúa”.

Thế nhưng, cả trên lý thuyết lẫn thực tế kinh tế thị trường hiện nay, một khi cung đủ đáp ứng cầu, chắc chắn sẽ không có phép mầu nào để giá 10 tấn lúa của nông dân có thể tăng “sốc” như vậy. Do vậy, để tăng gấp đôi thu nhập của nông dân trồng lúa, hoặc là diện tích lúa phải giảm thêm nữa để cung thấp hơn cầu, tức là phải liên tục duy trì trạng thái thiếu hàng trên thị trường thì giá mới có thể tăng, hoặc là Nhà nước phải bỏ tiền ra mua toàn bộ số lúa hàng hóa của nông dân với giá gấp đôi đó rồi bán lại cho người tiêu dùng hằng ngày phải bỏ tiền ra mua gạo.

Tuy nhiên, đây đều là những giải pháp phi thị trường mà chắc chắn khó có thể chấp nhận.

Không những vậy, giả định rằng giá lúa của nông dân có thể tăng gấp đôi như vậy, hoặc bằng những giải pháp nhân tạo nói trên mà giá lúa của nông dân tăng gấp đôi thì chúng ta sẽ phải đối mặt với hai nguy cơ thất bại.

Trước hết, khi giá gạo trong nước cao ngất ngưởng như vậy, chắc chắn thị trường lúa gạo của chúng ta sẽ bị gạo giá rẻ hơn của nước ngoài tràn vào. Quốc đảo Philippines nằm giữa đại dương bao la duy trì giá gạo cao ngất, khiến gạo nhập lậu liên tục tràn vào đủ cho thấy điều đó.

Bên cạnh đó, ngay chính trong nước, nguy cơ thất bại còn lớn hơn. Đó là tăng gấp đôi thu nhập từ trồng lúa là điều mà nông dân chắc chắn không dám mơ, bởi không chỉ quá cao so với chính cây lúa từ rất lâu nay, mà có thể còn rất cao so với không ít loại cây trồng khác, cho nên đây chính là nguồn động lực cực kỳ mạnh khiến nông dân lại đổ xô vào khôi phục diện tích lúa, thậm chí còn có thể giảm diện tích những loại cây trồng khác có thu nhập thấp hơn để chuyển sang trồng lúa. Vòng xoáy “trồng - chặt” chưa bao giờ ngừng ở nước ta hàng chục năm qua đủ chứng tỏ điều đó.

Do vậy, để khắc phục tình trạng này, giải pháp sẽ phải áp dụng tiếp theo rất có thể lại là phân bổ hạn ngạch diện tích lúa từ trung ương xuống cho tới từng người nông dân. Thế nhưng, đây lại là giải pháp phi thị trường còn khó có thể chấp nhận hơn.

Nếu xét trên phạm vi toàn cầu, việc cắt giảm 2 triệu ha lúa nói trên sẽ có những tác động khác nhau đến thị trường lúa gạo thế giới.

Trước hết, với mức cắt giảm diện tích như vậy, tương ứng với lượng gạo xuất khẩu hằng năm của nước ta, sẽ chiếm 3/4 tổng mức tăng sản lượng gạo hằng năm của thế giới (bình quân sản lượng gạo thế giới trong 10 năm trở lại đây chỉ tăng được 10 triệu tấn/năm).

Cánh đồng mẫu lớn được tổ chức theo hình thức liên kết của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang tại Vĩnh Bình, Châu Thành, An Giang - Ảnh: Đức Vịnh

Đặc biệt, do tổng lượng gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới trong vòng năm năm trở lại đây chỉ ở dưới ngưỡng 35 triệu tấn/năm, nên việc chúng ta rút lui hoàn toàn khỏi thị trường xuất khẩu gạo thế giới sẽ làm thiếu hụt 20% nguồn cung. Trong khi đó, thực tế nhiều năm qua cho thấy nguồn cung chỉ cần thiếu hụt khoảng vài triệu tấn thì cũng đã đủ làm cho thị trường xuất khẩu gạo thế giới chao đảo dữ dội.

Như vậy, rất có thể việc cắt giảm diện tích sẽ khiến chúng ta hoàn toàn mất cơ hội hưởng lợi khi giá gạo thế giới liên tục nóng do chính chúng ta tạo ra.

Thế nhưng, tất cả những điều nói trên đều dựa trên một tiền đề là thị trường thế giới thừa cung. Không biết nguyên phó thủ tướng dựa trên những nghiên cứu nào để đưa ra nhận định như vậy, nhưng theo các dự báo mới nhất của FAO, OECD và USDA, thị trường lúa gạo thế giới vẫn sẽ tiếp tục theo guồng quay như vốn có, nhưng với tốc độ đều chậm hơn.

Trong đó, xuất nhập khẩu gạo thế giới trong 10 năm tới sẽ tăng bình quân 1,9-2,5%/năm và sẽ đạt kỷ lục 45-47 triệu tấn, còn “hạn ngạch” mà các cơ quan này “phân bổ” cho chúng ta là 8,7-9,5 triệu tấn, chiếm 18,6-21,2%.

Trong khi đó, nhập khẩu gạo, đặc biệt là nhập khẩu với quy mô lớn, sẽ vẫn là những “gương mặt” đã rất quen thuộc và trong số 11 quốc gia nhập khẩu từ triệu tấn trở lên thì châu Á đã góp tới bảy, trong đó vẫn có đủ bốn thị trường xuất khẩu lớn của nước ta như hiện nay, bao gồm: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Philippines.

Nói cách khác, đã và sẽ tiếp tục không có chuyện nhiều nước trước kia nhập khẩu gạo đã và sẽ tự túc được, cũng không có chuyện sản xuất của một số nước đã và sẽ vọt lên, nên chúng ta sẽ không biết xuất khẩu đi đâu.

- Thứ hai, rời khỏi thị trường xuất khẩu gạo cũng có nghĩa là sẽ rút lui khỏi thị trường chúng ta có sức cạnh tranh rất mạnh để gia nhập hoặc mở rộng quy mô hoạt động ở những thị trường mà chúng ta đang rất lép vế.

Các số liệu thống kê của FAO cho thấy từ chỗ mới chỉ bằng 93% năng suất bình quân của thế giới vào thời điểm chúng ta bắt đầu xuất khẩu gạo năm 1989, với những nỗ lực không biết mệt mỏi, năng suất lúa hiện nay của chúng ta đã vượt 25,6%. Trong khi đó, đối với cây ngô, cho dù cũng đã có những nỗ lực rất lớn, tỉ lệ này cũng đã tăng gần như gấp đôi (từ 45,5% lên 83,6%), nhưng khoảng cách để đạt tới mức trung bình của thế giới vẫn còn rất xa.

Đặc biệt, đối với cây đậu nành, cho dù cũng đã có những tiến bộ nhưng khoảng cách về năng suất từ 57,9% đến năng suất bình quân của thế giới hãy còn quá mênh mông.

Rõ ràng năng suất như vậy là yếu tố quan trọng hàng đầu khiến ngô nhập khẩu với giá cạnh tranh hơn vẫn có chỗ đứng rất vững chắc ở thị trường nước ta, còn cây đậu nành thì hoàn toàn lép vế, bị đậu nành nhập khẩu giá rẻ chèn ép không thể ngóc đầu lên được.

Vấn đề năng lực

Trong khi đó, việc thị trường lúa gạo vùng ĐBSCL đang trong cơn bĩ cực hiện nay không phải là do giá gạo thế giới quá thấp, mà do chính chúng ta kéo xuống.

Các số liệu thống kê của Oryza cho thấy từ chỗ nhỉnh hơn so với của Ấn Độ và Pakistan cuối năm ngoái (450 USD/tấn so với 432 và 437 USD/tấn), giá chào xuất khẩu gạo 5% tấm của chúng ta đã tụt dốc rất nhanh và hai tháng gần đây chạm đáy chỉ với 377 USD/tấn, trong khi của Ấn Độ được giữ ở mức 445-449 USD/tấn, còn của Pakistan là 435-445 USD/tấn. Đây là khoảng cách chưa từng có trong lịch sử xuất khẩu gạo của chúng ta và hai đối thủ cạnh tranh này trong hơn một thập kỷ qua.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là trong khi nông dân nước ta hoàn toàn không thể cạnh tranh được với đậu nành nhập khẩu, còn ở mặt hàng ngô thì sức cạnh tranh cũng rất hạn chế, nhưng việc thu nhập của họ quá thấp với cây lúa là do khâu xuất khẩu gạo quá bất cập.

Nếu nhìn xa hơn về phía trước, thu nhập thấp của nông dân cũng bắt nguồn ở khâu đầu ra này. Đó là trong không ít năm chúng ta được mùa, thậm chí được mùa rất lớn, giá gạo trên thị trường thế giới cũng đứng ở mức cao, thậm chí tăng rất cao, nhưng lượng gạo xuất khẩu không tăng tương ứng; còn khi giá gạo thế giới xuống thấp, thậm chí “rơi tự do”, thì gạo lại được xuất khẩu ồ ạt.

Do vậy, trả đủ cho nông dân những gì họ đáng được hưởng với cây lúa và tăng cường đầu tư cho cây ngô và cây đậu nành để giảm mạnh giá thành sản xuất, từng bước giành lại chính “sân nhà” sẽ là cách tiếp cận có lẽ phù hợp hơn nhiều.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận