Thùng thuốc súng Trung Á sắp nổ tung?

HỮU NGHỊ 18/04/2016 00:04 GMT+7

TTCT - Cuộc xung đột mới bùng nổ trở lại giữa hai nước nằm ở cửa ngõ nước Nga là Armenia và Azerbaijan có vẻ như đột ngột. Thật ra, chẳng có gì là đột ngột cả trên cõi đời này…

Bản đồ về xung đột Nagorno-Karabakh -Nguồn: globalresearch.ca
Bản đồ về xung đột Nagorno-Karabakh -Nguồn: globalresearch.ca


Nguyên nhân trực tiếp còn chưa tỏ tường, nhưng trong đêm 1-4, rạng sáng 2-4, hai nước từng ở trong Liên bang Xô viết này đã huy động binh mã ở mức độ cao chưa từng thấy kể từ 22 năm qua, trong cuộc chiến tranh giành giật vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh lần trước.

Sau nhiều sự dàn xếp quốc tế, ngày 5-4 hai nước đã đồng ý thôi dấy can qua, trong khi Giáo hoàng Francis nói ông sẽ sớm tới thăm vùng này, một nỗ lực để gìn giữ hòa bình nữa.

Tất cả bắt đầu tối thứ sáu, ngày 1-4, khi Azerbaijan xua chiến xa được pháo binh và trực thăng yểm trợ tấn công ồ ạt ở biên giới vùng Nagorno-Karabakh, vốn đã đơn phương tuyên bố độc lập, theo cáo buộc từ Armenia, điều mà phía Azerbaijan bác bỏ và cho rằng họ chỉ phản kích sau khi bị tấn công.

Phía Azerbaijan tố cáo quân đội Armenia đã nổ súng trước những 127 lần trong 24 giờ đầu tiên, theo Russia Today. Các bản tin chiến sự loan báo thương vong bắt đầu được hai bên phát đi. Dân quân khu vực Thượng Karabakh, điểm then chốt khiến hai nước đã từng là “anh em” bất đắc dĩ trong Liên bang Xô viết cũ phải chiến tranh với nhau ngay sau liên bang tan rã, khoe đã hạ được một máy bay trực thăng của quân đội Azerbaijan, điều mà phe này phủ nhận.

Song đến 15g16 (giờ địa phương) thứ bảy, ngày 2-4, thì Bộ Quốc phòng Azerbaijan lại ra thông cáo xác nhận 12 binh sĩ nước này đã thiệt mạng và một trực thăng Mi-24 bị bắn rơi. Phía bên kia cho rằng thật ra phía Azerbaijan đã mất đến gần 200 quân cùng 8 xe tăng và 2 trực thăng!

Đến 18g42, tổng thống Armenia lên truyền hình loan báo: “Về phía chúng ta, 18 binh sĩ đã thiệt mạng và khoảng 35 người bị thương”. Ông không nói rõ rằng số thương vong này là của chính quân đội Armenia hay là của cả vùng Nagorno-Karabakh mà nước ông hậu thuẫn.

Nga quan ngại là phải

Nga đã nhanh chóng đóng vai trò đầu tàu trong việc dàn xếp cuộc xung đột. Gần như ngay lập tức sau khi tin tức về vụ đụng độ được loan báo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có những chuyến đi con thoi vận động cho việc ngưng chiến, trong đó ông đã lần lượt gặp người đồng cấp Armenia, Edward Nalbandian và Azerbaijan, Elmar Mammadyarov.

Ngày 11-4, ông Lavrov nhắc lại lập trường của Nga về xung đột với Hãng tin Tass:

Chúng tôi rất quan ngại với những căng thẳng leo thang ở khu vực xung đột Nagorno-Karabakh. Chúng tôi kêu gọi các bên tôn trọng những thỏa thuận đã đạt được để giảm sự thù địch, ngăn ngừa vi phạm thỏa thuận này và mong muốn sẽ có những chuyển biến chính trị tích cực tới chỗ đạt được một thỏa thuận cho cuộc xung đột không dễ dàng này”.

Tấm bản đồ trong bài này giải thích tại sao Nga vô cùng quan ngại trước vụ xung đột: cả hai nước đều nằm ở cửa ngõ phía nam Nga, Azerbaijan ở phía biển Caspi, còn Armenia thì giáp Gruzia về phía bắc, nước từng giao chiến với Nga năm 2008 và mất khu vực đông kiều dân Nga là Nam Ossetia. Quan trọng hơn cả là cả hai nước đang giao tranh này đều chung biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, kình địch của Nga từ mấy tháng qua, và Azerbaijan thì thân với Thổ Nhĩ Kỳ còn Armenia thì thân với Nga.

Quan hệ chiến lược gắn bó giữa Nga và Armenia thể hiện qua bản tin đề ngày 8-12-2015 của Opex 360: “Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Armenia.

Trên cái nền là căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã triển khai bổ sung trực thăng chiến đấu và trực thăng vận tải tại căn cứ không quân Erebuni, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ba bước.

7 trực thăng Mi-24 và Mi-8 đã được điều động đến đây. Căn cứ này còn đón thêm 3 máy bay chiến đấu Nga Mig-29”. Opex 360 cho biết rằng sáu tháng sau của năm 2014, Bộ tư lệnh khu vực Đông - Nam của Nga đã đưa đến căn cứ này một phi đoàn trực thăng Mi-24P, Mi-8MT và Mi-8SMV.

Nga có hai căn cứ quân sự tại Armenia và Armenia đồng ý với việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO).

CSTO là một liên minh quân sự được thành lập năm 2002 của một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ xung quanh Nga.

Thoạt kỳ thủy, khối này dường như là để lấp đầy khoảng trống chiến lược xuất hiện sau khi Liên Xô sụp đổ và khối Hiệp ước Warsaw tan rã.

Trước các mối đe dọa và thách thức an ninh mới, một hiệp ước mới của 7 nước thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á, Đông Âu và vùng Caucasus là Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan đã được ký kết vào năm 2002. Có thể xem CSTO như là một đối trọng của NATO ở khu vực Đông Âu, đặc biệt tập trung vào khu vực Âu - Á sát cạnh nước Nga.

Trên cơ sở hiệp định thành lập CSTO, Nga có thể hiện diện quân sự ở các nước thành viên CSTO. Ngày 11-11-2015, tức 13 ngày trước vụ máy bay Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh thiết lập một hệ thống phòng không hỗn hợp với Armenia trong khu vực Caucasus.

Rõ ràng quyết định này không phải là hậu quả của vụ bắn rơi chiếc Su-24, mà là để nhắm đến (1) Cộng hòa Gruzia thù địch đang muốn gia nhập NATO và (2) Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan vốn không quan hệ tốt với Armenia.

Về phần mình, Armenia luôn muốn lấy lại vùng Nagorno-Karabakh vốn đã từng tự tuyên cáo độc lập cách đây 22 năm. Thành ra, nếu như phía Armenia đã “gây sự” trước trong vụ xung đột lần này thì có thể cho rằng ai đó đang muốn khơi mào một cuộc chiến nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ đó, không khó hiểu tại sao Nga lại “đột ngột” rút quân khỏi Syria: một sự chuẩn bị cho những tình huống mới. Nhìn vào bản đồ có thể thấy ngay nếu Nga có chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó với NATO, thì không thể “đằng vân” đưa quân đội đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ được, mà phải đi qua một lãnh thổ “trái độn”, trong trường hợp này là Armenia.

Còn nếu như Azerbaijan khởi sự vụ xung đột ở Nagorno-Karabakh thì đó chính là do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan muốn “sinh tử” một trận với ông Putin bằng cách kích hoạt “thùng thuốc nổ” Nagorno-Karabakh, nơi mà vào tháng 2-1988 đã nổ ra cuộc chiến tranh kéo dài đến tận năm 1994 khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người khác ly tán, khi người gốc Azerbaijan phải chạy trốn khỏi Armenia.

Tất nhiên trên bề nổi, các nước liên quan, từ Nga đến Mỹ, Pháp... trong nhóm Minsk vốn đã hòa giải cuộc chiến Nagorno-Karabakh năm 1994, đều tuyên bố can ngăn xung đột giữa Armenia và Azerbaijan, nhưng sâu xa thì mỗi bên đều có tính toán riêng.

Sẽ có đọ sức Nga - Thổ?

Phải thấy rằng tình hình Nagorno-Karabakh đã được giữ nguyên trạng hơn 20 năm qua, và điều đó nói chung có lợi cho phía Armenia và Nga, khi vùng lãnh thổ này nằm ngoài sự kiểm soát của Azerbaijan.

Nhưng điều này lại không phù hợp với Baku và Thổ Nhĩ Kỳ. Các vấn đề trong nước của Azerbaijan cũng khiến tình hình phức tạp hơn: ngân sách của nước này bị thiệt hại do giá dầu giảm, các vấn đề xã hội xấu đi.

Để củng cố uy tín, chính quyền cần phải đoàn kết được người dân xung quanh một mục tiêu chung, và không gì có thể đẩy tinh thần dân tộc lên cao bằng việc giành lại nếu không phải toàn bộ Karabakh ngay lập tức thì ít nhất là một phần. Đồng thời nó có thể được xem như là một tín hiệu cho nước Nga và các nước khác rằng Baku không có ý định chịu đựng mãi tình thế đóng băng bất lợi này cho họ.

Không lâu trước cuộc xung đột, ông Erdogan đã gặp Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và đảm bảo rằng nếu có gì xảy ra, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ủng hộ Azerbaijan cả về tài chính và quân sự. Chiến sự tại Karabakh, vì thế, có thể là một kiểu “dằn mặt” Matxcơva rằng, nếu muốn, Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây ra vấn đề cho Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí không thèm che giấu việc họ không ngần ngại kích động một cuộc xung đột ở Nam Caucasus. Ngay sau khi quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi vì vụ bắn máy bay, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã hai lần thăm Baku và nói thẳng về việc phải giành lại Nagorno-Karabakh.

Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng mạnh mẽ với Azerbaijan, cả về kinh tế lẫn quân sự. Quân đội Azerbaijan có rất đông cố vấn Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các sĩ quan Azerbaijan học tập tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Các mối quan hệ dích dắc và phức tạp thêm phần khó xử lý bởi lẽ Nga, trong khi là đồng minh của Armenia, lại là nước bán nhiều vũ khí nhất cho Azerbaijan.

Nhờ tiền bán dầu, Baku đã nhập từ Nga số vũ khí trị giá gần 4 tỉ USD trong thời gian qua, bao gồm những khí tài hiện đại như hệ thống tên lửa tầm xa S-300 PMU-2, gần 200 xe tăng T-90, khoảng 100 xe bọc thép BMP-3, hệ thống pháo giàn, trong đó có loại hiện đại “Mặt trời” và “Smerch”, 18 xe tự hành “MSTA-S”, hàng trăm chiến đấu cơ và máy bay trực thăng vận tải.

Rồi tới mùa hè 2015, Matxcơva lại ký một thỏa thuận mang tính chất “xoa dịu” với Armenia, cung cấp lượng vũ khí tương tự cho nước này, kèm theo khoản cho vay mua vũ khí 200 triệu USD.

Lưu ý rằng nền độc lập và lực lượng quân sự ở Nagorno-Karabakh không được quốc gia nào, bao gồm cả Armenia, công nhận, và đây có thể là một trong những lý do khiến xung đột bùng phát, khi Azerbaijan lo ngại lượng vũ khí Nga bán cho Armenia sẽ rơi vào tay lực lượng ở Nagorno-Karabakh, vùng lãnh thổ với 95% dân số là người Armenia nhưng lại lọt thỏm trong lãnh thổ Azerbaijan.

Cuối cùng, không thể không nhắc tới yếu tố Hoa Kỳ trong cuộc xung đột.

Cuối tháng 3-2016, Tổng thống Aliyev tới Washington dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, gặp Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và được đảm bảo rằng Azerbaijan có “tầm quan trọng chiến lược” với Mỹ.

Một lần nữa, nguyên tắc “toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan”, bao gồm vùng Karabakh, được Mỹ nhắc lại. Quan hệ giữa hai nước hiện nay đã tốt hơn nhiều so với những năm 1990, khi Baku còn chịu án trừng phạt của Mỹ.

Azerbaijan là thành viên của liên minh phương Tây ở Afghanistan. Đầu tư của các công ty Mỹ tại Azerbaijan vượt mốc 10 tỉ USD.

Mỹ cũng quan tâm để Azerbaijan trở thành một nhân tố quan trọng trong việc hình thành “Hành lang khí đốt phía Nam” sang châu Âu, vòng tránh nước Nga. Hành lang dẫn dầu nay đã có và được gọi là “đường ống Baku - Ceyhan”, đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 11-4, Washington Post đã có bài xã luận dài với tựa đề “Xung đột Nagorno-Karabakh quá nguy hiểm để Mỹ có thể phớt lờ”, trong đó lại chỉ trích Tổng thống Barack Obama thiếu nhanh lẹ và dứt khoát khi cuộc xung đột bùng phát, để cho Nga và ông Putin chiếm được tiên cơ.

Tuy nhiên, Mỹ có lẽ không muốn thấy một cuộc chiến tranh lớn ở Karabakh, ít nhất là vì nó sẽ phá vỡ kế hoạch xây dựng mọi loại “hành lang”. Một cuộc chiến tranh như vậy chỉ cần cho một nước: Thổ Nhĩ Kỳ.

Đất nước này một lần nữa lại dẫn dắt cuộc chơi trong khu vực mà không đếm xỉa lắm đến ngay cả các đồng minh chính trong NATO. Dẫu vậy, vẫn có lý do để hi vọng rằng tầm cao của quan hệ giữa Matxcơva, Baku và Yerevan, cũng như kinh nghiệm hợp tác với Washington về Syria, sẽ cho phép nếu như chưa giải quyết được cơ bản xung đột thì ít nhất là đóng băng nó trong khi còn chưa quá muộn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận