Trật tự cũ và một thế giới mới

DANH ĐỨC 25/12/2020 22:00 GMT+7

TTCT - Năm 2020 đã qua, trật tự thế giới quen thuộc suốt nhiều thập kỷ đang bước vào giai đoạn suy tàn. Lấn vào làn “đại lộ danh vọng” là những cỗ xe “trật tự mới”, những thế lực chính trị lạ lùng và những tham vọng khác thường. Nhưng khi một thế giới hoàn toàn mới đang đến, vẫn phải giữ cho mình chút niềm tin rằng mọi việc sẽ ổn cả thôi.

“Sao Mặt trời cứ vẫn sáng? Biển vẫn cứ vỗ vào bờ? Chim cứ vẫn hót?... Sao trên trời vẫn cứ lung linh?… Mà không hay rằng thế giới đã cáo chung” (lời ca khúc “The End of The World” - Thế giới cáo chung). Năm 1965, Herman’s Hermits, một ban nhạc Ăng-lê chuyên chơi pop nhẹ nhàng, đã chinh phục thế hệ chúng tôi bằng những lời ca đấy với giọng ca “ngọt như mía lùi” của Peter Noone cùng vài nốt ghita “đánh cần nhún” của Karl Greene. Trước Herman’s Hermits, nữ ca sĩ Skeeter Davis đã hát bài này, ngay sau khi thế giới vừa thở phào thoát khỏi nguy cơ “bom nguyên tử” giữa hai ông K: Kennedy của Mỹ và Khrushchev của Liên Xô (cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1963). Rồi tháng 3-1965, chiến tranh Việt Nam mở rộng với những trận không kích đầu tiên của Mỹ ở miền Bắc, nỗi kinh hoàng “The End of The World” càng thêm thấm thía.

Những gì đang cáo chung

55 năm sau, thế giới đi vào một ngã rẽ khác, chiến tranh lạnh kết thúc. Ban nhạc Đức Scorpions báo trước điều đó bằng ca khúc Wind of Change (Làn gió đổi thay): “Xuôi dòng Moskva, lần xuống công viên Gorky, nghe ngọn gió đổi thay… - ra mắt 11 tháng 5 ngày trước khi ông Gorbachev tuyên bố từ chức tổng thống Liên Xô, đồng thời chôn vùi cuộc chiến tranh lạnh xuống nấm mồ lịch sử - Tương lai lồng lộng trong gió, khắp nơi anh có thấy, thổi theo làn gió đổi thay”…

Nhưng chẳng có gì vĩnh viễn độc tôn. Tới cuối năm 2020, thế giới mới đó hầu như tự tan rã. Hai cột trụ chính Mỹ và châu Âu đang quay cuồng trong đại dịch COVID-19. Thịnh vượng kinh tế, quyền năng chi phối, sức mạnh quân sự, mô hình chính trị, trật tự xã hội được/tự xem là mẫu mực thế giới nay có nguy cơ chỉ còn là “Những ký ức xa vời, trong quá vãng mãi vùi chôn” (Distant memories are buried in the past, forever) như Scorpions từng mô tả Liên Xô trong Wind of Change.

Làm thế nào mà thế giới, tính đến hết tháng 12-2020, phải ghi nhận hơn 75 triệu ca nhiễm virus corona, khiến hơn 1,7 triệu người thiệt mạng? Vì đâu mà ở Mỹ, nơi có CDC (Trung tâm Kiểm soát dịch tễ và bệnh tật) - mô hình tổ chức y tế dự phòng được tin cậy sao chép trên toàn cầu, lại dẫn đầu với trên 17 triệu ca nhiễm và hơn 300.000 ca tử vong, có những thời khắc tê tái thống kê cả ngàn người qua đời chỉ trong 24 tiếng? Những quốc gia Tây phương hùng mạnh nhất về kinh tế và tiềm lực khoa học đều lảo đảo, đối diện bi kịch y tế khủng khiếp không khác gì những nước thế giới thứ ba, tận sát Giáng sinh vẫn chưa thấy ánh sáng hi vọng.

Câu chuyện COVID ngán ngẩm này thiệt ra chính là câu hỏi to tướng về khả năng quản trị quốc gia, mà hậu quả nhiều hơn kết quả, và đang đe dọa dẫn đến sự tàn lụi của một thế giới độc tôn suốt 30 năm qua.

Ngay từ tháng 5-2020, Ngân hàng Thế giới (WB) qua báo cáo “Bảo vệ dân chúng và các nền kinh tế” đã khuyến cáo rằng việc ngăn chặn đại dịch phải là mối quan tâm hàng đầu của các chính quyền, rồi đến bảo vệ cuộc sống và sinh kế của dân chúng, cuối cùng mới tới khởi động lại và chuẩn bị cho sự phục hồi kinh tế.

Không làm được như thế, nhiều chính phủ và quốc gia đang lâm nguy. Báo cáo “Tác động của COVID-19 với nền kinh tế Hoa Kỳ và chính sách đáp ứng” của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribê thuộc Liên Hiệp Quốc đã hạ bút kết luận ngay từ phần nhập đề: “Sự bành trướng kinh tế kéo dài kỷ lục của Hoa Kỳ đã đến hồi kết thúc”. Báo cáo viết: “Đại dịch kết hợp các khía cạnh của cả cú sốc cung và cầu. Các biện pháp phong tỏa đã ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ, trong khi khả năng hoặc mức độ sẵn sàng mua hàng hóa và dịch vụ của người tiêu dùng giảm, trong bối cảnh thất nghiệp và lo sợ lây nhiễm đã làm suy yếu cầu”. Các nghiên cứu kinh tế học này giải thích tại sao Tổng thống Mỹ Donald Trump, doanh nhân rẽ lối làm chính trị, lại chọn vẫn “mở cửa” kinh tế tới kỳ cùng, bất chấp cái giá là sinh mạng dân chúng Mỹ!

2020 là một năm quá nhiều biến cố. Ảnh: eurasiagroup.net

Tống cựu nghinh tân?

Càng nan giải hơn cho phương Tây là ngay giữa đại dịch, những rạn nứt xã hội âm ỉ lâu nay lại bùng phát. Tại Mỹ, cái chết của George Floyd dẫn đến nhiều tháng trời bất ổn, có những khi biểu tình và bạo động lan ra tới hơn 2.000 thành phố và thị trấn để ủng hộ phong trào Black Lives Matter (BLM). Thăm dò vào mùa hè năm 2020 ước tính trong một số thời điểm đã có 15 - 26 triệu người tham gia biểu tình ở Hoa Kỳ - lập kỷ lục cuộc biểu tình lớn nhất lịch sử đất nước. Ít nhất 200 thành phố ở Mỹ ra lệnh giới nghiêm vào đầu tháng 6, hơn 30 bang và Washington D.C. đã phải huy động hơn 62.000 vệ binh quốc gia do bất ổn lan rộng.

Nước Mỹ còn tan nát vì làn sóng phản đối kết quả bầu cử tổng thống mà éo le thay, chính ứng cử viên cầm quyền nói là gian lận. Hậu quả không thể vớt vát được là người Mỹ không còn chỉ chia rẽ, mà đã quay ra thù ghét nhau. “Trong một số thanh niên là sự bất khoan thứ và lòng thù hận đang khiến bạo lực đường phố và chủ nghĩa dân tộc da trắng lên cao. Gần 1.000 nhóm hận thù như thế đang hoạt động ở Hoa Kỳ và con số này đang tăng lên” - trang Hate in America than thở.

Từ từ nhưng không hề êm ả, một thế giới mới - khác hoàn toàn về bản chất, phong cách và hoạt động vận hành - đang trỗi dậy. Nhà nghiên cứu Earl Wang của Trung tâm quốc tế học Trường Sc. Po. (Khoa học chính trị) nổi tiếng của Pháp cho rằng mọi chuyện bắt đầu với chủ thuyết ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc, đặc biệt nở rộ từ sau đại dịch. Theo ông Wang, những người phát ngôn của Bộ Ngoại giao và giới ngoại giao Bắc Kinh ở nước ngoài đang trở nên quyết đoán hơn bao giờ hết.

Nhưng không thể không thấy ở thế lực mới ấy một sự vận dụng nhuần nhuyễn cả hình ảnh “chiến lang” và những lạt mềm buộc chặt. Có thể dẫn ra ví dụ là cuộc điện thoại giữa hai bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Pháp Jean-Yves Le Drian: ông Vương quả quyết với ông Le Drian rằng Bắc Kinh hậu thuẫn EU xúc tiến “sự tự chủ chiến lược”, rằng “Trung Quốc có chung lợi ích cơ bản và lâu dài với châu Âu…, luôn đề cao sự đa cực hóa thế giới và ủng hộ EU như một cực của thế giới. Đây không phải là suy nghĩ nhất thời của Trung Quốc, mà là tư duy chiến lược nhất quán” (South China Morning Post 23-11).

Tất cả cho thấy một thế giới hoàn toàn mới đang rục rịch khai sinh. Nó có “tỏa sáng, lung linh, lộng lẫy” như lời ca khúc A Whole New World trong phim Aladdin hay không, quá sớm để tiên đoán, nhưng quan trọng là đừng “nhắm mắt lại” bởi “có hàng trăm ngàn điều cần thấy”, đồng thời hãy giữ lại cho mình một chút niềm tin rằng mọi chuyện sẽ ổn hơn “với những chân trời mới đáng để theo đuổi”.■

Quốc gia lâm nguy, những ai hữu trách? Trong đại dịch, ta được chứng kiến hết thảy, từ những đường lối lãnh đạo sáng đúng chiều sai tới những quýnh quáng rối ren, sang cả những gì tưởng là sắt đá cương quyết hóa ra là rối bời. Có người sau mấy tháng đầu giành micro họp báo tình hình dịch bệnh hằng ngày coi là thành tích, mấy tháng sau đã buông bỏ chiến trận, lái mọi chuyện sang hướng dân túy hay thuyết âm mưu. Có người cứng nhắc lý luận triết học “sách lược phong tỏa” hay “sách lược bỏ phong tỏa” trên truyền hình mỗi ngày khiến dân phát chán. Có người này gọi đại dịch là hoang đường, lại có người phải ứa nước mắt khẩn nài dân chúng đeo khẩu trang hay dằn lòng đừng về thăm ông bà dịp Giáng sinh để giữ mạng sống cho người cao tuổi. Người này bối rối điều hành, trong khi người khác quả quyết lâm trận… Thật là có ra trận mới tỏ mặt anh hùng!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận