Trung Quốc: Cha hùm mẹ hổ - rào cản cho cải cách giáo dục

CẢNH CHÁNH 12/10/2020 20:10 GMT+7

TTCT - Những cha hùm mẹ hổ Trung Quốc, vì không muốn con mình thua ngay trên vạch xuất phát, đã tìm mọi cách kéo vạch xuất phát đến gần con mình hơn. Họ là một lực cản đáng kể cho những nỗ lực cải cách giáo dục ở quốc gia hơn tỉ dân này.

Cuối tháng 7 vừa rồi, khi kết quả kỳ thi đại học (Gaokao) ở Trung Quốc được công bố, dưới trời mưa, rất nhiều cha mẹ học sinh Trường THPT số 1 Nam Kinh (Nam Kinh Nhất Trung) tụ tập trước cổng trường giơ khẩu hiệu yêu cầu hiệu trưởng từ chức. 

Họ cho rằng phương pháp giảng dạy của trường là không được, bởi kết quả thi Gaokao (Cao khảo) của trường năm nay không như mong đợi.

Phụ huynh Trường Nam Kinh Nhất Trung giương khẩu hiệu phản đối nhà trường. Ảnh: weibo
Phụ huynh Trường Nam Kinh Nhất Trung giương khẩu hiệu phản đối nhà trường. Ảnh: weibo

Ai cần các vị tập trung vào giáo dục tố chất?

Năm 2017, điểm chuẩn tuyển sinh của Nam Kinh Nhất Trung là 631 điểm, đứng thứ 3 toàn thành phố, nhưng năm nay chỉ có 20 em đạt thành tích Gaokao trên 400 điểm. Phụ huynh so bì: trường THPT số 29 Nam Kinh có điểm chuẩn tuyển sinh năm 2017 là 589 điểm, nhưng có tới 40 học sinh đạt trên 400 điểm Gaokao.

Các phụ huynh Nam Kinh Nhất Trung chỉ trích hiệu trưởng Vưu Tiểu Bình bởi ông đã tuân thủ nghiêm ngặt phương hướng giáo dục tố chất (素质教育, tương tự khái niệm "giáo dục toàn diện") do chính quyền triển khai từ tháng 10-2019, mà xem thường Gaokao.

Ngay từ lúc chính quyền Nam Kinh công bố phương hướng cải cách giáo dục này, người dân Nam Kinh đã lập tức xôn xao. Bởi trong đó quy định không dạy thêm, không công bố điểm, không xếp hạng, không xếp lớp theo thành tích học sinh, thậm chí sẽ kiểm tra đột xuất cặp học sinh để tịch thu tài liệu ôn thi hay tập học thêm. Giảm giờ học trên lớp, mỗi tiết từ 45 phút còn 40 phút…

Theo The Economist, trước đó, vào năm 2016, Trường Nam Kinh Nhất Trung đã thực hiện một giải pháp táo bạo: cho học sinh mượn điểm từ “ngân hàng điểm” để bù đắp những điểm thấp.

Những điểm vay sẽ được hoàn trả bằng cách trừ dần trong bài kiểm tra sau đó, hoặc từ việc kiếm được điểm cao sau mỗi bài tập tốt trên lớp. Mục đích là để giảm bớt áp lực cho các kỳ thi.

Ngôi trường lâu đời nhất tại Nam Kinh này cũng khuyến khích giáo viên và học sinh “bình đẳng”, có các câu lạc bộ sáng tạo. Nhưng tất cả đều không thuyết phục được cha mẹ học sinh. Ngay lập tức, họ lo lắng cuống cuồng tìm lớp học thêm cho con, nhất là những ai có con học năm cuối cấp.

Trước phản ứng gay gắt của phụ huynh, ban giám hiệu Trường Nam Kinh Nhất Trung gửi họ một bức thư ngỏ, trong thư cho rằng thành tích chung vẫn khá tốt nhưng thừa nhận số học sinh đạt thành cao hơi ít.

Vì vậy, trường sẽ khắc phục bằng cách làm tốt công tác chuẩn bị cho kỳ thi Gaokao sang năm, tăng cường yêu cầu và quản lý đối với việc học của học sinh (giờ tự học kéo dài đến 22h), tăng cường đào tạo học sinh ưu tú, như dạy theo trình độ, thành lập nhóm học sinh giỏi. Tóm lại, sẽ tăng thời gian học, tạo mọi cơ hội để có nhiều học sinh thi đậu các trường đại học nổi tiếng.

Các chuyên gia giáo dục thở dài nhận xét: đây là hành động minh chứng cho việc giáo dục tố chất bị khuất phục bởi nền giáo dục ứng phó với thi cử.

Nhưng các trường THPT ở Trung Quốc đều đang đau đầu như thế, loay hoay giữa lựa chọn khuyến khích học sinh phát triển toàn diện và học để thi với điểm số cao. “Giáo dục tố chất để làm gì khi rất nhiều nhà tuyển dụng chỉ tuyển sinh viên tốt nghiệp các trường nổi tiếng?” - các bậc cha mẹ hỏi.

Sau vụ việc ở Nam Kinh Nhất Trung, đầu tháng 8, phụ huynh các trường THPT ở thành phố Ninh Ba cũng đứng ngồi không yên khi Sở giáo dục quy định nhiều trường cho học sinh nghỉ thứ bảy, chủ nhật.

Các cha các mẹ sốt ruột nói rằng nghỉ cuối tuần là làm lãng phí thời gian ôn thi, nên nhiều vị đòi Sở giáo dục trao quyền cho nhà trường tự sắp xếp kế hoạch ôn thi vào cuối tuần.

Một học sinh lớp 1 viết bài. Ảnh: jxycu.ed.cn
Một học sinh lớp 1 viết bài. Ảnh: jxycu.ed.cn

Đất sống vĩnh cửu cho giáo dục ứng phó thi cử

Giáo dục để ứng phó thi cử xuất hiện vào những năm 1980 ở Trung Quốc. Do kỳ thi Gaokao cạnh tranh gay gắt nên nhiều trường tự hào vì có học sinh thi đỗ đại học danh tiếng, tỉ lệ đậu đại học trở thành thương hiệu chiêu sinh của các cơ sở giáo dục cũng như thành tích của chính quyền địa phương.

Vì vậy, một số trường bắt đầu chọn cách giáo dục riêng, không tuân theo quy định của Bộ giáo dục: năm lớp 12 hầu như chỉ để luyện thi, học cách đoán đề, làm đề thi mẫu, ôn tập…

Hiện tượng này dần dần phổ biến ở cả năm cuối cấp II, rồi cuối cấp I, thậm chí mẫu giáo vào lớp I cũng đều phải luyện thi. Cả một nền giáo dục treo biển “ứng phó thi cử” hình thành từ đó.

Tại 4 lò luyện thi đại học nổi tiếng nhất ở Trung Quốc hiện nay là trường trung học Mao Thản Xưởng, Hằng Thủy, Huỳnh Cương và Đan Thành, mỗi ngày học sinh học 18 tiếng, chỉ nghỉ để ăn cơm và ngủ.

Các em bị gọi là những cái máy thi, điểm cao nhưng thiểu năng. Nhưng những học sinh ở đây đa phần xuất thân gia đình nghèo khó, hiểu rõ chỉ có con đường vào trường đại học danh giá mới giúp họ đổi đời.

Mao Thản Xưởng – ngôi trường được mệnh danh là "công xưởng sản xuất sĩ tử" lớn nhất Trung Quốc - nằm ở một vùng đồi núi heo hút ở tỉnh An Huy. Với các học sinh, chỉ có một con đường duy nhất ra khỏi đây, mà mô hình giáo dục tố chất không thể cho họ.

Theo lý giải của chuyên gia giáo dục Trung Quốc, giáo dục tố chất là giáo dục chú trọng phát triển toàn diện cả trí - đức - thể - mỹ, tức là có tri thức, văn hóa, đạo đức, lý tưởng và kỷ luật. Nhưng với đa số người dân Trung Quốc, giáo dục tố chất là cách giáo dục chú trọng văn thể mỹ, xem nhẹ toán lý hóa. Và thế là rất không ổn.

Học sinh lớp 12 ôn thi với tài liệu chất đầy bàn. Ảnh: Baidu
Học sinh lớp 12 ôn thi với tài liệu chất đầy bàn. Ảnh: Baidu

Cải cách giáo dục bắt đầu từ giáo dục phụ huynh

Năm 2018, chính quyền trung ương Trung Quốc từng ban hành quy định giảm tải giáo dục, kêu gọi “giảm 30 gánh nặng”, bao gồm giới hạn 90 phút làm bài tập về nhà mỗi ngày, chấm dứt thói quen so sánh con cái mình với con “nhà người ta”, cấm dạy thêm tràn lan ngoài nhà trường, tước bỏ tư cách giảng dạy của các giáo viên lôi kéo học sinh học thêm…

Năm nay, để ngăn chặn các trường luyện thi chạy đua, họ công bố danh sách các môn học phù hợp với các nhóm tuổi nhất định. Ví dụ, trẻ dưới 9 tuổi không phải học cách cộng và trừ với các số có bốn chữ số trở lên.

Còn theo tờ Nhân Dân Nhật Báo, nỗ lực giảm tải của ngành giáo dục nước này thậm chí đã bắt đầu từ năm 1955 với quy định giảm tải đầu tiên. Từ đó đến nay đã có hơn 10 quy định giảm tải, ở cấp địa phương có nơi có hơn 100 quy định giảm tải. Nhưng tất cả công cốc trước ý chí quyết chiến của phụ huynh.

Năm 2004, nước này hủy bỏ kỳ thi vào lớp 6, chỉ xét tuyển vào trường gần nhà. Nhưng do các trường có chất lượng khác nhau, các phụ huynh lại đều muốn con mình vào trường điểm. Kết quả là các trường ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên tuyển sinh các em có năng khiếu, từng đoạt giải toán Olympic, từng tham gia lớp thực nghiệm đặc biệt, con em doanh nghiệp trên địa bàn…

Điều tra của Đại học Nhân dân Trung Quốc với gần 20.000 học sinh THCS và phụ huynh ở 20 tỉnh thành nước này năm 2014 cho thấy có hơn 1/4 học sinh học không đúng tuyến là do kén chọn trường.

Quy định giảm tải còn bị vô hiệu hóa bởi chế độ giáo dục THCS, THPT không đổi, số lượng trường điểm không đổi. Kết quả là biến mô hình giáo dục ứng phó thi cử từ công khai sang âm thầm, thành cuộc chiến giữa các phụ huynh.

“Chỉ chi cho một mùa hè mà từ giai cấp trung sản thành vô sản”

Đó là lời rên rỉ của một phụ huynh trên WeChat. Theo điều tra chi tiêu giáo dục năm 2020 trên trang jiemodui.com, 39% phụ huynh cho biết thu nhập giảm, chỉ 2% là tăng. Nhưng có tới 38% phụ huynh cho biết sẽ tăng chi tiêu giáo dục cho con, 45% phụ huynh duy trì mức chi cũ. Chi phí giáo dục này chủ yếu là chi cho việc học thêm.

Mức chi càng ngày càng tăng cao, theo Điều tra chi tiêu giáo dục cho con cái trong gia đình năm 2019 của Tổ chức NASDAQ JOBS, là từ 12.000 - 36.000 tệ/năm. 38,8% gia đình cho biết mức chi này chiếm 20 - 30% thu nhập hằng năm của gia đình.

Khi Jack Ma van nài phụ huynh

Cuối tháng 8 vừa qua, tỉ phú Jack Ma đến thăm học sinh Trường Vân Cốc và có một bài phát biểu dài, kêu gọi phụ huynh nghĩ lại.

“Giáo dục đang trở thành vấn đề đáng quan tâm nhất của người dân, nhà nhà đều lo lắng. Nỗi lo của xã hội gây áp lực cho phụ huynh, phụ huynh gây áp lực cho nhà trường, nhà trường gây áp lực với học sinh. 200 năm trước, chúng ta tụ tập trẻ em lại, thầy nói trò nghe. Đến nay giáo dục của chúng ta vẫn như vậy. 200 năm trước, chúng ta có quá ít sự lựa chọn, còn tương lai trẻ em có vô số sự lựa chọn…

Các bậc phụ huynh đã từng nghĩ đến chưa: những đứa trẻ mà chúng ta quan tâm nhất, nếu không thay đổi hình thức giáo dục, trẻ em 30 năm sau sẽ bị đào thải. Bất kỳ một cuộc thi nào, nếu chỉ chú trọng thành tích sẽ khiến nền giáo dục bị lạc lối...

Thi cử thực chất là đang đánh giá nhà trường, thầy cô sử dụng phương pháp giảng dạy có đúng không, học sinh có tiếp nhận hay không, có cần điều chỉnh không. Còn nay, thi cử chỉ để xếp hạng học sinh, phụ huynh cũng bị cuốn theo, nhà trường cũng bị cuốn vào.

Nhiều người lo lắng hiện có nhiều giáo viên không đủ tiêu chuẩn, tôi cho rằng hiện phụ huynh không đủ tiêu chuẩn còn nhiều hơn. Tôi muốn mọi người hãy nhớ lấy, học sinh chưa hoặc thậm chí không nên là niềm hi vọng, là tương lai của phụ huynh. Đó là hi vọng và tương lai của chính các em.

Các em không phải là sản phẩm công nghiệp trong dây chuyền sản xuất của chúng ta, mỗi trẻ em đều là một tác phẩm của tạo hóa, là tác phẩm nghệ thuật có một không hai. Tôi mong rằng mỗi học sinh, mỗi phụ huynh đều cảm thấy tự hào vì có một đứa con khác với mọi người.

Chúng tôi có yêu cầu thi cử và tiêu chuẩn đánh giá đối với từng học sinh khác nhau, nếu dùng khả năng leo cây để đánh giá năng lực của một con hổ, con hổ nhất định sẽ rớt, tiếc rằng hiện nay rất nhiều phụ huynh đang ép hổ leo cây. Chúng ta phải làm người ủng hộ trẻ chứ không phải khống chế trẻ”. ■

Những kỳ thi Gaokao nghẹt thở qua minh họa John Oquist (Nguồn: SupChina)

 

 

“Không phải đang học thêm thì là đang trên đường đi học thêm”

Nếu con bạn đang học lớp 1? Cháu cần học thêm 4 lớp: tiếng Anh, thư pháp, piano và kỹ năng MC. Cuối tuần là thời gian cho các cháu học “18 ban võ nghệ”. Ngày cuối tuần ở trung tâm thương mại Kim Đỉnh ở Liêu Thành Sơn Đông, một cửa hàng làm đẹp cho trẻ em đông nghịt người.

Một nhân viên cho biết cuối tuần các em tham gia nhiều lớp năng khiếu nên cần trang điểm làm tóc. Một em bé 8 tuổi được trang điểm kỹ lưỡng vì hôm nay em phải tham gia lớp piano và lớp người mẫu nhí.

Tờ Liêu Thành Nhật Báo từng ghi lại cảnh tượng ở cổng một trường dạy múa, một cô bé vừa khóc vừa nói: “Mẹ ơi, con không muốn đi, con không muốn học múa!”, bà mẹ cố đẩy con về phía cô giáo, vừa mắng vừa gạt bàn tay đang nắm chặt vạt áo mẹ của bé và nhanh chân rời khỏi trường.

Thế rồi, thể dục cũng phải học thêm. Sự thể là vì cuối tháng 9 vừa qua, Tổng cục Thể thao và Bộ Giáo dục nước này quyết định đưa môn thể dục thành môn tính điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THCS.

Nghe nói tính điểm, các bậc phụ huynh lại nháo nhào đi tìm chỗ để học thêm, giáo viên thể dục mở lớp học thêm buổi tối. Vài phụ huynh lúc đầu kiên cường không cho con học thêm, kết quả là sau 10h tối, con làm bài tập về nhà xong lại kêu bố mẹ dậy để cùng luyện thể dục. Được một thời gian, cha mẹ nào cũng đầu hàng, thôi thì mày đi học thêm thể dục cho bố mẹ yên, trang the paper.com tường thuật.



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận