Trung Quốc và cuộc khủng hoảng Triều Tiên

DANH ĐỨC 07/04/2013 23:04 GMT+7

TTCT - Đúng ngày “cá tháng tư” năm nay, Bình Nhưỡng đưa ra một thông điệp kép: “Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên sẽ đẩy mạnh cả xây dựng kinh tế lẫn phát triển hạt nhân như là một phần của đường hướng chiến lược mới...” (1).

Có vẻ như Bình Nhưỡng đang dịu giọng đôi chút. Trong chuyển biến này, Trung Quốc đã đóng vai trò gì?

Phóng to
Bình Nhưỡng dự tính khởi động lại lò phản ứng hạt nhân Yongbyon bị đóng cửa từ năm 2007 nhằm sản xuất plutonium nhiều hơn cho vũ khí hạt nhân và sản xuất điện trong nước. Ảnh do Hãng tin Hàn Quốc Yonhap công bố ở Seoul ngày 2-4 - Ảnh: Reuters

Loan báo về sách lược mới của Triều Tiên có vẻ là một bước “xì hơi” đầu tiên quả bong bóng chiến tranh được bơm lên trước đó trong danh dự: thôi được rồi, nay chúng tôi sẽ tập trung lo làm kinh tế, song vẫn tiếp tục phát triển hạt nhân, hãy để yên chúng tôi! Kèm theo đó là tin tức về việc tái bổ nhiệm ông Pak Pong Ju làm thủ tướng. Có vẻ như những đám mây của cột nấm hạt nhân mà người ta có thể mường tượng sau những cảnh cáo “chiến tranh hạt nhân tổng lực” của Bình Nhưỡng đang muốn bay đi.

Bắc Kinh khuyên bảo Bình Nhưỡng?

Sau khi Bình Nhưỡng bắt đầu cảnh cáo từ hôm thứ năm 7-3 “sẽ tiến hành các hành động phản kích thực tiễn nhằm đáp trả những hành vi hiếu chiến của Mỹ cùng các lực lượng thù nghịch khác, đồng thời vô hiệu hóa hoàn toàn hiệp định đình chiến Triều Tiên”, trên báo chí thế giới đã có không ít mong mỏi rằng Bắc Kinh sẽ dùng vị thế của mình răn đe Bình Nhưỡng, nhất là sau khi Trung Quốc đã nhất trí với toàn thể Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên nặng nề hơn.

Ngay sau vụ thử hạt nhân lần thứ ba của Triều Tiên hôm 12-2, một số báo đã nhanh chóng đưa tin “đồng minh Trung Quốc của CHDCND Triều Tiên lên án vụ thử hạt nhân” và nhấn mạnh đến vai trò khuyên bảo của Trung Quốc nơi Triều Tiên (2). Hai tuần sau, tờ Financial Times (27-2-2013) đặt vấn đề “Vụ thử hạt nhân lần thứ ba này là thời điểm tốt cho Trung Quốc đánh giá lại sự liên minh lâu đời của mình với triều đại nhà Kim...”, để rồi khuyên “Trung Quốc nên bỏ rơi Triều Tiên”...

Đến thứ năm 7-3, việc Trung Quốc nhất trí với nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an tăng cường trừng phạt Triều Tiên đã được hoan nghênh. Những dòng tít hay bình luận như của Hãng tin Reuters: “Đại diện của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc muốn thực thi trọn vẹn nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, giảm căng thẳng, nối lại (các biện pháp) ngoại giao” đầy rẫy tin tức hôm ấy.

Sau khi Triều Tiên phản ứng bằng những đe dọa nay Hàn Quốc, mai Nhật Bản, ngày mốt cả Mỹ, dư luận ấy lại lên tiếng trông mong Bắc Kinh. Ngày 14-3, CNN chạy tít: “Liệu cuối cùng thì Trung Quốc cũng sẽ “cắn” CHDCND Triều Tiên?” sau khi kể tội Bình Nhưỡng: “Triều Tiên, đồng minh lâu đời của Trung Quốc, đã làm phật lòng Bắc Kinh từ mấy năm qua với những vụ phóng tên lửa, thử hạt nhân, bắt cóc ngư dân Trung Quốc, cùng các ứng xử lệch lạc khác...”. Mười ngày sau, đến lượt nhật báo Anh The Independent (24-3) giật tựa: “Trung Quốc bắt đầu cứng với Triều Tiên” kèm nhận xét “Trung Quốc đang tìm cách trừng phạt đồng minh Triều Tiên của mình vì những vụ thử hạt nhân và tên lửa...”.

Liệu có bao che?

Thật ra, màn biểu dương Trung Quốc đồng thuận bỏ phiếu trừng phạt và “trông mong” Bắc Kinh ra tay với Bình Nhưỡng chỉ là một màn kịch giả “ngây thơ cụ”. CNN lật ngửa lá bài: “Bắc Kinh đã chơi trò xen vào can thiệp ở Liên Hiệp Quốc nhằm làm nhẹ đi những trừng phạt Bình Nhưỡng, thậm chí còn đã giúp Bình Nhưỡng lách các trừng phạt... Đừng ai (đánh giá) thái quá ý nghĩa của những diễn biến gần đây (trong thái độ của Trung Quốc).

Nói cho cùng, trong các cuộc thương thuyết ở Liên Hiệp Quốc về các trừng phạt, lần này cũng như trước đây, Trung Quốc đã kiên trì đóng vai trò hạ hỏa mức độ trừng phạt Bình Nhưỡng. Trong quá khứ, các công ty Trung Quốc đã giúp Triều Tiên lách trừng phạt. Để xem lần này Bắc Kinh có định thực thi các biện pháp mới này không”.

Nếu tính từ khi Triều Tiên thử hạt nhân hôm 12-2 đến khi Hội đồng Bảo an ra được một nghị quyết với đầy đủ 15 lá phiếu thuận cho bản dự thảo do Mỹ soạn, tức đến ngày 7-3, đã phải mất đến hơn ba tuần “cò kè bớt một thêm hai” giữa đại diện Mỹ và đại diện Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc.

Thật ra, nghị quyết trừng phạt mới này cũng chẳng ghê gớm gì lắm đối với dân chúng, mà chỉ với một số “tai to mặt lớn” cùng một số cơ quan của Triều Tiên như cấm bán các thiết bị kỹ thuật hạt nhân, hàng xa xỉ như nữ trang và xe đua, cấm di chuyển trên thế giới, phong tỏa tài sản ở các ngân hàng của một số quan chức khác hay cơ quan khác như Viện hàn lâm Khoa học tự nhiên thứ nhì ở Bình Nhưỡng... (3). Thương mại với Triều Tiên vẫn bình thường, trừ các mục cấm. Bằng cớ là Liên minh châu Âu (EU) vẫn buôn bán với Triều Tiên.

Theo thống kê chính thức của EU, trong quý 1-2012, Triều Tiên nhập của EU 40 triệu euro, xuất sang khối này 7 triệu euro. Năm trao đổi thương mại “kỷ lục” là 2008: Triều Tiên nhập 105 triệu euro, xuất 101 triệu euro. Năm 2009 sau đó cũng kha khá, nhập 80 triệu euro, xuất 46 triệu euro (4).

Trong khi đó, trao đổi thương mại với Trung Quốc năm 2011 lên đến 5,63 tỉ USD. Thành ra, vấn đề là Triều Tiên có tiền để mua của ai cũng như muốn mua những gì và có gì để bán cho ai. Tỉ như ngay với Trung Quốc, năm 2011 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng 60% so với năm trước đó, theo Los Angeles Times ngày 28-12-2012.

“Mặt trận" Triều Tiên vẫn yên tĩnh

Đến sáng thứ ba 2-4, đã hết “cá tháng tư”, tin “Triều Tiên hé lộ mục tiêu kép xây dựng kinh tế và năng lực hạt nhân” hôm trước vẫn còn đó trên trang chủ của Tân Hoa xã (5), được giới thiệu trong mục “Ưa thích nhất”. Còn tin vơđet thứ nhì là “Không có chuyển động quân sự lớn được trông thấy ở CHDCND Triều Tiên: Nhà Trắng (Mỹ)”.

Cả hai phía Washington và Bắc Kinh cũng yên tĩnh, còn Bình Nhưỡng thì “thôi nhé, để xây dựng kinh tế cái đã”. Tất nhiên CHDCND Triều Tiên cũng đồng thời xây dựng hạt nhân, song thứ tự nêu ra giữa hai mục tiêu này cho thấy xu hướng “xây dựng kinh tế”.

Điều này cũng tương tự nhắn nhủ hôm thứ sáu 29-3 của phó thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest trên chuyên cơ đưa Tổng thống Obama đi nghỉ lễ Phục sinh tận Miami: “Con đường dẫn đến hòa bình cho phía Triều Tiên rất rõ ràng. Họ cần ngưng các hành động khiêu khích và não trạng hiếu chiến..., đặt lợi ích dân chúng lên trên hết... cơm ăn áo mặc, thực phẩm, thuốc men...”. Êkip Obama thản nhiên rời Washington nghỉ lễ Phục sinh trong khi Bình Nhưỡng hô hào “tình trạng chiến tranh”!

Có lẽ ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh muốn “nắn gân” chính quyền Obama nhiệm kỳ 2 xem liệu Washington có vì bị cắt giảm ngân sách (trong đó ngân sách quốc phòng 10% mỗi năm) mà “buông” biên cương xa của mình bên kia Thái Bình Dương hay không. Nhưng việc không quân Mỹ thản nhiên tung pháo đài bay B-52 cùng oanh tạc cơ tàng hình B-2 đến, bất chấp đe dọa tấn công liên lục địa của Bình Nhưỡng, đủ để cho thấy rằng lực và ý chí của Mỹ không suy suyển.

____________

(1) http://news.xinhuanet.com/english/video/2013-04/01/c_132276241.htm
(2) “North Korea’s ally China condemns nuclear test”, Euronews, 12/2/2013
(3)
http://www.un.org/apps/news/story.asp?NewsID=44313&Cr=democratic&Cr1=korea#.UVoiszX-Lrc
(4) http://trade.ec.europa.eu/doclib/docs/2006/september/tradoc_113428.pdf
(5) http://www.xinhuanet.com/english/home.htm

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận