Võ Nguyên Giáp - Một sinh viên "ưu thời mẫn thế"

TTCT 13/10/2013 21:10 GMT+7

TTCT - Có rất nhiều điều tạo nên nhân kiệt Võ Nguyên Giáp, mà những hoạt động của một trí thức trẻ trong ngày đầu dấn thân vào con đường tranh đấu cho đất nước độc lập đóng góp một ý nghĩa quan trọng.

Giáo sư John Kleinen - khoa nhân chủng học và xã hội học, Đại học Amsterdam (Hà Lan) - dành riêng cho TTCT một tư liệu quý về Võ Nguyên Giáp trong giai đoạn này mà ông có được trong một bài phỏng vấn thực hiện năm 1994 với Pierre Gourou (1900-1999) - thầy giáo của ông Võ Nguyên Giáp.

Phóng to
Cuốn sách của P. Gourou sử dụng nhiều tư liệu mà ông Giáp nghiên cứu thu thập - M.N.

“Một cộng sự khác của ông Gourou, Võ Nguyên Giáp (sinh 1911), vị tướng chiến thắng về sau đánh bại người Pháp ở Điện Biên Phủ (1953-1954), cung cấp cho chúng tôi một góc nhìn khác về mối quan hệ Pháp - Việt. Ông Giáp làm việc với ông Gourou về vấn đề “các loại nhà ở miền Trung Việt Nam”, ông Gourou dùng các nghiên cứu này trong một cuốn luận văn sơ thảo.

Ông Gourou không đề cập tới đóng góp của ông Giáp trong tác phẩm xuất bản năm 1936, nhưng có lẽ điều này không liên quan nhiều tới tính toán về quyền tác giả (không nêu tên hay không công nhận chính thức người trợ lý) mà bởi ông Giáp là một cựu tù chính trị.

Được trả tự do năm 1931 và đưa về Hà Nội, ông Giáp học ông Gourou ở Trường Albert Sarraut để lấy bằng tú tài. Ông Gourou nhớ ông Giáp là một sinh viên nhận thức nhanh nhạy và ham học hỏi. Ông ghi chép rất hăng trong các lớp học về lịch sử chiến tranh châu Âu.

Ông Giáp cũng tổ chức một mạng lưới bí mật của các sinh viên quyên tiền cho Đảng Cộng sản Đông Dương, và liên quan tới các cuộc biểu tình của sinh viên ở Huế sau thất bại của khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc Dân Đảng lãnh đạo.

Bị bắt giữ và bị Tòa án tỉnh Thừa Thiên tuyên 2 năm lao động khổ sai, vào cuối năm 1930 ông được trả tự do. Nhờ đó ông có thể ghi danh học luật ở Đại học Hà Nội và tốt nghiệp bằng luật (1937) và kinh tế chính trị (1938).

Sau khi được ân xá, ông Giáp “sống cuộc đời của một sinh viên luật, giáo viên dạy cấp III, nhà báo, biên tập viên và thành viên Đảng Cộng sản Đông Dương”.

Có thể ông Giáp đã sử dụng vỏ bọc do ông Gourou cung cấp để tới tỉnh quê ông Quảng Bình, phía bắc kinh thành Huế miền Trung Việt Nam. Ông Giáp đã giúp ông Gourou thu thập thông tin cho luận văn vào mùa hè năm 1935, trong đó ông có sử dụng các ghi chép và bản vẽ phác họa các mẫu nhà của ông Giáp dọc theo vài tỉnh miền Trung.

Kiến thức sâu rộng của ông Giáp về nông thôn giúp ông viết cuốn Vấn đề dân cày (1937-1938) dưới bút danh Vân Đình, cùng với Trường Chinh (bút danh Qua Ninh), nhà tư tưởng chính của Đảng Cộng sản.

Ông Giáp cũng trình bày một báo cáo chỉ trích chính quyền về tình trạng của người nông dân trước Mặt trận bình dân Đông Dương. Cả báo cáo này và cuốn sách cho thấy kiến thức sâu rộng của ông Giáp về đời sống của người nông dân Việt Nam... Vấn đề dân cày sẽ trở thành một tuyên ngôn cho những cải cách sâu sắc đời sống kinh tế và chính trị người nông dân Việt Nam và là then chốt trong cách tư duy và lên kế hoạch của những người cộng sản Việt Nam những năm 1930.

Rốt cuộc thì cuộc chiến giành độc lập của Việt Nam được quyết định ở những làng mạc, nơi ông Giáp tuyển mộ thành viên cho “quân đội nhân dân” của ông sau này sẽ lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp.

Ông Gourou gặp ông Giáp lần nữa ở hội nghị Đà Lạt, được tổ chức năm 1946 với mục đích ngăn ngừa một cuộc chiến tranh Pháp - Việt, và mô tả ông Giáp là “người thương thuyết của phe cộng sản”... Hai người lại gặp nhau lần nữa vào đầu những năm 1990.

Trong cuộc phỏng vấn bốn giờ của tôi với Gourou ở nhà ông tại Brussels tháng 8-1994, ông nói với tôi rằng ông Giáp, lúc đó đang ở Paris trị bệnh, đã lặng lẽ tới Brussels để thăm thầy cũ và họ nói về quá khứ. Gourou và Giáp thuộc về hai thế giới khác nhau và đã bày tỏ những quan điểm khác nhau cơ bản về tương lai của Đông Dương/Việt Nam ở Đà Lạt.

Nhưng một lần nữa, vượt qua những khác biệt và cả những đối lập, hai nhân vật nổi tiếng này có một mối liên hệ dài lâu, vượt qua cuộc chiến tranh Đông Dương, cuộc chiến rất quan trọng với con đường chính trị của ông Giáp, như một trí thức và nhà cách mạng cộng sản. Tâm tưởng họ gặp nhau ở hình ảnh làng quê Việt Nam”.

Giáo sư John Kleinen cho TTCT biết ông đã gặp ông Võ Nguyên Giáp không lâu sau hội thảo lần thứ nhất về nghiên cứu Việt Nam do giáo sư Phan Huy Lê tổ chức: “Tôi đã gửi cho ông ấy bài phỏng vấn Gourou và ông Giáp chưa bao giờ bác bỏ những gì ông Gourou nói với tôi. Tôi ngưỡng mộ sự can đảm của ông Võ Nguyên Giáp. Tôi hiểu tại sao ông ấy lại được yêu mến như thế ở Việt Nam”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận