Xuất khẩu gạo rong thời COVID-19: Cửa hẹp, cơ hội ngắn, không nên bỏ lỡ

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 25/04/2020 23:04 GMT+7

TTCT - Có thể khẳng định, không chỉ trên bình diện quốc gia mà cả trên bình diện quốc tế, dịch COVID-19 là “thủ phạm chính” gây xáo trộn thị trường lúa gạo. Hãy nhìn vào bức tranh tổng thể này để nhận diện những cơ hội cho riêng mình, khắc phục những điều không ổn hiện nay và thích ứng tốt nhất trong thời gian tới.

Công nhân cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang đưa gạo chuyển qua tàu Hà Đồng vận chuyển đi Philippines vào sáng 21-4. Ảnh: Bửu Đấu
Công nhân cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang đưa gạo chuyển qua tàu Hà Đồng vận chuyển đi Philippines vào sáng 21-4. Ảnh: Bửu Đấu

COVID-19 là "thủ phạm chính"

Ngay từ trước khi bước vào năm 2020, thị trường lúa gạo thế giới đã được dự báo là sẽ đối mặt với tác động kép chưa từng có. Đó là hạn hán và hiểm họa dịch COVID-19.

Trong bối cảnh ấy, và trước việc xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng đột biến 31,7% về lượng và 39,4% về giá trị trong hai tháng đầu năm (riêng tháng 2 tăng “khủng” 94% về lượng và 104,2% về giá trị), rất dễ hiểu mối lo ngại của nhiều người rằng trong xu hướng nhiều nước đang tăng tích trữ gạo mà Việt Nam cứ hồn nhiên xuất khẩu thì rất có thể dẫn đến rủi ro về an ninh lương thực cho đất nước.

Tuy vậy, các số liệu cho ta một bức tranh bình tĩnh hơn nhiều.

- Thứ nhất, cho dù bị hạn hán đe dọa, sản lượng lúa của một số quốc gia có vị trí rất quan trọng bị giảm, nhưng cán cân cung - cầu gạo thế giới vẫn rất vững. Dự báo hồi thượng tuần tháng 4 này của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy tuy sản lượng gạo của cường quốc xuất khẩu gạo số 2 thế giới Thái Lan năm nay giảm rất mạnh (tới 2,34 triệu tấn, tức là giảm 11,5% so với năm 2019), của Trung Quốc cũng giảm tới 1,76 triệu tấn, Hoa Kỳ giảm 1,24 triệu tấn..., nhưng tổng sản lượng gạo của thế giới vẫn đạt 496 triệu tấn.

Đây là mức giảm thấp (chỉ gần 3 triệu tấn, tức khoảng 0,6%). Lý do cán cân cung - cầu này vững là vì nhiều quốc gia khác có sản lượng tăng rất khá, nhiều nhất là Ấn Độ (tăng 1,52 triệu tấn), Ai Cập 1,5 triệu tấn, Bangladesh cũng tăng tới 941.000 tấn...

Trong khi đó, tổng tiêu dùng gạo thế giới năm 2020, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (ngày 9-4-2020), dẫu có tăng nhưng cũng chỉ ở mức hơn 489 triệu tấn, vẫn thấp tương đối đáng kể so với sản lượng.

Không chỉ thế, tổng dự trữ rất lớn đó lại sẽ được bổ sung vào cuối năm nay, đủ sức đáp ứng 135 ngày tiêu dùng. Đây là số ngày gần bằng kỷ lục 136 ngày tiêu dùng của năm 2001 - năm mà giá gạo thế giới “lạnh” kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua. Để dễ hình dung hơn, đây là mức cao gấp đôi so với mức đáy 66 - 70 ngày tiêu dùng của những năm sốt nóng giá gạo thế giới gần nhất.

Như vậy, tương quan cung - cầu năm nay thực ra cũng không thuận lợi thêm nhiều cho các quốc gia xuất khẩu gạo, bởi toàn bộ lượng nhập khẩu của thế giới năm nay sẽ chỉ đạt hơn 41 triệu tấn. Đây là một mức thậm chí còn giảm đáng kể so với năm 2019, so với năm 2018 còn giảm tới 8,8 triệu tấn.

- Thứ hai, khi dịch COVID-19 lây lan rất mạnh và nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu, điều dễ hiểu là nhiều quốc gia có nhu cầu sẽ tiến hành nhập khẩu gạo sớm để phòng ngừa bất trắc. Đây là yếu tố chủ yếu khiến thị trường lúa gạo thế giới bất ổn và Việt Nam là nơi các quốc gia nhập khẩu gạo hướng tới.

Ở khu vực này, khi nhìn về phía Thái Lan, ta sẽ thấy họ đang trải qua điều gì: hạn hán gây mất mùa lớn đồng nghĩa với nguồn cung bị thắt chặt, và đó chắc chắn là yếu tố quan trọng hàng đầu đẩy giá gạo tăng.

Bên cạnh đó, đồng baht tăng giá mạnh trong một thời gian rất dài đã khiến giá gạo xuất khẩu càng thêm đắt đỏ. Cuối cùng, dịch bệnh nghiêm trọng khiến lực lượng lao động thiếu hụt cũng làm khó chuỗi giá trị lúa gạo của họ.

Việt Nam thì khác: dù giá gạo xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng mạnh, nhưng đây vẫn là mức giá rất dễ chịu, khiến gạo Việt hấp dẫn được nhiều khách hàng hơn. Các số liệu thống kê của FAO cho thấy: giá chào xuất khẩu gạo 5% tấm cuối năm 2019 của Thái Lan là 432 USD/tấn nhưng của Việt Nam chỉ là 344 USD/tấn. Các con số tương đương hồi đầu năm nay là 451 và 346 USD/tấn; sang tới tháng 3, người Thái vẫn bán 494 USD/tấn, Việt Nam lên được 404 USD/tấn...

Khoảng cách giá đó khiến Thái Lan mất dần thị trường châu Á. Tổng khối lượng gạo xuất khẩu của nước này sang bốn thị trường châu Á chủ yếu gồm: Philippines, Malaysia, Trung Quốc và Indonesia hai tháng đầu năm chỉ còn 300.000 tấn (mức giảm 76,6%).

Trước đó, họ đã bị giảm hơn 300.000 tấn (41,7%) trong sáu tháng cuối năm 2019 so với nửa đầu năm. Phía Việt Nam thì ngược lại, xuất khẩu sang bốn thị trường này hai tháng đầu năm nay đã tăng 160.000 tấn (43,3%).

Nếu không có sự gián đoạn xuất khẩu do Chính phủ quyết định tạm ngừng xuất gạo từ ngày 20-3, tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ không dừng ở mức 1,52 triệu tấn (mức tăng 8%). Thái Lan giảm 42,2% (2 tháng đầu năm 2020).

Theo một vị phó chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, trước đây các nhà nhập khẩu thích giao 50% đơn hàng (chẳng hạn 50% giao trong tháng 3 và phần còn lại vào tháng 4), nhưng “nay họ muốn chúng tôi giao ngay lập tức 100% khối lượng đặt mua”. Sự thúc hối đó càng tạo cảm giác rằng thị trường xuất gạo nóng bỏng, trong khi các con số nói lên điều khác.

Trong thời điểm lệnh tạm ngừng ký kết các hợp đồng xuất khẩu gạo được ban bố ở Việt Nam, một loạt quốc gia xuất khẩu gạo cũng ngừng chào hàng, hàng loạt chuỗi giá trị xuất nhập khẩu gạo bị đứt chưa từng có. Khi chỉ còn “một mình một chợ”, giá gạo của Thái Lan tăng vọt (đạt mức kỷ lục từ năm 2014 đến nay), nhưng đó đã là cảnh “chợ chiều”.

Gạo chuẩn bị xuất khẩu. Ảnh: Bửu Đấu

Thích ứng với đại dịch

Trung tuần tháng 4, khi xuất khẩu gạo được cho phép trở lại ở Việt Nam, Pakistan cũng đồng thời chào giá xuất khẩu trở lại. Ngay lập tức, giá chào của Thái Lan giảm mạnh. Do vậy, có thể khẳng định, một khi đại dịch được kiểm soát, các chuỗi giá trị xuất nhập khẩu gạo sẽ được nối lại, nếu không thiếu nguồn cung thông thường nào thì giá gạo thế giới sẽ hạ nhiệt. Cánh cửa mở ra nhưng cơ hội khá ngắn là vì vậy.

Đẩy mạnh xuất khẩu gạo là bước đi thích hợp, vì lượng gạo vụ đông - xuân của vùng ĐBSCL phục vụ xuất khẩu hiện lên tới khoảng 3 triệu tấn (theo khẳng định của các nhà quản lý). Tháng 5 này, lúa hè - thu ở đây cũng như vụ đông - xuân ở các vùng khác sẽ bắt đầu cho thu hoạch, nguồn cung sẽ tăng rất mạnh, chắc chắn đủ để bảo đảm an ninh lương thực trong nước.

Một khía cạnh khác dễ thấy về mặt hành vi tiêu dùng: sự thích ứng với đại dịch đã diễn ra rất tốt trong dân, nên tình trạng mua vét, tích trữ ào ạt lương thực dẫn đến mất an ninh lương thực là điều khó xảy ra.

Còn nhớ ngay trong đêm thành phố Hà Nội có cuộc họp khẩn về chống dịch, đã xuất hiện tình trạng mua vét hàng tiêu dùng thiết yếu, sáng hôm sau hàng hóa tại các chợ dân sinh cũng bị vét sạch; nhưng khi Thủ tướng phát lệnh giãn cách xã hội trên quy mô cả nước, tình trạng đó hầu như không tái hiện.

Những gì cần gỡ ngay lúc này để đẩy mạnh xuất khẩu gạo?

Trong khi câu chuyện “mở tờ khai 0h xuất khẩu 400.000 tấn gạo” tháng 4 còn chờ đợi một cuộc điều tra để làm rõ nhiều nghi vấn, vẫn có thể khẳng định việc các cơ quan chức năng không xem xét “các hợp đồng đã ký theo đúng quy định của pháp luật” là trái với lệnh của Thủ tướng “sẽ được xử lý cụ thể sau khi đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Công thương báo cáo”.

Đây là nút thắt đầu tiên phải lập tức gỡ bỏ, bởi việc xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 theo quyết định của Thủ tướng đã quá chậm trễ.

Tiếp theo, việc hạn chế xuất khẩu là để bảo đảm an ninh lương thực trong nước, nên việc hạn chế cả những loại gạo lâu nay chủ yếu để xuất khẩu - cũng chính là các mặt hàng xuất khẩu được giá hơn hẳn từ nhiều năm nay - là không phù hợp, thậm chí vô lý.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, lượng gạo nếp xuất khẩu của Việt Nam năm 2009 chỉ mới vượt qua ngưỡng 100.000 tấn, năm 2017 đạt kỷ lục hơn 1,4 triệu tấn, 2 năm gần đây đã giảm rất mạnh xuống hơn 800.000 tấn và dưới 700.000 tấn.

Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm hơn 80%, còn ba thị trường Đông Nam Á chiếm 16% (năm 2018). Còn đối với các loại gạo thơm, quy mô còn lớn hơn và thị trường cũng rất đa dạng. Do vậy, cần nhanh chóng loại các mặt hàng này ra khỏi hạn ngạch, áp lực giải phóng tồn kho sẽ được gỡ bỏ về cơ bản, đồng thời cũng tận dụng được cơ hội xuất khẩu được giá có nhiều khả năng sẽ không còn kéo dài.

Như vậy, nếu vẫn muốn đảm bảo (và trấn an) về an ninh lương thực mà kiên quyết áp dụng việc kiểm soát xuất khẩu bằng hạn ngạch thì việc này cũng chỉ nên giới hạn ở quy mô khoảng 1,5 triệu tấn gạo hiện đang còn nằm ở vùng ĐBSCL.

Thời điểm cho thu hoạch vụ hè - thu ở đây, cũng như thu hoạch lúa đông - xuân ở các vùng khác, đã cận kề trong bối cảnh việc kiểm soát COVID-19 của chúng ta vẫn đang thuộc hàng top thế giới là những thông tin có lẽ cũng dư sức bảo đảm mối quan tâm về an ninh lương thực trong nước. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận