Bóng đá Đức luôn biết đứng dậy nhanh chóng

HUY ĐĂNG 30/08/2020 23:08 GMT+7

Bayern Munich vô địch Champions League chỉ là phần ngọn trong hành trình hồi sinh của bóng đá Đức, sau kỳ World Cup 2018 ê chề…

Bayern Munich đăng quang Champions League là biểu tượng cho sức trẻ của người Đức. -Ảnh: NY Times
Bayern Munich đăng quang Champions League là biểu tượng cho sức trẻ của người Đức. -Ảnh: NY Times

Cũng như hơn 10 năm trước, làn gió tuổi trẻ là yếu tố quan trọng nhất trong sự đổi thay của người Đức.

Cách mạng phải trong tay người trẻ

Jose Mourinho 57 tuổi, Diego Simeone 50 tuổi, họ là những HLV đang ở vào độ tuổi “đỉnh cao phong độ” thường thấy của nghề khắc nghiệt này. Nhưng khi hai nhân vật lừng lẫy của bóng đá châu Âu đó lần lượt đụng độ Leipzig ở Champions League mùa giải này, người ta mới thấy họ đã thực sự già cỗi thế nào.

Người đánh bại họ - Julian Nagelsmann - 5 năm trước đã nổi danh là thần đồng trong giới HLV. Ở tuổi 28, ông trở thành HLV trẻ nhất lịch sử dẫn dắt một đội ở Bundesliga, còn trẻ hơn nhiều học trò của ông. 33 tuổi, Nagelsmann đã cùng Leipzig vào đến bán kết Champions League.

Làm cách mạng từ những nhân tố trẻ là chuyện thường tình, nhưng ít ai dám làm triệt để như người Đức, bắt đầu trẻ hóa từ chính đội ngũ quản lý. 16 năm trước, LĐBĐ Đức (DFB) chuẩn bị cho kỳ World Cup trên sân nhà bằng cách bổ nhiệm Jurgen Klinsmann vào chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia. Khi ấy Klinnsmann chưa đến tuổi 40. Hai năm sau, DFB chọn tiếp Matthias Sammer, mới 38 tuổi, cho ghế giám đốc thể thao.

Đó có lẽ là cuộc cách mạng gây đảo lộn nhất trong bóng đá hiện đại. Bao thập niên chinh chiến, bóng đá Đức nổi tiếng với thương hiệu lì lợm, đá bằng sức vóc, xù xì nhưng chắc chắn, nhàm chán nhưng hiệu quả.

Thoắt cái, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn. Từ dưới lên trên, các CLB và cả tuyển quốc gia Đức giờ chơi bóng đẹp mắt, tốc độ, cực kỳ hiện đại và vẫn giữ được tính hiệu quả ngày nào. Bundesliga bùng nổ bàn thắng và trở thành giải đấu đáng xem hàng đầu ở châu Âu.

Klinsmann và Sammer tất nhiên chỉ là những tên tuổi nổi bật của cả một hành trình dài, một cuộc cách mạng toàn diện với sự chung tay góp sức của cả nền bóng đá. DFB đã dũng cảm và sáng suốt khi bắt đầu cuộc cách mạng bằng những con người trẻ.

Sự thay đổi về tư duy chỉ có thể đạt được cùng họ. Klinnsmann dẫn dắt tuyển Đức vỏn vẹn 2 năm, còn Sammer cũng chỉ tại vị 6 năm, nhưng bấy nhiêu đã là đủ cho sứ mệnh tiên phong thay đổi tận gốc rễ một nền bóng đá.

Sau hơn 10 năm, bóng đá Đức một lần nữa đối mặt với một cuộc điều chỉnh lớn, khi họ thất bại liên tiếp ở World Cup 2018 và UEFA Nations League diễn ra sau đó, chưa kể ở cấp độ CLB, đã nhiều năm liền các đội bóng Bundesliga không gây được ấn tượng ở Champions League.

HLV đội tuyển Đức Joachim Löw không từ chức, nhưng khiến nhiều người ngỡ ngàng khi thẳng tay loại ba công thần kỳ cựu Thomas Müller, Jerome Boateng và Mats Hummels. Khẩu lệnh rất rõ, bóng đá Đức cần phải tiếp tục trẻ hóa, mọi dấu hiệu tự mãn và “sống lâu lên lão làng” sẽ không được chấp nhận.

Sự táo bạo của người Đức còn thể hiện qua băng ghế huấn luyện. Leipzig - đội bóng nằm trong top 4 Bundesliga - cả quyết mời về Nagelsmann, tự tin trao đoàn quân cũng trẻ tuổi của họ vào tay một viên tướng còn chưa dạn dày trận mạc.

Bayern Munich cũng làm theo khi quyết nói không với những chiến lược gia lão làng, tuy “đầu đầy sạn” nhưng cũng đã trở nên thủ cựu, lỗi thời - như Carlo Ancelotti hay Arsene Wenger - để đặt niềm tin vào Niko Kovac, rồi Hans-Dieter, đều chỉ ở lứa 49-50.

Đây tất nhiên không phải là lần đầu tiên người Đức đứng dậy thật nhanh sau thất bại, và không chỉ với thất bại trong bóng đá. Vì đại dịch, chúng ta chưa có cơ hội chứng thực sự thay đổi ở đội tuyển quốc gia Đức, nhưng các CLB Bundesliga đã cho thấy hi vọng là rất rõ ràng.

Bayern và Leipzig cùng vào bán kết Champions League, trong khi Dortmund, Leverkusen cũng tạo được dấu ấn mùa này, 3/4 đội bóng vào đến bán kết Champions League mùa này cũng do những HLV người Đức dẫn dắt (người kia là Thomas Tuchel ở PSG - cũng mới 46 tuổi).

Thành công nhờ đoàn kết

Vào tháng 5, khi các giải đấu hàng đầu châu Âu còn tranh cãi dữ dội về lịch thi đấu vì COVID-19, người Đức đã sớm đạt được sự thống nhất cho lịch trình nối lại các trận đấu. Hàng loạt biện pháp phòng chống, đối phó với dịch bệnh được đặt ra, và một tháng sau trở thành bản lề để cho cả thế giới bóng đá noi theo. Một lần nữa, bóng đá Đức lại thể hiện vai trò tiên phong.

Sự đoàn kết, thống nhất giữa các đội bóng Bundesliga là điều đáng chú ý nhất. Ở Anh, khi Liverpool muốn tiếp tục mùa giải để chính thức đoạt ngôi vô địch, hàng loạt chủ tịch và người hâm mộ bóng đá khác phản đối, không giấu được sự hả hê trước viễn cảnh Liverpool mất oan chức vô địch lịch sử.

Bundesliga không phải không có cạnh tranh, nhưng luôn dễ dàng đạt được các thỏa thuận vì lợi ích chung. Cả chuyện giảm lương vì đại dịch cũng vậy. Các đội bóng, giải đấu tranh cãi bất tận, thậm chí nảy sinh không ít mâu thuẫn nội bộ vì vấn đề lương bổng khi bóng không lăn.

Ở Đức, khi giải đấu vừa hoãn, thủ thành Bayern Manuel Neuer đã đứng ra thay mặt các tuyển thủ Đức gửi đến cộng đồng những khoản đóng góp của họ. Những đội như Bayern và Dortmund thì sớm quyết định giảm 20% lương với rất ít lời qua tiếng lại.

Sự đoàn kết đó còn giúp bóng đá Đức dễ tiến hành cách mạng hơn. Khi ông Löw loại bộ ba trụ cột của Bayern khỏi đội tuyển, ban lãnh đạo “Hùm xám” cũng đã nói ra nói vào không ít. Nhưng rồi chính Bayern là đội thể hiện quyết tâm cải cách đầu tiên.

Họ thanh lý Hummels để tạo điều kiện cho trung vệ 24 tuổi Niklas Sule được đá chính. Ở hàng công, hàng loạt ngôi sao kỳ cựu cũng được “dọn dẹp” để nhường lại sân khấu cho lứa Serge Gnabry, Leon Goretzka, Joashua Kimmich (đều 25 tuổi)…

Và không chỉ có Bayern trẻ hóa ở Bundesliga. Julian Brandt, Mahmoud Dahoud của Dortmund, Timo Werner của Leipzig (vừa chuyển sang Chelsea), Kai Havertz của Leverkusen, Matthias Ginter của Mönchengladbach hay Luca Waldschmidt của Freiburg, tất cả sẽ là nền tảng cho một thế hệ mới của “Die Mannschaft”. HLV Löw hoàn toàn có thể lựa chọn một đội ngũ gồm toàn những cầu thủ từ 25 tuổi trở xuống mà vẫn đủ sức đua tranh ở những sân chơi lớn nhất.

20 năm trước, người Đức phải tiến hành cuộc cải tổ toàn diện, từ phương thức đào tạo, cấu trúc nền bóng đá đến lối chơi để tạo nên một lứa cầu thủ hoàn toàn khác với truyền thống. Cuộc cải cách hiện giờ không lớn tới mức đó, bởi nó dựa trên nền tảng có sẵn là bóng đá Đức vẫn đều đặn sản sinh ra những ngôi sao tầm cỡ thế giới.

Việc Euro 2020 được dời sang năm 2021 có lẽ cũng là tin tốt cho Löw và các cầu thủ của ông. Họ sẽ có thời gian để trưởng thành hơn, và một năm nữa, ta sẽ thấy họ đáng sợ cỡ nào.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận