"Cần có chiến lược hồi hương báu vật VN"

THU HÀ THỰC HIỆN 29/05/2011 19:05 GMT+7

TTCT - “Điều ân hận nhất của chúng tôi - những người soạn thảo dự luật di sản năm 2001 - là một chính sách ở tầm vĩ mô nhằm đưa các cổ vật, báu vật VN hồi hương về đất mẹ dù đã manh nha lúc đó nhưng thời điểm cũng như nhận thức xã hội chưa thuận lợi để đưa vào”. TS Đặng Văn Bài, nguyên cục trưởng Cục Di sản Bộ VH-TT&DL, hiện là ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, phó chủ tịch Hội Di sản VN, chia sẻ với TTCT.

Trấn phong bằng vàng nặng 11,9 lượng, tặng vật nhân dịp tứ tuần đại khánh của vua Khải Định vào năm 1924, thuộc sưu tập của hoàng tử Bảo Long, được đấu giá ở London vào năm 2008 - Ảnh tư liệu của T.Đ.A.Sơn

* Thưa ông, việc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế vừa “mua hụt” bộ tranh quý thời Nguyễn ở Mỹ có khiến giới khoa học, giới sưu tập và các nhà quản lý văn hóa nhìn nhận một nguy cơ về sự phát tán và thất lạc các cổ vật, báu vật VN ở nước ngoài và sự bất lực trong cố gắng đưa chúng hồi hương?

- Không phải đến bây giờ, qua sự kiện này, chúng ta mới biết cổ vật và báu vật VN đã bị mất mát, thất tán nhiều như thế nào. Từ lâu, trong lịch sử, chúng ta đã bị mất và biết là mất rất nhiều. Di sản vật thể của cha ông ta suốt mấy ngàn năm qua đã bị hư hỏng, mất mát, thất tán, nói thẳng là đã bị cướp bóc tàn bạo bởi quân xâm lược, qua nhiều cuộc chiến tranh. 

Có hai cuộc chiến lớn khiến cổ vật bị mất nhiều nhất: cuộc xâm lược của nhà Minh thế kỷ 15, với chủ trương hủy diệt văn minh của nước Đại Việt và vơ vét tài nguyên, cướp bóc di vật quý mang về phương Bắc; trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc kéo dài từ 1946-1975, một lượng khổng lồ các di vật, cổ vật, đặc biệt là báu vật đã ra đi theo các đội quân viễn chinh, những gia đình hoàng tộc và những người sưu tập giàu có đến từ phương Tây.

Sau khi hòa bình lập lại, do chưa có Luật di sản nên cổ vật bị xuất lậu, bị buôn bán trái phép khá nhiều. Thời gian sau dù đã có luật, nhưng do lợi nhuận quá lớn mà quản lý lại lỏng lẻo và chế tài chưa nghiêm khắc nên tình trạng xuất lậu vẫn tiếp tục và cổ vật ra nước ngoài ngày càng nhiều. Thật ra hiện nay những nước quản lý cổ vật nghiêm như Trung Quốc hay các bảo tàng châu Âu vẫn bị mất cổ vật, một phần do những tác động của lịch sử: chiến tranh, chiếm đóng, phần do buôn bán, bị mất cắp... 

Nhưng điểm khác nhau cơ bản giữa tình hình mất mát cổ vật của VN và các nước là: họ lưu trữ đầy đủ tư liệu về các cổ vật đã mất; có giới nghiên cứu chuyên nghiệp nắm vững vốn di sản đó đang lưu trữ ở kho, bảo tàng quốc gia hay tư nhân nào ở nước ngoài, tình trạng bảo quản ra sao. Họ biết họ mất cái gì và cái đó có giá trị đến đâu. Còn chúng ta chỉ biết có hiện vật đó khi nó được trưng bày ở đâu đó, thường chỉ đến đó sau khi nó đã được bán xong, chưa nói đến chuyện mua, tham gia đấu giá để mang về nước.

* Chúng ta đã có tiền lệ nào về việc mua lại cổ vật, báu vật quốc gia đang lưu lạc ở nước ngoài để mang về nước chưa? 

- Đáng tiếc, VN chưa hề có tiền lệ nào về việc dùng ngân sách nhà nước mua lại các báu vật quốc gia. Ai cũng biết là dùng tiền nhà nước để mua một vật nào đó, nhất là từ nước ngoài, lại còn thuộc dạng phức tạp trong thẩm định giá trị vì nó không phải món hàng hóa thông thường thì sẽ phức tạp, vòng vo, mất thời gian như thế nào, người quyết lại không phải là Bộ VH-TT&DL mà là Bộ Tài chính.

Nghịch lý là không chủ trương mua, mua không được, nhưng chúng ta lại đã đứng ra... bán. Lại không phải bán những món nhỏ mà bán “sỉ” với khối lượng lớn. Đó là lượng cổ vật khổng lồ trên hai con tàu đắm ngoài khơi Cù Lao Chàm và Cà Mau mà chúng ta đã trục vớt được theo phương thức “ăn chia” với một hãng nước ngoài. 

Từ hồi đó (2001-2002), Cục Di sản đã có kiến nghị Nhà nước nên là chủ đầu tư, đứng ra trục vớt tàu đắm, nếu thiếu phương tiện kỹ thuật thì thuê nước ngoài, chứ không nên ký hợp đồng theo kiểu ăn chia với họ, vì đây là di sản quốc gia, giá trị không thể tính đếm bằng những món hàng sẽ mang đấu giá trên thị trường. Nhưng Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính có tiếng nói quyết định hơn các chuyên gia văn hóa. 

Kết quả là trừ những hiện vật độc bản được giữ lại, chúng ta đã phải đem bán đấu giá hết để chia theo hợp đồng. Đó là một lý do khác về việc hàng chục ngàn cổ vật VN ra nước ngoài. Tiền thu về lúc ấy cũng được vài triệu USD. Nhưng tôi sợ là 50 năm nữa, con cháu chúng ta sẽ phải bỏ ra gấp năm, gấp mười số tiền đó để tái rước những di vật quý giá mà chúng ta đã đem bán.

Cổ vật gốm được tìm thấy trong đợt trục vớt con tàu đắm ở Cù Lao Chàm - Ảnh: Hồ Trung Tú

* Theo ông, VN cần có những chiến lược gì trước mắt và lâu dài để đưa các cổ vật, báu vật của chúng ta quay về đất nước?

- Điều cực kỳ quan trọng là chúng ta cần có một cuộc khảo sát và tổng kiểm kê xem có bao nhiêu di vật, cổ vật VN ở nước ngoài, trong đó có bao nhiêu báu vật, bao nhiêu cổ vật quý giá cần được ưu tiên nghiên cứu (tiếp cận, chụp ảnh, lập hồ sơ hiện vật...). 

Chúng ta đã thực hiện hai cuộc tổng kiểm kê di sản vật thể trong nước, đã xác định có 40 vạn di sản vật thể (đã xếp hoặc chưa xếp hạng), có 3 triệu cổ vật, chủ yếu trong các bảo tàng. 

Số di vật, cổ vật còn trong nhân dân, trong sưu tập tư nhân thì chưa nắm hết được, bao nhiêu cổ vật từ các bộ sưu tập này đi ra nước ngoài những năm gần đây chúng ta cũng chưa biết. 

Để làm được công việc phức tạp và đồ sộ này, cần có sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính... và các nhà khoa học VN ở nước ngoài, cần cử các chuyên gia sang khảo sát các địa bàn trọng điểm tập trung nhiều cổ vật VN như Trung Quốc, Pháp, Hong Kong... 

Kinh nghiệm công tác của tôi cho thấy chuyên gia các nước như Nhật Bản, Pháp... luôn cộng tác, giúp đỡ rất nhiệt tình với các nhà khoa học VN. Chẳng hạn, các sản phẩm gốm Chu Đậu trưng bày ở nước ngoài lần đầu tiên VN được biết là do một nhà ngoại giao Nhật từ Thổ Nhĩ Kỳ báo về khi tham dự một triển lãm tại đây. Kiều bào ta ở nước ngoài cũng luôn sẵn sàng cung cấp thông tin về sự hiện diện của di sản VN ở nước ngoài, nhất là trong các cuộc bán đấu giá. 

Việc cần làm tiếp theo là cải tiến chính sách với các nhà sưu tập trong nước, với kiều bào để khuyến khích họ mua, hiến tặng cổ vật về nước, cả khen ngợi động viên tinh thần, cả khích lệ về vật chất. 

 “Bảo tàng Lịch sử Việt Nam chưa có tiền lệ cho việc mua cổ vật từ nước ngoài, chúng tôi cũng không được cấp vốn để làm việc này. Phát hiện cổ vật tại các địa phương thì cũng do địa phương làm thủ tục rồi chuyển về bảo tàng. 

Chúng tôi vẫn tổng hợp đánh giá lượng tài sản của quốc gia đang ở nước ngoài, trong đó có rất nhiều cổ vật bị chiếm dụng hoặc mua bán bất hợp pháp. Chúng tôi cũng đã tính đến việc hồi hương cho các cổ vật này nhưng đây là cả một lộ trình dài của Nhà nước và ngành ngoại giao. Hiện chúng tôi đã đề xuất với Nhà nước và Bộ Ngoại giao nhưng mới ở dạng dự thảo, chưa hoàn thiện nên không nói được nhiều”.

Chúng tôi rất ân hận khi tham gia soạn thảo Luật di sản năm 2001 đã không đưa được một số điều khoản về việc sưu tập mua, đấu giá cổ vật VN ở nước ngoài, vì có ý kiến: cổ vật trong nước còn quản chẳng xong nói gì đến mua từ nước ngoài về. Nhưng nếu có khung pháp lý cho chiến lược hôm nay, chúng ta đã không bỏ lỡ những cơ hội mua lại cổ vật quý như vừa qua. 

Cục Di sản cũng đã cố gắng tạo ra một cơ chế linh hoạt khi xin được cho Bảo tàng Dân tộc học mua và trao đổi hiện vật với các nước Đông Nam Á, nhưng đó mới chỉ là các hiện vật mang tính dân tộc học, đơn giản và giá trị tiền bạc ít hơn nhiều so với các cổ vật. 

Cục Di sản, với sự tham mưu của Hội đồng di sản quốc gia đang xây dựng một cơ chế để tiến tới cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia được đi sưu tầm hiện vật ở nước ngoài. Đây sẽ là tiền đề cho việc VN tham gia các phiên đấu giá cổ vật quốc tế. 

Khi đã có cơ chế, cần có kế hoạch bài bản trong việc ưu tiên mua những cổ vật, báu vật nào bằng tiền ngân sách, cổ vật nào thì khuyến khích doanh nhân hay kiều bào mua. 

Trên hết, Nhà nước nên hiểu đây không phải là việc riêng của những người chơi đồ cổ, người làm di sản hay của ngành văn hóa. Việc đấu tranh hay vận động đòi được bảo vật quốc gia, động viên kiều bào mua cổ vật hiến tặng bảo tàng trong nước... vừa là thể diện quốc gia, vừa là ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. 

“TP.HCM hiện dành khoảng 10 tỉ đồng kinh phí dự phòng cho các bảo tàng sưu tầm hiện vật mỗi năm. Để dùng được khoản tiền này, từng bảo tàng phải lên phương án sưu tầm, trình hội đồng thẩm định (Sở VH-TT&DL lập). 

Thông thường, như ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, chúng tôi lập phương án và danh mục sưu tầm từ quý 4 năm trước, quý 2 năm sau thì trình lên chờ hội đồng thẩm định của sở duyệt, khoảng quý 4 năm sau bảo tàng mới làm thủ tục thanh quyết toán được. Với quy trình đó, việc mua hiện vật rất chặt. Các bảo tàng chưa từng tham gia đấu giá cổ vật quốc tế vì quá thẩm quyền. 

Tôi cho rằng trong trường hợp xác định rõ đó là cổ vật, báu vật quốc gia cần mua để hồi hương, Nhà nước nên có một hội đồng chuyên môn đủ thẩm quyền để kịp thời đưa ra những quyết định mua cổ vật, bảo vật. Năm nay thực hiện nghị quyết 11/NQ-CP, mua cổ vật được coi là mua sắm tài sản công sẽ càng được xem xét kỹ hơn nữa, siết chặt nữa”.



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận