Chỉ cần đọc là thấy lỗi

MAI VINH HUY 12/10/2011 23:10 GMT+7

TTCT - Đó là nhận định của một độc giả sau khi đọc hai chương của bản dịch tiếng Việt tác phẩm nổi tiếng Women in love.

Phóng to

Women in love, một tuyệt tác của D.H. Lawrence - tiểu thuyết gia người Anh, vừa được dịch ra tiếng Việt với tựa đề Người đàn bà đang yêu, được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Công ty Liên Việt phối hợp ấn hành ra mắt bạn đọc.

Mặc dù có thể đọc được bản tiếng Anh trên mạng, tôi vẫn vui mừng chào đón bản tiếng Việt của tuyệt tác này vì nhiều lý do tâm lý và thẩm mỹ. Nhưng tôi đã hoàn toàn thất vọng. Chỉ mới đọc được hai chương, tôi đã bị dội ngược. Văn phong lủng củng, lôi thôi, rườm rà, khó hiểu khiến tôi nghi ngờ về chất lượng và mức độ chính xác, trung thành với nguyên tác của bản dịch này. Tôi buộc phải ngừng đọc để lấy bản tiếng Anh ra đối chiếu. Và quả nhiên, sự nghi ngờ đã dẫn tôi đến một sự thật cay đắng: chúng ta vừa có thêm một vụ chụp giật trong dịch thuật.

Cách đây sáu năm, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng khi “soi” bản dịch cuốn Mật mã Da Vinci có viết một câu: “Tìm ra một lỗi từ nho nhỏ tới trầm trọng trong bản dịch này là rất dễ. Tìm cho ra một trang hoàn toàn sạch (nghĩa là không có lỗi nào) là việc khó hơn nhiều, đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và kỳ công”. Câu này hoàn toàn có thể sử dụng để nói về bản dịch cuốn Người đàn bà đang yêu.

Bạn cầm trên tay một tác phẩm dịch, nhưng mới đọc được vài chục trang, bạn cảm thấy hình như đây không phải là dịch mà chỉ là những diễn giải như trong từ điển Anh - Việt, hoặc như thể người dịch đang dịch phiên phiến cho ai đó cần hiểu ngay một từ, một cụm từ, một câu, một đoạn nào đó.

Thí dụ: possibly undesireable.

có thể sẽ mang lại đôi chút rắc rối phiền toái.

Chỉ cần dịch: có thể khó chịu.

Tự ý thêm thắt:

Gurdun took up her rubber and began to rub out part of her drawing.

Gudrun nhặt lấy cục tẩy, nghiến răng xát mạnh lên bức vẽ của mình.

Nghiến răng đâu mà nghiến răng.

Vừa thêm thắt vừa tùy tiện bỏ bớt:

Gudrun went on her way half dazed:

Gudrun nửa kinh ngạc, nửa choáng váng

Không thèm dịch “went on her way” (tiếp tục đi).

Dịch “liều mạng”:

“Comfort yourself with that,” laughed Birkin.

“Lấy làm an ủi với cậu vì điều đó,” Birkin cười lớn.

Đúng ra phải là: Hãy tự an ủi mình như thế đi.

Family dignity.

Lòng tự trọng.

Trong khi nghĩa đúng là: Danh dự gia đình.

Bịa đặt, thêm thắt, không hiểu ý câu văn, diễn đạt rườm rà và đầy lỗi hiểu sai (tiếng Pháp gọi là contresens):

She lived a good deal by herself...

Cô đã sống cùng một thỏa thuận khá nghiêm ngặt với chính bản thân mình...

Đúng ra: Cô đã sống rất nhiều (hết mình) (a good deal: rất nhiều).

And yet her soul was tortured, exposed:

Vậy mà tinh thần của Hermione vẫn chưa bị tổn thương, chưa hề bị bóc tách, phơi bày.

Đúng ra phải là: Và tuy vậy tâm hồn cô vẫn bị giày vò, dễ tổn thương.

Và cứ thế mà sai:

It is not always a question of possessions, is it? It is not all a question of goods?

Đấy không bao giờ là câu hỏi của sự chiếm hữu, phải không? Đấy không phải là câu hỏi của những người có đạo đức?

Goods ở đây là hàng hóa vì liên quan đến sự sở hữu ở trước...

Còn vô thiên lủng lỗi nữa, chỉ cần đọc là thấy nhưng như tôi đã nói, tôi không đọc nữa. Tôi không đủ sức để “soi” tiếp. Xin nhường phần bình luận và đánh giá lại cho bạn đọc nào đã lỡ mua cuốn sách rất đắt tiền (148.000 đồng) này.

D.H. Lawrence (1885-1930) là một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại của Anh, là nhà văn có sức tưởng tượng kỳ diệu nhất của thời đại ông. Nhiều tác phẩm của ông được liệt vào hàng kinh điển. Chúng ta không thể tiếp cận một di sản văn chương vĩ đại bằng một bản dịch tệ hại kiểu này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận