Chi tiêu là yêu nước

TRÚC ANH 21/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Khi có khủng hoảng, người Mỹ lại nghe lời kêu gọi hãy tiêu dùng đi, bởi chi tiêu cũng là một cách biểu thị lòng yêu nước. Cách đóng góp cho tổ quốc này nhiều lần đem lại kết quả tích cực, nhưng cùng với nó là những câu hỏi như đâu là giới hạn giữa thiện nguyện và lợi nhuận, và lòng ái quốc có bị lợi dụng?

 
 Quà lưu niệm về sự kiện 11-9. Ảnh chụp năm 2009 của AFP.

Trong thời khắc quốc gia trải qua khủng hoảng, một trong những mối đe dọa lớn nhất với nền kinh tế là người ta sẽ cắt giảm chi tiêu, đẩy đất nước vào suy thoái, người lao động mất việc làm. 

Các vụ tấn công ngày 11-9-2001 diễn ra khi kinh tế Mỹ đang ở giữa đợt suy thoái nhẹ và ngắn hạn. Đây là lúc cần phát huy một phiên bản đặc biệt của lòng yêu nước, mà trang Vox gọi là chủ nghĩa ái quốc tiêu dùng.

Thông điệp của các lãnh đạo chính trị lúc đó là tiêu tiền và kích thích nền kinh tế là con đường để người Mỹ bước qua bi kịch và vượt lên nỗi sợ. Ngay trong đêm 11-9, tổng thống Mỹ đương nhiệm George W. Bush trấn an quốc dân rằng “định chế tài chính của chúng ta vẫn vững mạnh”. Ông Bush kêu gọi người dân đến công viên giải trí Disney World ở bang Florida để vực dậy ngành hàng không đang bị tổn thương. 

Tương tự, Robert Reich, bộ trưởng lao động dưới trào Bill Clinton, viết trong bài xã luận ngày 23-9: “Bọn khủng bố muốn đánh vào trái tim của chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ. Chúng ta cho chúng thấy chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ vẫn sống khỏe bằng cách dùng thẻ tín dụng nhiều nhất có thể”.

Khối doanh nghiệp Mỹ đương nhiên nhiệt tình hưởng ứng; họ tung các gói vay mua hàng không lãi suất và gắn thương hiệu của mình với lòng ái quốc. Hàng hóa in cờ Mỹ tràn ngập thị trường, người tiêu dùng cũng sẵn sàng chi tiêu, như một cách đóng góp vào mục đích chung. Theo Vox, về mặt kinh tế, cú hích tiêu dùng này đã có hiệu quả, và người Mỹ đã hoàn thành nghĩa vụ yêu nước của mình bằng cách chi tiêu.

Chủ nghĩa yêu nước tiêu dùng này của nước Mỹ không phải đến thảm kịch 11-9 mới có. Người Mỹ thuộc địa từng tẩy chay hàng Anh trong chiến tranh cách mạng Mỹ ở thế kỷ 18, còn trong chiến tranh lạnh, Mỹ dùng chủ nghĩa tiêu dùng để tạo sự khác biệt với Liên Xô. Và trong đại dịch COVID-19, người tiêu dùng một lần nữa được nghe lời hiệu triệu quen thuộc. Khi không thể tiêu tiền ở nhà hàng hay đi du lịch, họ được khuyến khích gọi đồ ăn về nhà để giúp hàng quán địa phương.

Có 2 cách diễn dịch chuyện này. Trước khủng hoảng, ai cũng muốn làm gì đó, và nếu tiêu dùng là một cách để đóng góp, hãy cứ để họ làm; trái lại, chủ nghĩa ái quốc tiêu dùng phải chăng đã đơn giản hóa nghĩa vụ công dân thành mỗi chuyện xài tiền? Thảm kịch quốc gia dường như có thể biến thành hàng hóa, đóng gói và bán lấy lời, như vậy có phải là lợi dụng?

Việc Hãng bia Budweiser chạy quảng cáo trong trận Super Bowl 2002 để vinh danh các nạn nhân 11-9 là ví dụ cho các cảm xúc không mấy dễ chịu khi gắn thảm kịch với chuyện tiêu dùng. Mẩu quảng cáo dài 1 phút rất xúc động, nhưng sau tất cả, nó cũng chỉ là để bán bia. 

Sự khó chịu này sẽ còn tiếp diễn nhiều năm về sau, như khi Bảo tàng 11-9 ở New York mở quầy quà lưu niệm vào năm 2014. Gia đình của một nạn nhân đã gọi đó là ví dụ của “chủ nghĩa tiêu dùng vô cảm”.

Nhiều nhãn hàng còn hứa sẽ quyên góp lợi nhuận từ dòng sản phẩm và dịch vụ gắn với ngày 11-9 và lòng yêu nước cho các quỹ thiện nguyện. Vấn đề là, theo một bài viết trên New York Times năm 2002, các doanh nghiệp hô hào sẽ quyên góp nhưng không nói rõ góp bao nhiêu, chỉ thỏa thuận suông, thậm chí không hề báo trước với các tổ chức từ thiện. 

Người tiêu dùng đổ xô mua đĩa nhạc hay sách có liên quan đến ngày 11-9, tin rằng tiền thu được sẽ giúp gia đình những lính cứu hỏa đã hy sinh; thực tế là tiền chỉ chảy vào túi doanh nghiệp. Khi chi tiêu vì yêu nước, không ai nói gì đến chuyện sao kê. 

Theo New York Times, tổng chưởng lý New York lúc bấy giờ là Eliot Spitzer đã cảnh báo người dân muốn góp tiền cho từ thiện thì hãy làm trực tiếp, “hãy ký séc chứ đừng mua sách hay CD”.

Còn ở năm 2021 này, các doanh nghiệp lại nhìn thấy một cơ hội thương mại hóa khác từ những vụ tấn công khủng bố: bày bán kỷ vật 11-9, bởi thông điệp bây giờ là đừng quên những gì đã xảy ra. Song song đó, khi nước Mỹ trên đà trở lại, người tiêu dùng lại được kêu gọi tiếp tục chi tiêu để thúc đẩy khôi phục kinh tế hậu đại dịch. 

Với những gì COVID-19 đã gây ra trong gần 2 năm qua, rõ là không phải ai cũng có thể hưởng ứng lời kêu gọi. Tương lai của kinh tế Mỹ, một lần nữa lại đặt lên vai của những người tiêu dùng ái quốc.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận