Chiếc lều lớn nhạc rap

TIM KENNEDY 03/02/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Nhạc rap đã hình thành và phát triển ra sao, để ngày nay trở thành thể loại âm nhạc có lẽ là tạo ra ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu.

“Chiếc lều lớn” (Big tent) là cách diễn đạt bằng tiếng Anh để mô tả một nhóm hay thể loại lớn tới mức bao gồm những người mà nếu nhìn dưới góc độ cá nhân, sẽ cực kỳ khác biệt. 

Ảnh: The Rundown

Nó thường được dùng cho các đảng chính trị. Khi có người nói, “Đảng Dân chủ là một chiếc lều lớn” chẳng hạn, ý họ là các cử tri Dân chủ có phạm vi ý kiến rất rộng, nhưng họ vẫn là thành viên một đảng - chiếc “lều lớn” bao gồm tất cả họ trong đó.

Nhạc rap ở Mỹ là một chiếc lều cực lớn. Rap hay âm nhạc chịu ảnh hưởng của rap đã là dòng chủ lưu về mặt thương mại tại Hoa Kỳ được khoảng 20 năm qua. 

Trên toàn thế giới, ta có thể thấy ảnh hưởng của rap trong âm nhạc đại chúng từ Mỹ Latin sang châu Phi tới Đông và Đông Nam Á. Sự đa dạng của thể loại âm nhạc này là kỳ vĩ, có lẽ là đa dạng hơn bất kỳ thể loại âm nhạc nào khác.

Nhưng mọi chuyện từng rất khác. Hơn bất kỳ thể loại âm nhạc nào, nguồn gốc của rap có thể được truy nguyên chính xác: Cụ thể là khu Bronx ở thành phố New York những năm 1970. Thập niên đó, những sự kiện “tiệc tùng ở khu phố” trở nên ngày càng phổ biến trong khu Bronx, nhất là với người Mỹ gốc Phi và gốc Latin. 

Ở những bữa tiệc đường phố trong xóm nhà, các DJ sẽ bật nhạc hết cỡ qua loa thùng đặt ngoài đường. Họ lấy những bài hát nổi tiếng, loại bỏ gần hết phần nhạc, chỉ để lại phần nhịp. Trên cơ sở đó, một kiểu âm nhạc mới - nhạc rap - đã ra đời.

Xin được lưu ý một chút về thuật ngữ: Sẽ có những chuyên gia lập luận rằng nói “nhạc rap” (rap music) là không đúng. “Đọc rap” (rapping) là một hành động, không phải một thể loại. Đọc rap có nghĩa là nói ra lời theo nhịp điệu và có giai điệu, gần như kiểu đọc lời cúng tế, và thường là trên nền nhạc. 

Về mặt kỹ thuật, ta có thể “rap” với bất kỳ thể loại nhạc nào: pop, rock, nhạc đồng quê, mọi thứ. Còn loại nhạc thường gắn với rap nhất - kiểu của Drake hay JAY-Z hay Eminem - gọi đúng phải là nhạc “hip hop”. Tuy nhiên, khi nói chuyện bình thường, “rap” và “hip hop” là như nhau, nên tôi cũng sẽ coi là như vậy trong bài này.

Ảnh: Reddit

Vậy là, nhạc hip hop/rap ra đời trong những hoàn cảnh hung hiểm. Tình trạng nghèo đói ở đô thị vẫn là một vấn nạn lớn của nước Mỹ ngày nay, nhưng vào những năm 1970, tình hình còn tệ hơn nhiều. 

Các nhà nghệ sĩ đã thúc đẩy cuộc cách mạng rap thời kỳ đầu ở khu Bronx những năm 1970 xuất thân từ các khu phố nghèo khó với tỉ lệ tội phạm cao - những khu mà người ta vẫn gọi là “khu ổ chuột”, dù ngày nay dùng chữ đó có thể bị coi là bất lịch sự. Vì thế, hip hop trải qua nhiều thập niên bị coi là thứ nhạc hạ lưu, thiếu tinh tế, thậm chí tục tĩu. 

Những bài hip hop đầu tiên không được ghi âm chuyên nghiệp chỉ xuất hiện vào năm 1979, rất nhiều năm sau khi thứ âm nhạc đấy đã ra đời trên những đường phố và ngõ hẻm của khu Bronx.

Hành trình của rap từ cảnh nghèo khó ở Bronx tới thống trị thế giới quá dài và phức tạp, không thể nói hết được trong khuôn khổ bài viết ngắn này. Một bước ngoặt quan trọng là vào đầu những năm 1980, khi những nhà phê bình âm nhạc chuyên nghiệp viết cho các báo và tạp chí như The Village Voice  Rolling Stone bắt đầu để ý và ca ngợi các tác phẩm của những nghệ sĩ hip hop như Grandmaster Flash, Run-D.M.C. và De La Soul.

Cùng với điều đó, hip hop ngày một phổ biến trong văn hóa chủ lưu. Tới những năm 1990, nhạc rap đã chia nhỏ ra thành nhiều tiểu lưu cạnh tranh nhau: khởi đầu cho “chiếc lều lớn” là rap hiện đại bây giờ. 

Hip hop kiểu Bờ Đông (chủ yếu là New York) và kiểu Bờ Tây (chủ yếu là California) đi theo những hướng phân liệt. “Rap kiểu gangster” - phong cách hip hop nói về (và có thể cho là ca ngợi) tội ác và những băng đảng - trở nên hết sức phổ biến, và vẫn vấp phải nhiều chỉ trích dữ dội ngày nay. 

Những thành phố Mỹ khác như Chicago, Atlanta và Houston bắt đầu phát triển phong cách rap riêng của họ. Tới năm 1999, “hip hop” đã trở thành thể loại nhạc bán chạy nhất cả nước.

Vào năm 1999 đó, tôi là một cậu bé người Mỹ mới 10 tuổi, và tôi còn nhớ phần lớn những bậc cha chú trong đời tôi - cha mẹ tôi, thầy cô giáo, các bậc trưởng thượng - có vẻ đều lo lắng rằng nhạc rap sẽ ảnh hưởng xấu lên những đứa trẻ ngây thơ như tôi. 

Nỗi lo đấy không phải là không có cơ sở. Rất nhiều nhạc hip hop, cả hồi đó lẫn bây giờ, là dành cho người lớn, chứ không phải trẻ con. Và một số loại hip hop cực đoan nhất - đáng kể là rap kiểu gangster - có lời lẽ khó mà biện minh được, nhất là những lời phỉ báng phụ nữ mà đôi khi ta nghe được.

Nhưng tôi nghĩ thời gian trôi qua chứng tỏ rằng hầu hết những người chỉ trích rap đã sai. Tôi nghe rất nhiều nhạc hip hop hết sức kích động lúc còn nhỏ (nghe lén thôi, bằng tai nghe, vì cha mẹ tôi sẽ không cho), vậy mà giờ lớn lên, tôi vẫn chưa gia nhập băng đảng nào, chưa làm ma cô dắt gái hay chưa sát hại một ai.

Theo một nghĩa nào đấy, hip hop có vẻ như đang đi cùng hướng với nhạc rock and roll, chỉ là chậm hơn vài thập niên. Hồi những năm 1950, Elvis Presley và cặp mông lắc điệu nghệ của ông bị coi là tục tĩu trên truyền hình Mỹ. Những năm 1970, lối sống tiệc tùng thâu đêm suốt sáng của những nghệ sĩ như David Bowie là đáng hổ thẹn. 

Nhưng khi tôi còn nhỏ, tức những năm 1990, tôi cùng cha tôi đã nghe Elvis và Bowie trên đài phát thanh trong xe hơi. Tôi cho rằng điều tương tự cũng sẽ diễn ra với hip hop những năm tới, khi những ai ngày nay đang nghe rap rồi cũng sẽ sinh con đẻ cái.

Tất nhiên, việc bình thường hóa nhạc rap nhiều khả năng sẽ phức tạp hơn một chút so với rock and roll. Một mặt, hip hop dòng chủ lưu có nhiều từ bậy bạ hơn hẳn so với rock. Ngoài ra còn có vấn đề chủng tộc hết sức gai góc nữa. Hip hop chủ yếu vẫn chỉ có các nghệ sĩ ghi âm người Mỹ gốc Phi và gốc Latin. 

Liệu người da trắng có thể hát rap theo cách của riêng họ không, khi mà nhiều cộng đồng gốc Phi và Latin vẫn còn nghèo túng và khốn khổ hơn nhiều so với các cộng đồng da trắng?

Cuối cùng, một điều thú vị khi thấy nhạc rap bắt đầu bén rễ ở những quốc gia rất xa cách nước Mỹ là việc nhạc rap ở đó “nhảy cóc” qua những câu hỏi khó khăn nêu trên. Nền chính trị sắc tộc ở Mỹ chẳng liên quan gì tới các khúc dạo đầu của rap trong K-pop hay những chương trình như Rap Việt. 

Bốn thập niên sau ngày thai nghén khó khăn ở Bronx, nhạc rap giờ đã vượt lên bối cảnh Mỹ của nó. Không ai dám đoán trước hip hop rồi sẽ tiến hóa ra sao. Tầm với của chiếc lều lớn giờ đã là toàn cầu.■

CHIÊU VĂN (dịch)

Tôi nghe rất nhiều nhạc hip hop hết sức kích động lúc còn nhỏ, vậy mà giờ lớn lên tôi vẫn chưa gia nhập băng đảng nào, chưa làm ma cô dắt gái hay chưa sát hại một ai”.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận