Điện ảnh thập kỷ 2010: Nữ giới lên tiếng

NGỌC ĐÔNG 31/12/2019 05:12 GMT+7

TTCT - Siêu anh hùng, nữ quyền, bình đẳng giới, đa dạng chủng tộc là những nét chính của bức tranh điện ảnh 10 năm qua.

Trong bài viết "Ngành phim những năm 2010: một thập kỷ đã thay đổi ngành điện ảnh mãi mãi", đăng trên BBC cuối tháng 12 năm nay, Nicholas Barber - cây bút chuyên viết cho nhiều tờ báo nổi tiếng như BBC Culture, The Economist, The Guardian, Metro, The New York Times - điểm lại những thành tựu mà ngành công nghiệp điện ảnh thế giới đã đạt được trong 10 năm qua.

“Ngành công nghiệp phim ảnh trong một thập kỷ tính từ năm 2010 chứng kiến nhiều biến động nhất từ trước đến nay, và làn sóng này vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống” - Barber nhận định.

minh hoa dien anh
Lion King bản mới.

Thập kỷ của Disney

Có lẽ không nói quá khi gọi 2010-2019 là “thập kỷ của Disney” trước sự bành trướng của hãng này. Ngoài việc dựng nên và “hái quả ngọt” từ Vũ trụ điện ảnh Marvel (xem bài bên), trong 10 năm qua, Disney còn gây choáng giới điện ảnh khi tự làm mới các tác phẩm cũ của mình bằng công nghệ hiện đại, tạo ra những bộ phim “bom tấn” mãn nhãn mới lạ nhưng cũng đong đầy ký ức với fan Disney. Trong danh sách này, không thể không kể đến The Lion King, Dumbo  Jungle Book.

Chưa hết, Disney thời hiện đại còn “chịu chơi” khi phá rào xé bỏ hết những khái niệm vốn dĩ thuộc về cổ tích, như định nghĩa về “true love kiss” (nụ hôn đích thực) trong Maleficent hay Frozen. Chẳng phải nụ hôn yêu thương của mẹ dành cho con, hay chị dành cho em “đích thực” hơn ngàn lần so với nụ hôn của chàng hoàng tử mới gặp 1-2 lần hay sao?

minh hoa dien anh
Phim Frozen.

Bên cạnh đó, thông điệp nữ quyền cũng được truyền tải mạnh mẽ chưa từng thấy, qua những công chúa Disney biết cưỡi ngựa bắn cung, tự quyết định cuộc sống của mình, tự đi tìm hạnh phúc.

Nhà phê bình phim Nicholas Barber thậm chí còn dự đoán trong thập kỷ tiếp theo, Disney sẽ tiếp tục “chiếm sóng” sau thương vụ thâu tóm 20th Century Fox hồi tháng 3 năm nay, cũng như việc hãng này bắt đầu chạy dịch vụ trực tuyến của riêng mình.

minh hoa dien anh
Maleficent với những diễn giải mới.

Đấu tranh vì bình đẳng

Mười năm qua cũng là giai đoạn điện ảnh thế giới bị ảnh hưởng bởi những đòi hỏi về tính đa dạng (diversity) nhất. Còn nhớ khi đạo diễn Ridley Scott tuyển diễn viên cho phim Exodus: Gods and Kings năm 2014, ông đã chọn Christian Bale, Joel Edgerton, Sigourney Weaver và Aaron Paul để vào vai các nhân vật người Ai Cập cổ đại. Và rồi xuất hiện tranh cãi bởi không ai trong số những diễn viên này có ngoại hình giống người Ai Cập.

Một năm sau đó, tình trạng thiếu đa dạng trong đề cử Oscar 2015 làm dấy lên phong trào #OscarsSoWhite (Oscar toàn da trắng), rồi Ghost in the Shell bị lên án vì chọn Scarlett Johansson vào vai diễn nhân vật gốc Nhật Bản, đến mức Hãng Disney khi làm Moana năm 2016 đã phải thận trọng tìm diễn viên gốc Polynesia để lồng tiếng cho các nhân vật vì phim có bối cảnh một ngôi làng ở Polynesia.

Siêu anh hùng, bình đẳng giới, đa dạng chủng tộc là những nét chính của bức tranh điện ảnh 10 năm qua. Ảnh: Cleveland
Siêu anh hùng, bình đẳng giới, đa dạng chủng tộc là những nét chính của bức tranh điện ảnh 10 năm qua. Ảnh: Cleveland

Tiếp sau đó, những “bom tấn” như Creed, Black PantherSpider-Man: Into The Spider-Verse cũng nhắc nhớ đến tính đa dạng, khi các nhân vật không phải chỉ là toàn người da trắng nữa. Một số thành tựu khác trong cuộc đấu tranh đa dạng sắc tộc trong ngành điện ảnh có thể kể đến chiến thắng của Moonlight tại Oscar 2017, hay các đạo diễn người Mexico ngày càng trở nên “quen mặt” hơn tại Oscar, và chủ đề kỳ thị chủng tộc được phản ánh qua các phim đình đám như The Help, 12 Years a Slave, Django Unchained, Selma, Green Book, BlacKkKlansman

minh hoa dien anh
Bom tấn Black Panther với hình ảnh người da màu trong tâm điểm.

Song song với phong trào vì đa dạng sắc tộc, giới điện ảnh 10 năm qua cũng chứng kiến một cuộc đấu tranh mà ở đó, nữ giới là người lên tiếng. Sự sụp đổ của “đế chế” Harvey Weinstein đi liền với sự nổi dậy của các phong trào Me Too và Time’s Up.

Đấu tranh không chỉ dừng lại ở việc chống vấn nạn lạm dụng tình dục trong ngành điện ảnh, mà còn hướng đến những bất công về thu nhập, sự xem thường nữ giới và các dấu hiệu ngấm ngầm khác của chủ nghĩa phân biệt giới. Còn nhớ hàng loạt sao nữ đã từng phản ứng như thế nào khi Liên hoan phim Cannes cấm phụ nữ mang giày đế bằng trên thảm đỏ. Đơn cử năm 2018, Kristen Stewart lột giày ngay trên thảm đỏ và đi chân trần để phản đối quy định trang phục khắt khe với phụ nữ này.

Thậm chí trước khi bê bối tình dục của Harvey Weinstein bị phanh phui, cũng đã tồn tại một xu hướng phim nói về nữ anh hùng, chứ không phải nam giới mới là anh hùng như ngày xưa nữa.

Sơ sơ có thể kể đến Lucy, Star Wars: The Force Awakens, The Hunger Games, Wonder Woman… Đặc biệt với Wonder Woman, bộ phim này còn mang nhiều ý nghĩa khác ngoài việc khẳng định tuyên ngôn “nữ giới cũng làm siêu anh hùng được”.

minh hoa dien anh
Phim Hunger Game

Năm 2015, Patty Jenkins ký hợp đồng làm đạo diễn Wonder Woman và trở thành đạo diễn nữ đầu tiên thực hiện một bộ phim siêu anh hùng trong thời đại các vũ trụ điện ảnh bùng nổ. Theo The Hollywood Reporter, bộ phim này vượt mọi kỳ vọng và thu về 821 triệu USD từ phòng vé toàn cầu, trở thành bộ phim live-action do đạo diễn nữ thực hiện thành công nhất.

Hustlers, Wonder Woman, Mad Max: Fury Road, Booksmart - những bộ phim đánh dấu sự hiện diện của nữ giới trong thập kỷ qua. Ảnh: ?
Hustlers, Wonder Woman, Mad Max: Fury Road, Booksmart - những bộ phim đánh dấu sự hiện diện của nữ giới trong thập kỷ qua. 

Có thực sự "nữ quyền"?

Jenkins được cho là đã phá vỡ “bức trần kính” (những rào cản vô hình với phụ nữ), và kể từ đó, việc phụ nữ làm đạo diễn phim siêu anh hùng nhanh chóng trở thành khái niệm được chấp nhận. Anna Boden làm đồng đạo diễn Captain Marvel, Cate Shortland thực hiện Black Widow, Cathy Yan làm Birds of Prey và Chloe Zhao ngồi ghế đạo diễn The Eternals…là những ví dụ cụ thể.

Thêm vào đó, nhiều liên hoan và hãng phim lên tiếng hứa hẹn sẽ cân bằng tỉ lệ phim của nam và nữ đạo diễn. Tháng 2 năm nay, báo cáo về sự đa dạng ở Hollywood năm 2019 do Trường đại học UCLA công bố, có tên UCLA Hollywood Diversity Report, cũng cho thấy số lượng đạo diễn nữ đã tăng gấp đôi trong năm 2017 so với năm trước đó.

Quả là những tín hiệu đáng mừng, có vẻ như sau tất cả, những nỗ lực đã khiến thời cuộc thay đổi ít nhiều. Tuy nhiên, bức tranh thời cuộc đã thật sự thay đổi như thế nào, có lẽ cần ngó qua một chút số liệu để kiểm chứng.

Theo báo cáo của UCLA, sự hiện diện của nữ giới vẫn còn yếu ớt: trong số 200 phim điện ảnh nói tiếng Anh hàng đầu năm 2017 mà báo cáo này khảo sát, chỉ có 21 đạo diễn nữ, chiếm 12,6%. Trong khi đó, tỉ lệ vai chính là nữ là 32,9%, có tăng 1,7% so với năm trước đó. Và nếu tiếp tục tăng theo tốc độ hàng năm như vậy, có lẽ phải còn lâu lắm chúng ta mới thấy được tỉ lệ cân bằng giữa nam chính và nữ chính trong điện ảnh.

Ở một khía cạnh khác, thông điệp nữ quyền còn được đòi hỏi phải được thể hiện một cách tinh tế và thấu hiểu phụ nữ hơn, chứ không đơn thuần là chỉ là phim có nữ chính, do phụ nữ làm đạo diễn. Nhà phê bình phim Anne Cohen của trang Refinery29 từng đề cập đến vấn đề này trong bài viết có tên “Tại sao các bộ phim bom tấn về phụ nữ lại khuôn sáo như vậy?” hồi tháng 6 năm nay.

“Phụ nữ luôn cứu những người đàn ông quanh đây. Anh có thể muốn nghĩ về việc đổi tên thành X-Women đấy” là câu thoại mà Mystique nói khi cãi nhau với giáo sư Charles Xavier trong một phân cảnh phim Dark Phoenix. Êkip làm phim thậm chí sử dụng phân cảnh đó để quảng bá cho bộ phim trước khi ra mắt, có lẽ với mong muốn chiều lòng fan nữ.

Tuy nhiên, nhà phê bình Anne Cohen cho rằng hành động này phản ánh vấn đề mà nhiều hãng phim mắc phải: họ không biết phụ nữ muốn gì. Theo cô, câu thoại đó xuất phát từ quan niệm cố hữu rằng dòng phim siêu anh hùng thật sự là của phái nam.

Tương tự, Anne Cohen không đồng tình với những bộ phim remake thay nam chính bằng nữ chính như Ocean’s 8  The Hustle. “Thay vì phát minh lại câu chuyện và các nhân vật, những bộ phim này lại tập trung vào việc nhắc người xem rằng 'nhìn đây, chúng tôi đã có nữ giới rồi đấy! Đây chẳng phải sức mạnh nữ giới hay sao?'” - Cohen viết. ■

CGI "cải lão hoàn đồng" diễn viên

Không chỉ chứng kiến sự “trỗi dậy” của Netflix, mà 2010-2019 còn là giai đoạn màn bạc tràn ngập công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính CGI. Chỉ tính riêng trong năm nay, dân ghiền xinê chắc hẳn chưa quên một Nick Fury “trẻ măng” trong Captain Marvel. Tất nhiên, đoàn phim không thể mang Samuel L. Jackson thời trẻ “xuyên không” đến 2019 để đóng bộ phim này, nên đành phải nhờ đến CGI.

Tương tự, Arnold Schwarzenegger cũng được “trẻ hóa” trong Terminator: Dark Fate, rồi Will Smith vào vai chính bản sao của mình thời trẻ trong Gemini Man, hay trước đó là Robert De Niro trong The Irishman. Đó là chưa kể đến việc người ta còn tính đến chuyện dùng CGI để ngôi sao quá cố James Dean “tái xuất” trên màn ảnh trong một dự án phim dự kiến ra mắt cuối năm sau.

 

Tận thế và sự thống lĩnh của siêu anh hùng

Nếu như những năm 2000 kết thúc với một loạt các phim lấy bối cảnh là những vùng đất hoang tàn hậu tận thế thì các nhà làm phim khoa học viễn tưởng 10 năm qua dường như còn có cái nhìn ảm đạm hơn về tương lai của loài người, khi mà thảm họa môi trường biến Trái đất thành nơi không thể ở được nữa.

After Earth, Oblivion, Elysium, Interstellar, Passengers và Alien: Covenant, tất cả đều đề nghị rằng chúng ta nên hoàn toàn từ bỏ hành tinh của mình và bắt đầu lại cuộc sống trên một hệ Mặt trời xa xôi hoặc một trạm không gian sang trọng.

Trong khi đó, Trái đất (và cả những hành tinh khác) trong vũ trụ điện ảnh những năm 2010 đều cần đến các siêu anh hùng để chống chọi với thảm họa. Thử lục trong trí nhớ của chúng ta xem, có tháng nào mà rạp phim không có một phim thuộc series X-Men nào đó của Fox, một phim Spider-Man nào đó của Sony, hay một phim Superman, Batman, Wonder Woman nào đó của Warner Bros?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận