EURO 2020: Khi cảm xúc ở cực điểm

VŨ CÔNG LẬP 03/07/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Trong bóng đá, mục tiêu thông thường là thắng lợi. Thắng, trước hết là thắng bằng tỉ số, nhưng thắng chỉ như thế có những trận bị xem là may mắn.


 
 Mbappe đá hỏng quả luân lưu khiến Pháp bị loại khỏi Euro 2020. Ảnh: Reuters

Thắng, ở mức cao hơn là thắng cả trên thế trận, loại thắng lợi đích đáng khiến ngay cả đối thủ cũng tâm phục khẩu phục. 

Cuối cùng, có những trận thắng đạt tới mức cao hơn nữa, khiến cho đấy không chỉ còn là một thắng lợi đơn thuần bóng đá. 

Nó khiến bóng đá đủ sức đi thẳng vào tâm khảm và mãi mãi nằm sâu trong trái tim, ký ức con người. Người ta không chỉ xem bóng đá, mà sống những giây phút kỳ diệu của cuộc đời bóng đá. 

Bóng đá không chỉ ở trên sân cỏ, trên các bậc khán đài, mà tỏa ra, len lỏi vào mọi ngõ ngách cuộc đời, trở thành một hiện tượng xã hội, đầy cảm xúc, đầy sức mạnh... 

Euro 2020 đã có không ít những trận đấu như thế.

Trận đấu điên rồ

Sẽ là một thiệt thòi lớn cho những ai không được chứng kiến trận Thụy Sĩ loại Pháp ở vòng 1/8. 

Có rất nhiều cách để gọi trận đấu này, nhưng “điên rồ” có lẽ là tính từ phù hợp hơn cả, vì nó vượt qua nhiều giới hạn thông thường trong cảm xúc của con người. Khó ai có thể nghĩ tới một kịch bản như thế. 

Đấy chỉ có thể là kết quả sáng tạo tự nhiên của bản thân bóng đá.

Trận đấu bắt đầu lúc 2 giờ sáng. Kết thúc lúc 5 giờ sáng. 

Bao gồm đủ cả: hiệp chính, hiệp phụ và sút luân lưu, đá đủ 10 quả. Trận đấu đầy rẫy những bất ngờ nối tiếp, diễn ra ở mật độ cao: Thụy Sĩ ghi bàn dẫn 1-0 (phút 15), Pháp dẫn ngược 3-1 (phút 75), Thụy Sĩ bất ngờ cân bằng không tưởng trong 10 phút cuối... Có những ánh sáng của thần tượng lẫn bóng tối bi kịch.

Và sự đảo chiều chóng mặt khiến người xem không lúc nào có thể ngồi yên, cảm xúc được đẩy lên cực điểm, vừa mừng đến nổ trời đã lại âu lo đến thắt ruột... 

Khi trận đấu trôi qua rồi, cả một ngày lòng vẫn không yên, làm sao một đội bình thường như Thụy Sĩ mà lại có thể thắng được Pháp - đương kim vô địch thế giới, khi chỉ còn 10 phút nữa mà vẫn còn bị dẫn đến 2 bàn?

Phút 75, Paul Pogba ghi bàn tuyệt đẹp rồi biểu diễn một màn nhảy múa hân hoan. Khán giả trầm trồ tán thưởng. Pháp tưởng đã cầm chắc chiến thắng. 

Vậy mà một giờ sau đó, Kylian Mbappe đá quả luân lưu định mệnh cuối cùng, bị Yann Sommer bay người đẩy ra. Những nhà vô địch gục xuống.

Giữa đó là màn rượt đuổi ngoạn mục và kiên cường của các cầu thủ Thụy Sĩ - một đất nước nổi danh thanh bình. Những cầu thủ gần như vô danh, không được biết tên quen mặt. 

Bằng lối chơi tự tin, chủ động, khoan thai, rồi bất ngờ tăng tốc, họ chủ động tạo ra cơ hội và ghi bàn, một cách thuyết phục, quả cảm, xứng đáng được yêu mến và vinh danh. 

Chính Pogba, trong phút sung sướng đến mức lơ đãng, bị cướp bóng ở giữa sân, dẫn đến bàn gỡ hòa 3-3 của Mario Gavranovic, ngọt ngào cho Thụy Sĩ và nghiệt ngã với Pháp. Cuối trận, ai cũng tiếc cho Pháp, nhưng tất cả đều chúc mừng Thụy Sĩ.

Trận đấu này sẽ trở thành bất tử. Nhưng đấy chỉ là câu chuyện về một trận đấu, trong một buổi tối. Còn có những câu chuyện dài về một đội bóng, trong suốt một quá trình, chuyện về đội tuyển Đan Mạch.

Hành trình cổ tích

Họ còn đi xa đến đâu, đó vẫn còn là một câu hỏi, một lời cầu chúc. Nhưng ngay cả khi họ không trở thành vô địch như năm 1992, thì rõ ràng Đan Mạch 2020 lại viết thêm một câu chuyện cổ tích còn kỳ lạ hơn gần 30 năm trước. 

Nhân vật của câu chuyện 2020 còn đặc biệt hơn. Những trận đấu năm 2020 còn huyền hoặc hơn. Nó không đơn thuần nằm ở tỉ số.

Đan Mạch 2020 bắt đầu từ một sự cố không may trên sân cỏ. Cầu thủ bị đột quỵ trong thi đấu ngày nay không còn hiếm, thậm chí có mấy trường hợp tử vong. 

Christian Eriksen trở nên đặc biệt không chỉ vì anh rất nổi tiếng, được cứu sống, mà còn bởi số phận anh gắn bó đặc biệt với đồng đội, với trận đấu, với đối thủ, với tất cả mọi người.

Điều đặc biệt đầu tiên là khi anh gục xuống ở phút 42 trận gặp Phần Lan, người đầu tiên cấp cứu hiệu quả góp phần cứu sống anh là thủ quân Simon Kjaer. 

Khi lực lượng y tế vào sân, cầu thủ lùi ra, và để đảm bảo sự riêng tư cho đồng đội, một bệnh nhân, các cầu thủ Đan Mạch đã lập một hàng rào kín đáo bao quanh anh, bảo vệ anh, cho anh được an toàn, yên tĩnh trước những ống kính tò mò và tọc mạch ai cũng có trên sân. 

Lần đầu tiên chúng ta thấy hình ảnh như thế trên sân cỏ, hình ảnh của một kiểu “bệnh viện dã chiến” chu đáo, vẹn toàn, mà tự nhiên như ắt phải vậy. Bóng đá chính là như thế.

Từ khi tỉnh lại, Eriksen luôn giữ liên hệ chặt chẽ với đội bóng. Qua điện thoại, anh khuyên đồng đội cứ tiếp tục trận đấu đang bị tạm ngừng (và Đan Mạch đồng ý đá tiếp dù chẳng còn lòng dạ nào, một phần cũng do lời khuyên ấy). 

Mấy ngày sau, anh xem đồng đội đá với Bỉ. Từ bệnh viện anh lại gọi điện khuyến khích, rằng “các cậu đã chơi một trận không tin được”.

Cuối cùng, sau khi phẫu thuật đặt máy chống rung, có tin anh còn ghé qua, chào hỏi và chúc mừng đồng đội rồi mới về nhà dưỡng bệnh. Anh để lại lời hẹn ước: rồi tôi sẽ quay trở lại. Anh muốn Đan Mạch tiếp tục thành công khi không có anh, điều lúc đầu khán giả cũng cảm thấy khó tin.

Nhưng bóng đá là như vậy. Nó khiến những điều khó tin trở thành hiện thực. Ở vòng bảng, Đan Mạch đã đá 3 trận, trận đầu còn mấy chục phút đá “cùng Eriksen”. 

2 trận tiếp theo, họ đá “vì Eriksen”. Câu sáo ngữ “chiến đấu vì những người không thể góp mặt” chưa bao giờ được thể hiện cụ thể như vậy. 

Sau khi không còn Eriksen trên sân, Đan Mạch thua Phần Lan 0-1, đá hỏng cả phạt đền. Trận thứ 2, họ thua Bỉ 1-2 sau khi dẫn trước ngay từ đầu trận và khiến đội số 1 trên bảng xếp hạng thế giới FIFA cực kỳ hoang mang. 

Hai trận đầu thua cả, đứng bét bảng, Đan Mạch vẫn được ngợi khen, nhưng hy vọng thì mong manh lắm.

Chỉ có chính những cầu thủ Đan Mạch không nghĩ như vậy. Trận cuối cùng, họ hạ Nga 4-1. Họ lách qua khe cửa rất hẹp để đi tiếp ngay cả khi đã mất cầu thủ đầu đàn. 

Đêm cuối cùng vòng bảng, họ có hai nhiệm vụ: một là thắng, và hai là ghi nhiều bàn, để có ưu thế hiệu số. Trận đấu không dễ dàng, đến phút 79 tỉ số vẫn là 2-1, rồi họ ghi 2 bàn liên tiếp phút 79 và 82. 

Những phút cuối cùng thật huy hoàng. Khán đài như điên đảo. Mỗi khán giả đều như một người Đan Mạch. Thắng lợi và mỗi bàn thắng đều gửi tặng Eriksen.

Một điều kiện khác để Đan Mạch đi tiếp lúc này là Bỉ phải thắng Phần Lan cách biệt. Trận đấu này cũng không đơn giản, đến phút 79, tỉ số vẫn là 1-0, Romelu Lukaku là người đã ghi bàn kết liễu 2-0. 

Lukaku cũng thuộc về câu chuyện Đan Mạch. Anh vừa là bạn, vừa là đối thủ của Eriksen. 

Khi Eriksen đã đi cấp cứu, lúc ghi bàn vào lưới Nga, Lukaku chạy ngay đến trước ống kính máy ghi hình, gửi lời chào và gửi tặng bàn thắng cho Eriksen.

Rồi trận Bỉ - Đan Mạch, ở phút thứ 10 (số áo của Eriksen), hai đội đã ngừng trận đấu để gửi lời chào đến người đồng nghiệp chẳng may gặp nạn. 

Khán đài vang vọng những lời hô và tràn ngập những chiếc áo của Eriksen. Hình như không còn ai nghĩ về trận đấu trên sân, họ chỉ đồng lòng nghĩ về một người. 

Rồi tới trận gặp Xứ Wales vòng 1/8, khi hai đội ra sân, thủ quân Gareth Bale của Xứ Wales đã trang trọng trao cho thủ quân Đan Mạch chiếc áo rất to, căng phẳng phiu, ngay ngắn với tên và số áo của Eriksen.

Bất cứ đâu Đan Mạch thi đấu là Eriksen hiện hữu. Chính trên cái nền ấy, Đan Mạch khiến thế giới bóng đá ngạc nhiên và thán phục vì những gì họ thể hiện. 

Người hâm mộ lại được thấy một Đan Mạch uyển chuyển, tốc độ, phóng khoáng và uy lực như thời 1992. 

Họ ghi 4 bàn vào lưới Xứ Wales để tiếp tục một hành trình đầy cảm xúc đã được hun đúc qua mọi biến cố có thể tưởng tượng được.

Hy vọng câu chuyện cổ tích hiện đại Đan Mạch sẽ còn được viết tiếp ở Euro lần này.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận